Không chỉ là “đối phó” với thảm họa: Giảm thiểu và ngăn chặn rủi ro hình thành

Chúng ta vẫn thường chỉ nhìn các thảm họa như những sự kiện cần phải đối phó mà không còn thấy một trong những nguyên nhân sâu xa, đó là sự bất bình đẳng xã hội và kinh tế.


Bản Tủ thuộc xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) gần như bị “xóa sổ” sau cơn lũ vào tháng 7. Nguồn ảnh news.zing.vn

Tính đến nay, trong năm 2018 đã có hơn 75 người bị thiệt mạng hoặc mất tích ở Việt Nam vì nguyên nhân mà người ta vẫn gọi là “thiên tai”. Tổn thất về con người thực sự đau đớn và những cộng đồng bị ảnh hưởng phải đối mặt với khó khăn và bất lợi chồng chất bởi sự tàn phá nhà cửa, ruộng đồng, cơ sở hạ tầng và dịch vụ gây ra.

Trong những tháng còn lại của năm nay, khả năng cao là Việt Nam sẽ còn bị ảnh hưởng bởi nhiều cơn bão khủng khiếp hơn nữa – và điều này đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là một dấu hiệu cho một hiện tượng thảm khốc sẽ xảy ra định kì.

Bài báo thứ nhất trong loạt bài này đã đề cập và tìm hiểu vì sao thuật ngữ “thiên tai” không chính xác và dễ gây hiểu nhầm; đồng thời đưa ra lập luận rằng luôn luôn tồn tại trách nhiệm của xã hội và chính trị trong “thiên tai”.

Người dân Việt Nam xứng đáng nhận được một lời giải thích từ các cơ quan chức năng về các quyết định kinh tế, chính trị và môi trường đã gây ảnh hưởng tới họ và đẩy họ vào tình trạng như hiện nay. Tuy nhiên những điều này đến nay hầu như vẫn chưa được công bố rộng rãi. Chúng ta vẫn được ấn định nhìn vào các thảm họa như những sự kiện cần phải đối phó thay vì thấy rằng đó là biểu hiện của sự bất bình đẳng xã hội và kinh tế.

Từ quản lý “thiên tai” đến giảm thiểu rủi ro

Chính phủ Việt Nam thường sử dụng phương pháp tiếp cận theo hướng ra lệnh và kiểm soát khi giải quyết và đối phó với thảm họa. Các quyết định được đưa ra bằng mệnh lệnh và yêu cầu tất cả các cấp phải chấp hành.

Cách tiếp cận này cũng có những điểm mạnh, đặc biệt là trong tính nhất quán và đồng bộ. Nhưng nó cũng đồng nghĩa rằng, nó chỉ tập trung giải quyết vấn đề nhất thời của thảm họa như những sự kiện biệt lập hơn là một quá trình dài hạn. Đây cũng là cách truyền thống của các cơ quan quản lý, đối phó với thảm họa và các tình huống nguy cấp trên khắp thế giới.

Chính phủ thường áp dụng những phương thức đối phó với thảm họa theo hướng tiếp cận “từ trên xuống” hoặc “từ dưới lên” hay thi thoảng phối hợp cả hai cách. Chủ thể “quản lý” các vấn đề liên quan đến thảm họa có thể là Nhà nước hoặc cộng đồng. Phương thức “quản lý” này không phù hợp với tư duy chia sẻ.

Trong khung hành động của phương thức từ trên xuống: thông thường, các “cơ quan phòng chống” sẽ phản ứng đầu tiên với các tình huống nguy cấp và các thảm họa. Tâm điểm hoạt động của họ là bảo vệ con người khỏi nguy hiểm. Còn trong phương thức tiếp cận “từ dưới lên”, người dân tự mình chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và đối phó với thảm họa.

Hai cách tiếp cận này vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn của việc đổ lỗi cho “thiên tai” là tại “thiên”. Hãy xem những tin tức trên truyền thông đại chúng về những vụ thảm họa đã diễn ra gần đây của Việt Nam thì có thể thấy – sự thảm khốc đều do thiên tai, do bão, mưa lớn, lũ lụt và sạt lở đất. Còn các nguyên nhân sâu xa về xã hội, chính trị, kinh tế và môi trường gây ra thảm họa đều dễ bị bỏ qua.

Có sự chuyển đổi lớn trong những nghiên cứu khoa học và công bố đại chúng trong hai thập kỉ vừa qua. “Đối phó với thảm họa” đã được thay bằng “quản lý rủi ro thiên tai”. Khái niệm mới này đã đưa vấn đề liên quan đến thảm hoạ trở nên phù hợp hơn với mục tiêu hướng tới con người và dần thoát khỏi tư duy ứng phó với thiên tai trong tình huống đơn lẻ sang một cách tư duy với tầm nhìn dài hạn về sự hình thành các rủi ro trong xã hội.

Trong những năm 2000, rất nhiều học giả cấp tiến đã từng chuyển sang sử dụng khái niệm “Giảm thiểu rủi ro thiên tai”. Quan điểm này lập luận rằng việc giảm thiểu mức độ dễ tổn thương của những cộng đồng bị ảnh hưởng lớn nhất từ thảm họa giúp làm giảm những tác động của thảm họa có thể xảy ra với họ.

Cần làm gì để giảm thiểu rủi ro?

Trong bài viết đầu tiên của loạt bài này, chúng ta đã nói về việc người ta thường thất bại trong việc đề cập đến năng lực của cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Xã hội Việt Nam vốn mạnh mẽ và bền bỉ. Mối liên kết gia đình và cá nhân luôn được đề cao trong những thời khắc tốt đẹp và cả những thời khắc tồi tệ nhất.

Các cộng đồng thường không nhận thức được đầy đủ tiềm năng của chính mình trong việc thúc đẩy thay đổi, liên kết tổ chức và cùng nhau trở nên mạnh mẽ hơn. Dưới mối đe dọa của thảm họa, con người thường tập trung giải quyết những nguy hiểm và tai hoạ trước mắt hơn là những vấn đề và thách thức mà họ phải đối mặt hằng ngày.

Hoàn cảnh xã hội là yếu tố ảnh hưởng và quyết định xu hướng này – những ngộ nhận về thảm hoạ và việc sử dụng ngôn ngữ sai lệch là công cụ quyền lực làm suy yếu sức mạnh cộng đồng. Cách sử dụng từ “thiên tai” đánh lạc hướng chúng ta khỏi việc đặt câu hỏi chất vấn trách nhiệm của Nhà nước đối với những vấn đề đã tồn tại lâu nay, và không còn thể hiện được vai trò chính trị của công dân.

Để giảm thiểu rủi ro của thiên tai, chúng ta cần một cộng đồng biết làm chủ vận mệnh của mình. Nhà nước có thể can thiệp với vai trò thông qua các quỹ tài trợ, đưa ra các giải pháp mang tính chiến lược dài hạn hoặc ngắn hạn. Sự thay đổi chính sách dĩ nhiên là đem lại những tác động lớn.Tuy nhiên, những thay đổi cấp tiến về mặt chính sách thường tuân theo những thay đổi trong sự kỳ vọng từ xã hội. Và những kỳ vọng này được định hình dựa trên trải nghiệm và kinh nghiệm sống hằng ngày.

Tin tưởng vào một thế giới tốt đẹp hơn là cơ sở để tạo ra thế giới tốt đẹp đó. Chúng ta cần phải phân tích và học hỏi những kinh nghiệm trong quá khứ là nền tảng nhận biết những cơ hội của hiện tai và sẵn sàng nắm bắt chúng.

Mặc dù có nhiều nỗ lực của chính phủ, rất nhiều người Việt Nam vẫn phải sống chung với những rủi ro hằng ngày. Khi các cá nhân và cộng đồng càng bị cô lập và bị lề hóa thì họ càng phải đối diện với nhiều rủi ro hơn. Đó là bởi vì, họ càng khó tiếp cận với những tài nguyên và các mối quan hệ xã hội giúp họ giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của mình. Một sự thật đáng báo động đó là những người chịu ảnh hưởng từ các thảm họa tin rằng số mệnh của họ là phải làm nạn nhân.

Dĩ nhiên đó không phải tại số phận. Nếu họ là nạn nhân, thì họ là nạn nhân của sự tham lam, của sự khai thác, tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Vì thế hệ tương lai, chúng ta cần phải ngăn chặn việc “hình thành rủi ro”

Hầu hết các cư dân sống trên hành tinh này giờ đây đều nhận thức được rằng sự tồn tại của chúng ta ngày càng trở nên mong manh và yếu ớt. Chúng ta nhìn các tít chạy trên các tờ báo lớn hằng ngày đều báo hiệu cho ngày tận thế và sự hủy diệt của Trái đất. Hành tinh này đang nóng lên với một tốc độ khó đoán trước. Rất nhiều sự đa dạng sinh học đang trên bờ vực tuyệt chủng hoặc bị đe dọa. Đại dương đang chết dần. Bắc bán cầu thực sự đang ở tình trạng nguy cấp.

Tất cả những ảnh hưởng này cần phải được nhận thức dựa trên việc đánh giá mối quan hệ giữa con người và hành tinh Trái đất phức tạp và tươi đẹp này. Kể từ cách mạng công nghiệp, loài người đã khuất phục và tận dụng thiên nhiên. Chúng ta đã biến những gì tuyệt vời và bền vững thành một tập hợp các nguồn tài nguyên để khai thác.

Sự thật thảm khốc là – hành tinh mà chúng ta gọi là nhà không còn có khả năng sinh sôi và đuổi kịp sự tiêu thụ khủng khiếp của chúng ta. Chúng ta đã vượt qua vô vàn ranh giới về sinh thái học và không thể chắc chắn rằng hệ quả của nó là gì.

Và sự phát triển chóng mặt này không đem lại sự công bằng, sự tự do và hạnh phúc. Ngược lại, sự bất bình đẳng giàu nghèo tiếp tục trở nên sâu sắc hơn và chúng ta chứng kiến những dòng người di cư ồ ạt và khó đoán qua biên giới của các quốc gia. Và điều này đã diễn ra trước khi vấn đề biến đổi khí hậu thực sự có tác động.

Trong bối cảnh này, điều quan trọng là chúng ta phải phản đối mạnh mẽ sự tiếp diễn của hệ thống khai thác vô độ và lạm dụng này. Chính điều này đã đẩy chúng ta vào đống hỗn loạn cả về mặt tự nhiên và con người.

Nhìn lại thảm hoạ vỡ đập thủy điện ở Lào xảy ra gần đây. Cũng giống như những đập thủy điện khác được xây dựng ở khu vực Đông Nam Á, người dân địa phương không thực sự được hưởng lợi nhiều từ những dự án này – người được lợi nhiều nhất từ đây phải kể đến khối tư nhân và các cơ quan quản lý – người dân địa phương là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Chấm dứt việc tạo thêm nguy cơ rủi ro thảm họa nghĩa là phải suy nghĩ một cách sâu sắc về sự tiêu thụ quá mức của con người và sự suy giảm của môi trường sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta – và giáo dục điều này cho người khác. Cuối cùng, nó có nghĩa là đánh thức vai trò chính trị của người dân và cùng hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn.
 
Hảo Linh dịch,
Thái Minh Hằng hiệu đính

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)