Hiến pháp, để làm gì
Năm nay là năm được mùa về hội thảo Hiến pháp. Các ý kiến dọc, ngang, xuôi, ngược, đủ chiều. Cũng là điều rất nhiều người không dễ hình dung từ trước được như thế.
Xã hội cổ truyền Việt không cần Hiến pháp. Xã hội cổ truyền về căn bản là làng-nước. Trong làng thì chủ yếu là ước lệ, tập tục. Ngoài làng thì có chiếu vua, lệnh quan, lúc được lúc chăng. Hoạt động của thần dân thì cứ ang áng theo đó, lệ làng và phép vua, không cần thật chuẩn, mà cốt làm sao không quá chướng, kẻo mà bị phạt vạ.
Xã hội đương đại Việt, nhu cầu về Hiến pháp
Xã hội đương đại Việt tiến lên.
Những bản Hiến pháp đầu tiên có một số giá trị nhất định về mặt văn bản. Nhưng trong thực tế đời sống thì nó chỉ dừng lại là một bản bố cáo xã hội. Người dân chưa bao giờ cầu viện gì được ở nó cho các quyền của mình trong đời sống thực tế.
Con người Việt sau mấy chục năm chiến tranh, nghèo nàn, đói kém, bệnh tật, giấc mơ đầu tiên của họ là được ở yên, được ăn no, được mặc ấm, được làm ăn, được học hành, tất cả ở mức đủ để sống còn. Giấc mơ này chưa chạm đến Hiến pháp.
Những năm gần đây người Việt bắt đầu được thả ra, bung ra, tự do làm ăn. Xưa kia ra đầu đường bơm xe, không phải là người của hợp tác xã bơm xe thì hẳn là làm kinh tế cá thể, không được. Tuy nhiên, “khuất mắt”, thì kệ.
Tiến lên một bước, người Việt bắt đầu được đi lại tự do hơn, được cư trú linh động hơn ở trong nước, trong tình huống thị trường lao động tự do dần hình thành. Việc mở cửa buôn bán ra nước ngoài đưa đến việc tự do hóa việc đi lại cho người Việt ra nước ngoài, một điều khoản bắt buộc phải kí và thực thi trong những hiệp định thương mại với những đối tác trọng yếu. Và từ ít năm nay, mỗi người dân có quyền được có hộ chiếu trong tay, được cất ở nhà – trước đây thì ngay các quan chức cấp cao cũng không được giữ hộ chiếu trong tay, chỉ khi được chính quyền cử đi đâu thì mới được tạm cấp phát hộ chiếu, và khi về nước thì phải nộp lại hộ chiếu.
Về thông tin, đọc sách báo thì bắt đầu có máy photocopy là cái thứ rất khó cai quản. Rồi thì có Internet, lại càng khó cai quản hơn.
Tất cả sự phát triển và giao lưu ấy làm cho người thần dân xưa đã và đang trở thành những con người với ý thức ngày càng rõ hơn về nhân phẩm, về các quyền của mình khi tham gia vào đời sống xã hội. Làm sao để thương nghị và gìn giữ được nhân phẩm và các quyền làm người của mình ở mức khả dĩ nhất trong đời sống xã hội đương đại, câu hỏi vô hình đó đẩy người Việt lên khỏi bề mặt của xã hội thường ngày để mong chủ động được cuộc sống xã hội của mình.
Xã hội đương đại Việt, Hiến pháp phải trả lời những gì
Khi các thần dân quyết tâm trở thành công dân là một bước tiến căn bản từ xã hội quý tộc thần quyền sang xã hội cộng hòa thế tục. Hệ thống các giá trị mới của đời sống được hình thành dần lên. Những con người bị ràng buộc bởi tập tục, thần quyền truyền thống, đã bước lên để trở thành những con người tự do thế tục, và họ chủ động tìm cách đưa ra được một hệ thống những quy tắc tường minh mới để tổ chức đời sống xã hội, làm nên hợp đồng xã hội. “Chúng ta từ nay sẽ sống với nhau như thế này”. Hiến pháp đơn giản là như vậy.
Các lý tưởng xã hội, nhân văn là những ngọn đèn dẫn đường. Đó là tự do, công lý, quyền làm người, lòng nhân hậu, sự thịnh vượng chung… Những lý tưởng này đồng thời là những cái nhìn thật nghiêm khắc để kiểm tra thường hằng xem các quy trình xã hội có thỏa mãn được chính những lý tưởng này ở mức cao nhất có thể, và ngày càng cao hơn.
Nền tư duy pháp lý chịu trách nhiệm thiết kế kĩ thuật để cho những lý tưởng trên trở thành hiện thực.
Nền giáo dục trau dồi các lý tưởng xã hội, nhân văn, chuẩn bị các năng lực khoa học, kĩ nghệ để xã hội con người luôn luôn tái nạp được ngày càng đầy đủ, sáng tạo các năng lượng để bảo trì và thúc đẩy các tiến bộ xã hội.
Sự khai thông tiến triển của xã hội dân sự thúc đẩy tính chủ động, sáng kiến, tự do cho các cá nhân và toàn xã hội.
… Sau hết, với một người công dân, Hiến pháp phải là cái gì rất hiện thực. Vì thế, cuộc góp ý về bộ luật căn bản nhất của đời sống xã hội cần là một cuộc thảo luận tập thể cho thật rành rẽ, ra ngô ra khoai về nó, để có được một Hiến pháp văn minh, hiệu quả, thiết thực cho việc tổ chức và vận hành suôn sẻ đời sống của xã hội trong toàn bộ, trong dài lâu.