Luật mới tương tác với cơ chế cũ như thế nào?
Ngày 24/11/2014, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân với rất nhiều câu chữ được thay đổi, đưa tòa án theo hướng ưu tiên bảo vệ công lý. Nhưng liệu những thay đổi về mặt câu chữ này có đủ để thay đổi cơ chế cũ hay không?
Trong số tám điểm đổi mới mà Tòa án Nhân dân Tối cao giới thiệu về Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 20141, hai điểm sau đây có khả năng góp phần lớn nhất vào việc nâng cao chất lượng xét xử của tòa án: kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán lên 10 năm đối với người được tái bổ nhiệm nhiệm kỳ thứ hai, và giao cho Tòa án Nhân dân Tối cao chọn lọc án lệ.
Những thay đổi này tạo ra cơ hội lớn cho việc xây dựng một nền tư pháp độc lập, vì công lý, bảo vệ dân quyền tốt hơn. Nhưng những thay đổi này có đủ sức vượt qua những thách thức cũ?
Thứ nhất, khi bàn đến sự độc lập của tòa án ở Việt Nam là bàn đến sự độc lập của tòa án với ai. Câu trả lời: Với nhiều tác nhân khác nhau, đặc biệt với những tác nhân có quyền lực nhất trong xã hội. Vụ án bà Ba Sương cho thấy sự chỉ đạo của các cơ quan Đảng vào quá trình khởi tố, điều tra, xét xử là không nhỏ; dường như đôi khi không còn dừng lại ở chỉ đạo đường lối, mà đi vào rất chi tiết, nghiệp vụ.
Thay cho việc dùng từ “Tòa án Nhân dân Sơ thẩm” như trong Dự thảo 5, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 tiếp tục dùng từ “Tòa án Nhân dân cấp huyện” như cũ. Với cách dùng từ này, chúng ta có thể dự đoán khuynh hướng thành lập thêm các tòa án cấp huyện sẽ diễn ra trên thực tế, chứ không có chuyện hai ba huyện chung một tòa án. Điều này là cần thiết ở các đô thị lớn, nơi tòa án cấp quận bị quá tải. Nhưng điều này, tiếp tục đặt ra câu hỏi cũ: các đảng viên – bao gồm các thẩm phán và chánh án – sẽ do huyện ủy quản lý hay đảng ủy nào quản lý. Nếu vẫn tiếp tục do cấp ủy cùng cấp quản lý thì trạng thái độc lập của tòa án vẫn tiếp tục như cũ2.
Có ba cơ chế, tuy nằm ngoài luật, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến sự độc lập của tòa án: cơ chế họp liên ngành, cơ chế thỉnh án cấp trên, và cơ chế xin ý kiến cơ quan lãnh đạo cùng cấp trước khi xét xử án dự kiến mức hình phạt tử hình hoặc án liên quan an ninh quốc gia. Việc thiết lập ba cơ chế này được lý giải bởi nhiều lý do và đã tồn tại song song với lịch sử ngành tòa án Việt Nam. Việc Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 2014 tiếp tục không điều chỉnh theo hướng củng cố hay loại bỏ ba cơ chế này, mà tiếp tục để ngoài luật, cho thấy sự độc lập của tòa án còn tiếp tục có nhiều thách thức.
Thứ hai, việc nâng thời gian nhiệm kỳ thứ hai của thẩm phán từ năm năm lên 10 năm sẽ giảm bớt áp lực không được tái cử sau năm năm và cho phép họ có sự độc lập hơn đối với những cơ quan nắm giữ quyền quyết định về nhân sự trong hệ thống tòa án Việt Nam. Tuy nhiên, bảo đảm này chưa chắc chắn, chưa đầy đủ. Liệu thẩm phán có bị thuyên chuyển trái ý muốn của mình trong thời gian tại nhiệm? Mức lương của họ có đủ nuôi gia đình hay còn phải trông chờ vào những nguồn thu nhập khác là hai câu hỏi còn bỏ ngỏ trong Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân. Nhìn vào cơ chế luân chuyển “cán bộ” và hệ thống ngạch bậc lương hiện nay thì câu trả lời chưa có gì thay đổi cả. Tại sao nhiệm kỳ thẩm phán không được bố trí so le với nhiệm kỳ của các cơ quan chính trị khác, ví dụ độ dài nhiệm kỳ là chín-bảy thay cho năm-mười?
Thứ ba, trao cho Tòa án Nhân dân Tối cao chức năng: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” (Điểm c Khoản 2 Điều 22) là một hướng đi hòa nhập với thông lệ quốc tế.
Thế nhưng, sự thay đổi này chỉ thực sự tạo ra hệ thống án lệ theo chuẩn mực quốc tế với ba điều kiện sau đây: A. Cách viết án, luận án phải thay đổi, không thể sơ sài như hiện nay, vì khi viện dẫn án lệ người ta viện dẫn cách giải thích, lập luận, tư duy, thậm chí là học thuyết pháp lý mới chứa đựng trong bản án được viện dẫn. B. Không chỉ các thẩm phán mà thân chủ hoặc luật sư cũng có quyền viện dẫn án lệ để bảo vệ quyền lợi của mình như thể viện dẫn một điều luật của Quốc hội. Khi “án lệ” không phải là nguồn luật thì án lệ không khác gì mấy cuốn bình luận luật của các giáo sư luật bán ngoài hiệu sách – chỉ khác ở điểm bắt buộc phải “nghiên cứu”; C. Mọi bản án, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm có hiệu lực pháp luật của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đều có tính chuẩn mực, đều là án lệ. Vì nếu ngược lại thì có nghĩa rằng trong số các quyết định, bản án giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ có bản án, quyết định “không có tính chuẩn mực”. Và lúc đó, cơ chế chọn lọc để công bố một số bản án sẽ không có sự thay đổi về chất so với cơ chế ban hành nghị quyết hướng dẫn xét xử mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hiện nay đang làm.
Để ba điều kiện này hình thành đòi hỏi thời gian, không thể trong ngày một ngày hai. Điều này có nghĩa, điều tiến bộ này muốn đến được với người dân còn phải trải qua nhiều thách thức, nhiều nỗ lực.
Nghị quyết 49-NQ/TW đã mở đường cho sự đổi mới tòa án trong Hiến pháp 2013. Nhưng dường như sự đổi mới trong Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 2014 còn dè dặt, chứa đựng nhiều thách thức, bỏ ngỏ nhiều điểm, đòi hỏi phải có sự đổi mới đồng bộ của các cơ chế khác, đạo luật khác để tòa án có thể hoàn thành sứ mệnh mang công lý đến cho mọi người.
—————–
* Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM
1 Tòa án Nhân dân Tối cao (2014), Giới thiệu Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, ngày 11/12/2014(http://www.toaan.gov.vn/portal/pls/portal/!PORTAL.wwpob_page.show?_docname=6716818.HT)
2 Chuyển việc quản lý Tòa án Nhân dân từ Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp sang hệ thống ngành dọc (tòa án) đã diễn từ năm 2002. Hay nói cách khác, sự độc lập với cơ quan hành chính cùng cấp đã diễn ra hàng chục năm, nhưng tác nhân chính không phải nằm ở mối quan hệ này.