Lẽ phải không cần cái mác “trí thức”

1. Tôi nghĩ chỉ có người điên mới nói rằng “phản biện” là không cần thiết hay nói rằng không cần trách nhiệm cộng đồng, nhất là ở những người có vị thế xã hội về kinh tế hay kiến thức. Việc lên tiếng chống sự độc tài, ủng hộ lẽ phải, đấu tranh vì công lý … hiển nhiên là đáng tuyên dương và ủng hộ, từ bất kỳ ai — “trí thức” hay không.

2. Tuy nhiên, điều tôi thấy “bánh vẽ”, không cần thiết, nằm ở chỗ sau đây: lẽ phải tự nó phải đáng được lên tiếng – không cần treo thêm cái mác “trí thức” vào. Lẽ ra người ta nên nói: “hãy cùng nhau lên tiếng vì lẽ phải”, thì tôi lại thấy nhiều người nói: “phải lên tiếng vì lẽ phải thì mới là trí thức”. Nói như vậy tự nhiên “belittle” những người như nhóm bác sĩ tình nguyện “vì nụ cười”, chỉ dùng chuyên môn của họ đi mổ sứt môi cho trẻ em khắp thế giới. Tôi thấy không có lý do gì mà các bác sĩ tình nguyện này không “xứng” tầm “trí thức”, cho dù họ không có bất kỳ câu nào “phản biện”. Khái niệm trí thức rất mông lung, distracting, làm cho người ta tranh luận về cái lý tưởng thay vì những quyền lợi cụ thể, vấn đề cụ thể đầy bức xúc như vụ anh Vươn… Vì thế, tranh luận “thế nào là trí thức” là một cuộc tranh luận – theo tôi – hoàn toàn không cần thiết.

3. Tranh luận về khái niệm “trí thức” còn dẫn đến một sự phản cảm rất tự nhiên: một số vị hay “phản biện” thì cũng lớn tiếng nói “phản biện là một điều kiện cần cho trí thức”. Có thể họ không tự tuyên bố bản thân họ là “trí thức”, nhưng khi họ đi tranh luận về cái nhãn này không khỏi làm người ta nghĩ là họ cần cái nhãn đó. Trí thức hay không, hãy để cho hậu thế viết lịch sử. Mà quan trọng gì cái nhãn, miễn là mình làm được việc. Do đó, tranh luận về trí thức không những là điều không cần thiết, mà còn gây phản ứng ngược. Không phải bánh vẽ là gì?

4. Tôi chỉ thấy có một lợi điểm của việc tranh luận nghiêm túc về “trí thức”. Đó là: nó có khả năng truyền cảm hứng cho chúng ta sống và làm việc theo “mẫu trí thức lý tưởng”, lên tiếng ủng hộ lẽ phải, ủng hộ tự do, chống lại cường quyền, vân vân. Điều này tốt thôi! Hoàn toàn có thể định nghĩa “trí thức lý tưởng” như là một hình mẫu để chúng ta noi theo. Tuy nhiên, một số người viết về “trí thức” theo nghĩa này dùng ngôn ngữ khá là miệt thị. Tác dụng của ngôn ngữ miệt thị là sẽ làm cho đối tượng “sửng cồ” lên, phản ứng ngược, tìm cách bào chữa, hoặc bất đồng với khái niệm “trí thức lý tưởng”. Nói tóm lại là đã không làm cho họ cố noi theo trí thức lý tưởng thì chớ, mà lại còn làm cho họ “trùm chăn” kỹ hơn. Vả lại, nếu người ta thấy điều phải không làm, thì người ta có làm điều phải … vì sẽ được gọi là “trí thức” không?

5. Định nghĩa “trí thức lý tưởng” tôi thấy khiên cưỡng. Cái gì mà phải thoả năm trong mười điều kiện A, B, C. Nếu đã lên tiếng vì lẽ phải thì tại sao không xắn tay áo vì lẽ phải, đã xắn tay áo vì lẽ phải thì tại sao không cầm súng vì lẽ phải, theo chân Che Guevara vào rừng kháng chiến. Đâu là điểm dừng? Các vị tranh luận ngồi sau bàn phím có vào rừng kháng chiến không? Tôi nghĩ đa phần là không – như vậy là tri hành bất nhất, làm sao “trí thức” được? Tóm lại vấn đề chỉ là định lằn ranh làm việc vì lẽ phải, vì cái bánh thật, ở đâu thôi; chứ không hẳn là vì một “chân lý tối hậu” của hành vi. Mà khi mình đã đặt lằn ranh “trí thức” là ở chỗ “lên tiếng phản biện” thôi, không “vào rừng kháng chiến”, thì mình cũng phải chấp nhận những người khác đặt lằn ranh của họ ở chỗ khác. Họ chọn đi mổ sứt môi thay vì phản biện chẳng hạn!

À mà này, trong các điều kiện A, B, C của “trí thức” có các điều kiện như “nhậu ít”, “ăn nói nhỏ nhẹ”, “lịch sự với phụ nữ”, hay “dùng thống kê trung thực” không nhỉ?

6. Kể cả cái hình ảnh “trí thức lý tưởng” như Noam Chomsky chẳng hạn; tầm ảnh hưởng của ông (trừ phần ngôn ngữ học chuyên môn chính của ông) ở Mỹ phải nói là … khiêm tốn từ sau 75 đổ lại đây. Sách viết về chính trị của ông, giới chính trị gia không làm theo, và cả những người làm về khoa học chính trị cũng không mấy quan tâm. Chúng ta có thể nói: “mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên, làm gì cho đúng lương tâm là được”. OK. Nhưng chính vì thế, không nên mỉa mai những người chọn con đường khác; chọn tác động vào những thay đổi cụ thể, thay đổi nhìn thấy được: thay đổi nếp sống văn hoá, bớt nhậu nhẹt, tôn trọng luật đi đường, tranh luận một cách văn minh. Hay, nói như Vàng Anh là dạy trẻ con đánh răng (không phải chuyện dễ dàng!). Con đường đó cũng hữu lý không kém con đường “self-righteousness”. Gọi những người như vậy là “trí thức” cũng được, có “mất gì của bọ” đâu mà phải tranh luận?

Nói tóm lại, hãy cùng lên tiếng vì lẽ phải. Hay tốt hơn hết, là hãy cùng xắn tay áo vì lẽ phải! Và khi nào rảnh lắm thì tán dóc về trí thức. Nhưng tôi nghĩ phất lá cờ “trí thức chính nghĩa” là công việc vô bổ. Self-righteousness rất là phản cảm.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)