Khoa học về hành vi con người

Ai cũng khen người Việt Nam thông minh cần cù, hiếu khách, sáng tạo…, Tuy nhiên qua 30 năm xây dựng, quá trình phát triển chính trị kinh tế xã hội đã đưa tới một số mặt yếu của người Việt Nam đương đại mà nếu không khắc phục bằng việc phát huy các khoa học hiện đại về hành vi con người thì phát triển sẽ bị chậm lại.

A. MỘT SỐ MẶT YẾU CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
l) Sự xuống cấp về đạo đức làm người ở mức báo động.
Con người không phải thần thánh. Có tốt có xấu, nhưng chưa hiểu vì lý do gì mà cái xấu ngự trị đến mức đáng ngạc nhiên và những giá trị căn bản của đạo làm người như sự thật thà, trung thực, sự tôn trọng người khác và quyền lợi của họ, sự công bằng… bị lãng quên. Cái xấu ngự trị một cách đường chính chính.
Khái niệm “lương tâm” hết sức cơ bản trong từng con người biến mất ở một số không nhỏ. Một nhà xã hội học luật pháp đã nói: “Luật là biện pháp cuối cùng, nó không có tác dụng nếu người ta không có ý thức tuân thủ nó”. Đó là lương tâm, khả năng phân biệt phải trái và hành động theo đó.
Không nói chi đến những người chơi bời với hàng triệu đôla, ta chỉ cần quan sát trong đời sống hàng ngày những vấn đề làm đau đầu nhà quản lý như an toàn vệ sinh thực phẩm, buôn bán gia cầm, gia súc không qua kiểm soát… Ở đây mạng sống con người không có ý nghĩa gì với những người vi phạm.
2) Ý thức cộng đồng sa sút trầm trọng.
Để xã hội vận hành tốt, người công dân không thể chỉ nghĩ tới quyền lợi riêng tư của mình mà còn phải tôn trọng quyền lợi của người khác. Ý thức cộng đồng sa sút này biểu hiện rõ trong các tai nạn giao thông (một vấn đề xã hội gây tổn phí kinh tế rất lớn). Thiếu ý thức cộng đồng dẫn tới sự coi thường luật pháp không chỉ từ người dân mà ngay cả từ những người thi hành luật. Sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề giao thông khi người vi phạm chỉ cần hối lộ cho cảnh sát thì được bỏ qua. Người cảnh sát ăn hối lộ (hay ông quan tham nhũng) cũng chỉ nghĩ tới lợi ích riêng của mình mà quên đi lợi ích cộng đồng.
Sự kém cỏi trong vệ sinh công cộng là một ví dụ điển hình khác.
3) Tác phong công nghiệp còn yếu.
Đúng giờ, đúng hẹn, đúng lời hứa, tôn trọng các quy định chung của tổ chức, chấp nhận các đòi hỏi của hoạt động tập thể phải được tăng cường giáo dục.
4) Tuổi trẻ nói chung còn thụ động, làm theo phong trào, thực dụng, ít quan tâm đến những vấn đề chung của đất nước. Chưa có tinh thần ê-kíp.
5) Các tệ nạn ma túy, mại dâm, tội phạm… và đại dịch HIV là GÁNH NẶNG KINH TẾ RẤT LỚN cho đất nước. Các vấn đề này chưa được giải quyết thỏa đáng vì thiếu các phương pháp tâm lý xã hội. Phương pháp giáo dục truyền thông còn quá lỗi thời. Các biện pháp giáo dục chỉ tác động bên ngoài, chưa tạo được nội lực tâm lý để thay đổi.
6) Các vấn đề về rối loạn tâm lý, stress, trầm cảm bắt đầu phát triển mặc dù phát triển kinh tế chưa cao.
7) Ăn chơi, nhậu nhẹt, nhất là ở nông thôn vượt mức bình thường và cũng rất tốn kém về kinh tế…
Còn có thể kể thêm dài dài nhiều yêu kém khác.

B.THỬ PHÂN TÍCH NGUYÊN NHÂN
Chắc chúng cũng đã rõ:
– Giáo dục nhân bản, giáo dục đạo đức làm người thật cơ bản bị bỏ quên. Dường như có giả định là con người tốt về chính trị tất yếu sẽ tốt về đạo đức… thanh niên có quậy phá thì Đoàn lo giáo dục chín trị tư tưởng và pháp luật không thấy nhắc tới giáo dục nhân bản và đạo đức. Sự thay đổi chỉ mới gần đây khi vấn đề quá trầm trọng.
– Gia đình hoàn toàn hụt hẫng trước những biến chuyển xã hội nhanh như vũ bão và không còn biết phải làm gì với con cái mình.
– Xã hội có quan tâm nhưng bất lực vì chỉ dựa vào kiểu kêu gọi, tuyên truyền đại trà với kết quả nước đổ lá khoai.
– Nguyên nhân cơ bản là ta hoàn toàn lạc hậu trong lĩnh vực khoa học về HÀNH VI CON NGƯỜI để có những biện pháp giáo dục hữu hiệu.

C. THỬ BÀN VỀ BIỆN PHÁP
Những vấn đề xã hội diễn ra hiện nay ở nước ta là những hậu quả xã hội tiêu cực của quá trình đổi mới về khoa học kỹ thuật và kinh tế. Hơn nữa đó là sự tiếp thu không chọn lọc, không lành mạnh những giá trị tiêu cực từ bên ngoài.
Ở các nước đi trước, quá trình công nghiệp hóa diễn ra kéo dài hàng thế kỷ. Các vấn đề xã hội xuất hiện tới đâu, họ cố gắng giải quyết tới đó. Từ từ hình thành các khoa học xã hội để đối phó với các hiện tượng xã hội tiêu cực. Ví dụ xã hội học hình thành với xã hội công nghiệp, giai cấp công nhân. Công tác xã hội bắt đầu với hoạt động tình nguyện của những nhà trí thức Anh đi thăm viếng giúp đỡ công nhân trong các khu nhà ổ chuột, giúp họ khi họ thất nghiệp… Tư vấn tâm lý hình thành trong cố gắng chăm sóc các bệnh nhân có những khó khăn về tâm lý, tâm thần…
Không phải là các nước phát triển không có những vấn đề xã hội, nhưng với những công cụ khoa học hình thành cả trăm năm nay, và tiếp tục hoàn thiện, họ làm chủ được tình hình.
Một ví dụ là đại dịch Aids. Nó được phát hiện ở Mỹ. Lúc đầu chưa có thuốc chữa. Nhưng nước Mỹ đã chế ngự sớm sự lây lan nhờ các khoa học giúp thay đổi hành vi như tham vấn tâm lý, truyền thông giáo dục, tổ chức quản lý về mặt xã hội.
Những nét đặc thù tiêu cực của người Việt Nam đương đại kể trên thuộc về thái độ và hành vi và hành vi không thể thay đổi khi ta chỉ kêu gọi hời hợt hay tuyên truyền suông.
Truyền thông đại chúng dù có hay cách mấy cũng chỉ cung cấp thông tin, không làm cho người ta thay đổi.
Ngày nay giáo dục tích cực hay giáo dục có sự tham gia, nhất là trong nhóm nhỏ, trong đó cá nhân tương tác với nhau mới làm thay đổi hành vi. Nghiên cứu khoa học cho thấy trong giáo dục hay đổi hành vi thảo luận nhóm đem lại hiệu quả gấp chục lần so với thuyết trình. Phương pháp này hiện nay có được sử dụng nhưng rất ít vì người ta còn ham số đông và chưa biết khoa học về nhóm nhỏ và sức mạnh của nó. Công tác cai nghiện ma túy rất tốn kém nhưng học viên dễ tái nghiện vì không có sự thay đổi từ bên trong, không tự tạo được cho mình một nội lực mới nhờ phương pháp tham vấn, trị liệu tâm lý hay công tác xã hội. Xóa đói giảm nghèo chưa bền vững vì chưa ứng dụng Phát triển Cộng đồng qua đó người dân tích cực tham gia vào việc làm thay đổi và làm chủ cuộc sống của họ.
Các nước phát triển cũng hết sức quan tâm đến giáo dục giới trẻ nhưng họ không hô hào “tiên học lễ hậu học văn”. Họ dạy KỸ NĂNG SỐNG là khả năng thực hành các kỹ năng tâm lý xã hội để tự mình quyết định, lựa chọn khi không có người lớn bên cạnh để chọn những hành vi tích cực và nói KHÔNG với cái xấu. Họ không bắt trẻ học thuộc lòng các bài giảng mà cho trẻ chơi, đóng kịch, sắm vai… để thực hành những tình huống sẽ gặp ngoài đời.
Họ cũng rất quan tâm đến giáo dục đạo đức nhưng không còn sử dụng ca dao tục ngữ mà dạy những GIÁ TRỊ SỐNG như sự trung thực, tinh thần trách nhiệm, tính vị tha sự tôn trọng nhân phẩm, lợi ích chung… Họ cũng dạy bằng các phương pháp thực hành như trong kỹ năng sống.
Những cách giáo dục này được các tổ chức Liên Hợp Quốc đưa vào Việt Nam từ những năm 90 nhưng cho tới nay vẫn còn ở dạng thí điểm rất hạn hẹp.
Các phương pháp giáo dục thay đổi hành vi, truyền thông nhóm nhỏ, công tác xã hội, phát triển cộng đồng, tham vấn tâm lý… cũng đã được thực hiện  đó đây ở Việt Nam và chứng minh hiệu quả. Tuy nhiên chúng chưa phát triển vì từ gốc độ chính sách chủ trưong chúng chưa được công nhận như những công cụ đắc lực của phát triển xã hội.

Nguyễn Thị Oanh

Tác giả

(Visited 62 times, 1 visits today)