Hoa anh đào bên cảng Tokyo

Đứng bên khẩu pháo có lẽ đã từng in bóng ba nhà yêu nước họ Phan - Trần - Huỳnh trong chuyến ghé thăm cảng Cam Ranh, tôi bâng khuâng nhớ chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà các nhà cách mạng Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục đã chủ trương từ một thế kỷ trước.

Từ ga Shinjuku phía Tây Tokyo, tôi tìm tàu đưa xuống Bảo tàng Hàng hải ở phía Nam thành phố. Mạng lưới giao thông công cộng ở một đô thị khổng lồ giao nhau như mắc cửi, có chỗ ghi thêm chữ Anh, nhưng có chỗ chỉ ghi các điểm đến bằng kanji tức chữ Hán làm cho người đi đường thấy bối rối trong vài phút đầu tiên. Cuối cùng tôi cũng đi theo đường vòng cung thành phố tới ga chuyển tàu có tên là Shinbashi (chữ Hán là Tân Kiều). Ra khỏi ga để đi bộ, chuyển ga sang tàu con thoi đi xuống phía Nam của cảng, tôi cảm thấy yên tâm vì nó rất giống ga Greenwich tại London. Cái ga cần đến có tên là Fune-no kagakukan tức Bảo tàng hàng hải được đánh số U8 rất rành mạch. Và trong nháy mắt, từ trên cao, tòa nhà với hình dáng một con tàu khổng lồ vài chục nghìn tấn đã hiện ra, uy nghi, được bao quanh bằng những rặng hoa anh đào đang nở rộ.

Bảo tàng chiếm lĩnh cả một khu đất rộng rãi đủ để làm một cái cảng cho tàu viễn dương ra vào, với bãi đậu xe buýt của các đoàn, xe cá nhân được phân lô ngay ngắn, với các khu vực trình bày ngoài trời đủ chỗ đặt những chiếc tàu lặn, tàu ngầm lịch sử, những cỗ pháo hạm khổng lồ, các tượng đài. Cầu cảng ven bảo tàng đủ chỗ trưng bày ba bốn con tàu trong đó có chiếc tàu buồm với rừng cột và xà ngang gợi nhớ kỷ nguyên buồm đầy lãng mạn. Ngày chủ nhật cũng là ngày mở cửa, nhưng dịp cuối tháng Ba này, các gian phòng trên lầu trong tòa nhà chính đóng cửa để tu sửa, phần còn lại vẫn hoạt động. Và những chiếc xe lớn đổ xuống các cô cậu học sinh trung tiểu học háo hức trèo lên những chiếc tàu bảo tàng đậu ven cảng. Lại chạnh lòng nhớ về nước mình, biển rộng sông dài như vậy mà hai trung tâm đào tạo người đi biển không có đất cắm dùi. Đại học Hàng hải Hải Phòng “núp” trên đường Lạch Tray, phải vài cây số nữa mới tới biển còn Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh “rúc” trong khu D2 Văn Thánh chật chội! Và số phận của nhà máy Ba Son sau khi di chuyển đã được định đoạt. Tại đây sẽ là một khu đô thị mua bán sầm uất trên nền của một vùng đất thiêng hàng hải, nơi đã in dấu Xưởng Chu Sư thời Nguyễn, nơi cùng với trường Cao Thắng (Bá Nghệ Sài Gòn) gần đó đã thực hiện những bước đi đầu tiên của nghề đóng tàu và hàng hải hiện đại với các tên tuổi Văn Ba-Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Đoàn Văn Bơ, Ngô Văn Năm… và hàng chục tên tuổi được đặt cho nhiều con đường thành phố Sài Gòn. Có lẽ chúng ta còn quá nghèo chăng nên không dám dành những khu đất sông biển đẹp đẽ cho giáo dục, cho bảo tàng tức một hình thức giáo dục cộng đồng trong khi lại dự kiến bỏ ra vài nghìn tỷ để xây một bảo tàng khoa học tại Đồng Nai mà tại đó chưa có một dấu vết truyền thống đáng kể?

Soya, con tàu gần 80 tuổi

Ở nước ta, con tàu già nua này chắc đã “mồ yên mả đẹp” trong các lò luyện thép sau một cuộc mua bán phế thải. Nhưng hôm nay, con tàu này vẫn bền bỉ đậu tại nơi đây để kể lại cho các thế hệ trẻ cuộc đời đầy bi tráng của mình. Được một xưởng Nhật đóng vào năm 1938 cho chủ tàu Nga với cái tên “tàu phá băng Volochaevets” nhằm trả nợ cho Liên Xô nhằm thanh toán món tiền mà Liên Xô đã để cho Nhật dùng đường sắt Nam Mãn Châu trên đất Trung Quốc. Con tàu chưa kịp bàn giao thì chiến tranh nổ ra, con tàu được quân đội Nhật phát xít huy động đi vận tải quân sự. Tàu trúng ngư lôi Mỹ, giết chết 10 thủy thủ. Sau chiến tranh, nước Nhật đứng dậy từ đống tro tàn, con tàu được sửa chữa rồi làm công tác vận tải.

Vào những năm 50, người Nhật tiếp tục cuộc nghiên cứu Nam Cực và con tàu trở về đúng với nghề “phá băng” của mình, nó mang tên Soya và là một trong những con tàu nghiên cứu Nam Cực chủ chốt của nước này. Chuyến thám hiểm vào năm 1958 của tàu đã thất bại nặng nề. Tàu không tiến vào được trạm Syowa của Nhật đã lập tại Nam Cực, chỉ cứu được người còn phải bỏ lại 15 con chó kéo xe trong trạm với điều kiện sinh hoạt còn lại chỉ giúp chúng tồn tại trong một tuần lễ.

Đối với những người nghiên cứu địa cực, các chú chó kéo xe thực sự là những người bạn mạnh khỏe, trung thành, những con tuấn mã trên băng giá giúp con người di chuyển trước khi có các phương tiện hiện đại như ngày hôm nay. Bỏ mặc chúng trong trạng thái xích chặt không cho ra ngoài, là một điều đau đớn với những người đi biển. Một năm sau, con tàu quay trở lại trạm Showa chỉ thấy 7 bộ xương, 8 chú chó đã thoát ra ngoài. Sau một hồi tìm kiếm, họ gặp lại hai chú chó có tên là Taro và Jiro. Tự sống sót một năm trời giữa băng giá bằng cách săn bắt cá, chim cánh cụt…, hai chú chó trở thành anh hùng, là đề tài của nhiều tiểu thuyết và phim ảnh không những của nước Nhật mà trên toàn thế giới.

Walt Disney có cả một cuốn phim cho giới trẻ về những chú chó kéo xe này với cái tên là “Âm Tám Độ -Eight Below” kể về tám chú chó trung thành phát hành vào năm 2006. Chẳng thế mà hôm nay các em học sinh tụ tập trên con tàu Soya để xem phim, há hốc miệng nghe những chuyện kể từ những người đã trực tiếp tham gia chuyến đi cùng với các chú chó… Biết đâu, ngày mai, trong số đó sẽ có người đóng góp vào sự nghiệp chinh phục đại dương của nước Nhật, một cường quốc biển?

Về khả năng đi khắp năm châu bốn biển rồi lặn xuống sâu, “sờ mó” được đáy đại dương chúng ta biết rằng hiện nay chỉ có 5 nước là Mỹ, Nga, Pháp, Nhật và vừa mới bổ sung Trung Quốc. Con tàu Soya đã tận tụy phục vụ suốt đời cho sự nghiệp biển, sau khi giải ngũ khỏi đội hình thám hiểm, nó trở thành tàu cứu người, tàu đèn dẫn đường ra vào cảng trước khi về “nhà dưỡng lão”, trở về với bảo tàng để kể các câu chuyện cổ tích thời hiện đại cho các cháu học sinh. Tôi chợt thấy cảm thấy tự xấu hổ, nếu bạn Nhật biết là mình là người Việt, là công dân một nước đã được Nhật tặng cho một cái nhà chiếu hình vũ trụ khá hiện đại, một phương tiện để hiểu thiên văn, để chinh phục đại dương. Cái nhà chiếu hình đó đặt tại trung tâm thành phố Vinh vào những năm 80, chỉ hoạt động được vài tháng rồi biến thành đống sắt vụn!

Khẩu đại bác của chiến hạm Đô đốC Nakhimov

Trên đường dẫn vào đại sảnh của Bảo tàng có một khẩu đại bác dài tới 7 mét, cỡ nòng trên 200 mm với dòng chữ “Pháo hạm đô đốc Nakhimov”. Tôi tự hỏi, tại sao nó lại nằm đây, khẩu pháo gắn liền với chiến hạm Đô đốc Nakhimov, con tàu đã qua Cam Ranh năm 1905? Chúng ta đều biết khi nhắc tới những đặc điểm ưu việt của vịnh Cam Ranh, người ta thường nhắc tới chuyến hành trình của đoàn chiến hạm Nga di chuyển từ Hắc Hải bên trời Âu vượt qua Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương vào Thái Bình Dương để nghênh chiến với hải quân hoàng gia Nhật tại eo Đối Mã tức là trận Tsushima vào ngày 27/05/1905. Mệt mỏi vì chặng đường quá dài, vịnh Cam Ranh trở thành một bến đỗ lý tưởng cho cả một hạm đội gồm 8 tàu tuần dương, 9 tàu khu trục trong đó có soái hạm “Đô đốc Nakhimov” dưới sự chỉ huy của Đô đốc Rozhestvensky Z. P.

Cuộc dừng chân Cam Ranh và Vân Phong đã được nhà văn-lính thủy Nga Novikoff-Priboy kể lại khá sinh động trong cuốn tiểu thuyết “Цусима Tsushima” được giải thưởng Stalin năm 1941. Vào thời điểm năm 1905, quân cảng này, như nhà văn mô tả “đượm vẻ hoang vắng điêu tàn”. Nhưng dù sao Cam Ranh vẫn nổi danh là một “hải cảng thiên nhiên toàn bích, an toàn, rộng rãi, mặt nước phẳng lặng như tờ”. Có cả những chi tiết: đó là ngày đầu tiên sau mấy tuần lễ lênh đênh trên đại dương, thủy thủ trên tàu được ăn xúp cải bẹ và rau tươi chở từ Sài Gòn. Những thương nhân người Pháp cung cấp lương thực đủ loại cho hạm đội, từ trái cây, rau tươi, cho đến bột mì, đồ hộp hay thịt gà, thịt bò. Những hàng này bán “với giá cao kinh khủng, chưa nói những mặt hàng xa xỉ có lời lớn như rượu vang hay rượu mạnh”. Thương nhân người Việt cũng thường mang thực phẩm ra bán bằng ghe.

Đặc biệt vào đêm 16/4/1905, biết thủy thủ Nga sẽ ăn mừng lễ Phục Sinh, ghe thuyền của các thương nhân người Việt chở gà vịt, rượu đế ra bán cho tới khuya. Thủy thủ Nga nhận xét là các mặt hàng do người “An Nam” chở ra bán giá phải chăng, đặc biệt họ tấm tắc tán thưởng món rượu đế, khen là “mỹ tửu” giống rượu của người Nga, ý chừng muốn so sánh với rượu vodka.

Như ta đã biết, có ba thương nhân đặc biệt cùng trà trộn trong đám người bán hàng cho các tàu Nga, đó là các nhà nho Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, với lòng nhiệt tình tìm hiểu tình hình nước ngoài nhằm tìm đường chấn hưng dân tộc. Một tháng sau khi nghỉ chân tại Cam Ranh, các con tàu tham chiến và đại bại trước quân Nhật, một thất bại lớn nhất trong toàn bộ lịch sử hải quân nước này. Cụ Phan Bội Châu ngạc nhiên trước sức mạnh Nhật đã thốt lên những dòng thơ ca ngợi “Bọn trắng da ngơ ngáo giật mình/Khen thay Nhật Bản anh tài/Từ nay danh dự còn dài về sau!”. “Đô đốc Nakhimov” yên nghỉ dưới đáy biển tại tọa độ 34 độ 34 phút Bắc, 129 độ 32 phút Đông.

Câu chuyện về con tàu này lại rộ lên vào năm 1980, tức tám chục năm sau trận Đối Mã. Căn cứ vào cuốn tiểu thuyết “Sáu trăm tỷ dưới đáy biển – 600 Billion under the Water” của một nhà văn Mỹ viết từ năm 1936 cho là các chiến hạm chìm đã mang theo xuống đáy biển không ít hơn 5 triệu USD, một nhà tỉ phú Nhật tên là Ryoichi Sasakuwa đã quyết định tiến hành lặn trục vớt những của quý từ xác tàu Đô đốc Nakhimov, mặc sự phản đối kịch liệt từ nhà nước Liên Xô. Tỉ phú công bố những bức ảnh chụp kết quả tìm kiếm nào là những thỏi vàng, những tấm platin, các đồ trang sức với trị giá lên tới 60 tỉ USD và tuyên bố sẽ trao trả cho Liên Xô nếu họ trả lại quần đảo Kurils cho Nhật! Cuối cùng đó chỉ là chuyện tầm phào, những thỏi platin, vàng bạc chỉ là những thỏi chì mà người ta dùng để dằn tàu giữ cho chiến hạm cân bằng và cái còn lại thực sự là khẩu đại pháo trưng bày tại Bảo tàng này.

Đứng bên khẩu pháo có lẽ đã từng in bóng ba nhà yêu nước họ Phan – Trần – Huỳnh trong chuyến ghé thăm cảng Cam Ranh, tôi bâng khuâng nhớ chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà các nhà cách mạng Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục đã chủ trương từ một thế kỷ trước, một phong trào mà ông nội của tôi, nhà nho Đỗ Văn Phong cũng đã góp phần với một cái án đày biệt xứ tại Guyanne thuộc Pháp tại Nam Mỹ. Những lời kêu gọi của các vị tiền bối vẫn còn nguyên giá trị cho ngày hôm nay trong khi trên đường tàu xuyên Tokyo, con tàu Shinkansen đang lao vùn vụt về phía trước trong cuộc tranh đua toàn nhân loại.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)