“Hoàn cảnh phạm luật ” của Vedan

Là một cán bộ công tác lâu năm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, và là người từng được tham gia nghiên cứu công nghệ sản xuất và phân tích các nguồn thải của Vedan từ năm 1995-1996, (ngay khi báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) của Vedan được phê duyệt), người viết bài này xin cung cấp một số thông tin liên quan đến công nghệ sản xuất của Vedan cũng như một số suy nghĩ còn bất cập trong quản lý và bảo vệ môi trường để có thể hiểu rõ “hoàn cảnh phạm luật” của Vedan, cụ thể là:

Hệ thống xử lý nước thải hiện có của Vedan được xây dựng từ 1994-1995 (và sau đó đã được nâng cấp) nhằm mục đích xử lý nước thải sản xuất từ các công đoạn sản xuất xút – axit clohydric, sản xuất tinh bột sắn, sản xuất bột ngọt (natri glutamat). Hệ thống xử lý này không xử lý được dịch thải sau lên men từ sản xuất axit glutamic – nguyên liệu để sản xuất bột ngọt. (Theo số liệu từ 1995-1996, lượng dịch thải sau lên men này có tải lượng khoảng 500 m3/ngày đêm với nồng độ BOD lên tới 120 kg/m3, tương ứng với công suất 30.000 tấn bột ngọt/năm). Bột ngọt được sản xuất từ tinh bột sắn là chủ yếu, với hiệu suất lên men khoảng 35%. Vì vậy, sau khi chiết axit glutamic thành phẩm ra, dịch thải sau lên men còn lại có khối lượng rất lớn với độ pH thấp; thành phần chủ yếu là cacbonhydrat (gluxit) chưa chuyển hoá, không chứa các chất độc hại nào khác (kể cả hợp chất cyanua thường có trong chất thải của quá trình sản xuất tinh bột sắn thành phẩm – nguyên liệu của sản xuất axit glutamic).
Năm 1995, khi bắt đầu hoạt động, Vedan đã kiến nghị cho phép sử dụng phương pháp “dumping and dilution” để giải quyết dịch thải sau lên men. Đây là phương pháp đổ thải các chất thải hữu cơ (gồm có dịch thải sau lên men của Vedan) dễ phân huỷ, không chứa các chất độc hại xuống vùng biển nghèo dinh dưỡng, mà không bị coi là vi phạm Công ước về Luật biển (1982) cũng như Công ước về phòng ngừa ô nhiễm biển do đổ chất thải và các chất khác (1972). Phương pháp này đã được một số nước áp dụng (trong đó có cả đổ thải dịch thải sau lên men từ sản xuất bột ngọt) với sự kiểm soát nghiêm ngặt của các cơ quan bảo vệ môi trường có thẩm quyền. Kiến nghị của Vedan đã được Bộ Thuỷ sản cân nhắc và đồng ý (với sự chỉ định vùng biển nghèo dinh dưỡng thích hợp tiếp nhận dịch thải sau lên men của Công ty Vedan). Tuy nhiên Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường không chấp thuận và yêu cầu Vedan phải xử lý dịch thải sau lên men tại chỗ, kể cả tái chế thành phân bón hữu cơ.
Hiện nay, phân xưởng Vedagro của Vedan chính là phân xưởng sản xuất phân hữu cơ từ dịch thải sau lên men. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình ủ hiếu khí sản xuất phân bón Vedagro chưa đảm bảo lên men hoàn toàn (thời gian cần thiết  > 20 ngày), vì vậy khi sử dụng loại phân này có hiện tượng cây cối bị úa vàng, người sử dụng bị mẩn ngứa chân tay (do phân hữu cơ Vedagro trong điều kiện tự nhiên vẫn tiếp tục lên men, làm giảm pH – tương tự hiện tượng xảy ra khi bón phân tươi).
Như vậy, không phải vấn đề xả nước thải chưa xử lý chung chung xuống sông Thị Vải như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa, (việc Vedan xác nhận 3/10 điểm liên quan đến xả nước thải vượt quy định, cộng với 7 điểm khác không liên quan gì tới việc xả thải dung dịch thải sau lên men; theo ý kiến cá nhân điều này còn có thể giúp Vedan, về mặt pháp lý, bị phạt ít hơn nhiều so với việc Vedan xả thải dịch thải sau lên men xuống sông Thị Vải); mà chính vấn đề làm thế nào xử lý triệt để dịch thải sau lên men của sản xuất bột ngọt để có thể thải an toàn ra môi trường đang là câu hỏi nan giải ở nước ta. Và vấn đề này không chỉ là nan giải đối với Vedan mà còn cả với các công ty sản xuất bột ngọt khác từ tinh bột sắn (Ajinomoto, Miwon,…). Được biết, hiện công suất sản xuất bột ngọt của Công ty Vedan là 15.000 tấn/ tháng; và dịch thải sau lên men hiện nay còn phát sinh thêm từ công đoạn sản xuất lysin (công suất 1.400 tấn/tháng); có nghĩa là tổng lượng dịch thải sau lên men hiện nay có thể lên tới 6.000 m3/ngày, tương ứng với công suất của các công đoạn liên quan.
Để chứng minh điều các cơ quan quản lý môi trường cấp Trung ương và địa phương “đã nghi ngờ từ lâu” (14 năm), rằng Vedan “đổ trộm” chất thải chưa xử lý ra ngoài chỉ cần xem xét cân bằng vật chất liên quan tới công suất sản xuất bột ngọt và các công đoạn lên men sinh học khác; tới tình hình tiêu thụ phân bón Vedagro là có thể khẳng định “nghi ngờ” đó chính xác hay không (xin lưu ý rằng, tập quán trồng trọt hiện nay ở nước ta ưa thích sử dụng phân bón hóa học hơn sử dụng phân bón hữu cơ).
Theo chủ quan, người viết bài này cho rằng, nếu tồn tại một “đường ống bí mật” để xả thải, thì Vedan đã sử dụng đường ống này xả thải định kỳ lượng dịch thải sau lên men dư không được sử dụng để sản xuất phân hữu cơ Vedagro xuống sông Thị Vải. Dịch thải sau lên men với công suất sản xuất hiện nay, là một khối lượng khổng lồ, ngoài sản xuất phân bón hữu cơ Vedagro, không thể xử lý triệt để bằng các phương pháp xử lý hoá lý hay hoá sinh thông dụng nào khác. Để biến toàn bộ khối lượng dịch thải sau lên men thành phân hữu cơ, Vedan cần phải có các bồn chứa lớn (vì thời gian lên men khá dài), cái mà Vedan hiện không có.
Vì vậy, nếu các cơ quan bảo vệ môi trường Việt Nam không cho phép Vedan xả thải dung dịch sau lên men xuống vùng biển nghèo dinh dưỡng như một số nước vẫn làm, và nếu Vedan không có một phương án khả thi nào khác, e rằng sau khi chịu phạt lần này, Vedan vẫn phải tiếp tục “đổ trộm” chất thải dung dịch sau lên men ra đâu đó, nếu muốn tiếp tục sản xuất bột ngọt và các sản phẩm công nghệ sinh học. Và chắc chắn, nếu  các cơ quan quản lý môi trường nhân dịp này thanh tra, kiểm soát chặt chẽ tất cả các nhà máy khác sản xuất bột ngọt ở nước ta,  họ cũng sẽ phát hiện các công ty đó cũng hành xử giống Vedan.
Ngoài ra, người viết bài này cũng kiến nghị  cần sớm kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực quản lý của bộ máy kiểm tra giám sát việc thực thi Luật bảo vệ môi trường tại cả Trung ương và địa phương. Rõ ràng, 7 điểm trong số 10 điểm mà Vedan xác nhận vi phạm trong thời gian dài, liên quan đến tổ chức và năng lực quản lý của các cơ quan quản lý môi trường Việt  Nam (không nộp đủ số liệu, không cam kết bảo vệ môi trường, không đánh giá ĐTM, xả thải không đúng quy định …).

———

* Giám đốc Công ty Tư vấn Pi C&E

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)