Khoa học vì hòa bình

Mới đây, cũng như nhiều nhà khoa học trên thế giới, tôi đã ký vào một thư ngỏ yêu cầu “giữ cho các hoạt động trao đổi khoa học quốc tế không bị chi phối bởi các chính sách quan hệ quốc tế của các quốc gia, vì lợi ích của khoa học cũng như vì hòa bình.”

Căn nguyên của bức thư là do xung đột ở Ukraine khiến các nhà khoa học Mỹ không được khuyến khích tham gia hội thảo khoa học ở Nga, và các nhà khoa học Nga với hơn 20 năm là thành viên của các tổ chức hợp tác khoa học quốc tế đã bị cấm tới Mỹ dù trước đó họ được mời. Nhóm nhà khoa học Nga ấy đã khẳng định trong thư ngỏ gửi tới chính phủ các nước liên quan và các tổ chức khoa học rằng “Thảo luận và trao đổi khoa học có ý nghĩa cốt tử đối với khoa học […] và trao đổi khoa học vượt ra ngoài biên giới cũng như các hệ tư tưởng là con đường trọng yếu đưa tới một thế giới hòa bình. Cắt bỏ trao đổi khoa học là bước leo thang trong xung đột quốc tế. Chúng tôi kêu gọi tinh thần trách nhiệm của các chính phủ và đại diện trong các tổ chức và ủy ban khoa học để việc trao đổi khoa học quốc tế nằm ngoài sự chi phối của chính sách quan hệ quốc tế của các quốc gia, vì lợi ích của khoa học cũng như vì hòa bình. Chúng tôi kêu gọi tinh thần trách nhiệm của các cộng đồng khoa học, giám đốc khoa học, và các nhà nghiên cứu đồng nghiệp làm tất cả những gì có thể để quay về một tình trạng trong đó giáo dục và nghiên cứu khoa học quốc tế không bị ngáng trở. Chúng tôi kêu gọi trách nhiệm của các cơ quan tài trợ kinh phí hỗ trợ mạnh mẽ trao đổi khoa học phi biên giới”.

 Từ lâu đã thành truyền thống, các nhà khoa học trên khắp thế giới thỉnh nguyện cho một nền khoa học phi biên giới. Đối với những người vẫn luôn được hưởng lợi ích từ việc trao đổi tri thức với các đồng nghiệp nước ngoài như chúng tôi, khoa học rõ ràng phải có tính toàn cầu. Lẽ tất yếu, niềm tin vào giá trị của hòa bình trong quan hệ quốc tế không chỉ giới hạn trong phạm vi chuyên môn của chúng tôi, và bất cứ khi nào căng thẳng giữa hai quốc gia đe dọa tới hòa bình, thì lại có những nhà khoa học vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ để duy trì mối liên hệ khăng khít và làm hết khả năng của mình để ngăn cản xung đột leo thang. Tôi nhớ có ba bức thư, do các nhà khoa học người Ý, Pháp và Nhật Bản viết năm 1966, thuyết phục những đồng nghiệp người Mỹ gây áp lực lên chính phủ để họ rút quân khỏi Việt Nam1. Cũng trong quãng thời gian đó, Laurent Schwartz lập “Comités France Viet Nam”2 và Henri van Regemorter lập “Collectif Intersyndical Universitaire d’Action”3, cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng nhằm chống lại cuộc xâm lược Việt Nam của Mỹ.

Tiêu biểu cho hành động của các nhà khoa học vì hòa bình là Tuyên bố Erice do P.A.M. Dirac, Piotr Kapitza và A. Zichichi viết năm 1982 như một lời kêu gọi các chính phủ phải ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, và từ đó tới nay tuyên bố này đã được 10.000 nhà khoa học trên khắp thế giới ký tên. Sau lời tuyên bố “Di dưỡng yêu thương tạo nên công nghệ hòa bình, di dưỡng thù hận tạo nên công cụ chiến tranh. Yêu thương và thù hận đã tồn tại từ rất lâu, […] hiện tại đã đến lúc việc di dưỡng yêu thương nhất thiết phải chiến thắng”, bản tuyên bố tiếp tục: “Những nhà khoa học muốn cống hiến toàn bộ thời gian cho nghiên cứu về mặt lý thuyết hoặc thực nghiệm những quy luật cơ bản của tự nhiên thì không có bất kỳ trường hợp nào họ đáng bị gây khó dễ, cản trở quyền được tự do theo đuổi khoa học thuần túy. Tất các các chính phủ phải nỗ lực bằng mọi cách giảm thiểu hoặc loại bỏ những hạn chế sự tự do giao lưu của thông tin, tư tưởng, và con người. Những hạn chế ấy càng làm tăng thêm mối hoài nghi và thù hận trên thế giới”. Đóng góp của Erice vào việc kết thúc chiến tranh lạnh là điều không thể phủ nhận và trung tâm này kể từ đó trở thành mảnh đất màu mỡ cho khoa học vì hòa bình, với những seminar thường niên về Những vấn đề Cấp bách của Hành tinh tổ chức dưới sự bảo trợ của Hiệp hội các Nhà khoa học Thế giới (World Federation of Scientists)4.

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 60 năm thành lập Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) và 50 năm thành lập Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế Abdus Salam (ICTP). Sự ra đời của hai tổ chức này đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ quốc tế giữa các khoa học gia.

Ngày 29/09/1954, CERN chính thức đi vào hoạt động và từ đó, trong nhiều mặt đã trở thành hình mẫu cho điều mà châu Âu có thể làm khi họ đoàn kết, tạo cầu nối giữa các quốc gia và đưa những nền văn hóa khác biệt xích lại gần nhau để cùng làm việc hướng tới một mục tiêu chung. Trong 60 năm, CERN đã phát triển thành một trung tâm thí nghiệm vật lý hàng đầu thế giới, hiện thực hóa giấc mơ của người sáng lập là “đem lại sự hợp tác giữa các nước châu Âu trong nghiên cứu hạt nhân thuần túy mang tính chất khoa học, hòa bình và nền tảng, với bổn phận công bố kết quả nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết của mình và để ai cần cũng có thể tiếp cận.” Thành công của tổ chức này có được là nhờ sự tự do hợp tác với tư duy cởi mở hướng tới mục tiêu chung – một sự tự do thúc đẩy những tiến bộ trong khoa học hàng thập kỷ qua.

ICTP được Abdus Salam thành lập năm 1964, là một tổ chức quan trọng góp phần ngăn chặn chảy máu chất xám khoa học từ các nước đang phát triển và giúp các nhà khoa học ở những nước đó tiếp cận nguồn tài nguyên và cơ hội tương tự mà những người đồng nghiệp ở những nước giàu có hơn được hưởng. Sáng lập trong thời kỳ chiến tranh lạnh, trung tâm này đã tạo ra luồng trao đổi thông tin hiếm hoi giữa các nhà khoa học Đông và Tây. Giờ đây nó lại nổi lên như một trọng điểm hợp tác giữa Bắc và Nam, hướng tới mục tiêu giúp các nhà khoa học ở các nước đang phát triển vượt qua tình trạng cô lập để cống hiến vào những nghiên cứu tối tân trong vật lý và toán học.

Ngày nay, ở nhiều vùng miền, chúng ta đang chứng kiến căng thẳng gia tăng và chủ nghĩa dân tộc trở nên trầm trọng: Châu Phi, Ukraine, Trung Đông và, gần chúng ta, ở biển Đông. Với tư cách là những khoa học gia, chúng ta có nhiệm vụ không đầu hàng trước ham muốn chạy theo bầy đàn. Trong thế giới toàn cầu mà chúng ta đang sống, chúng ta là công dân của cùng một hành tinh: chúng ta phải học cách chung sống và chia sẻ nguồn tài nguyên một cách công bằng. Sự thân thuộc của chúng ta đối với khoa học cùng những phương pháp của nó giúp chúng ta hiểu rằng những vị Chúa mà nhiều dân tộc nhân danh Người để chém giết nhau chỉ là tấm mặt nạ của điều huyền bí vẫn hằng ám ảnh loài người bấy lâu nay, và khoa học sẽ không bao giờ đưa ra câu trả lời cho điều huyền bí ấy: tại sao thế giới này chứ không phải hư vô? Chúng ta biết rằng thù hận không ăn sâu cắm rễ trong gene của những nước lân bang đang giao chiến hàng thế kỷ nay: đã đến lúc xây đắp hòa bình. Người đặt dấu chấm hết cho hàng ngàn năm chiến tranh và thù hận sẽ vun đắp nhân phẩm và thúc đẩy bước tiến của nhân loại tốt hơn bội phần kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến nào đó. Là nhà khoa học, chúng ta phải trung thành với truyền thống cùng nhau hợp tác vì hòa bình.

Thanh Hương dịch



1 Có thể tìm đọc trong xuất bản phẩm Bulletin of the Atomic Scientists, XXIII, 1, tháng 1 năm 1967, trang 47,http://books. google.com.vn/books?id=1QcAAAAAMBAJ&pg=PA2&lpg=PA2&dq=bulletin+of+the+atomic+scientists+1967+vietnam&source=bl&ots=CM87c4c5I5&sig=SroMdWpukMjPBkpsm5DeNLOACqY&hl=en&sa=X&ei=87rTU8ftCYO68gX3woDIDg&ved=0CBoQ6AEwAA#v=onepage&q=bulletin%20of%20the%20atomic%20scientists%201967%20vietnam&f=false.

2 Tham khảo bài viết được đề cập nhiều của Lê Dung Tráng trên tạp chí Asia Pacific Mathematics Newsletter, 2/4, Tháng 10 2012, http://www.asiapacific mathnews.com/02/0204 /0033_0034.pdf.

3 Viet Nam, une coopération exemplaire, L’Harmattan, Paris, 2004.

4 Ví dụ có thể tham khảo qua bài viết của W.A. Barletta và H. Wegener, Averting Disaster: Science for Peace in a Perilous Age, World Scientific, 2010.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)