Hội nghị Thượng đỉnh của Ban Ki – moon

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Ban Ki-moon, 120 nguyên thủ quốc gia, mỗi người có một bài phát biểu bốn phút về những cam kết, mục tiêu của quốc gia mình trong chính sách bảo vệ khí hậu. Theo tờ The Guardian, có ít nhất năm lí do để có thể khẳng định hội nghị thượng đỉnh này đã làm thay đổi chính sách của các nước về biến đổi khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh Ban Ki-moon (hay còn gọi là là Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu) tổ chức vào ngày 23/9 vừa qua tại New York với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia, những người đại diện các tổ chức tư nhân và các tổ chức xã hội hoạt động về môi trường nhằm kêu gọi hành động vì một thế giới giảm lượng khí thải nhà kính.


Do Nghị định thư Kyoto (một nghị định ràng buộc các quốc gia công nghiệp giảm lượng khí thải nhà kính được kí vào năm 1997) sẽ hết hạn vào năm 2020, ban soạn thảo Hiệp ước biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNFCCC) sẽ thực hiện một nghị định mới để trình lên Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 21 (COP21) tại Lima, Peru vào cuối năm 2014 và sẽ được triển khai vào năm 2015 tại Hội nghị lần thứ 22 (COP22) tại Paris, Pháp.

Như mọi người đã nói, các cơ quan hỗ trợ về biến đổi khí hậu của Mỹ đã vươn tới hơn 120 quốc gia trên toàn thế giới. Chúng tôi đang giúp nhiều nơi hơn vượt qua mặt tối của quá trình phát triển bằng cách sử dụng những công nghệ hiện đại để không lặp lại những sai lầm tương tự và những suy thoái về môi trường từng xảy ra […] Chúng tôi nhận ra lỗi của mình trong việc gây ra vấn đề [biến đổi khí hậu]; chúng tôi đón nhận trách nhiệm của mình để chiến đấu với nó. Chúng tôi sẽ làm phần việc của mình, và sẽ giúp  các quốc gia đang phát triển thực hiện việc của họ. Nhưng chúng tôi chỉ có thể thành công trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu này nếu chúng ta cùng hợp sức – tất cả mọi quốc gia – phát triển hay đang phát triển đều như nhau. Không ai đứng ngoài cuộc.                           
                                                                    
Tổng thống Mỹ Barack Obama


Hội nghị Thượng đỉnh của Ban Ki-moon  không phải là một phần của cuộc đàm phán cho nghị định mới đó và cũng chẳng đi đến một hiệp định cấp cao nào nhưng được mong đợi như một cú hích tạo ra sự thay đổi về chính sách khí hậu của các nước. Tại Hội nghị, những người đứng đầu của các quốc gia cùng các Bộ trưởng phụ trách về môi trường và các đại diện từ những tổ chức xã hội và các tập đoàn lần lượt trình bày về những chính sách, mục tiêu của quốc gia, tổ chức mình về năng lượng, rừng, tài chính…Qua đó, “Không khí chính trị quốc tế về vấn đề biến đổi khí hậu sẽ không còn như cũ nữa”. Đó là nhận định của tờ The Guardian, và họ đã đưa ra năm lý do để bảo vệ nhận định của mình.

Thứ nhất, sau hội nghị, tất cả các quốc gia trên thế giới phải công bố một loạt các mục tiêu bảo vệ khí hậu mới như một phần của đàm phán quốc tế, hướng tới hiệp định ở Paris sẽ diễn ra năm sau. Đó không chỉ là mục tiêu trên giấy mà là những tuyên bố, cam kết công khai của phần lớn các nguyên thủ có mặt tại Hội nghị. Vì vậy, khả năng tạo ra những chính sách mạnh mẽ về biến đổi khí hậu sẽ cao hơn.

Thứ hai, có những phát biểu nổi bật với cam kết đi liền chính sách. Phát biểu quan trọng nhất là của Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ. Ông nói, sẽ công bố “sớm nhất có thể” thời điểm xác định lượng khí thải nhà kính đạt hạn mức của Trung Quốc- quốc gia cho đến thời điểm hiện tại có lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới. Người ta tính toán rằng, việc ngăn chặn sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu thế giới chỉ khả thi nếu lượng khí thải của Trung Quốc ngừng tăng và giảm trong 10 năm tới. Trước ngày 23/9, Trung Quốc chưa hề cam kết một lịch trình nào cho điều này.

Với tư cách một nước có trách nhiệm chính, Trung Quốc sẽ nỗ lực hơn để đối mặt hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu và nhận những trách nhiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, năng lực và giai đoạn phát triển của mình. Chúng tôi sẽ công bố những hành động [giai đoạn] hậu 2020 về biến đổi khí hậu sớm nhất có thể, bao gồm những cột mốc trong việc giảm cường độ phát thải carbon, tăng tỷ trọng nguồn nhiên liệu phi hóa thạch và tăng diện tích rừng, cũng như thời điểm đạt hạn mức phát thải CO2. […] Tại đây, tôi khẳng định rằng từ năm tới, Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính hằng năm cho việc thành lập Quỹ Hợp tác Nam-Nam về biến đổi khí hậu. Thêm nữa, Trung Quốc sẽ cung cấp sáu triệu USD để hỗ trợ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc trong việc tăng cường Hợp tác Nam-Nam trong việc giải quyết biến đổi khí hậu.

                                                 Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ


Nếu Trung Quốc công bố sớm thời điểm hạn mức của khí thải nhà kính, Mỹ sẽ bị đặt dưới áp lực lớn phải thực hiện các dự án hỗ trợ về nông nghiệp và phát triển năng lượng sạch để hỗ trợ 120 quốc gia giảm thiểu các tác nhân làm biến đổi khí hậu.

Thứ ba, Hội nghị Thượng đỉnh đã thôi thúc một loạt các cam kết của các tập đoàn, chính phủ và các tổ chức khác trong hoạt động liên quan tới biến đổi khí hậu ở những lĩnh vực cụ thể. Như trong phiên thảo luận về rừng, 24 tập đoàn lớn trên thế giới cam kết sẽ chấm dứt việc phá rừng trước sự chứng kiến của Tổ chức Hòa Bình Xanh (một tổ chức phi chính phủ quốc tế có mặt tại hơn 40 quốc gia). Nếu được thực hiện, điều này sẽ mang lại tác động tích cực to lớn trong việc bảo tồn rừng nhiệt đới; một nhóm các ngân hàng, hãng bảo hiểm và quỹ phúc lợi từ nay đến cuối năm 2015 sẽ đầu tư 200 tỉ USD cho việc giảm CO2; 2000 thành phố trên thế giới cũng thông báo cùng nhau cam kết giảm lượng khí thải một cách quyết liệt mà không cần chờ tới sự ra đời của hiệp định quốc tế tại Hội nghị Biến đổi khí hậu – COP22 ở Paris, Pháp.

Thứ tư, Hội nghị Thượng định đề ra lí do hợp lý cho những hành động quyết liện trên. Nhiều lãnh đạo quốc tế, bao gồm Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Anh David Cameron chỉ ra rằng, hiện giờ, việc lựa chọn giữa tăng trưởng kinh tế và giảm khí thải là điều không cần thiết: các quốc gia, cùng nhau có thể thực hiện cả hai lựa chọn. Họ trích dẫn từ báo cáo Kinh tế Khí hậu (climate economy) được xuất bản tuần trước nhằm phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh đã chỉ ra cho chính phủ các quốc gia bằng chứng mới về lợi nhuận kinh tế của những hoạt động bảo vệ khí hậu.

Các tờ như Financial Times và The Economist cùng nhiều ấn phẩm khác đều nhận thức được rằng, giảm khí thải thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn. Tranh cãi xưa cũ cho rằng hành động ngăn chặn sự biến đổi khí hậu quá đắt đỏ về kinh tế giờ đây cuối cùng cũng được gác lại.

Thứ năm, và có lẽ là quan trọng nhất trong tất cả các lí do, là hội nghị đã lại thổi bùng lên phong trào chống biến đổi khí hậu.

Tờ The Guardian cho rằng, hội nghị này đã không đưa ra được quyết định gì nhưng đã mang đến nhiều thay đổi không khí chính trị quốc tế về biến đổi khí hậu. Giờ đây, vấn đề này đã trở nên nóng bỏng trong mối quan tâm của những người làm chính sách và nó sẽ không nguội đi cho đến khi một hiệp định quốc tế được kí kết ở Paris vào năm tới.

Hảo Linh (lược dịch từ http://www.theguardian.com/environment/2014/sep/24/five-ways-ban-ki-moons-summit-has-changed-international-climate-politics-forever)

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)