Hiện trạng khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta

Trên cơ sở mô tả tổng trạng và dựa vào những mốc lớn của lịch sử trong một thế kỷ vừa qua, tuy không quên ghi nhận những thành tựu mà đội ngũ những người lao động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta đã đạt được, bài viết được xây dựng chủ yếu trên cảm hứng phê phán và tự phê phán, tự xác định mục tiêu chủ yếu là chỉ ra một số phương diện yếu kém, bất cập từ trong lịch sử và cả ở hiện trạng của lĩnh vực lao động mà tác giả là một người trong cuộc.


Sứ mạng của các khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam

Để có thể tổ chức và lãnh đạo những cộng đồng có tầm cỡ quốc gia – dân tộc, giới cầm quyền ở các cộng đồng hữu quan phải kiến tạo cho mình bằng được một (hay những) công cụ thống trị tinh thần, cái mà trong triết học gọi là hệ ý thức hay hệ tư tưởng. Nhưng có thực tế, là bất kỳ quốc gia nào cũng có tầng lớp (hay giai cấp) thống trị riêng, mà đỉnh chóp của chúng là các triều đại, song không phải bất kỳ, hay nói chung, đại đa số các triều đại như vậy lại hội đủ điều kiện để tích hợp khả năng hệ thống hóa tri thức (là thứ bao giờ cũng tồn tại với những đặc điểm là có khả năng tán phát và di truyền xã hội cực mạnh) để hình thành nên những hệ tư tưởng độc lập.Vậy nên trong lịch sử nhân loại, các hệ tư tưởng thường là thứ sản phẩm lai ghép từ nhiều nguồn gốc khác nhau, ở đó sự cộng sinh của các thành tố dị chủng hay chuyện vay mượn (từ vay mượn yếu tố đến vay mượn hệ thống) là hiện tượng phổ biến. Tình hình đó khiến cho hệ tư tưởng là loại sản phẩm ít có khả năng hoàn nguyên về chỉ một nguồn gốc mang tính dân tộc.
Cũng từ thực tế đó mà từng nhiều phen trong lịch sử xuất hiện tình huống giữa các thực thể chính trị có chung nền tảng hệ tư tưởng vẫn nảy sinh những bất đồng, xung đột chính trị sâu sắc, thậm chí trong những trường hợp nhất định dẫn tới cả những xung đột vũ trang. Các nền văn minh lớn, về sau là các nước lớn, thường có vai trò “máy cái” trong việc sản xuất các học thuyết, các hệ thống triết học và hệ tư tưởng, nhưng ngay cả các nền văn minh hay các nước lớn như thế cũng không tự khép kín, không tự cung tự cấp đủ cho chính mình mọi yếu tố cần thiết để cấu thành nên một hay những hệ tư tưởng hoàn chỉnh.Vì lẽ đó, trong lịch sử tư tưởng, lịch sử triết học thế giới, các hệ tư tưởng thực thụ thường tác động trên quy mô xuyên/ liên dân tộc, nói cụ thể hơn, thường ở dạng hệ tư tưởng khu vực hay trong trường hợp thành công hơn, liên khu vực, trước khi xuất hiện những học thuyết có tham vọng phổ quát hóa ra toàn thế giới.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra một trong những hạn chế của giới trí thức dân tộc là ít có những thành tựu và phong cách tư duy mang tính lý luận. Xét như đối tượng của một ngành, một lĩnh vực hoạt động sáng tạo tri thức, thì triết học và tư duy lý thuyết là thứ người Việt Nam không có nhiều để tự hào. Nhưng có vấn đề lớn xuất hiện khi hệ tư tưởng chủ yếu có nguồn gốc ngoại nhập thì về nguyên tắc bao giờ cũng được thể hiện ở vùng “đất mới” trong diện mạo hoặc ít hoặc nhiều bị khúc xạ, biến thái, xuyên tạc hay cải tạo. Trong những trường hợp đó, giới cầm quyền ở các quốc gia – dân tộc “nhập khẩu học thuyết” lại cũng thường có những nỗ lực để chí ít là “vận dụng một cách sáng tạo”, cao hơn, là có kỳ vọng “bổ sung làm phong phú thêm” các học thuyết  được nhập cảng đó. Cá biệt, có những học thuyết, những hệ tư tưởng được nhập khẩu rồi chế tác lại, “cải tạo và phê phán” đến mức thành ra một hệ tư tưởng khác, một mô hình lý thuyết khác. ý đồ của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam hướng tới việc nỗ lực mong tìm thấy những đặc trưng của Phật giáo, Nho giáo, sự kết hợp Tam giáo theo “cách riêng” của Việt Nam qua tương tác với các yếu tố bản địa trong thời quân chủ chuyên chế hay nỗ lực để đề xuất nên những đặc thù của hệ tư tưởng tư sản, hệ tư tưởng vô sản trong giai đoạn Âu hóa, hiện đại hóa xã hội có cơ sở từ thực tế khách quan như thế. Mức độ chân thực của các kết quả tìm kiếm ấy đến đâu lại là chuyện khác. Chỉ có điều phải lưu ý, một học thuyết không bao giờ là chính nó nếu nó được di thực và bứng trồng vào những môi trường xã hội vốn mang sẵn những đặc trưng quá khác biệt về cấu trúc và quá trình phát triển kinh tế – xã hội – lịch sử so với ở nơi mà học thuyết đó được đề xướng nên, ở nơi, nói một cách chặt chẽ, chỉ với những điều kiện tương ứng nó mới thực sự xứng đáng để được coi là tri thức lý luận, sản phẩm trừu tượng hóa nhận thức từ một/ những thực tiễn xã hội – lịch sử cụ thể cho trước.
Toàn bộ tồn tại lịch sử của thực thể Việt Nam đòi hỏi việc khái quát “từ nó và cho nó” nên những luận điểm và thành tố lý thuyết mới, nhưng cho đến nay, nói một cách thẳng thắn và sòng phẳng, những đúc kết lý thuyết ấy còn chưa được tiến hành tới ngưỡng khả tín cần thiết. Triết học và các ngành khoa học “cận triết học” khác ở Việt Nam vẫn tồn tại lơ lửng đâu đó trong một trạng thái hoặc không trọng lượng, hoặc bị nhận mặt là con lai, trong khi cộng đồng vẫn bị níu lại bởi tâm thế khó cởi mở với những sinh linh “khác máu tanh lòng”!
Du nhập những bộ khung lý thuyết tối giản của các ngành khoa học xã hội và nhân văn từ nguồn gốc Âu Mỹ, rồi không nhận được sự liên tục bổ sung các tri thức lý luận và phương pháp làm việc hoặc bổ sung một cách chiếu lệ, gặp chăng hay chớ, khá nhiều chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam như những đứa trẻ vừa bị sinh thiếu tháng vừa bị nuôi thiếu chất trầm trọng, lâm vào một quán tính vô tích sự xã hội thường trực. Tình trạng lạc hậu và lạc lõng của các khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam nếu mang so sánh với tiềm năng tiếp cận hòa nhập với trình độ thế giới của các lĩnh vực khoa học tự nhiên hay thậm chí một số khá lớn các ngành kỹ thuật là điều không thể không báo động.
Nếu được tổ chức và khai thác có hiệu quả thực sự, các khoa học xã hội và nhân văn sẽ trở thành nguyên động lực cho việc định hướng và giữ nhịp cho các quá trình vận động xã hội hiện thực, nghĩa là trở thành một công cụ nhận thức mạnh mẽ cho giới lãnh đạo xã hội đương quyền, cũng có nghĩa là đóng một vai trò chính trị trực tiếp, đồng thời với việc tìm kiếm nguyên liệu và năng lượng xã hội cho các quá trình phát triển xã hội vị lai, nghĩa là trở thành nguồn lực cho các lực lượng chính trị – xã hội trong tương lai.
Trên thực tế, cho tới nay chưa bao giờ các khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam được và tự phấn đấu để giành được một địa vị như thế. Minh họa các kết luận chính trị bằng các chất liệu, các dữ kiện khoa học hóa, thậm chí đón ý và phụ họa các định kiến của những nhân vật quyền lực nào đó đã kịp trở thành “tác phong khoa học” không quá lạ lẫm ngay ở các đại diện của cả một số ngành vốn được coi là “mũi nhọn”. Vài chục năm nay xuất hiện loại hiện tượng chưa hẳn lương thiện hơn nhưng chắc chắn vô vị hơn: trưng bày những diện mạo có vẻ “khách quan, uyên bác”, “chuyên nghiệp hóa”, khai thác tâm lý hiếu kỳ  và sùng thượng khoa học, nhưng không dẫn các kết quả tới những mục tiêu thật sự rõ ràng.

Địa vị của các khoa học xã hội – nhân văn?

 
90% thư tịch cổ vẫn chưa được dịch


Có một định kiến, ít nhất lưu hành trong vô thức của giới chuyên gia của các lĩnh vực chuyên môn hẹp thuộc các khoa học tự nhiên và kỹ thuật, rằng “nói trắng ra, các lĩnh vực được gọi là khoa học xã hội – nhân văn không phải là những khoa học đích thực”. Bởi không ai chính thức nói và viết thành “giấy trắng mực đen” những lời như vậy, càng không có bất cứ cơ quan có thẩm quyền xã hội nào khẳng định điều ấy, nên định kiến ấy chỉ có thể lưu hành một cách “dân gian”, nhưng với những gì lưu trong cảm nhận cá nhân, tôi cho rằng đó là một định kiến có quy mô ảnh hưởng sâu rộng, gieo rắc những sai lầm và gây họa khủng khiếp! Tôi không bịa đặt, không vu khống hay nghiêm trọng hóa chuyện tồn tại một định kiến như thế, mà đã trải nghiệm nó một cách nhức nhối qua cả một thời gian dài, qua cửa miệng của nhiều người, hoặc họ là bạn bè làm việc trong phạm vi các khoa học tự nhiên – kỹ thuật, hoặc nhiều hơn nữa trong giới trẻ chuẩn bị chọn nghề nghiệp khi bước vào đời. Định kiến đó chỉ bị thu hẹp hoặc trở nên lố bịch trong môi trường nào văn hóa khoa học cao, có thể rất mờ nhạt hay thậm chí không tồn tại ở các nước có trình độ dân trí phát triển. Rất đơn giản, ở những môi trường như vậy, người ta có điều kiện để kiểm chứng sòng phẳng và tức khắc việc thiếu vắng những hiểu biết có hệ thống và cơ bản các lĩnh vực tri thức thuộc khoa học xã hội và nhân văn đã/hay sẽ mang lại những hậu quả gì.
Nhưng nguyên nhân của một thái độ mang tính định kiến, kỳ thị đối với các khoa học xã hội và nhân văn như thế ở những nước như nước ta không thể chỉ được tìm thấy từ “bên ngoài”, mà trước hết phải được nhận ra từ bên trong bản thân đội ngũ những người theo đuổi các lĩnh vực này lẫn những thành tựu khá “khiêm tốn” – từ đó dẫn đến địa vị tinh thần cũng khá “khiêm tốn”- mà các khoa học ấy đạt tới. Hégel từng nhận xét rằng các định kiến trong nhận thức vừa thể hiện ra ở các thời điểm cụ thể như là “chân lý của thời đại”, vừa như những giới hạn cần và chắc chắn phải bị vượt qua. Việc vượt thoát khỏi những định kiến như thế phụ thuộc trước hết ở khả năng tự trưởng thành của các “đối tượng” bị định kiến đó đeo đẳng.
Trong thời đại ngày nay, ở một xã hội cụ thể, trạng thái yếu kém của các khoa học xã hội và nhân văn sẽ dẫn đến những hệ quả to lớn, bởi chỉ qua các khoa học xã hội và nhân văn mà một xã hội tự trình hiện mình, tự ý thức về chính mình một cách đích thực nhất. Số phận của một cá nhân cho đến một tập đoàn kinh tế có thể được quyết định chỉ bởi một hay một vài sáng chế, phát minh, phát kiến khoa học, nhưng số phận của một cộng đồng lại chỉ có thể được xác định thông qua hàng loạt những tương tác kinh tế, chính trị, văn hóa và đạo đức phức tạp, cả theo chiều hướng nội lẫn theo chiều hướng ngoại. Mục tiêu tối hậu của các khoa học xã hội và nhân văn là hướng tới cộng đồng, nghiên cứu con người và xã hội bằng hệ quy chiếu cộng đồng để phục vụ cộng đồng. Không biết có phải là một nhận xét nhầm lẫn không, nhưng tôi cho rằng khác với những hoạt động sáng tạo nghệ thuật hay những tìm tòi trong các khoa học tự nhiên thường dễ dàng tìm thấy nhiều hứng thú và cảm hứng tự thân, trong quá trình sáng tạo thường xuất hiện rõ nét yếu tố tự thưởng ngoạn, tự chiêm nghiệm, những người làm việc trong các khoa học xã hội thường phải tìm nguồn cảm hứng hỗ trợ từ chỗ nhận thức rõ về ý nghĩa xã hội của công việc mình đang theo đuổi. Tương tác tạo nên sức mạnh phát triển bền vững giữa các khoa học tự nhiên, kỹ thuật với các khoa học xã hội và nhân văn ngày nay đã không chỉ được các chính phủ, các thể chế xã hội – nhà nước biết tới, mà cũng đã kịp trở thành phương châm tồn tại của các hãng, các tổ hợp, tập đoàn kinh tế nổi tiếng trên thế giới. Mở rộng phạm vi quan tâm sang các lĩnh vực văn hóa, khoa học xã hội nhân văn hay nghệ thuật, đó không phải là những hoạt động đánh bóng tên tuổi hay mang tính chất từ thiện, mà quan trọng hơn, các hãng, tập đoàn, tổ hợp ấy đang tạo ra một sự tự chuyển đổi bản chất bên trong, biến mình thành những thực thể xã hội đa chiều và ổn định lâu dài, thành những cộng đồng xã hội hoàn chỉnh, chứ không còn đơn thuần là những “cơ sở sản xuất kinh doanh” như chúng là thế mấy chục năm về trước.

* * *

Có lẽ đã có quá nhiều sự mạo muội, quá nhiều những nhận xét, nhận định “vượt phận”, cho dù bài viết này, trong ý thức chủ quan của tác giả, mới chỉ là việc thốt ra những lời chẳng đặng đừng. Dẫu sao, dù bậc thánh nhân xưa có dạy rằng “bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính”, dân gian cũng từng giễu cợt những thân phận “gái góa lo chuyện triều đình”, nhưng cũng chính bởi bậc thánh nhân ấy cũng có khuyến dụ rằng “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, mà dân gian cũng có lời động viên đối với những ai thấy sóng cả mà không ngã tay chèo, tôi cứ muốn nêu lên một nhận xét, cũng có thể coi là lời chất vấn sau cùng này: có hay chưa ở Việt Nam một quy hoạch xứng tầm quốc gia đối với những vấn đề hết sức then chốt mang tính chiến lược của sự tồn tại và phát triển của các khoa học xã hội và nhân văn?

  Thật khó mà khẳng định chắc chắn, rằng kể từ buổi giao thoa Đông Tây dẫn đến sự xuất hiện của một thứ nghề nghiệp mới ở Việt Nam được gọi tên là nghề “làm khoa học” cho tới nay, thì ngành nào trong số các ngành của khoa học xã hội và nhân văn được “đăng ký trước bạ” sớm nhất. Tuy nhiên có thể nói hai lĩnh vực để lại những thành tựu đạt tới trạng thái “cổ điển” sớm nhất kể từ buổi Âu hóa, là thư tịch chí và dân tộc học, và điều đó không ngẫu nhiên. Nếu ta biết rằng, một trong những tác giả đầu tiên của văn học Việt Nam được người Pháp chú ý là Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm văn học Việt Nam đầu tiên được dịch sang tiếng Pháp là truyện Nôm Lục Vân Tiên, không chỉ dịch một lần bởi một dịch giả, mà dịch vài lần với những dịch giả và sự lựa chọn thể loại khác nhau, ta sẽ hiểu dụng ý hàng đầu của người Pháp khi dịch tác phẩm và mối quan tâm của họ đối với tác giả đó: trước hết họ muốn lĩnh hội và chuyển tải những “dữ kiện dân tộc học” chứ không phải đã có hứng thú đặc biệt, “mang tính mỹ học bất vụ lợi” với một tác giả, một tác phẩm văn học! Nói rộng ra, không phải vô cớ mà những công trình nghiên cứu về dân tộc học và về sau, nhân loại học của các học giả phương Tây lại chính là bộ phận quan yếu nhất làm nên chuyên ngành Đông phương học ở các nền khoa học “chính quốc”. Tuy nhiên, một khi phải kiến tạo hệ thống cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở tầm một quốc gia có chủ quyền, độc lập, như là lĩnh vực này đòi hỏi phải thế, thì bộ ba các môn học “văn, sử, địa” (nhân thể, môn “địa lý” ở thuở manh nha buổi đầu chỉ có thể là địa lý nhân văn mà chưa phải là một chuyên ngành thuộc khoa học tự nhiên như đến thời điểm phát triển hơn về sau) lại nằm ở nền móng của cả hệ thống đó.

Ý kiến của bạn?

(Ảnh trên: Hội thảo quốc tế về chữ Nôm tháng 6/2006)

Trần Ngọc Vương

Tác giả

(Visited 28 times, 1 visits today)