Lòng tin trong xã hội và vốn xã hội

Trong giới nghiên cứu khoa học xã hội trên thế giới hiện nay, khi nói tới “vốn xã hội”, người ta thường hiểu là bao gồm những nét sau đây trong đời sống xã hội: các mạng lưới xã hội, các chuẩn mực xã hội (social norms), và lòng tin trong xã hội (social trust) – vốn là những cái được coi là giúp cho các thành viên có thể hợp tác làm việc chung với nhau một cách có hiệu quả nhằm đạt tới những mục tiêu chung – theo định nghĩa của James Coleman và Robert Putnam.1 Trong bài này, chúng tôi sẽ tập trung vào việc tìm hiểu khái niệm lòng tin (hay sự tin cậy), vấn đề lòng tin ở Việt Nam hiện nay, và những hệ luận của nó đối với vốn xã hội ở Việt Nam.

Khái niệm lòng tin
Ở đây, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “lòng tin” không phải theo nghĩa niềm tin tôn giáo, mà theo nghĩa lòng tin giữa con người với nhau trong cuộc sống xã hội. Trong tiếng Việt, còn có nhiều từ khác diễn đạt hiện tượng này như: tin cậy, tin cẩn, hay tin tưởng. Mặc dù thuật ngữ “trust” trong tiếng Anh hay “confiance” trong tiếng Pháp thường được dịch là “sự tin cậy”, nhưng chúng tôi cho rằng chữ “lòng tin” trong tiếng Việt diễn tả sát hơn và sâu hơn thực tại này.
Trong nhãn giới xã hội học, lòng tin (hay sự tin cậy) vào người khác là một hiện tượng xã hội-tâm lý-văn hóa tổng hợp, và tâm thế này được coi là một trong những điều kiện căn bản để có thể duy trì đời sống tập thể. Người ta không thể sống được với nhau nếu không tin nhau. Theo từ điển Oxford thì “trust” (tin cậy) là tin rằng người nào đó hay cái gì đó là tốt, thành thật, tử tế… và người đó hay cái gì đó sẽ không làm hại mình hay đánh lừa mình. Nhà xã hội học người Anh Anthony Giddens viết như sau: “Có thể nói sự tin cậy là một phương tiện làm ổn định các mối quan hệ tương tác [giữa con người với nhau]. Có thể tin cậy vào một người khác là có thể tin rằng người này sẽ có một loạt những phản ứng mà mình mong đợi”.2
Gia đình và cộng đồng là những tập thể mà người ta thường coi là điển hình cho mối quan hệ tin cậy giữa con người với nhau. Hai khái niệm bạn và thù tiêu biểu cho sự đối lập giữa thái độ tin cậy và thái độ ngờ vực.3 Cuộc sống xã hội không thể ổn định và bền vững nếu mỗi cá nhân chỉ hành xử theo những tính toán thuần túy dựa trên lợi ích cá nhân.4 Trong phạm vi một tổ chức hay phạm vi xã hội nói chung, người ta không thể quản lý một cách có hiệu quả bằng sự hoài nghi và lại càng không thể bằng sự sợ hãi, mà trước hết phải bằng lòng tin vào người khác, nhất là trong môi trường xã hội hiện đại.5 Ngay cả trong lĩnh vực kinh doanh, người ta cũng phải dựa trên sự tin cậy để giao dịch làm ăn, buôn bán với nhau. Emile Durkheim từng nói một câu nổi tiếng: “Trong một hợp đồng, không phải cái gì cũng mang tính chất hợp đồng”.6 Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây, theo chúng tôi, là như sau: nguồn gốc của sự tin cậy trong xã hội không phải xuất phát từ lòng tốt hay từ thiện ý chủ quan của từng cá nhân, mà là xuất phát chủ yếu từ các định chế xã hội. Nói cách khác, sự tin cậy tồn tại trên nền tảng của các qui ước và các chuẩn mực xã hội trong khuôn khổ của những định chế xã hội nhất định. Trong xã hội cổ truyền, người ta tin nhau vì cùng là thành viên của một định chế xã hội nào đó, như làng xã, dòng tộc hay cộng đồng tôn giáo. Mỗi thành viên yên tâm rằng các thành viên khác (trong cùng một cộng đồng) sẽ cư xử với mình phù hợp với những qui tắc và chuẩn mực mà cả cộng đồng cùng chia sẻ. Phạm vi bán kính của sự tin cậy này nói chung là hẹp, đóng kín; các mối liên hệ xã hội thường là trực tiếp và diện đối diện (face to face). Trong xã hội hiện đại, ngoài những mối liên hệ trực tiếp trong gia đình hay giữa bạn bè thân thiết với nhau, người ta còn có những mối liên hệ giao tiếp rộng rãi hơn ngoài xã hội, và trong nhiều trường hợp còn mang tính chất vô danh tính hoặc nặc danh. Những định chế mang tính chất trung giới (mediation) giữa cá nhân với xã hội không còn là những định chế cổ truyền (như làng xã hay dòng tộc), mà là những định chế xã hội đa dạng của xã hội hiện đại (trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội). Ngoài phạm vi gia đình và những nhóm xã hội nhỏ, cơ sở xã hội của sự tin cậy giữa các cá nhân với nhau trong đời sống xã hội lúc này phần lớn không còn dựa trên phong tục và tình cảm như trong xã hội cổ truyền, mà dựa trên luật pháp và lý tính.
 
Sự tin cậy trong giao thông

Lấy thí dụ một trong những sinh hoạt sơ đẳng nhất của xã hội đô thị hiện đại, đó là việc đi lại trên đường phố. Sở dĩ tôi yên tâm chạy xe vượt qua ngã tư khi thấy đèn xanh là vì tôi tin tưởng rằng những người khác phải dừng lại khi thấy đèn đỏ ở giao lộ. Người ta khó lòng mà thiết lập được một trật tự giao thông an toàn và bình thường nếu không có sự tin cậy tối thiểu này. Cơ sở của sự tin cậy này không là gì khác ngoài định chế giao thông đô thị, chứ không phải nằm trong ý thức chủ quan của từng cá nhân. Nói cách khác, sở dĩ người ta có thể tin tưởng lẫn nhau (một cách mặc nhiên) khi đi đường chính là nhờ vào một định chế xã hội (bao gồm luật giao thông, cảnh sát giao thông, hệ thống tín hiệu… và nhất là các biện pháp xử phạt khi vi phạm để đảm bảo cho các qui tắc giao thông được mọi người tôn trọng). Nếu định chế xã hội này bị trục trặc hay lỏng lẻo, chẳng hạn nếu người ta có thể vượt đèn đỏ thoải mái mà không bị phạt như tình hình phổ biến hiện nay, thì hậu quả tất yếu của tình trạng này là phá vỡ sự tin cậy nói trên: ai cũng mắt trước mắt sau mỗi khi đến ngã tư, và lúc nào cũng phải thấp thỏm đề phòng dù mình đang gặp đèn xanh. Trong thực tế, người vi phạm cứ việc giành đường và chạy ẩu mà không bị thổi còi, trong khi người đi đúng luật lại bị phiền nhiễu và có khi gặp vạ (đến đèn đỏ mà dừng lại có khi bị chửi, hoặc bị xe sau tông vào mình!). Nhiều người cho rằng chuyện giao thông chỉ là chuyện nhỏ, chẳng có gì phải bận tâm cho lắm. Nhưng theo chúng tôi, xét về mặt tâm lý xã hội, tình hình chạy xe vô kỷ luật hiện nay có thể dẫn tới những hệ quả sâu xa và nghiêm trọng hơn là chuyện an toàn và tai nạn giao thông: (a) lòng tin vào người khác dần dà bị xói mòn, gia tăng tâm lý hoài nghi và bất an mỗi khi bước chân ra đường phố; (b) người ta không còn tin vào sự nghiêm minh của luật pháp; và (c) người ta có thể rút ra những kết luận như vi phạm thì không sao cả, làm đúng luật là khờ dại, và tai hại hơn hết là làm điều càn thì có lợi hơn là làm điều ngay!7
Mối quan hệ giữa cá nhân này với cá nhân khác luôn diễn ra trong khuôn khổ của những định chế xã hội nhất định và luôn tuân theo các qui tắc và chuẩn mực của những định chế này. Vì thế, lòng tin giữa các cá nhân với nhau hẳn nhiên là hệ quả của những đặc trưng của những định chế này, và phụ thuộc vào sự cảm nhận của các cá nhân đối với những định chế ấy.8
 
Chữ “tín” trong kinh doanh

Một thí dụ khác về sự tin cậy trong xã hội là chữ “tín” trong kinh doanh. Lâu nay nhiều người thường hay nhắc đến chữ “tín” như là một đặc điểm trong truyền thống kinh doanh của người Hoa. Thế nhưng trong thế giới kinh doanh ở các nước tư bản công nghiệp, người ta cũng đề cao giá trị của chữ “tín”. Vậy hai chữ “tín” này có gì khác nhau hay không? Theo chúng tôi, ít ra có một điểm khác biệt rất căn bản.
Trong khuôn khổ xã hội truyền thống, chữ “tín” trong kinh doanh thường được đặt nền tảng trên tập quán, phong tục, và tình cảm. Trong những vụ buôn bán nhỏ, nhà kinh doanh truyền thống có thể bán chịu cho những khách hàng dù chưa quen biết. Nhưng chữ “tín” này không phải hoàn toàn vô điều kiện, bởi lẽ với những vụ làm ăn lớn, họ chỉ xác lập niềm tin vào một đối tác nào đó sau quá trình trải nghiệm trực tiếp, và thường dựa trên những mạng lưới xã hội thân thuộc như đồng tộc, đồng hương… để mở rộng các quan hệ giao dịch làm ăn.
Trong khi đó, trong xã hội hiện đại, chữ “tín” trong hoạt động kinh doanh mặc dù cũng thường kinh qua trải nghiệm nhưng lại được xác lập chủ yếu dựa trên nền tảng luật pháp và lý tính. Chính những nền tảng này làm cho các mối quan hệ giao dịch có thể khuếch trương mạnh hơn nhiều so với kinh doanh cổ truyền. Nhà kinh doanh có thể yên tâm ký kết hợp đồng với một nhà sản xuất nào đó ở một quốc gia khác cách xa hàng ngàn cây số, dù có thể chưa quen biết thân thiết, vì tin rằng nếu nhà sản xuất này không tôn trọng hợp đồng thì sẽ có thể viện đến sự can thiệp của luật pháp – nhờ những thỏa thuận về tư pháp đã ký kết giữa hai quốc gia. Trong trường hợp này, sự tin cậy đã có sẵn một khuôn khổ pháp lý để được bảo vệ.
Ở Việt Nam trong thời quan liêu bao cấp trước đây, vào cửa hàng mậu dịch quốc doanh, khách hàng chỉ được phép nhìn các kệ hàng từ xa và nếu muốn mua thì phải nhờ cô nhân viên lấy ra. Ở cửa hàng ăn uống quốc doanh thời ấy, ai cũng phải trả tiền trước khi ăn, chứ không như quán hủ tiếu hay tiệm phở tư nhân không bao giờ dám tính tiền trước khi người khách gọi tính tiền. Sở dĩ như vậy là do cửa hàng quốc doanh thời ấy không tin vào khách hàng, không tin là người ta sẽ trả tiền sau khi ăn xong tô phở, sợ rằng nếu để khách hàng tự tiện vào tận kệ hàng thì họ sẽ bỏ túi luôn món đồ nào đó.9
Ngày nay, may mắn là tình hình ấy không còn nữa trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại. Tuy nhiên, trong phần lớn các lĩnh vực xã hội khác, vẫn còn tồn tại với mức độ đậm nhạt khác nhau những di chứng của chế độ quản lý tập trung quan liêu xuất phát từ một mô hình chủ nghĩa xã hội sùng bái nhà nước. Trong đó, theo chúng tôi, có hai xu hướng nổi bật cần bàn đến liên quan đến mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội, hay nói cụ thể hơn là liên quan đến mối quan hệ tin cậy giữa nhà nước và xã hội, đó là xu hướng nhà nước hóa (xét về mặt tổ chức đời sống xã hội), và xu hướng chính trị hóa (xét về mặt tư duy quản lý xã hội).
 
Xu hướng nhà nước hóa
Trong thời kỳ đổi mới, nhà nước đã công nhận quyền tự do kinh doanh và nhìn nhận sự tồn tại chính đáng và cần thiết của các doanh nghiệp tư nhân, cũng như đã giải thể các hợp tác xã và tập đoàn để trao trả lại ruộng đất cho nông dân – thoát ra khỏi một quan niệm duy ý chí và máy móc cho rằng cái gì cũng phải thuộc về quốc doanh và tập thể, cái gì cũng phải do nhà nước trực tiếp “quản lý”. Thế nhưng sự thay đổi theo chiều hướng nhìn nhận và khuyến khích các sáng kiến cá nhân và tính năng động cá nhân chỉ diễn ra trong lĩnh vực kinh tế (mà thực ra quá trình cải tổ này cũng chưa phải đã hoàn tất). Còn trong lĩnh vực xã hội, xu hướng nhà nước hóa vẫn còn rất nặng và chưa thực sự chuyển biến bao nhiêu. Chẳng hạn, mặc dù đã có chủ trương “xã hội hóa” các lĩnh vực giáo dục, y tế, thể thao… (theo nghĩa là mở rộng cửa cho sự tham gia và sự đầu tư của khu vực tư nhân), nhưng thực tế cho thấy chưa có được bao nhiêu cơ sở mới của tư nhân10 dù rằng nhu cầu phát triển còn rất lớn, và vẫn còn vô vàn những rào cản từ chính các cơ quan nhà nước, làm nản lòng những ai có thiện chí muốn bỏ vốn tham gia vào những lĩnh vực này. Cuộc thảo luận gần đây về bản dự thảo luật về hội cũng cho thấy tư duy “nhà nước hóa” vẫn còn nguyên vẹn khi nhiều người đòi hỏi các hội phải có cơ quan “chủ quản”.11 Cho đến nay, người dân bình thường không dễ gì mà lập được một hội đoàn theo sáng kiến và thiện chí của mình, trong khi đó, ai cũng biết là phần lớn hoạt động của các đoàn thể xã hội chính thức đều bị rơi vào tình trạng xơ cứng và hành chính hóa. Chính vì xu hướng “nhà nước hóa” này, nghĩa là cái gì Đảng và nhà nước cũng muốn nắm lấy, cái gì cũng phải trực tiếp “quản chặt”, nên xã hội dân sự nói chung ở Việt Nam vẫn còn ở tình trạng hết sức phôi thai – và ngay bản thân thuật ngữ “xã hội dân sự” cũng chưa được giới lãnh đạo hiểu một cách đầy đủ và chấp nhận.
 
Xu hướng chính trị hóa
Nếu xu hướng nhà nước hóa nói trên tồn tại chủ yếu trong lĩnh vực tổ chức đời sống xã hội, thì trong lĩnh vực tư duy quản lý xã hội, một xu hướng khác không kém phần phổ biến và thống soái là xu hướng chính trị hóa. Có lẽ do bị ảnh hưởng sâu xa bởi lối tư duy và phản xạ thời chiến tranh, nên có thể nói phần lớn các nhà lãnh đạo có xu hướng qui mọi thứ về “chính trị”, quan niệm rằng cái gì cũng phải được xem xét dưới quan điểm chính trị, mặc dù có nhiều cái hoàn toàn không thuộc về lĩnh vực chính trị.
Có thể kể ra rất nhiều thí dụ biểu hiện cho xu hướng này. Cách đây không lâu, nhà kinh doanh không được nhìn dưới góc độ kinh tế, mà luôn luôn bị xem xét dưới quan điểm kinh tế chính trị học và quan điểm đấu tranh giai cấp (điều này từng dẫn tới những cuộc cải tạo công thương nghiệp vào cuối thập niên 1970). Các đoàn thể xã hội cho đến nay vẫn chủ yếu mang sắc thái của các “tổ chức chính trị-xã hội”, nên hoạt động thường khô khan, xơ cứng mà không chú trọng đến những nhu cầu bình thường và thiết thân của các hội viên.
Trong lĩnh vực nhân sự, việc tuyển dụng và đề bạt được thực hiện căn cứ trên lý lịch, mà chủ yếu là lý lịch chính trị của gia đình, chứ không phải dựa trên năng lực và phẩm chất của bản thân (mặc dù trong nhiều trường hợp, đây chỉ là cái cớ để đưa con em thân thuộc vào). Trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học, ngay cả môn triết học cũng không được giảng dạy như một bộ môn khoa học thực thụ và độc lập, mà thường được trình bày và diễn giải một cách máy móc theo quan điểm chính trị.12 Có lần nhà triết học Trần Đức Thảo nói với cố thủ tướng Phạm Văn Đồng như sau: “Tạp chí Triết học của Việt Nam toàn là chính trị, chẳng có chút triết học nào trong đó cả.” Và “thủ tướng cũng phải công nhận điều đó”, theo lời kể của ông Việt Phương, người từng làm trợ lý cho cố thủ tướng.13 Ở nhà trường, bất cứ sinh viên nào cũng buộc phải học môn chủ nghĩa Mác-Lênin, cho dù ngành học chính của họ không liên quan gì tới môn này. Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, xu hướng quản lý và đánh giá nặng về chính trị diễn ra cũng tương tự như vậy (điển hình gần đây nhất là vụ “kiểm điểm” nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau). Thậm chí ngay cả lứa tuổi thiếu nhi cũng thường được dạy dỗ trong đoàn thể và ở nhà trường nặng về chính trị hơn là về đạo đức làm người hay về luân lý gia đình…
 
Hệ quả xã hội

Trong khuôn khổ của những định chế đã bị nhà nước hóa và chính trị hóa, vị thế và giá trị của cá nhân được xét đoán chủ yếu dựa trên những tiêu chuẩn “chính trị” (như có lý lịch tốt, thuộc gia đình công nông, gia đình cách mạng, bản thân là đảng viên hay đoàn viên…), và dựa trên những chuẩn mực chủ yếu phô diễn ở bên ngoài (như lập thành tích, đạt danh hiệu thi đua…) chứ không dựa trên những chuẩn mực xuất phát từ bên trong (tức là những chuẩn mực đạo lý nhân văn thường đã ăn sâu trong nội tâm mỗi người) và đồng thời cũng không chú trọng đủ đến những phẩm chất nghề nghiệp, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp.
Não trạng coi trọng chính trị hơn là đạo đức làm cho người ta có xu hướng quan tâm tới mục đích hơn là phương tiện, coi trọng thành tích hơn là coi trọng nỗ lực, phương pháp và con đường đạt tới mục tiêu ấy – điều này vô hình trung dẫn tới một thứ tâm lý thực dụng (hiểu theo nghĩa tiêu cực).14 Điều này càng được củng cố khi mà trong một thời gian dài người ta hoài nghi và bài xích các giá trị tín ngưỡng và tôn giáo. Chính vì thứ tâm lý thực dụng ấy mà nhiều người không còn cảm thấy ngại ngần, hối hận (hay “bị đứt dây xấu hổ”, như có người từng nói) khi giành được một cái ghế, một danh hiệu hay một mảnh bằng nhờ chạy chọt và hối lộ.
Mặt khác, cũng còn phải nhắc tới não trạng coi trọng chính trị hơn là pháp luật (cho rằng vì “chính trị” là lĩnh vực thống soái nên nó cao hơn và có thể vượt lên trên pháp luật), vốn là lối suy nghĩ có thể dẫn tới những kiểu hành xử võ đoán, vô nguyên tắc và bất chấp luật pháp của một số người đang giữ quyền lực (trong nhiều trường hợp, người ta “nhân danh” quan niệm này như một chiêu bài để tìm cách khỏa lấp những quyết định phi dân chủ hoặc kể cả những vụ tham ô, nhũng lạm).
Chính cái môi trường trong đó hệ thống các giá trị và các chuẩn mực xã hội đã bị lộn ngược (quan tâm tới những chuẩn mực ngoại tại hơn là những giá trị xuất phát từ nội tâm, thiên về “phong trào” hơn là chiều sâu, nặng về chính trị hơn là đạo đức, coi trọng “ý thức chính trị” và “quan điểm chính trị” hơn là ý thức luật pháp và lương tâm nghề nghiệp…), là nguyên nhân xã hội và cơ sở xã hội sâu xa của tình trạng suy thoái về đạo đức và nhân cách, làm phát sinh ra các thứ bệnh mà trước đây không có hoặc nếu có cũng không đến mức nghiêm trọng như bây giờ, như bệnh thành tích, bệnh gian dối, sống hai mặt, đầu óc thực dụng, bệnh chạy chọt, bệnh tham nhũng…15
 
Lòng tin trong xã hội và vốn xã hội
Theo giả thuyết của chúng tôi, có hai nguyên nhân dẫn tới hai xu hướng hay nói đúng hơn là hai căn bệnh nhà nước hóa và chính trị hóa nói trên. Thứ nhất, đó là do ảnh hưởng sâu xa trong tiềm thức bởi não trạng nặng tính phong kiến cho rằng nhà nước và những người lãnh đạo là “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân), là “cán bộ”, là “quan chức”, nghĩa là thuộc về một tầng lớp đứng bên trên người dân và có quyền nghĩ thay cho người dân. Thứ hai (và phần nào cũng là hệ luận của nguyên nhân thứ nhất), đó là não trạng độc quyền chân lý, không chấp nhận những ai nói khác với mình, cho rằng mình có quyền ban hành và áp đặt các quyết sách mà không cần hỏi ý kiến của người dân. Dù có biện minh thế nào và nhân danh cái gì đi nữa thì hai não trạng này thực chất phản ánh thái độ xem thường và không tin vào người dân16, không tin vào trí tuệ cũng như sự lương thiện của họ, thực chất là xa rời người dân và trong thực tế người ta thường sử dụng những nguyên tắc giáo điều để biện hộ cho hai não trạng trên. Nói cách khác, đấy cũng là lối suy nghĩ đi ngược lại với tư tưởng dân chủ và công bằng.
Có lẽ chính những não trạng ấy mới là lý do sâu xa giải thích cho câu chuyện, chẳng hạn, tại sao lâu nay không sử dụng và phát huy được những người có năng lực (chứ không hẳn do những vấn đề thuộc về chính sách). Và cũng chính vì vậy mà một trong những nội dung trọng yếu nhất trong quá trình cải cách tư duy luật pháp, đó là chuyển từ lối tư duy “người dân chỉ được làm những gì mà luật pháp cho phép” sang lối tư duy “người dân được quyền làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm”, vẫn còn là chuyện trầy trật và đầy khó khăn.
Sống trong bối cảnh những định chế đã bị nhà nước hóa và chính trị hóa vốn được quản lý và vận hành không dựa trên cơ sở của niềm tin vào con người, các cá nhân khó lòng mà thiết lập được những mối quan hệ tin cậy bình thường và lành mạnh giữa các cá nhân với nhau, khó lòng mở rộng các mạng lưới xã hội trong xã hội dân sự (chẳng hạn muốn lập hội rất khó, trong khi đó, ngược lại, quan hệ xã hội theo kiểu nhờ vả, xin xỏ, chạy chọt… lại có chiều hướng lan rộng!), và do đó cũng khó lòng thiết lập được quan hệ hợp tác tự nguyện giữa các cá nhân với nhau.17 Tình trạng “khủng hoảng niềm tin” mà một số ý kiến lâu nay có nhắc tới, theo chúng tôi, phản ánh một thực tại đáng báo động, đó không chỉ là tình trạng mất lòng tin vào các định chế nhà nước, mà còn là mất lòng tin vào người khác nói chung, và nghiêm trọng hơn là mất cả sự tự tin vào chính mình. Tình trạng mất lòng tin này cũng là một trong những dấu hiệu bộc lộ sự tha hóa của con người, “tha hóa” hiểu theo ý nghĩa triết học – nhưng đây lại là một chủ đề khác mà chúng tôi không đi sâu ở đây.
Như vậy, đề cập tới lòng tin hay sự tin cậy xét như là một kích thước quan trọng của vốn xã hội, chúng ta có thể nhận thấy rằng muốn hiểu vốn xã hội ở Việt Nam thì không thể không khảo sát diện mạo và đặc điểm của các định chế trong xã hội. Lòng tin giữa các cá nhân với nhau trong xã hội không phải là chuyện mang tính chất cá nhân, hay chỉ phụ thuộc vào các cá nhân, mà là hệ quả của các chuẩn mực đang ngự trị trong các định chế xã hội, cũng như nói rộng ra là hệ quả của mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội.
Trong một bài viết gần đây, tác giả Nguyễn An Nguyên cho rằng trong công cuộc đổi mới hiện nay, “cần một nền tảng lý luận mới về nhà nước trong tương quan với xã hội”, bởi lẽ theo ông, “toàn bộ cuộc tranh luận 20 năm về pháp quyền có thể tóm gọn bằng một câu hỏi cốt tử: có đối trọng và chế ước quyền lực, trên nền tảng coi hiến pháp là tối cao hay không?”18
Theo chúng tôi, để có thể vượt qua tình trạng khủng hoảng trong mô hình tổ chức đời sống xã hội vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi xu hướng nhà nước hóa và chính trị hóa như chúng tôi đã trình bày, thì không có câu trả lời nào khác ngoài con đường xây dựng một nền dân chủ đặt nền tảng trên nhà nước pháp quyền, và tạo điều kiện thuận lợi để hình thành một xã hội dân sự lành mạnh.19 Cuối cùng là một nhận xét về mặt phương pháp luận nghiên cứu về vốn xã hội. Sau những phân tích và nhận định trên đây về lòng tin trong xã hội ở Việt Nam, điều rút ra ở đây là chúng ta không thể hiểu được vốn xã hội nếu không xem xét nó dưới kích thước văn hóa cũng như kích thước định chế xã hội. Chúng ta không thể nói một cách đơn giản rằng vốn xã hội ở Việt Nam hiện nay nhiều hay ít, mạnh hay yếu – nghĩa là khó lòng mà định lượng hóa được vốn xã hội, và do đó hiển nhiên là không thể chỉ sử dụng một hệ thống những chỉ tiêu khảo sát về vốn xã hội thường được các nhà nghiên cứu áp dụng chung ở các nước trên thế giới để có thể hiểu được và lý giải được vốn xã hội ở một quốc gia. Cách tiếp cận phù hợp và cần thiết đối với chủ đề này phải chủ yếu mang tính chất định tính, ít ra bao gồm lối tiếp cận văn hóa và lối tiếp cận định chế.
TPHCM, ngày 11-6-2006 T.H.Q.
———–
1 James Coleman, Foundations of Social Theory, Cambridge (Massachusetts), Harvard University Press, 1990. Robert Putnam, “Bowling alone : America‘s declining social capital”, Journal of Democracy, số 6 (1), tháng 1-1995, trang 67.
2 “Trust, it might be said, is a device for stabilizing interaction. To be able to trust another person is to be able to rely upon that person to produce a range of anticipated responses.”
(Anthony Giddens, Social Theory and Modern Sociology, Stanford, Stanford University Press, 1996, trang 136).
3 Xem André Akoun, Pierre Ansart (dir.), Dictionnaire de sociologie, Paris, Le Robert, Seuil, 1999, trang 101.
4 Xem Gordon Marshall (Ed.), A Dictionary of Sociology, Oxford, Oxford University Press, 1998, trang 674.
5 Xem thêm bài của Trần Hữu Quang, “Lòng tin trong quản lý”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 26-12-2002, trang 36-37.
6 “Tout n’est pas contractuel dans le contrat.” (Emile Durkheim, De la division du travail social, 1893).
7 Lâu nay, nhiều người thường lý giải nguyên nhân của tình trạng vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều… ở TPHCM là do ý thức tự giác của người dân còn kém. Nói như vậy chỉ đúng ở phần ngọn : nguyên nhân chính của tình trạng này nằm nơi bản thân định chế giao thông (bộ máy cảnh sát giao thông, tính nghiêm minh của các biện pháp xử phạt…). Người ta chỉ có thể giải thích một hiện tượng xã hội này bằng những hiện tượng xã hội khác, chứ không thể qui kết cho ý thức cá nhân. Tuyên truyền, giáo dục về luật giao thông dĩ nhiên là điều cần thiết và phải làm, nhưng hoàn toàn không đủ để tái lập trật tự giao thông. Vấn đề then chốt ở đây là cải tổ lại bộ máy quản lý giao thông, và thiết lập lại trật tự giao thông bằng các biện pháp xử phạt cứng rắn. Tập quán và ý thức chấp hành luật giao thông chỉ có thể hình thành trên cơ sở của một định chế giao thông vững mạnh và nghiêm minh, chứ không phải trên cơ sở của những đợt tuyên truyền, giáo dục. Ngay như ở Mỹ chẳng hạn, là nơi thường được coi là người dân có ý thức tự giác kỷ luật cao, trên một số xa lộ, cảnh sát thỉnh thoảng vẫn phải đặt những hình nộm cảnh sát bằng gỗ để nhắc nhở và răn đe những tài xế nào có ý định vi phạm luật.
8 Xem Olivier Galland, “Les dimensions de la confiance”, Futuribles, no. 277, juillet-aout 2002, trang 20.
9 Xem Trần Hữu Quang, bài đã dẫn.
10 Theo số liệu thống kê, ở TPHCM trong năm học 2004-2005, số học sinh ở các trường dân lập và tư thục chỉ chiếm 1,62 % trong tổng số học sinh ở cấp I, 1,87 % ở cấp II, và 7,89 % ở cấp III (xem Cục Thống kê TPHCM, Niên giám thống kê 2004, TPHCM, trang 229). Hiện nay trên cả nước mới có 50 bệnh viện tư nhân, với số giường chỉ chiếm gần 3 % tổng số giường bệnh của cả nước (xem Người lao động, 9-6-2006, trang 12).
11 Xem bài phỏng vấn của Phan Lợi, “Góp ý cho dự án luật về hội, PGS-TS Hồ Uy Liêm: Không phải việc gì nhà nước cũng ‘ôm’!”, Pháp luật TPHCM, 17-10-2005, trang 3. Các bài tường thuật của Phan Lợi, “Các nhà khoa học đề xuất một dự luật mới!”, Pháp luật TPHCM, 26-12-2005, trang 3, và của Công Thắng và Cao Cương, “Vẫn nhà nước hóa, hành chính hóa”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 6-4-2006, trang 45-47. Mai Anh, Phan Mai, “Quốc hội thảo luận Luật về hội: Hội phải là tổ chức tự nguyện, tự quản”, Pháp luật TPHCM, 12-6-2006, trang 3.
12 “Nếu xem chủ nghĩa Mác-Lênin là một khoa học thì phải đối xử với nó như một môn khoa học. Một khi khoa học bị chính trị hóa và đi kèm với nó là thói quy chụp, cấm đoán những ý kiến khác biệt thì tính chất khoa học sẽ bị lệch lạc và dễ trở thành thành lũy vững chắc của những gì là xơ cứng, giáo điều.” (Trần Thượng Tuấn, “Hãy tin dân”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 23-2-2006, trang 14).
13 Xem bài phỏng vấn ông Việt Phương của phóng viên Thu Hà, “Thủ tướng giữ bản thảo cho nhà triết học”, Tuổi trẻ, 4-6-2006, trang 10.
14 Con người chúng ta thường dễ ngả từ cực đoan này sang cực đoan khác : chẳng hạn, tại sao gần đây nhiều người lại đề cao khẩu hiệu “làm giàu” như một lý tưởng sống, trong khi đáng lý cái cần đề cao hơn là học giỏi, kinh doanh giỏi, hay giỏi nghề chẳng hạn mà hệ quả của chúng mới là trở nên giàu có ?
15 “Cơ chế hiện nay đang tạo kẽ hở cho tham nhũng, vơ vét tiền của của nhà nước. Không tham nhũng mới là lạ ! Nhưng cái mà chúng ta mất lớn nhất lại không phải là mất tiền, mất của, dù số tiền đó là hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ. Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Mọi người nhận lương đó, nhưng mà có ai sống bằng lương đâu ! Nói dối hằng ngày nên thành thói quen. Thói quen đó lặp lại nhiều lần thành ‘đạo đức’, mà cái ‘đạo đức’ đó là rất mất đạo đức. Đấy là một cái nguy, nhưng tôi thấy ít người quan tâm, chỉ chăm chăm vào vụ tham nhũng này, vụ tham nhũng kia.” (Bài phỏng vấn ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, của Xuân Toàn, “Cơ chế này sinh ra nói dối hằng ngày”, Thanh niên, 20-5-2006).
16 Có thể xem thêm bài của Trần Thượng Tuấn, “Hãy tin dân”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 23-2-2006, trang 14, Phạm Ngọc Phúc, “Tin ai ?” (mục ý kiến độc giả), Người lao động, 8-6-2006, trang 11.
17 Tình hình tương tự cũng đã được ghi nhận tại nước Nga, trong một cuộc điều tra đối chiếu về vốn xã hội giữa hai nước Nga và Đan Mạch (xem Lene Hjollund, Martin Paldam, Gert Tinggaard Svendsen, “Social capital in Russia and Denmark : A comparative study”, 2001, www.gov.si/zmar/ conference/2001/pdf-konf/17-paldam.pdf).
18 Nguyễn An Nguyên, “Tư tưởng phát triển của dân tộc”, Tuổi trẻ cuối tuần, 16-4-2006, trang 9.
19 Khi bàn luận về việc làm sao xây dựng lại vốn xã hội ở Nga nói riêng và ở các nước Đông Âu nói chung sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội theo kiểu cũ sụp đổ, Robert Putnam từng cho rằng phải mất hàng thế kỷ, nhưng cũng có một số tác giả khác cho rằng chỉ cần vài chục năm (xem Lene Hjollund, Martin Paldam, Gert Tinggaard Svendsen, bài đã dẫn).

 
Tài liệu tham khảo
1. GALLAND Olivier, “Les dimensions de la confiance”, Futuribles, no. 277, juillet-aout 2002, trang 15-39.
2. GIDDENS Anthony, Social Theory and Modern Sociology, Stanford, Stanford University Press, 1996.
3. FUKUYAMA Francis, “Social capital and civil society”, IMF Working paper WP/2000/74.
4. HJOLLUND Lene, PALDAM Martin, SVENDSEN Gert Tinggaard, “Social capital in Russia and Denmark: A comparative study”, 2001 (www.gov.si/zmar/ conference/2001/pdf-konf/17-paldam.pdf).
5. NGUYỄN An Nguyên, “Tư tưởng phát triển của dân tộc”, Tuổi trẻ cuối tuần, 16-4-2006, trang 4-5, và 9.
6. NGUYỄN Ngọc Bích, “Vốn xã hội và phát triển”, bài viết tháng 4-2006 (chưa đăng báo).
7. OMORI Takashi, “L’équilibre entre la croissance économique et le bien-être : Les implications de l’expérience japonaise”, ISUMA, Canadian Journal of Policy Research, Volume 2, No. 1, Spring 2001, trang 99-106.
8. PUTNAM Robert, “Bowling alone : America‘s declining social capital”, Journal of Democracy, số 6 (1), tháng 1-1995, trang 65-78.
 9. TRẦN Hữu Dũng, “Vốn xã hội và kinh tế”, tạp chí Thời đại, số 8, tháng 7-2003, trang 82-102.
10. TRẦN Hữu Quang, “Lòng tin trong quản lý”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 26-12-2002, trang 36-37.

Trần Hữu Quang

Tác giả