Hộp vuông và khối tròn. Chiều thẳng đứng và chiều ngang

Tôi không phải là nhà kinh tế, rất dốt chuyện làm ăn, mà đã nói "Vốn" tức là nói chuyện kinh tế, lĩnh vực tôi hoàn toàn ngoại đạo. Tuy nhiên, đây là vấn đề "Vốn xã hội", có cái "xã hội" trong ấy, nên tôi nghĩ cũng có thể thử mạnh dạn mon men tham gia đôi điều gì chăng.

Nhiều bài viết của các tác giả trong và ngoài nước được phổ biến gần đây, và nhiều tham luận trong hội thảo này đã bàn sâu sắc về khái niệm vốn xã hội, lịch sử của khái niệm này, nội hàm của nó, đặc biệt đã có một số tác giả đi vào xem xét thực tế vốn xã hội của chúng ta, đánh giá thực trạng, xu hướng, triển vọng. Tôi nghĩ việc đánh giá này là rất cần thiết, sẽ thật sự có ích đối với sự phát triển của đất nước trong tình hình hiện nay; thậm chí có thể liên quan đến những vấn đề không hề nhỏ, có tính nguyên tắc, hay nguyên lý, trong định hướng phát triển đó.
Quả thật ở ta vốn xã hội là một vấn đề mới, khái niệm ấy mãi đến rất gần đây mới được nhắc đến, quan tâm, và bàn bạc. Nhưng lại cũng có thể nói, ngay đối với chúng ta, đây là một vấn đề vừa mới, rất mới, vừa cũng không hoàn toàn mới. Bởi vì, theo tôi, trong thực tế, trong xã hội, thậm chí từ lâu đã có cái này rồi, đã có vốn xã hội rồì, nhiều thời kỳ có nhiều nữa là khác, xã hội ta đã từng biết vận dụng nó một cách hiệu quả; đồng thời chúng ta cũng đã từng đánh mất nó, và rất có thể hiện nay đang tiếp tục đánh mất nó, tạo nên một sự lãng phí xã hội lớn, tự làm nghèo mình đi rất nhiều.    
Như chúng ta đều biết, cho đến nay vẫn còn nhiều cách hiểu, cách định nghĩa khác nhau về vốn xã hội. Riêng tôi, tôi thích một hình ảnh sau đây do một người bạn của tôi đưa ra khi thử định nghĩa về vốn xã hội. Theo anh ta, nếu ta hình dung toàn bộ xã hội như một khối hộp hình vuông, thì sự quản lý của Nhà nước, mà trong bất cứ xã hội nào cũng tất phải có, có thể hình dung như một khối hình cầu trong cái hộp vuông đó. Cái khối cầu đó có thể rất lớn, nhưng dầu có lớn đến bao nhiêu nữa cũng không thể nào lấp đầy hết khối hộp vuông kia. Bao giờ cũng còn những khoảng trống mà về nguyên tắc Nhà nước không thể lấp đầy. Để lấp đầy được những khoảng trống đó, chỉ có thể là cái mà ta gọi là vốn xã hội. Hiểu như vậy, thì vốn xã hội, cái cần có để lấp đầy xã hội, tạo nên hiệu quả kinh tế đầy đủ cho xã hội, chính là những gì ở ngoài Nhà nước, phi Nhà nước. Một xã hội chỉ có họat động của Nhà nước, tất cả đều quy về Nhà nước, Nhà nước bao lấy tất cả, Nhà nước hoá tất cả, thì sẽ là một xã hội nghèo, nghèo một cách tất yếu, về nguyên tắc, đơn điệu, và khô cằn.
Nhiều tác giả đã diễn đạt điều này theo nhiều cách khác nhau. Có người nói, rất đúng, rằng quan hệ Nhà nước là quan hệ theo chiều dọc, chiều thẳng đứng, chiều tôn ti trên dưới, mà quan hệ một chiều, thì như ta biết một cách vật lý, không thể trở thành không gian, không thể lấp đầy không gian xã hội. Vốn xã hội chính là quan hệ theo chiều ngang, nó cùng với quan hệ dọc, đứng trên kia, tạo thành không gian, lấp đầy không gian. Và như vậy, cũng có thể hiểu, vốn xã hội là một cái gì đó “đối lập” – xin hiểu từ này theo ghĩa triết học chứ không phải chính trị – với “vốn Nhà nước, do Nhà nước tạo ra.
Đến đây, nếu ta đã tạm thời thống nhất với nhau được một cách hiểu như vậy, thì có thể bắt đầu đi vào thử xem xét thực tế hai thứ vốn đó ở ta trước nay là như thế nào. Theo tôi,  trong xã hội truyền thống của chúng ta, vốn xã hội khá phong phú. Có rất nhiều ví dụ. Chi thử xin nêu hai ví dụ. Thăng Long – Hà Nội là một Hà Nôi 36 phố phường. Các “phường” của Hà Nội là gì? Đó là những hiệp hội ngành nghề từ các làng nghề hội tụ lên Thăng Long, kết với nhau một cách tự nguyên, tự tạo thành những mạng lưới hàng ngang, dựa vào sự hộ trợ trên cơ sở tin cẩn với nhau mà cùng nhau làm ăn, tạo nên sức cạnh tranh, phát triển … Những phường hội đó là hoàn toàn phi Nhà nước, và hiệu quả thì rất lớn, như ta đều biết …
Hội An  ở Quảng Nam có thể là ví dụ thứ hai. Điều đặc biệt là vốn xã hội mà đô thị thương cảng Hội An từng tạo được trong quá khứ cách đây mấy trăm năm, thì đến nay vẫn còn, có mất đi một thời gian, những năm gần đây đã được khôi phục lại, và đang phát huy hiệu quả rất tốt. Chỉ xin nói chẳng hạn nghề may ở đây hiện nay. Chắc nhiều người đều biết là Hội An hiện nay có lẽ là nơi duy nhất ta có thể đặt may một bộ côm-lê, “xuýt mơ-duya” hẳn hoi, chỉ trong ba tiếng đồng hồ, không phải một bộ mà thậm chí có thể hàng chục hay hàng trăm bộ một lúc, nhiều người nước ngoài đã làm như vậy để đóng thùng gửi về phương Tây. Đây là điều hoàn toàn do dân Hội An – chắc là do nhớ lại kinh nhgiệm của cha ông mấy thế kỷ trước – tự nghĩ ra, tự kết hợp với nhau và tổ chức lấy, tự dệt thành một mạng lưới nghề may dày đặc, không ồn ào mà hết sức sinh động, linh hoạt, đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả. Xin tiết lộ: dân nội thị Hội An trong khoảng chuc năm qua đã giàu lên rất nhiều, thậm chí có hộ, theo người có trách nhiệm ở đấy cho biết, mươi năm trước chưa hề có gì trong tay, nay đã đủ sức đầu tư xây dựng chẳng hạn một khách sạn cỡ năm sao như khách sạn Victoria đang có ở bờ biển Hội An… Rõ ràng dân Hội An đã tạo nên được một vốn xã hội rất mạnh. Có lẽ đây là một trong những ví dụ hùng hồn nhất về chủ đề ta đang muốn bàn ở đây.
Quảng Nam còn có một ví dụ cũng khá ấn tượng nữa về vấn đề này, mà vì thời gian tôi chỉ xin nhắc qua thôi. Đó là làng dệt Bảy Hiền ở Thành phố Hồ Chí Minh, hoàn toàn do người Quảng Nam, trong những điều kiện lịch sử nào đó đã phải chạy vào tìm đất làm ăn ở phương nam, tự kết hợp lại với nhau, tạo thành cả một khu công nghiệp dệt, cạnh tranh hiệu quả với cả một thế lực kinh tế dệt rất mạnh ở Sài Gòn là lực lượng người Hoa Chợ Lớn …
Trong chuyện Hội An có bàn tay “chỉ đạo”, tổ chức nào của Nhà nước không? Theo chỗ tôi được biết thì không. Nhà nước, chính quyền chỉ làm mỗi một động tác hết sức quan trọng, là … không nói gì hết, không can thiệp gì cả, để cho dân tự làm lấy. Bất can thiệp hoá ra là chính sách lớn nhất, quan trọng nhất của Nhà nước ở đây.
Trong hiểu biết hạn chế của mình, tôi chỉ xin thử nêu vài ví dụ tích cực như vậy…
 
Xin nói tiếp đến khía cạnh thứ hai của vấn đề.
Trong kỳ họp lần này của Quốc hội thấy có đưa ra thảo luận Luật về Hội. Hình như thảo luận chưa xong, và phiên họp này chưa quyết định, để đến phiên sau. Tôi cũng chưa được biết luật ấy sẽ được quyết định theo hướng nào. Nhưng xin phép thú thật, tôi có lo. Thậm chí có người đã hỏi (hỏi thầm thôi!): sao lại có chuyện Luật Hội? Tôi rất lo chúng ta sẽ Nhà nước hoá tất cả các hội. Thật ra thì lâu nay cũng đã Nhà nước hoá rồi, lần này không khéo sẽ luật hoá một cách chính thức hơn sự Nhà nước hoá ấy thôi.
Theo tôi, hội phải là phường hội thì mới có thể làm nên vốn xã hội, Nhà nước hoá các hội tức là ta sẽ biến tất cả quan hệ ngang vốn dệt nên vốn xã hội thành quan hệ dọc, và như vậy sẽ không còn không gian xã hội nữa, chỉ còn một thứ xã hội đơn tuyến, khô cằn, nghèo nàn. Chính chúng ta đã làm điều đó trong một thời kỳ rất dài, và nói cho thật đúng, đến nay, về nguyên lý, vẫn còn chủ trương như vậy. Chúng ta nhấn mạnh đến sự “lãnh đạo toàn diện”, không để cho bất cứ lĩnh vực nào, hoạt động nào của xã hội được lọt ra ngoài sự chăm sóc, lãnh đạo, điều hành của một Nhà nước tập trung. Như vậy, về nguyên tắc, là triệt tiêu mọi nguồn lực có thể tạo nên vốn xã hội. Các hội chúng ta đang có, tất cả, đều thực chất là một kiểu cơ quạn Nhà nước không hơn không kém, việc chúng đều được Nhà nước trả lương là một bằng chứng không thể chối cãi. Và như vậy thì tất yếu không có xã hội dân sự. Chỉ còn có độc quyền, “độc điều hành”, “độc chỉ huy” của Nhà nước.
Vậy đặt vấn đề vốn xã hội trong xã hội chúng ta hiện nay về lý thuyết và về thực tế là đặt vấn đề phá vỡ một trong những nguyên lý điều hành xã hội cơ bản nhất đang hiện hành.  
Bây giờ thử nghĩ lại xem sự kiện rất quan trọng mà ta vẫn gọi là Đổi mới năm 1986 – bây giờ được coi là cuộc đổi mới lần thứ nhất – thực chất là gì? Theo tôi, cũng có thể nói một cách vắn tắt, đơn giản nhưng thực chất, đổi mới lần ấy thực ra chỉ là ta đã giác ngộ ra và từ bỏ độc quyền quản lý của Nhà nước ở nhiều lĩnh vực của đời sống, một thứ quyền quản lý bây giờ ngẫm lại thật kỳ quặc và vô lý vậy mà ta cứ khư khư giữ chặt lấy suốt bao nhiêu năm, trả lại quyền sống, quyền tự quyết định lấy sự làm ăn và sự tiêu dùng bình thường của con người. Thật ra hồi đó là người dân, trước hết là nông dân, đã nhất quyết đứng lên – bằng cách “chui” – tự mình dành lại quyền đó, quyền tạo ra vốn xã hội, để giải phóng xã hội ra khỏi một tình trạng nghèo khốn vô lý, hoàn toàn không đáng có. Bằng cách đó, chính người dân lúc bấy giờ đã “cứu” xã hội ra khỏi khủng hoảng đã gần đến mức lâm nguy.
Ngày nay đang cần một cuộc giải phóng tiếp như vậy nữa. Tôi rất mong Luật về Hội của Quốc hội lần này sẽ là một luật phi Nhà nước hoá các hội, Nhà nước cần từ bỏ quyền quản lý, “lãnh đạo toàn diện” các hội. Đừng biến các hội thành một thứ cánh tay nối dài của Nhà nước, một thứ Nhà nước thứ hai (hay thứ ba). Trả quyền lập hội để tạo lực xã hội lại cho dân, để cho9 dân có thể lấp đầy những khoảng trống trong cái khối hộp vuông xã hội mà Nhà nước, bất cứ Nhà nước nào, về nguyên tắc đều không thể lấp đầy được.   
Vì vậy, đặt vấn đề vốn xã hội lần này, theo một ý nghĩa nào đó, cũng chính là đặt vấn đề về thực chất của nội dung một cuộc đổi mới lần thứ hai. Một cuộc giải phóng lần thứ hai những tiềm lực đã từng chứng minh sự giàu có của nó trong lịch sử của chính chúng ta.  
 

Tháng 6-2006 
Nguyên Ngọc

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)