Khai thác nguồn lực xã hội để phát triển hài hòa

Trong 20 năm qua, kinh tế Việt Nam phát triển tốt vì đã dịch chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa bị chi phối bởi khu vực kinh tế nhà nước sang kinh tế thị trường thông qua quá trình tự do hóa kinh tế cùng sự phát triển của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, trên bình diện các vấn đề xã hội, chúng ta lại chưa làm được điều tương ứng. Nghĩa là, chúng ta vẫn còn lệ thuộc quá nhiều vào khu vực nhà nước trong khi để lãng phí nguồn lực to lớn sẵn có trong xã hội.


Chúng ta chưa phát huy, thúc đẩy được sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: Dây chuyền sản xuất cá tra của công ty Vĩnh Hoàn, tỉnh Đồng Tháp.

Nguồn lực cho phát triển đang suy giảm

Việt Nam tăng trưởng kinh tế rất nhanh trong hai thập niên qua, nhưng tốc độ tăng trưởng đang sụt giảm dần do sự tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn, lao động giá rẻ, còn phần tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo và các đổi mới khác thì rất khiêm tốn, thay đổi thất thường theo thời gian (Hình 1). Đó là biểu hiện của tăng trưởng theo chiều rộng, như cách nói rộng rãi hiện nay. Sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân chưa được phát huy thực sự, đến nay vẫn chỉ đóng góp dưới 10% vào GDP toàn nền kinh tế (Hình 2). Gần đây, sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế thì động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam càng giảm do lượng vốn không còn dồi dào, nguồn lao động cũng đang đi qua giai đoạn dân số vàng (tiến sang già hóa). Điều đáng lo ngại là chúng ta có thể bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình thấp khi còn quá sớm. Nghĩa là trong khi các nước trên thế giới thường gặp khó khăn với bẫy thu nhập trung bình khi tìm cách vượt ngưỡng GDP đầu người khoảng 10.000 USD/năm, thì có thể Việt Nam sẽ “kẹt” ngay ở mức 2000 – 3000 USD/năm, và loay hoay nhích lên từng bước nhỏ một cách chật vật.


Hình 1


Hình 2

Khác với chúng ta, các nước lớn trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc hay các nước nhỏ hơn như thành viên khối ASEAN, đang có cải cách rất rõ để tăng chất lượng tăng trưởng sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay thậm chí đang thua xa Philippines, khi họ đã có mức GDP đầu người cao hơn Việt Nam. Thêm vào đó, Philippines lại có dân số trẻ hơn Việt Nam rõ rệt, nên về lâu dài, ta có thể tụt hậu so với họ. Đi liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhiều vấn đề xã hội mà Việt Nam phải đối diện đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Đó là bất bình đẳng trên nhiều phương diện, kết nối xã hội lỏng lẻo, đạo đức và luật pháp bị vi phạm ngày càng nhiều, môi trường bị hủy hoại và ít có khả năng tái tạo, v.v… Nguồn lực của Nhà nước đang suy kiệt, không đủ lo toan cho bản thân bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, chứ chưa nói tới việc xử lý hiệu quả các vấn đề về môi trường, giáo dục hay bảo đảm nhiều dịch vụ công và các vấn đề phát sinh khác.

Trong khi đó, tham nhũng ngày càng nghiêm trọng khiến một phần đáng kể nguồn lực quốc gia bị lãng phí và thao túng. Việc bù đắp thâm hụt bằng cách tăng thu thuế hoặc phí càng khiến cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực xã hội bị méo mó. Thâm hụt ngân sách tất yếu dẫn đến việc Chính phủ phải liên tục tăng vay nợ để bù đắp ngân sách. Thiếu hụt nguồn lực khiến Chính phủ phải lệ thuộc vào các chủ nợ nước ngoài hoặc các nhóm lơi ích trong nước. Khi không đủ nguồn lực để thực thi những chức năng căn bản của Nhà nước là cung ứng dịch vụ công, duy trì luật pháp, ổn định xã hội, thì không gian chính sách ngày càng bị thu hẹp và chức năng của Nhà nước đối với xã hội càng trở nên hạn chế. Do đó, chất lượng sống của người dân giảm xuống, khả năng duy trì ổn định xã hội ngày càng giảm. Đó chính là nguồn gốc kinh tế của các bất ổn xã hội hiện nay.

Trong khi đó, như đã nói trên, trong suốt mấy thập kỷ đổi mới kinh tế, đã không có sự đổi mới trên bình diện xã hội một cách tương ứng. Nhà nước vẫn “ôm đồm” kiểm soát và cố gắng giải quyết hầu như mọi vấn đề xã hội và duy trì cách làm “từ trên xuống”. Điều này dẫn tới chất lượng quản trị công thấp, không theo kịp thực tiễn sống động, khiến quyền lợi của người dân chưa được bảo vệ hiệu quả. Một trong những vấn đề quan trọng nhất để quản lý xã hội được hiệu quả và kịp thời là vấn đề thông tin và tri thức của xã hội. Hiện nay mỗi cá nhân hay các bộ máy quản lý, dù ở cấp cao nhất, đều bị giới hạn về thông tin và tri thức đối với xã hội và thế giới xung quanh. Mỗi cá nhân, đơn vị chỉ sở hữu một mảnh tri thức giới hạn để xử lý thông tin. Vì thế, chúng ta cần phải thừa nhận những mảnh tri thức của người khác một cách khiêm tốn và cầu thị, và cần có một cơ chế để các tri thức, thông tin đó được bộc lộ và thu nhận. Một trong những cơ chế quan trọng nhất chính là sự tự do trong biểu đạt (ngôn luận) và tự do thông tin (báo chí, mạng xã hội…). Để cơ chế này được duy trì ổn định và phát huy tác dụng liên tục, chúng ta cần sự tôn trọng mỗi cá nhân như một thực thể độc lập, do đó, là sự tôn trọng những quyền cơ bản nhất của con người. Đó chính là bí quyết để tăng chất lượng quản lý các quá trình xã hội.

Thúc đẩy khu vực dân sự để phát triển “hài hòa”

Một xã hội sẽ phát triển hài hòa khi quyền lợi của tất cả các nhóm trong xã hội đều được đảm bảo, ngược lại sẽ khủng hoảng khi: 1) phát triển kinh tế bị dừng lại hoặc thụt lùi, hoặc 2) có tăng trưởng kinh tế, nhưng lợi ích kinh tế chỉ dịch chuyển vào một nhóm, còn một bộ phận lớn hoặc thậm chí toàn xã hội không được cải thiện. Như trường hợp của Ai cập, trong vòng 20 năm không có tăng trưởng kinh tế, lợi ích chỉ tập trung vào một nhóm đặc quyền khiến mâu thuẫn bùng nổ khi được “châm ngòi” chỉ bởi một thanh niên trầm uất do không tìm được việc làm.

Nhìn vào mô hình xã hội Việt Nam, có thể thấy vài chục năm trước chúng ta ở trạng thái hài hòa cân bằng khi đại đa số mọi thành phần đều nằm ở mức sống thấp, cả xã hội đi cùng nhau, nhưng nay chúng ta lại đang đối diện với tình trạng mất cân bằng vì bất bình đẳng gia tăng rất nhanh cùng các vấn đề đã nêu trên đây.

Để giải quyết trạng thái mất cân bằng này, nhà nước cần dần chuyển dịch vai trò thông qua một quá trình tái phân phối hoặc quá trình điều chỉnh chính sách, tránh cho một số nhóm/khu vực chịu thiệt hại vì lợi ích không công bằng dành cho một nhóm khác. Một trong những điều kiện tiên quyết là nhà nước phải tăng cường việc lắng nghe thông tin phản ánh từ các thành phần, nhóm khác nhau trong xã hội, đặc biệt những nhóm yếu thế, bị thiệt thòi (vì khả năng bộc lộ thông tin của họ kém hơn các nhóm khác).

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhà nước khó có thể “bao quát” hết các vấn đề xã hội đang nảy sinh hằng ngày, ngược lại, người dân thiếu các kênh truyền đạt thông tin, nên quá trình chuyển dịch đó đã không diễn ra. Vì thế, người dân rất cần có các tổ chức xã hội cất lên tiếng nói đại diện cho quyền lợi của họ để các bên có thể thảo luận, giải quyết trên tinh thần ôn hòa, qua đó đồng thời giúp nhà nước giảm chi phí giám sát và thực thi, tăng hiệu quả của quản trị công, góp phần giúp người dân thực hiện đầy đủ các quyền của mình và khiến quá trình phát triển kinh tế – xã hội trở nên nhân văn, hài hòa và bền vững hơn.

Ví dụ, gần đây, nhiều dự án xây dựng các khu đô thị đã xung đột lợi ích với cư dân nhưng tiếng nói của họ bị yếu thế so với những tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính. Trong lĩnh vực kinh doanh, hiện nay khu vực kinh tế nội địa ở Việt Nam đang ngày càng yếu thế, nếu cách đây 5 – 7 năm xuất khẩu của khu vực này chiếm hơn 60% tổng xuất khẩu thì nay chỉ còn 28%, vì vậy rất cần tăng cường vai trò các hiệp hội bảo vệ quyền lợi của hội viên, cung cấp dịch vụ phù hợp để tăng sức cạnh tranh cho chính họ. Hay trong ngành giáo dục cần tiếng nói của công đoàn bảo vệ giáo viên trước những vấn đề đang được thảo luận như trong ngành giáo dục, có giao toàn quyền về biên chế cho hiệu trưởng hay không. Các trường học cũng cần có hội phụ huynh để đại diện tiếng nói người học, kiểm soát sự chuyên chế quyền lực của hiệu trưởng, v.v.


Hình 3

Để phát triển lấy triết lý đặt con người làm trung tâm, chúng ta phải dịch chuyển hướng điều hành “từ trên xuống” sang hấp thụ quan điểm “từ dưới lên”. Phải thừa nhận những cấu trúc không thể thiếu trong một xã hội hiện đại, có nền kinh tế thị trường phát triển, là khu vực xã hội dân sự phát triển tương ứng. Đây có thể coi là một cuộc cải cách về mặt xã hội tương ứng với cuộc cải cách về kinh tế đã diễn ra từ ba thập niên trước. Những bước đi cơ sở đầu tiên là cần công nhận về mặt luật pháp như luật về hội hay luật biểu tình, là những nền tảng đầu tiên cho sự phát triển của xã hội dân sự và những thay đổi xã hội ôn hòa.
———–
* TS. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

 

Thiếu chuẩn bị nền tảng cho kỷ nguyên thông tin: Trong bối cảnh chúng ta đang lúng túng nhằm phát triển khu vực tư nhân, kinh tế thế giới đã phát triển sang một “nấc” mới. Trong kỷ nguyên cách mạng 4.0 – kỷ nguyên của thông tin, kinh tế thế giới chủ yếu phát triển các mặt như viễn thông, truyền thông hay kinh tế chia sẻ. Nếu như nguyên tắc phát triển của nền kinh tế vật chất đòi hỏi thừa nhận kinh tế tư nhân cũng như nền tảng sở hữu tư nhân, thì trong kỷ nguyên thông tin chúng ta phải tôn trọng sở hữu trí tuệ, các sở hữu những ý tưởng, tự do tư tưởng và tự do công luận. Nền kinh tế mới này sẽ đòi hỏi một loạt quan hệ mới trong xã hội, đó là lý do trong khi cả thế giới bàn bạc về cách mạng 4.0 thì Nhật Bản đang đi trước một bước, tìm cách xây dựng một xã hội 5.0 để dẫn dắt chứ không bị lệ thuộc vào cách mạng 4.0. Dù chúng ta đang nói rất nhiều đến những thách thức và cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng hầu như lại chưa có sự chuẩn bị đáng kể gì cho kỷ nguyên thông tin.

Tác giả

(Visited 31 times, 1 visits today)