“Hoàn cảnh phạm luật” của Vedan – Một bài báo có nội dung chưa đúng

Vừa qua, đọc bài “Hoàn cảnh phạm luật của Vedan” của tác giả Lê Hoàng Lan trên Tạp chí Tia Sáng số 19 ngày 5 tháng 10 năm 2008, tôi thấy có một số điều chưa đúng cần được trao đổi như sau:

1. Về thành phần các chất có trong dòng thải của Vedan 

Để làm rõ, tôi xin điểm qua công nghệ sản xuất mỳ chính của Vedan. Đây là công nghệ lên men từ nguồn nguyên liệu là rỉ đường hoặc tinh bột có sử dụng Clore (dưới dạng HCl) và để tạo nguồn Clore Vedan đã xây dựng một nhà máy điện phân muối ăn khá lớn. Dây chuyền công nghệ này có một số chất thải sau, tôi xin phép chỉ đề cập đến các thành phần chính, ngoài thành phần cacbon hydrat (lipit) mà bài báo trên đã nêu:

1.1. Clore và các hợp chất Clore hữu cơ

Chỉ cần làm một bài toán cân bằng vật liệu nhỏ ta sẽ thấy được lượng Clore đi ra theo dòng thải là rất lớn.

Clore là một hóa chất có áp lực mạnh, khi gặp các chất hữu cơ tự nhiên (natural organic matter – NOM) chúng sẽ có phản ứng để tạo ra các hợp chất Clore hữu cơ – nhóm các chất hữu cơ bền vững (persistant organic pollutants – POPs). Đây là những chất thải nguy hại vào hàng đầu bảng. Cũng vì độ bền vững này nên nó có độ độc có tính tiềm ẩn cao. Với nồng độ loãng nó phải tích tụ trong một thời gian đủ dài thì nó mới phát huy tác dụng. Cũng vì điều này mà người ta không nhận ra được tác hại của nó ở thời điểm ban đầu.

Trong sản xuất mì chính, trong nguồn nguyên liệu rỉ đường và tinh bột và ngay trong dịch lên men là cả một tập đoàn các chất NOM. Hơn nữa phản ứng của Clore với NOM là có thể xảy ra trong môi trường nước ở điều kiện thường. Cho nên trong dòng thải của Vedan thì POPs là một thành phần cực kỳ nguy hiểm.

1.2. Các chủng vi sinh vật được sử dụng trong nhà máy và các sản phẩm phụ của chúng

Các chủng vi sinh vật được sử dụng ở đây ngoài tác dụng tạo ra acid glutamic nó còn sản sinh ra hàng loạt các sản phẩm phụ (đây được coi là thuộc tính vô kỷ luật của tự nhiên). Trong các sản phẩm phụ này cũng có những chất thuộc về nhóm có hại và tất cả chúng hầu như đều có thể kết hợp với Clore để tạo ra POPs.

Về nguyên tắc thì sau khi sử dụng, các vi sinh vật này phải bị tiêu diệt trước khi thải ra môi trường. Nếu không, khi ra môi trường bên ngoài, gặp điều kiện thích hợp chúng sẽ phát triển tiếp tục làm hủy hoại môi trường sinh thái và nhiều khi nó còn là nguyên nhân tạo ra các đợt dịch bệnh lớn cho một vùng dân cư.

Tình hình cũng tương tự như thế ở các bể xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học.

Cho nên, khi Vedan không xử lý hoặc xử lý chưa triệt để các dịch sau lên men, chính là đã đưa đạo âm binh vi sinh vật này ra phá hoại môi trường sinh thái vùng phụ cận, mà tác hại của chúng rất nguy hiểm.




Việc xử lý các thành phần BOD trong dòng thải là rẻ và dễ thực hiện. Còn để xử lý được POPs và các chủng vi sinh vật là rất đắt và khó, mà hiện tại thì công nghệ xử lý của Vedan, theo tôi, là chưa với tới được.

Cũng vì nhận thức rõ điều này mà Vedan thường chỉ to tiếng ca ngợi thành phần BOD còn các thành phần POPs và chủng vi sinh vật thì họ giấu kỹ và cũng vì vậy mà từ khi xây dựng nhà máy đến giờ họ luôn tìm cách để phi tang dòng chất thải này.

2. Về công trình xử lý nước thải của Vedan

Trong vốn đầu tư ban đầu của Vedan khoảng 320 triệu USD, trong đó phần dành cho công trình xử lý là 3 triệu USD. Trên thế giới thông thường với công nghệ sản xuất mì chính như Vedan thì kinh phí đầu tư cho công trình xử lý chiếm đến 10 – 15% tổng vốn đầu tư. Sau này Vedan có mở rộng tuy nhiên tỷ lệ này cũng rất thấp. Điều này cũng có thể kiểm tra được bằng một bài tính thiết kế ngược. Cho nên có thể nói Vedan đã xả không qua xử lý là ngay từ đầu.

3. Về nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón của Vedan.

Trong Vedan cũng có một số bã thải là sạch có thể tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón được. Tuy nhiên, với bản chất của Vedan như ta đã thấy thì Vedan có thể không chỉ sản xuất bằng nguồn nguyên liệu sạch ở trên mà còn trộn thêm phân thải ô nhiễm để đưa ra ngoài nhà máy. Vừa giảm tiền xử lý mà còn tăng thu nhập. Vedan có khoe rằng họ đã xuất khẩu được sản phẩm phân bón. Theo tôi đây có thể chỉ là trò “đánh bóng” thương hiệu. Có thể trong một vài container xuất khẩu là sản phẩm sạch. Nhưng phần bán nội địa là sản phẩm ô nhiễm mà đây mới là phần chính. Ý kiến nói rằng hiệu quả của phân bón làm cây có hiện tượng úa vàng là từ nguyên nhân quá trình lên men chưa hoàn toàn, theo tôi điều đó không đúng vì với sự sai lệch công nghệ như vậy, nhà công nghệ có thể điều chỉnh không phải là việc khó và không thể phải để kéo dài cho đến nay.

Điều nghi ngờ trên cũng có thể kiểm tra được qua bài toán kiểm kê từ dòng nguyên liệu sạch đi vào và sản phẩm ra. Việc này cũng cần sớm kết luận. Vì đây là hành động phát tán chất thải nguy hại.

*******

Những điều tôi vừa trình bày ở trên, thực ra đã được nêu lên từ lần thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường lần thứ nhất của công ty Vedan. Công ty Vedan có hai lần thẩm định với hai hội đồng mà thành viên gần khác nhau.

Ngay trong lần xét duyệt đề nghị xin đổ chất thải của Vedan ra biển. Lý do mà Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường không chấp thuận kiến nghị trên một phần cũng do thành phần POPs trong dòng thải.

Rất tiếc là cũng từ lâu một bộ phận các chuyên gia môi trường của ta đã lãng quên các thành phần nguy hiểm này, cho nên sẽ không thấy lạ là tại sao các thông tin gần đây chỉ nói về thành phần BOD, mà với thành phần này thì ngay trong bài báo của “Tia Sáng” cũng đã nói là không hại.

Tôi cho rằng bài báo “Hoàn cảnh phạm luật của Vedan” là có nội dung chưa đúng và dễ làm cho bạn đọc ngộ nhận là “Tia Sáng” đang “chạy án” cho Vedan.

Đinh Văn Sâm – Nguyên cán bộ Viện KH, CN&MT, ĐH Bách Khoa Hà Nội

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)