Không cần trải thảm đỏ
Báo chí nói nhiều về việc Nhà nước, các địa phương có chính sách “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư, đón “nhân tài”, đón “trí thức Việt kiều”; gần đây lại rộ lên việc bàn luận một số ông quan cấp sở, cấp vụ bỏ nhà nước sang khu vực tư nhân, nói về “chảy máu chất xám”... Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 <!-- /* Style Definitions */ p.MsoNormal, li.MsoNormal, div.MsoNormal {mso-style-parent:""; margin:0in; margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:12.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-fareast-font-family:"Times New Roman";} p.newsindex, li.newsindex, div.newsindex {mso-style-name:newsindex; mso-margin-top-alt:auto; margin-right:0in; mso-margin-bottom-alt:auto; margin-left:0in; mso-pagination:widow-orphan; font-size:12.0pt; font-family:"Times New Roman
“Bụt chùa nhà không thiêng” là một ngạn ngữ cổ xưa ở Việt Nam. Trên thế giới, gần như trong ngôn ngữ nào cũng có ngạn ngữ tương tự. Như thế hiện tượng “bụt chùa nhà không thiêng” là hiện tượng con người khá phổ biến. Trong ngữ cảnh của bài này bụt chùa nhà là các nhà đầu tư trong nước, là cán bộ, trí thức địa phương, trong nước.
Trong thúc đẩy đầu tư nước ngoài, ở Việt Nam người ta cũng không ngớt nói về “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 1989 trước sự chuyển đổi của đất nước mình, Kornai János [Con đường tiến tới nền kinh tế tự do, NXB Trí thức 2007, tr. 47] đã khuyên các nhà hoạch định chính sách Hungary khi họ đưa ra những ưu đãi đặc biệt, khi họ “trải thảm đỏ” để kêu gọi đầu tư nước ngoài như sau: “Nhà đầu tư nước ngoài, nếu có trí khôn, họ biết rằng những ưu đãi ngoại lệ có thể được thu hồi bất cứ lúc nào… Bằng cách này cũng đạt được cái gì đó nhưng không nhiều.” Ông phân tích một số mặt có hại của việc “trải thảm đỏ”. Ông viết tiếp “các nhà đầu tư nước ngoài nghiêm túc và đáng tin cậy muốn hiểu xem tình trạng đầu tư, kinh doanh tư nhân” ở trong nước ra sao. Nói cách khác bụt “chùa người” muốn xem “bụt chùa nhà” có được đối xử “tử tế”, có thiêng hay không. Nếu họ được đối xử tử tế, thì nhà đầu tư nước ngoài nghiêm túc cảm thấy yên tâm. Và chúng ta muốn kéo các nhà đầu tư đáng tin cậy đó vào làm ăn lâu dài, chứ không phải những kẻ mạo hiểm chỉ mong được ưu đãi nhưng có thể bỏ chạy ngay. Đấy mới là điều quan trọng. Suốt 20 năm hoạt động liên quan đến đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, bản thân tôi cũng cảm nhận được những lo lắng như vậy của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. May là ở nước ta cũng có nhiều người hiểu được tầm quan trọng của “bụt chùa nhà” mà những cải thiện của luật doanh nghiệp, sự ra đời của luật doanh nghiệp mới là những minh chứng. Việc đối xử “tử tế” hơn với khu vực tư nhân trong nước không những tạo ra động lực lớn trong phát triển kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc thu hút đầu tư nước ngoài. Sự phát triển kinh tế ở nước ta trong những năm qua có được những thành quả to lớn, một phần quan trọng là do ngày càng có nhiều người có được sự hiểu biết khôn ngoan đó.
Quay lại với việc “trải thảm đỏ” đón nhân tài, đón “trí thức Việt Kiều”. Có lẽ, có thể áp dụng được cùng cách lập luận như với “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư nước ngoài. Có trí thức Việt kiều đã thẳng thắn nói họ không cần đến “thảm đỏ”, họ chỉ cần những điều kiện bình thường của một người trí thức. Đó là: tự do tư duy, môi trường thúc đẩy sáng tạo, tự do tranh luận, được đối xử tử tế về mặt công ăn việc làm, cất nhắc. Những điều kiện vật chất, như thu nhập, chỗ ở, v.v. là quan trọng song không phải là những điều kiện hàng đầu. Các “bụt chùa người”, như các nhà khoa học nước ngoài, trí thức Việt kiều, các trí thức tự do không thuộc bộ máy nhà nước, chắc hẳn họ cũng muốn biết các “bụt chùa nhà”, các trí thức trong guồng máy nhà nước, có được đối xử tử tế hay không, có được tạo điều kiện cho tư duy độc lập, sáng tạo, v.v. hay không trước khi họ đến Việt Nam làm việc hay chuyển vào làm việc trong khu vực nhà nước. Trong một thị trường lao động linh hoạt, một điều tối cần thiết cho sự phát triển của đất nước, sự di chuyển từ khu vực tư nhân vào khu vực nhà nước, và ngược lại, là điều bình thường và chẳng có lý do gì để kêu về “nạn chảy máu chất xám” cả vì đó là một dấu hiệu đáng mừng hơn là đáng lo.
Vả lại, nhà nước chỉ là một bộ phận (nhỏ nhưng quan trọng) của xã hội. Để phát triển xã hội, phát triển kinh tế, phát triển khoa học cần đến tầng lớp trí thức đông đảo không hoạt động trong các tổ chức nhà nước. Những trí thức này cũng nên được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Họ cũng là các “bụt chùa nhà” không thiêng. Họ cũng chẳng muốn thiêng, nhưng họ muốn được đối xử tử tế. Để phát triển đất nước sẽ cần đến các trí thức nước ngoài tới, đến trí thức Việt kiều về hoạt động, làm ăn trên đất nước ta. Chắc cũng như các nhà đầu tư nước ngoài, họ hẳn muốn biết các đồng nghiệp “bụt chùa nhà” của họ ở Việt Nam được đối xử ra sao. Cách khôn ngoan là hãy để cho “bụt chùa nhà” thiêng khi là “bụt thật”, còn các “bụt giả” không thiêng là chuyện đương nhiên. Không khôn ngoan nhưng vẫn còn có thể chấp nhận được là để yên cho “bụt chùa nhà” thiêng hay không thiêng tùy họ, thay vì bổ họ ra làm củi đun như một thời chưa quá xa đối với chúng ta. Đấy là cách chiêu dụ hiền tài hữu hiệu nhất, đỡ tốn kém nhất, hiệu quả hơn nhiều so với lời nói “trải thảm đỏ”.