Lâu lâu… siết một cái!

Chưa có một điều tra xã hội học thật cụ thể, nhưng tôi vẫn đoán chắc với các bạn rằng trong đôi ba năm trở lại đây, những “con mọt sách” thứ thiệt ở nước Nam ta mỗi khi đi tìm sách cho mình thì đều không thể bỏ qua một yếu tố có tính chất chỉ dẫn: cuốn sách ấy ở đâu làm?


Bạn chớ vội tưởng rằng họ quan tâm tới địa chỉ chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách – tức là các nhà xuất bản. Không đâu. Trong hầu hết các trường hợp, điều mà họ rất mực chú ý lại là những địa chỉ “phi chính thống” – tức là cái khối làm sách chẳng có lấy một gram quyền hạn nào trong việc quyết định ra đời một cuốn sách, cái khối làm sách được Luật xuất bản hiện hành định danh là”đối tác liên kết” (để thay cho tên gọi “đầu nậu” vốn quen miệng trước kia nhưng đến nay nghe có vẻ không được thuận tai cho lắm!). Thực tế là thế này: trong nỗ lực chuyên sâu hóa việc làm sách của mình, các đối tác liên kết đã tạo nên những thương hiệu có uy tín với bạn đọc, đặc biệt là với những “con mọt sách”. Tên nào của ấy, người ham đọc chỉ cần nhìn vào cái logo của đối tác liên kết – in trên bìa một cuốn sách, cạnh logo của nhà xuất bản – là đã có thể yên tâm bỏ tiền ra mua về cuốn sách mình muốn.
Thế nhưng, cái sự tiện ích ấy mới đây đã trở thành quá khứ. Ngày 22 tháng 6 năm 2007, Cục xuất bản gửi một công văn cho tất cả các nhà xuất bản trên cả nước, yêu cầu chấn chỉnh lại một số việc trong mối quan hệ liên kết giữa các nhà xuất bản và đối tác. Xuyên qua lớp ngôn từ quan phương đặc trưng cho một văn bản hành chính, người ta không khó để nhận ra trong nội dung công văn này một mệnh lệnh: các nhà xuất bản không được phép đưa logo của đối tác lên bìa một của cuốn sách (sách liên kết, tất nhiên)! Công văn vừa ban hành đã khiến giới làm sách xôn xao, người thì ồn ào phản đối, kẻ thì mềm giọng xin xỏ sự rộng lòng của cơ quan quản lý nhà nước. Còn người viết bài này, vốn không am tường lắm về những sự vụ của làng xuất bản, đành phải làm cái việc là đọc lại Luật xuất bản hiện hành, xem có gì không khớp giữa Luật và mệnh lệnh nói trên (chúng ta sống và làm việc theo pháp luật mà!).
  Hóa ra, nếu căn cứ theo Luật thì mệnh lệnh của Cục xuất bản là hoàn toàn có lý. Trong Luật, điều 20 cho phép các đối tác liên kết được đưa logo của mình lên xuất bản phẩm; điều 26 quy định rõ là ở bìa một của xuất bản phẩm phải ghi đầy đủ tên tác giả, tên tác phẩm, tên đơn vị xuất bản. Nhưng chẳng có một chữ nào nói rằng mấy anh đối tác liên kết có quyền được/tự xem là “đơn vị xuất bản”, cũng chẳng có một chữ nào nói rằng họ được phép chễm chệ ở cái bìa một sang cả kia! Vấn đề đã rõ. Vậy ra bấy lâu nay các đối tác liên kết đã lợi dụng sự bao dung của cơ quan quản lý nhà nước để diễn dịch Luật theo hướng có lợi cho mình. Họ quên mất một điều cốt tử: Luật không nói, không có nghĩa là anh được phép làm. Và bây giờ chính là lúc kỷ cương siết lại!
  Thế thì tóm lại, logo của đối tác liên kết – cái dấu chỉ để thiên hạ có thể nhận mặt từng người giữa một biển sách hiện nay – sẽ được đặt ở đâu trên cuốn sách? Chắc chắn là ở bìa bốn rồi. Mà nếu vậy, như tôi đã nhanh nhảu nói trước, sự tiện ích vốn có của bạn đọc khi chọn sách đã là chuyện thuộc về quá khứ. Họ phải cầm cuốn sách trên tay, lật bìa bốn, lúc ấy mới biết sách này của nhà xuất bản hay là sách liên kết, nếu là sách liên kết thì ai là đối tác liên kết? Ngẫm ra, về phía bạn đọc, cái sự mất tiện ích này chẳng đáng gì để phải than vãn. Có tốn bao công đâu. Nhưng với các đối tác liên kết thì đây là cú siết khiến khối người nghẹt thở, nhất là những anh nào chuyên làm mảng sách dịch. Xin cam đoan là tôi không bi kịch hóa vấn đề một chút nào. Này nhé, bây giờ là thời đại văn minh, không có chuyện cứ dịch và xuất bản sách nước ngoài một cách vô tội vạ nữa rồi. Phải mua/xin bản quyền. Mà người nước ngoài thường kĩ tính, không phải cứ mua/xin là họ bán/cho ngay đâu, họ phải xem đối tác có phải là đơn vị làm ăn có uy tín không đã. Vậy thì anh sẽ biện luận thế nào đây về hai chữ “uy tín”, khi mà logo của anh, cái thương hiệu kinh doanh của anh, nhẽ ra phải nằm ở “mặt tiền” – là chỗ dễ nhận thấy nhất – thì lại chui tọt vào “hậu viện” tối tăm?
Nhưng thật ra, đấy chỉ là thiệt hại “sơ sơ”, niềm tự ái bị thương tổn mới chính xác là sự thiệt hại nặng nề mà cái “mệnh lệnh nhất quyết” nói trên tạo ra cho các đối tác liên kết. Tôi đã nhắc tới chuyện người đọc hiện nay chỉ cần nhìn vào logo của đối tác liên kết là biết ngay loại sách và chất lượng của cuốn sách. Niềm tin này không phải bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống, mà nó được kiểm chứng qua quá trình các đối tác liên kết từng bước xây dựng thương hiệu của mình trong lòng bạn đọc. Để ra được một cuốn sách, thường thì họ phải tự tổ chức khai thác đề tài, rồi thương thảo bản quyền, rồi tìm người dịch (nếu đó là sách nước ngoài), rồi biên tập, rồi in ấn và phát hành… tóm lại là họ làm tất tần tật mọi công đoạn. (Tiền của và công sức đổ vào đấy, nếu không làm cho ra hồn thì chỉ có nước sớm dẹp tiệm chuyển nghề!). Cái lợi từ thực tế hoạt động của các đối tác liên kết trong đời sống xuất bản đã khá rõ. Một vị giám đốc của một nhà xuất bản thuộc vào loại ăn nên làm ra hiện nay cũng đã hơn một lần phải thừa nhận: chính họ – đối tác liên kết – đã tạo ra phần công ăn việc làm đáng kể cho các nhà xuất bản. Về phía bạn đọc thì còn rõ hơn nữa: nhờ có họ mà bạn đọc có nhiều sách hay, sách tốt, sách có giá trị hơn trong việc thoả mãn nhu cầu đọc của mình. Thế nhưng, rốt cuộc thì chỗ của họ chỉ là ở cái bìa bốn xúi xó. Bảo sao không thấy chạnh lòng xót xa cho phận con rơi con ghẻ, và tệ hơn nữa, con vô thừa nhận? (Có người thắc mắc: nếu cứ để logo của họ trên bìa một, như khi chưa có lệnh cấm, thì cũng có sao đâu! Thì….đúng là chẳng có gì ảnh hưởng đến hòa bình thế giới thật, nhưng người ta cứ thích cấm, có sao?).
Đến đây, tôi chợt muốn nhìn câu chuyện về cái logo của các đối tác liên kết theo một cách khác. Bạn đã bao giờ cầm trên tay những cuốn sách bói toán nhảm nhí, in trên giấy xấu và mực xấu mà mấy người bán sách dạo vẫn tha lôi khắp hè phố không nhỉ? Bạn thử tìm xem ở đó có chữ nào thông báo cho ta biết là nó do ai làm? Chắc chắn không có đâu. Chẳng ai dại gì chường mặt ra cho thiên hạ biết trên những ấn phẩm loại này. Cần phải nặc danh. Chỉ những người nào làm ăn đàng hoàng, chỉ những ai thực sự tự tin vào chất lượng sản phẩm của mình và tác động xã hội tích cực mà nó sẽ tạo ra thì mới không muốn nặc danh. Họ cần  phải được “vua biết mặt chúa biết tên”, cần phải được xã hội công nhận ý nghĩa công việc của mình. Thế nhưng, với cơ sự này, khéo phải mượn văn của ông Nam Cao để mà thương vay khóc mướn cho các đối tác liên kết: muốn làm người lương thiện, nhưng lại chẳng có quyền được làm người lương thiện!
Lại nhớ, đôi ba năm trước đây, khi Luật xuất bản hiện hành ra đời, công nhận cái quyền được liên kết xuất bản của giới làm sách phi công lập , khối anh đã vui như tết vì thoát khỏi tâm lý mặc cảm từ hai chữ “đầu nậu” mà họ đang phải gánh. Kể từ nay họ được “chính danh” hoạt động, được đàng hoàng đặt logo của mình bên cạnh logo của nhà xuất bản, trên bìa một cuốn sách mà họ đã phải bỏ bao công sức để nó được ra đời. Thật là bé cái nhầm. Chẳng có gì thay đổi hết. Nếu anh có “nhỡ” quên điều này thì người ta buộc phải nhắc để anh nhớ. Công văn ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Cục xuất bản là một cú siết để nhắc như vậy. Lâu lâu siết một cái, đó cũng là cách để người có quyền yên tâm hơn về sức mạnh quyền lực của mình trên thực tế!       


Hoài Nam

Tác giả