Hướng tới một phương thức sống tiên tiến ở đô thị

Phương thức sống đô thị tiên tiến là một yêu cầu khách quan của sinh hoạt xã hội ở các đô thị, vì đô thị có đặc điểm môi trường, cấu trúc kinh tế, quan hệ giao lưu, trình độ kỹ thuật... khác hẳn nông thôn. Cho nên khởi đi từ các đặc điểm khách quan của sinh hoạt đô thị hiện tại có thể nghĩ tới việc xây dựng một phương thức sống đô thị tiên tiến.

Trong ý nghĩa là sự thể hiện trên quy mô xã hội và mang tính chất tổng hợp của các phương thức tồn tại vật chất, sản xuất tinh thần, giao tiếp xã hội, quản lý xã hội và tái sản xuất sinh học – xã hội, phương thức sống đô thị tiên tiến là các quy phạm không thể thiếu cho việc phát triển văn hóa – xã hội ở đô thị. Nhưng việc xây dựng một phương thức như thế hiện đang gặp nhiều trở ngại, mà nổi bật là quan hệ không bình thường giữa hệ thống tồn tại vật chất và hệ thống tái sản xuất sinh học – xã hội ở nhiều đô thị trong nhiều năm nay. Điển hình là ở TP. Hồ Chí Minh, những thống kê hiện còn cho thấy ít nhất trong thời gian 1954 – 1975, cơ cấu GDP của Sài Gòn khá ổn định với khoảng 5 – 10% là nông nghiệp, khoảng trên 30% là công nghiệp và trên 50% là dịch vụ. Trong thời gian 1975 – 1985, cơ cấu này đã có sự thay đổi quan trọng: Khu vực công nghiệp tăng lên trên 40%, khu vực dịch vụ giảm xuống tương đương với khu vực công nghiệp. Quá trình đổi mới từ 1986 trở đi đã khẳng định cơ cấu mới ấy, nhưng đáng tiếc sự tách rời truyền thống ấy chỉ hứa hẹn một sự trả giá cho thành phố trong tương lai. Cùng với hệ thống các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, các khu công nghiệp, khu chế xuất xuất hiện ở thành phố trong gần hai mươi năm nay đã, đang và sẽ còn liên tục gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, tóm lại là làm giảm chất lượng môi trường sống ở thành phố. Hơn thế nữa, sự hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất ấy đã mở rộng thị trường lao động ở thành phố, nhưng kết quả tất yếu là kích thích sự phát triển đột biến của hệ thống tái sản xuất sinh học – xã hội tức quá trình tăng cơ học về dân số. Cho nên dòng di dân nhập cư từ các nơi đổ về đang tạo ra áp lực ngày càng trở nên quá tải đối với hệ thống cơ sở hạ tầng từ giao thông tới điện nước cống rãnh nhà ở, hệ thống giáo dục – y tế cũng như làm phức tạp thêm tình hình trật tự trị an.
Nếu hình dung đời sống văn hóa ở các đô thị từ 1986 đến nay như một quá trình thay đổi liên tục của tam giác ba đỉnh kinh tế đô thị, môi trường đô thị và quản lý đô thị, thì rõ ràng cái tam giác này luôn luôn bị đỉnh kinh tế kéo lệch ra khỏi sự cân bằng. Việc phát triển kinh tế theo đường hướng công nghiệp hóa cổ điển thu hút di dân nhập cư đã bổ sung cho đô thị một lực lượng lao động đông đảo và khá trẻ nhưng chất lượng rất đáng lo ngại (năm 1999 ở TP. Hồ Chí Minh chỉ có 16,6% lao động có bằng cấp – tay nghề, tỷ lệ này đến cuối năm 2006 là khoảng 30%). Nhìn từ góc độ phát triển kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp như thế dĩ nhiên là một vấn nạn đối với thành phố, nhưng nhìn từ góc độ phương thức sinh hoạt đô thị thì vấn đề còn đáng quan tâm hơn, vì thực tế đã chứng minh có một khoảng cách lớn về trình độ văn hóa, hành vi xã hội và ý thức cộng đồng giữa những di dân “kiếm việc làm” với những di dân “kiếm sống”, tóm lại xét trên khía cạnh di dân nhập cư thì việc xây dựng phương thức sống đô thị tiên tiến ở thành phố còn phụ thuộc vào chỗ nó tiếp nhận loại di dân nào nhiều hơn. Rõ ràng ở đây đang tồn tại mâu thuẫn giữa đường lối xây dựng kinh tế với nhu cầu tổ chức xã hội và phát triển văn hóa, và khi nào mâu thuẫn ấy chưa được nhận thức toàn diện và giải quyết triệt để, thì một phương thức sống đô thị tiên tiến đúng nghĩa vẫn chưa thể xuất hiện.

   

Bên cạnh đó, phương thức quản lý cũng đang là điểm nóng trong việc xây dựng phương thức sống đô thị tiên tiến ở thành phố. Có thể thấy trong quá trình tái cấu trúc của các hệ thống xã hội nhằm vừa trả lại cho thành phố đời sống và diện mạo đô thị đúng nghĩa vừa thúc đẩy thành phố bước mau vào quỹ đạo phát triển của đô thị hiện đại từ 1986 đến nay, hệ thống quản lý đô thị luôn là hệ thống có tốc độ tái cấu trúc chậm nhất và chất lượng tái cấu trúc thấp nhất. Không nói tới những tiêu cực của nhiều cá nhân hay tổ chức trong hệ thống này, ngay sự vận hành mang tính chất tích cực của nó cũng không đáp ứng được nhiều yêu cầu thực tiễn của sinh hoạt đô thị. Chẳng hạn đô thị luôn có mức độ sử dụng dịch vụ rất cao trong đó có dịch vụ ăn uống, nhưng trên phương diện vệ sinh thực phẩm thì năng lực quản lý và khả năng chế tài của hệ thống quản lý đô thị ở thành phố đối với dịch vụ này đang còn nhiều vấn đề rất đáng lo ngại. Tương tự, không gian đô thị mở rộng nhanh hơn nhưng ngược lại văn hóa cư trú lại ngày càng xuống cấp. Ở các khu vực có nhiều người nhập cư, tình hình xây dựng nhà cửa đã vượt khỏi tất cả những gì người ta có thể tưởng tượng được về tình trạng vô Chính phủ trong kiến trúc dân dụng. Có thể nói hệ thống quản lý đô thị ở thành phố hiện vẫn chưa khắc phục được tập tính tùy tiện của thời bao cấp, chính trên cơ sở này mà trong khá nhiều trường hợp di dân các vùng nông thôn nhập cư từ 1986 đến nay đã có thể góp phần “nông thôn hóa” được thành phố về lối sống và cảnh quan. Tốc độ tái cấu trúc quá chậm của hệ thống quản lý đô thị ảnh hưởng tới chức năng của chính nó, và thiếu đi sự điều tiết đúng mức cần thiết trên phương diện quản lý, giữa quá trình tái cấu trúc xã hội về kinh tế đô thị và môi trường đô thị ở đây có sự vận động không ăn khớp về mục tiêu, tốc độ và nhịp điệu, điều này ảnh hưởng bất lợi tới việc xây dựng phương thức sống đô thị tiên tiến ở thành phố mà biểu hiện dễ thấy nhất là những lối tư duy và cách ứng xử chống lại các giá trị tiên tiến và nhân văn.
Phải thừa nhận rằng nhiều năm qua chính quyền các cấp ở một số đô thị đã nỗ lực để hướng tới xây dựng một phương thức sống đô thị tiên tiến trên địa bàn này, dù rằng chưa phải với các biện pháp phù hợp cũng như với một nhận thức thấu đáo. Nhưng một phương thức như vậy cần có những điều kiện pháp lý tối thiểu mới có thể trở thành hiện thực. Cho nên nếu thừa nhận thành phố hiện cần một phương thức sống đô thị tiên tiến, đảm bảo tác động tích cực được tới sự phát triển và quan hệ giữa các hệ thống và quá trình xã hội, trong đó có việc xây dựng ý thức công dân thì một “Quy chế về chuẩn mực trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt và quản lý ở đô thị” cho tất cả mọi cá nhân và tổ chức ở thành phố hẳn là một việc cần được tiến hành ngay.

Tác giả