Khái niệm “Phát triển bền vững” của Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa

Nếu như có một nhiệm vụ duy nhất của Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa này thì đó phải là và chỉ có thể là phải phát triển bền vững, bởi phát triển bền vững là xu hướng tất yếu mà tất cả nhân loại cần phải hướng tới trong giai đoạn  “tư duy lại, thiết kế lại, vận hành lại” toàn thể và toàn diện mô hình phát triển như hiện nay.

Thách thức đầu tiên và cơ bản nhất đối với nhiệm vụ phát triển bền vững của Việt Nam đó chính là hiểu khái niệm phát triển bền vững của Việt Nam, kiểu Việt Nam là như thế nào. Những định nghĩa về phát triển bền vững của các tổ chức quốc tế, của các học giả đương đại hiện nay chỉ là những định nghĩa có tính chất cơ bản; từ nền tảng cơ bản đó, chúng ta phải định nghĩa ra một nội hàm phát triển bền vững của riêng Việt Nam, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam. Nội hàm của khái niệm phát triển bền vững cho Việt Nam không thế giống với sự phát triển bền vững của Hoa Kỳ, của Trung Quốc, của Nhật Bản, của Âu châu, của các nước Đông Nam Á khác,… Sự lệ thuộc về mặt khái niệm sẽ là sự khởi đầu cho rất nhiều sự lệ thuộc khác theo sau. Sự tự chủ về mặt khái niệm là tiền đề cho sự chủ động và sáng tạo trong rất nhiều lĩnh vực cho quốc gia Việt Nam.

Theo quan điểm nêu trên, sự phát triển bền vững của Việt Nam cần phải được bổ sung 03 yêu cầu quan trọng để sự phát triển đó phải thật sự bền vững, đó là: phải phát triển đúng với tiềm năng, phải phát triển mạnh hơn sức ép, và phải phát triển xứng với cơ hội. Nếu sự phát triển của Việt Nam với những chỉ số tuyệt đối dù có tốt đến đâu mà vẫn xa với cơ hội, vẫn yếu hơn sức ép, và vẫn kém xa cơ hội thì sự phát triển đó chắc chắn thiếu tính bền vững.

Phát triển đúng với tiềm năng nội tại là một yêu cầu cơ bản vô cùng quan trọng cho Việt Nam. Như chúng ta đã biết, mọi nguồn lực đều được coi là khan hiếm, cần được sử dụng một cách đầy đủ và thông minh, từ nguồn lực của tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, sức lao động đến văn hóa, tri thức, sáng tạo. Sự lãng phí, các tiềm năng còn bị ngủ vùi là thực trạng có tính phổ biến ở Việt Nam chúng ta.

Việt Nam đang ở một vị trí địa-chính trị-văn hóa rất nóng trong bản đồ phát triển của thế giới. Với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và các quốc gia đối trọng chiến lược, Việt Nam vừa có cơ hội để phát triển vừa đứng trước một sức ép rất lớn và có tính toàn diện từ bên ngoài cả về an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, nhân khẩu học,… Một nhóm sức ép hay đe dọa mà toàn thể các quốc gia trên thế giới cùng phải đối mặt đó là các khủng hoảng toàn cầu về: kinh tế – tài chính, lương thực, năng lượng, môi trường – biến đổi khí hậu, bệnh dịch, và khủng hoảng nhân văn. Đặc biệt với vị trí địa lý của mình, với tình trạng dân số đông và y tế còn hạn chế, Việt Nam chúng ta là một quốc gia hết sức nhạy cảm với những biến đối khí hậu và bệnh dịch toàn cầu.

Toàn cầu hóa là một cuộc đua, một cuộc cạnh tranh trong việc nhận diện và đi đúng các xu thế mới của thế giới. Cuộc cạnh tranh này đòi hỏi chúng ta vừa phải thông minh, vừa phải năng động, vừa phải kiên định. Nếu không tận dụng được quy luật tương thuộc trong thế giới mới này, quy luật về sự thắng thế của kinh tế xanh, của quyền lực mềm và quyền lực thông minh, của sự phục hưng của các giá trị phương Đông,… thì vị trí quốc gia trên đường đua quốc tế của Việt Nam sẽ không thể thay đổi, hoặc có thay đổi thì đó sẽ là sự thụt lùi khi chúng ta không tận dụng được các dòng chảy mới.

Ba yêu cầu của phát triển bền vững Việt Nam nêu trên không chỉ là của riêng Việt Nam mà còn có tính đại diện chung cho rất nhiều các quốc gia đang phát triển có quy mô nhỏ và trung bình trên thế giới, cho kể cả các quốc gia đã phát triển gần như cực đỉnh về vật chất. Nếu chúng ta cam kết và thực hiện, lợi ích của Việt Nam sẽ tương đồng với lợi ích của các quốc gia trên, sự phát triển bền vững trở thành một phong trào toàn cầu có năng lực cộng hưởng cao.    

Để phát triển bền vững, chúng ta phải nhận ra được một trong những nguyên nhân nội tại hàng đầu làm cho chúng ta phát triển kém bền vững. Đó là do chúng ta còn thiếu khát vọng lớn và yếu kém trong khả năng thực thi những điểm yếu ngàn đời của người Việt, là căn bệnh âm tính trầm kha của văn hóa Việt. Vậy nên, đây chính là cơ hội ngàn năm có một để chúng ta một lần cải sửa được sự âm tính này, thực sự xây dựng được một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)