Lực cản từ chính một số “cây đa, cây đề”

Tại buổi họp mặt cộng tác viên cuối năm của tạp chí Tia Sáng, sau phát biểu của GS. Hoàng Tụy đánh giá cao việc Bộ KH&CN đã lắng nghe ý kiến đúng đắn và tâm huyết của các nhà khoa học, tiến hành cải cách quản lý NCCB, là phát biểu của một nhà Sinh học, đại ý: Tia Sáng viết hơi quá nhiều về công bố quốc tế. Đành rằng công bố quốc tế của chúng ta yếu, người của chúng tôi công bố quốc tế chung với Nhật là được rồi, cần gì phải là tác giả chính như GS. Phạm Duy Hiển nói. Đề tài giống lúa mới được chuyển giao cho một cơ sở ở Nam Định với giá 10 tỷ đồng vừa rồi có giá trị thực tế rõ ràng, nhưng chẳng có tạp chí quốc tế nào đăng kết quả đó.

Đầu năm mới, sau khi chúc tết nhau, tôi và một lãnh đạo Viện Cơ học (Viện KH&CN VN) có cuộc tranh luận không có hồi kết về hoạt động khoa học vì quan điểm khác nhau. Sau đây là một số luận cứ của anh ấy về chuyện công bố quốc tế:

Tôi ủng hộ yêu cầu luận án TS phải có bài báo quốc tế. Nếu có quy định của Bộ GD&ĐT tôi sẽ yêu cầu NCS của tôi phải làm việc công bố quốc tế. Còn như hiện nay chưa có quy định này, ta cũng chẳng cần phải đòi hỏi công bố, vì sẽ rất khó và vất vả cho NCS.

Bài báo quốc tế cũng có nhiều loại, có người có cả chục bài vẫn chưa là gì, có người chỉ cần một bài là khẳng định được đẳng cấp (có lẽ hàm ý cái bài báo quốc tế nói trên của anh ấy đủ mạnh bằng cả chục bài của những người khác).

Tôi đi nước ngoài nhiều nên biết rõ rằng, ở phương Tây, nhất là ở Mỹ, các ĐH không hề quan tâm các GS của họ có công bố quốc tế hay không, nhiều hay ít, mà chỉ quan tâm các GS có mang được nhiều đề tài, hợp đồng, và tiền về cho ĐH hay không (ở VN đây là điểm mạnh của anh này vì liên tục chủ trì các đề tài và hợp đồng kinh phí lớn – tôi ở gần nên cũng được nghe ít nhiều chuyện từ chính những người trong cuộc về các đề tài này)

Ngành Sinh học công bố quốc tế dễ: họ chỉ cần tìm ra cái cây cái lá gì mới là công bố quốc tế được. Viện Cơ học công bố quốc tế ít vì công bố quốc tế trong lĩnh vực Cơ học khó hơn.

ISI chỉ là một tổ chức tư nhân, không đủ uy tín đại diện, chỉ thống kê bài tiếng Anh, trong khi có bao tạp chí có uy tín tương đương bằng tiếng Nga, tiếng Pháp thì không được tính đến.

Hàn Quốc và TQ đòi hỏi công bố quốc tế ISI, SCI, nhưng VN ta phải khác. TQ là nước lớn, họ chịu sức ép phải làm tàu vũ trụ, còn ta đâu có phải làm mấy thứ đó. Do vậy, Bộ KH&CN không cần theo gương họ. Ta có con đường riêng của ta, chẳng có nước nào giống nước nào.

Quy định mới về NCCB của Quỹ có một điểm tiến bộ là có quy định rõ ràng, không để các Hội đồng phân phối kinh phí tùy tiện như trước. Tuy nhiên đề tài chỉ cho thời gian quá ngắn 2 năm mà lại đòi hỏi 2 bài báo quốc tế là phi thực tế. Mà tại sao cứ phải đòi hỏi công bố quốc tế? Công bố trong nước cũng được chứ. Và nếu quốc tế được 10 điểm thì bài trong nước cũng phải được 5,6 điểm.

Ngay ở Liên Xô người ta chỉ cần nhấn mạnh cần có bài báo trong nước là đủ. Còn việc hiện nay nhiều người Nga có viết bài cho các tạp chí tiếng Anh, chẳng qua là vì họ muốn kiếm việc ở phương Tây.

Tại sao ta cứ phải yêu cầu công bố quốc tế. Tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc của chúng ta ở đâu. Đã là người VN ta phải công bố trên các tạp chí của VN chúng ta.

Ở các viện khác người ta cũng nói với tôi là họ không đồng tình với các bài báo viết về khoa học VN trên báo chí thời gian qua. Một số cán bộ quản lý ở Bộ KH&CN cũng nói với tôi: chúng tôi vẫn luôn ủng hộ các anh đấy chứ, nhưng chính từ trong nội bộ giới khoa học các anh có người cứ cố tình bới chuyện làm vấn đề trở nên to ra…

Và trong cuộc Hội thảo khoa học của Viện Cơ học cuối năm 2008, một Phó Viện trưởng Viện Cơ học lập luận, đại ý:

Bên Toán họ công bố quốc tế là đúng rồi, họ chỉ có mỗi cái việc đó. Nếu không làm được việc đó thì cái Viện Toán phải bị giải tán. Còn Viện Cơ ta làm NCCB phục vụ ứng dụng nên không cần phải công bố quốc tế. Vì nghiên cứu ứng dụng là quan trọng đối với đất nước nên phải được Nhà nước ưu tiên bao cấp và đầu tư kinh phí chứ không phải để tự trang trải kinh phí bởi thị trường (như tinh thần nghị định 115). Ngay cả ở Úc và Nhật Bản, từ cả nghìn nghiên cứu ứng dụng cũng chỉ có một nghiên cứu đem ra được sản phẩm thành công trên thị trường (hàm ý trong số hàng ngàn đề tài nghiên cứu ứng dụng của ta, Bộ KH&CN chỉ cần chỉ ra một đề tài có được kết quả trên thị trường là đạt thành công ngang như quốc tế ?)…

Còn Viện trưởng Viện Cơ học ứng dụng TP. HCM thì trích dẫn ý kiến “khách quan” của một nhà khoa học Việt kiều nổi tiếng có nhiều kinh nghiệm thực tiễn quốc tế (GS Vật lý Trương Văn Tân ở Úc): nghiên cứu cơ bản ở VN để công bố quốc tế các bài báo mang tính chung chung chỉ là theo đuôi nước ngoài, không có ích lợi gì cho VN mà chỉ làm lãng phí tiền thuế của nhân dân. VN ta phải tập trung nghiên cứu ứng dụng.

Không chỉ ở Viện Cơ học mà hiện nay, cán bộ quản lý ở một số viện, cơ quan nghiên cứu có rất nhiều kiểu ngụy biện khác nhau nhằm phản bác lại chủ trương của Bộ KH&CN về cấn có công bố quốc tế, bằng sáng chế trong nghiến cứu, như: nước ngoài họ công bố quốc tế vì lương tháng của họ là 5-10 ngàn USD, còn ở ta chỉ vài triệu VND, đầu tư cơ sở vật chất của họ lại còn gấp hơn nhiều lần nữa. Khi nào kinh tế và cơ sở vật chất của ta bằng được như họ ta sẽ công bố quốc tế. Nghiên cứu để công bố quôc tế và nghiên cứu ứng dụng phục vụ nhu cầu thiết thực của đất nước cái nào quan trọng hơn…

Có thể nói việc đưa các chuẩn mực quốc tế vào hoạt động KH&CN của Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng- một lĩnh vực chiếm phần lớn ngân sách đầu tư cho KH&CN thật chẳng dễ dàng gì do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là lực cản từ chính một số nhà quản lý khoa học được coi  (hoặc tự coi) là “cây đa, cây đề”.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)