Học cách từ thiện

LTS: Câu chuyện về ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được 150 tỉ đồng, tương đương với hơn một nửa tổng số tiền mà Mặt trận Tổ Quốc quyên góp được để hỗ trợ đồng bào lũ lụt cho ta thấy một bức tranh từ thiện ngày càng đa dạng ở Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều câu hỏi về việc ta nên từ thiện thế nào cho đúng?


Thủy Tiên dành 40 ngày đi vào các tỉnh thiệt hại nặng do mưa lũ để hỗ trợ các nạn nhân. Cô chủ yếu dùng tiền mặt để trao cho họ. Ảnh: Facebook của Thủy Tiên.

Người nổi tiếng đi làm từ thiện: việc tốt nhưng làm chưa đúng

Trước giờ khi nói tới từ thiện nhân đạo, cộng đồng hay nghĩ ngay tới các Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể đi trao quà, học bổng, nhà tình thương, hay đồ cứu trợ cho bà con, hoặc nghĩ tới nhà thờ, nhà chùa, các tổ chức tôn giáo phát tâm công đức, v.v. Số cộng đồng ít biết tới hơn là các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, các hội nhóm thiện nguyện làm công tác từ thiện hoặc các dự án phát triển. Thế nhưng những năm trở lại đây, bên cạnh các lực lượng truyền thống này, chúng ta thấy rất người nổi tiếng hay các cá nhân có ảnh hưởng, các lãnh đạo doanh nghiệp đứng ra gây quỹ cho hoạt động từ thiện, và thu hút được rất nhanh và rất nhiều tiền đóng góp từ người dân. 

Tôi tin rằng hầu hết người nổi tiếng có động cơ trong sáng, tâm huyết và mong mỏi đem lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng, đó là điều đáng quý. Còn bàn về cách làm, để làm từ thiện hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm giải trình, người làm từ thiện có trọng trách rất lớn trên vai, đặc biệt nếu tiền chúng ta làm từ thiện là tiền chúng ta huy động chứ không phải từ túi mình bỏ ra. Nhưng những người nổi tiếng thường không có chuyên môn về từ thiện, họ chưa thể làm được như vậy.

Trước hết là về mục tiêu gây quỹ. Khi người nổi tiếng đứng ra gây quỹ, có thể họ chỉ nghĩ đơn thuần vì những hoàn cảnh éo le, vì những người cần hỗ trợ khẩn cấp nên tôi muốn/ cần làm gì đó, và xông pha vào trận địa. Không có gì ngạc nhiên khi họ không có một chiến lược và mục tiêu gây quỹ rõ ràng. Chính vì không rõ ràng mà từ cảm xúc nên các cá nhân này chi tiền gây quỹ sai mục đích. Giống như, có lúc Thủy Tiên cầm tiền gây quỹ đi trao học bổng trong khi những người đóng góp thì lại mặc định cô ấy sẽ thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp như cung cấp cho các nạn nhân thực phẩm, các đồ dùng vệ sinh, thuốc men để sinh tồn trước mắt (về sau Thủy Tiên lấy tiền riêng để bù lại khoản này). Cũng dễ hiểu khi những người nổi tiếng không có tiêu chuẩn để đảm bảo sự công bằng giữa những người được nhận, không biết làm sao để đánh giá đúng người nhận và người nhận đó sẽ sử dụng khoản tiền đó như thế nào. Có thể lúc này thì họ trao cho một nạn nhân năm triệu, lúc kia trao cho nạn nhân khác mười triệu, lúc sau nữa gặp một trường hợp cảm động quá thì trao 200 triệu. Cũng dễ hiểu nếu họ bị “ném đá” về cách cho giống như “ban phát”, tỏ ra không tôn trọng người nhận, không bao quát được các yếu tố về độ tuổi, người khuyết tật để cho đi một cách hợp lí. 

Nếu không có chuyên môn, người làm từ thiện còn có thể sẽ áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình lên người được nhận. Họ cho đi những cái họ “thích” chứ chưa chắc đã là những thứ cộng đồng cần. Chẳng hạn, những người bị cô lập, bị cắt điện, cắt nước giữa bão lũ có cho tiền họ cũng không thể đi được đâu, mua được gì; nhưng nếu cho lương thực thực phẩm không cẩn thận lại quá nhiều trong khi những vật phẩm thiết yếu phục vụ vệ sinh cá nhân thì không ai nghĩ đến. Nếu không có chuyên môn, người làm từ thiện cũng sẽ không làm tròn trách nhiệm minh bạch và giải trình việc chi tiêu từ số tiền quyên góp được. Tuần vừa qua, Thủy Tiên đã công bố các chứng từ chi tiêu trong 40 ngày đi từ thiện ở những vùng chịu thiệt hại nặng nề trong các cơn lũ vừa qua để chứng minh mình minh bạch. Dù cho số chứng từ đó rất khiêm tốn, tôi cũng tin là Thủy Tiên minh bạch. Nhưng còn trách nhiệm giải trình nữa: số tiền đó đã dùng để mua những vật phẩm gì, cho những ai, có đúng người không, có phù hợp không?

Tôi ủng hộ Thuỷ Tiên và những người nổi tiếng tiếp tục làm từ thiện, và hẳn nhiên họ đã trải nghiệm và đã học được những bài học thực tế khi làm thực tế, và tiếp nhận những phản hồi cả tích cực và tiêu cực từ cộng đồng. Tuy nhiên, họ hoàn toàn có thể làm tốt hơn nếu có một ê kíp có chuyên môn về từ thiện đồng hành hoặc lý tưởng là họ chỉ phụ trách nhiệm vụ gây quỹ cho một tổ chức từ thiện chuyên nghiệp. Tôi cho rằng, theo thời gian, người giỏi gây quỹ và người làm từ thiện sẽ gặp nhau, như một nhu cầu tự nhiên. Trên thực tế, vừa qua nhiều người nổi tiếng đã tham gia kêu gọi quyên góp hàng chục tỉ đồng cho Quỹ Sống, nơi khởi xướng dự án Nhà Chống Lũ hay Quỹ trò nghèo vùng cao, các tổ chức phi chính phủ, v.v..  

Phát triển văn hoá từ thiện tại Việt Nam 

Từ thiện không phải chỉ là hoạt động đơn thuần cho nhận. Có ít nhất hai cấp bậc của từ thiện, thứ nhất là từ thiện nhân đạo, tập trung vào các hoạt động ngắn hạn, mang tính cứu trợ khẩn cấp cho những nhu cầu cơ bản của cộng đồng và cấp bậc thứ hai là từ thiện phát triển hướng tới những mục tiêu dài hạn để cộng đồng có thể tự vực và vươn lên. Các hoạt động từ thiện ở Việt Nam chủ yếu chỉ tập trung vào từ thiện nhân đạo để đáp ứng nhanh những nhu cầu cấp bách của cộng đồng người bị nạn thông qua một thiên tai địch họa, rồi thôi. Tuy nhiên, từ thiện phát triển mới là mục tiêu chúng ta cần hướng đến, để giúp cộng đồng không chỉ đứng dậy được sau khó khăn hôm nay mà còn đủ năng lực và nguồn lực chống chọi với những thiên tai sẽ xảy ra trong tương lai. Đó cũng là lí do mà các tổ chức phát triển không ưu tiên việc trao tiền cho người dân, nếu có thì thường triển khai dưới các khoản vay với các cam kết về trách nhiệm sử dụng của người nhận. Việc cho tiền mà không đi kèm với những đánh giá, theo dõi dễ dẫn đến việc người dân sử dụng không đúng mục đích. Hoặc nguy hiểm hơn, khi các hoạt động thiện nguyện bùng nổ ồ ạt, sẽ có một bộ phận người dân trở nên quen với việc nhận các khoản hỗ trợ mà không còn ý chí vươn lên nữa. 

Điều đầu tiên của từ thiện không phải là tiền đâu mà là cộng đồng cần gì. Chính vì vậy, tổ chức gây quỹ có thể đặt ở bất kì đâu nhưng tổ chức thực hiện nên là các tổ chức ở địa phương, những người hiểu và có uy tín với cộng đồng nhất. Họ đến với những người bị nạn không phải để cho một lần mà như chúng ta vẫn nói là “họ cho cần câu chứ không phải là cho con cá”. Sau đó, từ thiện cần sự chuyên nghiệp, dù là tổ chức gây quỹ hay tổ chức thực hiện đều cần xác định được mục đích, nhu cầu của mình, hỗ trợ những đối tượng nào trong cộng đồng và hỗ trợ như thế nào, chi phí của mỗi trường hợp là bao nhiêu…Trên hết, cần xác định được việc gây quỹ bao nhiêu là đủ, chứ không phải là “vô hạn”. Vì vậy, nếu một tổ chức chỉ gây quỹ 2-3 tỉ/năm, dù chỉ bằng một góc của số tiền một người nổi tiếng kêu gọi được, không có nghĩa là tổ chức đó kém bởi họ chỉ có thể cam kết được hiệu quả từ thiện trong quy mô như vậy. Cuối cùng, các tổ chức từ thiện cần đảm bảo về minh bạch và trách nhiệm giải trình. Nếu không có những điều này, sẽ rất khó tạo được lòng tin giữa tổ chức từ thiện với những người quyên góp và những người trong cộng đồng nhận hỗ trợ. 

Tuy nhiên, dù thiếu chuyên nghiệp đi chăng nữa, việc ngày càng nhiều người gây quỹ, triển khai các hoạt động từ thiện là điều đáng mừng. Nó truyền cảm hứng, kích hoạt sự đóng góp từ cộng đồng, và cho chúng ta thấy tiềm năng huy động từ trong dân là rất lớn, chứ không phải “dân ta nghèo lắm, lấy đâu mà đóng góp” như những suy nghĩ truyền thống. Nó thể hiện sự đa dạng của văn hóa từ thiện và nó chứng minh rằng, từ thiện là mong muốn tự nhiên của con người, không thể độc quyền trong một nhóm tổ chức nhất định. Trong giới nghiên cứu về từ thiện thì chúng tôi thấy mừng hơn là bi quan. 

Những trao đổi, tranh cãi của những người đóng góp tiền cho mục đích từ thiện cũng cho tôi thấy những dấu hiệu tích cực. Trước đây khi đóng tiền cho các tổ chức hội đoàn và cơ sở tôn giáo để làm từ thiện, chúng ta không phản biện số tiền đấy đi đến đâu. Nhưng giờ đây, quay trở lại câu chuyện của Thuỷ Tiên chẳng hạn, Thuỷ Tiên có thể là ngọn cờ tiên phong để lôi kéo sự chú ý của cộng đồng tham gia từ thiện nhân đạo, lúc đầu có thể xuất phát từ cảm xúc và người đóng góp có thể không nghĩ nhiều đến việc “cho như thế nào” nhưng sau đó, khi theo dõi công việc từ thiện nhân đạo, một cách tự nhiên cộng đồng sẽ phát triển tư duy phản biện có có nhu cầu cao hơn với hoạt động từ thiện nhân đạo, có những đòi hỏi không chỉ là của cho, mà còn là cách cho. Theo thời gian, tôi nghĩ có những người sẽ quan tâm sâu hơn về những mục tiêu từ thiện lâu dài hơn, nghĩ đến việc làm sao để hỗ trợ được cộng đồng ngay cả sau khi cơn bão đã đi qua. Và đương nhiên, khi đòi hỏi của cộng đồng cao hơn thì những hoạt động từ thiện phát triển sẽ được kiện toàn, được thực hiện một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và nhân văn hơn hơn. □

Hảo Linh ghi
——
*Giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam)

Tác giả

(Visited 2 times, 2 visits today)