“Kiến thức phổ thông” về nguồn gốc của hiến pháp?

Sau khi tiasang.com.vn đăng bài “Hiến pháp là gì?” của GS Cao Huy Thuần, chúng tôi đã nhận được bài viết của Ths. Bùi Ngọc Sơn, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm xem xét lại những thông tin thuộc “kiến thức phổ thông” về “nguồn gốc của hiến pháp” mà GS Cao Huy Thuần đã đưa ra trong bài viết.

Trang mạng của tạp chí Tia Sáng mới đăng bài viết có tiêu đề “Hiến pháp là gì?” của tác giả Cao Huy Thuần, giáo sư đại học ở Pháp1. Trong dẫn đề, tác giả nói rằng “đứng trong thế đứng của một người dân trong một nước văn minh” để thảo luận vấn đề “hiến pháp là gì”. Tuy nhiên, tác giả không làm rõ tác giả đang thảo luận với ai. Bởi tác giả đăng bài viết trên tạp chí Tia Sáng – một diễn đàn của trí thức, ta có thể nghĩ tác giả muốn hướng đến giới trí thức. Từ những hiến gia lớp đầu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, rồi Phan Văn Trường, Phan Anh, Vũ Đình Hòe, đến các học giả ngày nay như Nguyễn Đình Lộc, Trần Ngọc Đường, Nguyễn Đăng Dung, giới trí thức hiến luật ở nước ta vẫn chưa biết “hiến pháp là gì” sao? Hay là tác giả Cao Huy Thuần muốn nói với dân chúng hiến pháp là gì trong dịp dự thảo Hiến pháp được than vấn công chúng? Hay tác giả muốn nói với các nhà thảo hiến Việt Nam? Hay tác giả viết để tự tìm câu trả lời cho mình? Hay tác giả muốn hướng đến tất cả? Dù trên phương diện nào, những thông tin mà tác giả đưa ra trong bài viết cần phải được xem xét thêm.

Tác giả Cao Huy Thuần muốn trình bầy lại những điều mà ông gọi là những “kiến thức phổ thông” về “nguồn gốc”, “ý nghĩa nguyên thủy” của hiến pháp. Nếu là kiến thức phổ thông, nó phải có tính chuẩn xác; nếu không, có thể dẫn đến những quan niệm sai lầm trong các thảo luận chính sách hay hàn lâm. Tôi viết bài này không có ý tranh luận với tác giả Cao Huy Thuần về quan niệm hiến pháp, mà muốn xem xét lại những thông tin thuộc “kiến thức phổ thông” về “nguồn gốc của hiến pháp” mà tác giả đã đưa ra trong bài viết.

Nguồn gốc của hiến pháp ở nước Pháp?

Tác giả đặt câu hỏi: “ý nghĩa nguyên thủy của hiến pháp là gì? Rồi tác giả khẳng định một cách chắc nịch: “Ai cũng biết câu trả lời: nguồn gốc của nó nằm trong hai Cách mạng, của nước Pháp và nước Mỹ.” Tác giả viết tiếp: “trước hết là nước Pháp. Thật ra, danh từ “constitution” – mà ta dịch là hiến pháp – đã có từ lâu, ngay dưới thời Trung cổ, nhưng không mang ý nghĩa như sẽ có về sau.” Sau đó, tác giả miêu tả lịch sử chế độ quân chủ của nước Pháp trước Cách mạng 1789 như một chế độ vương quyền bị ràng buộc bởi “luật căn bản của vương quốc.” Rồi tác giả dẫn các lý thuyết gia của Pháp như Jean Bodin, Montesquieu, Sieyès, và những ảnh hưởng của họ đối với lịch sử quan niệm hiến pháp của Pháp. Tác giả cũng có tham chiếu phần nào đến các lý thuyết và thực hành hiến pháp của Mỹ. Đặc biệt, tác giả tôn vinh: “tác phẩm “Tinh yếu của luật pháp” (“Esprit des lois”) của Montesquieu ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong lịch sử của khái niệm hiến pháp. Từ đây, từ năm 1748, danh từ “hiến pháp” mới thực sự có ý nghĩa hiện đại.”

Tôi cho rằng tác giả đang viết về nguồn gốc của quan niệm về hiến pháp ở nước Pháp chứ không phải nguồn gốc của hiến pháp nói chung. Vì vậy, những gì tác giả trình bầy khó có thể coi là “kiến thức phổ thông” về nguồn gốc của hiến pháp nói chung.

Những nguồn gốc xa hơn

Theo tác phẩm “Constitutionallism: Ancient and Modern” (Chủ nghĩa Hợp hiến: Cổ đại và Hiện đại) của Giáo sư Charles Howard McIlWain 1871 –1968) ở Đại học Harvard, xuất bản lần đầu năm 1940, một trong những tác phẩm đầu tiên viết về lịch sử của hiến pháp, hiến pháp có nguồn gốc xa hơn, từ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại, chứ không phải từ thời trung cổ (ở Pháp?) như tác giả Cao Huy Thuần tin tưởng. Xin gợi lại rằng Aristotle có tác phẩm nổi tiếng “Hiến pháp Athens” (Constitution of Athens). Aristotle cũng bàn về hiến pháp trong cuốn “Chính trị luận” (Politics). Theo giải thích của Craham Walker – một giáo sư chính trị học và luật hiến pháp người Mỹ, các lý thuyết về hiến pháp đã được phát triển bởi Aristotle, Polybius, Cicero, và các lý thuyết gia hiến pháp của nền cộng hòa La Mã2.  Đặc biệt, Raymond Polin đã trình bầy chi tiết các quan niệm hiến pháp của Plato và Aristotle3.  Sử gia hiến pháp Scott Gordon đã có một nghiên cứu công phu về sự lịch sử hiến pháp từ Athens cổ đại đến nay4. Để tiện lợi, dưới đây, tôi xin tóm lược một số thông tin về nguồn gốc cổ đại và trung đại của hiến pháp theo nghiên cứu của Giáo sư McIlWain.

Trong những nghĩa khác nhau của danh từ “hiến pháp” (constitution), người Hy Lạp cổ đại sử dụng theo một nghĩa cổ điển nhất. Nó bao gồm những đặc tính xác định bản chất đặc biệt của nhà nước và những đặc tính này bao gồm tổng thể các cơ cấu kinh tế xã hội cũng như cơ cấu chính quyền như trong nghĩa hẹp hơn của từ nay trong quan niệm hiện đại của chúng ta.

Dưới thời đế chế La Mã, từ này bằng hình thức Latinh của nó trở thành một thuật ngữ kĩ thuật để chỉ những đạo luật do hoàng đế ban hành, và từ luật La Mã, Nhà thờ đã may mượn nó và áp dụng nó vào những quy tắc của giáo hội đối với tất cả Nhà thờ hoặc một số giáo khu đặc biệt. Từ Nhà thờ hoặc có thể chính từ những sách luật của La Mã, thuật ngữ “constitution” này được tái sử dụng vào nửa sau thời kỳ trung cổ với ý nghĩa là những đạo luật thế tục. Ở Anh, đối với Hiến pháp nổi tiếng của Clarendon năm 1164 được quy cho Henry II và những người khác thì hiến pháp có ý nghĩa liên quan đến sự tồn tại giữa nhà thờ và nhà nước vào thời đại của ông của Henry, tức Henry I.

Những thế kỷ sau, “constitution” luôn có nghĩa là những đạo luật quản lý đặc thù như nó có nghĩa đối với các luật gia La Mã. Từ này được sử dụng để phân biệt với những đạo luật đặc thù được hình thành từ những tập quán cổ. Nó không bao giờ được sử dụng theo ý nghĩa hiện đại của chúng ta là chỉ những khuôn khổ pháp lý cuả nhà nước. Năm 1578, Pierre Grégoire sử dụng từ này gần như nghĩa hiện đại của chúng ta trong tác phẩm “ Nền cộng hoà” của ông, nhưng bối cảnh dường như để diễn đạt ý nghĩa của từ “constitution” hơi rộng và chung chung hơn ý nghĩa chính trị nghiêm khắc mà từ “constitution” chuyển tải, mà vì ý nghĩa này Grégoire dường như để sử dụng cụm từ cũ “nhà nước cộng hoà”. Trường hợp đầu tiên được đưa ra trong Từ điển Oxford của ý nghĩa của từ “constitution” để chỉ toàn thể khuôn khổ pháp lý của một nhà nước là một cụm từ của Joseph Hall năm 1610, “ Hiến pháp của khối thịnh vượng chung Israel” và một vài từ của Sir James Whitelocke trong cùng năm đó, có thể không hoàn toàn rõ ràng nhưng đáng chú ý hơn: “Cơ cấu tự nhiên và hiến pháp của chính trị của Vương quốc này, một chế độ cộng hoà hợp hiến”. Việc sử dụng thuật ngữ “constitution” như vậy có thể mới vào năm 1610 nhưng ý nghĩa của nó thì cũ nhất trong toàn bộ lịch sử của chủ nghĩa lập hiến. Cụm từ của Whitelocke thực sự bao gồm hai ý nghĩa của một hiến pháp có liên quan và kếp hợp mật thiết với nhau, tuy nhiên khác nhau về chi tiết. Ý nghĩa thứ nhất thể hiện ở những từ đầu tiên “cơ cấu thực chất của nhà nước”, và ý nghĩa này dường như cũ như từ “politic” (chính trị) của người Hylạp, mà chúng ta dịch bằng từ “constitution”. Một ý nghĩa khác được diễn đạt bởi cụm từ “jus publicum regni”, luật công cộng của một vương quốc. Ý nghĩa sau có thể không cổ như xưa nhưng nó rất cũ. Ciceron, chẳng hạn, đã nói trong tác phẩm “Nền cộng hoà” của ông trong một đoạn có bao gồm việc sử dụng đầu tiên từ “constitution” (hiến pháp) trong nghĩa hiện đại: “Hiến pháp này có một thước đo vĩ đại cho sự công bằng mà không có nó con người khó có thể giữ được tự do vĩnh cửu.”5

Vài lời kết

Kiến thức về hiến pháp là một hệ thống phong phú, phức tạp. Nhận thức về hiến pháp cần những sự đào luyện chuyên biệt. Do vậy, đánh thức ý thức hiến pháp công cộng không phải là vấn đề một sớm một chiều. Nó đòi hỏi những nỗ lực thường xuyên, bền bỉ, có thể mất nhiều thập kỷ, của giới trí thức, đặc biệt là các hiến gia. Khi ý thức hiến pháp công cộng đã được xác lập một cách chắc chắn như là sự tự ý thức hiến pháp của dân tộc, nhiệm vụ của nhà thảo hiến đơn giản là biểu đạt ý thức công cộng đó dưới dạng ngôn từ.

1 Cao Huy Thuần, Hiến pháp là gì? http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=6171.

2 Craham Walker, “The Idea of Nonliberal Constitutionalism” in Ian Shapiro and Will Kymlicka (eds), Nomos XXXIX: Ethnicity and Group Rights (New York and London: New York University Press, 1997), 160-164.

3 Raymond Polin, Plato and Aristotle on Constitutionalism: An Exposition and Reference Source (Aldershot, England: Ashgate Publishing Ltd, 1998).

4 Xem: Scott Gordon, Controlling the State: Constitutionalism from Ancient Athens to Today (Cambridge, Massachusetts, and London, England: Harvard University Press, 1999).

5 Charles Howard McIlwain, Constitutionalism: Ancient and Modern (Clark, New Jersey: The Lawbook Exchange, Ltd, 2005). 

Tác giả