Mặc nhiên được coi là hợp lý
Nguyên nhân chủ yếu của nhiều hiện tượng lãng phí tài sản công ở Việt Nam hiện nay nằm ở chỗ bộ máy tiêu dùng tài sản công chưa hợp lý về cơ cấu cũng như nguyên tắc vận hành... Nhưng điều quan trọng là dường như tình trạng chưa hơp lý này lại mặc nhiên được coi là hợp lý
Đọc lại sử sách, có thể thấy rất nhiều bài học lời răn về việc tiết kiệm. Dĩ nhiên với từng cá nhân thì tiết kiệm là để đề phòng khi túng thiếu, song thật ra vấn đề không chỉ giới hạn trong phạm vi giải quyết mâu thuẫn cung cầu trên phương diện tiêu dùng vật chất. Chẳng hạn nhà chính trị kiệt xuất thời Tam quốc Gia Cát Lượng từng nói trong Giới tử thư (Thư răn con) rằng “Phàm nết của quân tử yên tĩnh để tu thân, tiết kiệm để nuôi đức, không đơn bạc không lấy gì làm rõ chí, không yên tĩnh không lấy gì để cao xa. Phàm học phải yên tĩnh mới có thể tu sửa việc học. Không học không lấy gì để mở rộng tài, không có chí không lấy gì để làm tròn việc học. Kiêu dâm thì không thể cổ vũ tinh thần, mạo hiểm thì không thể sửa đổi tính nết” (Gia Cát Lượng tập), đủ thấy tiết kiệm trong tiêu dùng vật chất còn có tác dụng tích cực tới việc bồi dưỡng nhân cách, rèn luyện đạo đức cá nhân. Còn trên bình diện xã hội thì nhiều kẻ cầm quyền thời phong kiến cũng thường đề cao việc tiết kiệm, coi đó là một trong những biện pháp căn bản để giữ gìn trật tự trị an. Năm 1760 vua Khang Hy nhà Thanh cho ban bố trên toàn Trung Quốc bản Thượng dụ thập lục điều nổi tiếng, nội dung mười sáu điều ấy là “Dạy hiếu đễ để trọng nhân luân, trọng tôn tộc để rõ hòa mục, hòa làng xóm để dứt kiện tụng, trọng canh cửi để đủ cơm áo, chuộng tiết kiệm để đủ chi dùng, dựng trường học để nêu sĩ phong, trừ dị đoan để tôn chính học, giảng rõ pháp luật để dạy kẻ ngu bướng, làm sáng lễ nhượng để hậu phong tục, giữ nghề gốc để yên lòng dân, dạy con em để ngăn việc xấu, dứt vu cáo để bảo toàn kẻ thiện lương, cẩn thận kẻ trốn lánh để khỏi liên lụy, nộp đủ thuế má để tránh phiền phức, liên kết bảo giáp để chống trộm cướp, cởi bỏ thù oán để trọng mạng người”, trong đó việc tiết kiệm được xếp thứ năm.
Nhưng trong xã hội nông nghiệp mà kết quả sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, thì tiết kiệm thường thiên về nội dung cắt giảm chi phí, hạn chế nhu cầu. Cách hiểu ấy qua thời hiện đại đã được điều chỉnh, chẳng hạn những người từng học tiểu học ở Sài Gòn khoảng 1960 – 1963 hẳn đều nhớ một bài tập đọc – học thuộc lòng về việc tiết kiệm trong đó có câu “Người tiết kiệm là người khi cần thì bao nhiêu cũng tiêu, còn khi không cần thì một xu cũng không tiêu phí”. Câu ấy chưa đủ gọi là danh ngôn nhưng cũng đã nói tới sự cần thiết như tiêu chuẩn khách quan để nhìn nhận thế nào là tiết kiệm và thế nào là không tiết kiệm. Bởi vì một người một nhà có sự cần thiết của một người một nhà, một thời một nước có sự cần thiết của một thời một nước, lúc kinh tế khó khăn cha mẹ có thể bắt con cái nhịn ăn sáng chứ nhà nước thì không thể giảm tiền lương của cán bộ viên chức trong biên chế được. Vả lại nhu cầu của con người cũng có sự phát triển về cả nội dung lẫn cơ cấu. Ví dụ một nhà tâm lý học người Mỹ đã nêu ra sự phát triển tinh thần của con người với hệ thống nhu cầu năm bậc từ thấp tới cao là nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu giao tiếp xã hội, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu thể hiện (tự khẳng định) mình, thì theo lẽ được ăn no mặc ấm là đã đáp ứng được nhu cầu sinh lý. Nhưng thực tế lại không phải thế, xưa nay con người đều phấn đấu để không những ăn no mà còn ăn ngon ăn sang, không những mặc ấm mà còn mặc đẹp mặc sang, tóm lại đã gán cho cái ăn thức mặc những chức năng ngoài việc đáp ứng nhu cầu sinh lý, dùng chúng làm phương tiện để thực hiện ba nhu cầu bậc trên. Sự chuyển dịch hệ giá trị như vậy cũng trình hiện rầm rộ ở Việt Nam qua hơn hai mươi năm đổi mới, là một chỉ báo đáng mừng về sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhưng cũng hàm chứa nhiều tiêu cực trong đó có sự lãng phí tới mức kinh người. Có điều nếu một cá nhân thích và có tiền thì chẳng pháp luật nào cấm được y mua chẳng hạn 365 đôi giày để đi trong một năm, mỗi ngày một đôi, năm nào nhuận mua thêm đôi nữa, vì đó là lãng phí tiền túi của y, mà biết đâu y còn được các hãng giày bầu làm Khách hàng sành điệu gì đó cũng chưa biết chừng. Nhưng với tài sản công như ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước, lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên thiên nhiên… thì vấn đề có khác, không những không ai được trộm cắp bỏ túi riêng đã đành, mà còn không được phép chi tiêu quá mức cần thiết. Tóm lại chi tiêu đúng mức cho những việc cần thiết là tiết kiệm, còn chi tiêu cho những việc không cần thiết hay chi tiêu quá mức cho những việc cần thiết là không tiết kiệm, tức chi tiêu một cách hợp lý là tiết kiệm.
Vậy thế nào là hợp lý? Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 48/2005/QH11 ngày 29. 11. 2005, Điều 3 mục 1 giải thích “Tiết kiệm là việc giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định. Đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên thiên nhiên ở những lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì tiết kiệm là việc sử dụng ở mức thấp hơn định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định hoặc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng đạt cao hơn mục tiêu đã định”. Nghĩa là trên phương diện pháp lý, sự cần thiết trong phạm vi việc tiết kiệm tài sản công ở Việt Nam đã được chuẩn hóa bằng các định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Cho nên ngoài việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người quản lý, sử dụng và có hệ thống cũng như biện pháp giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng, thì việc tiết kiệm tài sản công ở Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào mức độ hợp lý của các định mức, tiêu chuẩn, chế độ ấy. Nếu chúng thực sự hợp lý, thì việc tiết kiệm tài sản công chỉ còn là vấn đề ở khâu thực hiện, nhưng nếu chúng chưa hợp lý, thì việc tiết kiệm tài sản công chỉ còn là khẩu hiệu suông để nói cho vui miệng hay sướng tai.
Nhưng cái gọi là việc chi tiêu – tiêu dùng vốn có nhiều cấp độ, nên đó cũng chỉ là một khía cạnh của sự hợp lý. Ví dụ một chiếc xe công 4 chỗ ngồi chạy 100 km hết 50 lít xăng, nhờ người lái xe có tay nghề cao nên thường xuyên giảm mức tiêu hao được năm ba lít, thì phải thừa nhận rằng y đã sử dụng nhiên liệu một cách hợp lý. Nhưng trong cả đội xe chỉ có chiếc ấy có mức tiêu hao nhiên liệu như thế, chứ những chiếc 4 chỗ ngồi khác chỉ cần 30 lít cho 100 km, thì rõ ràng đội xe ấy có vấn đề bất hợp lý, và trách nhiệm về việc không tiết kiệm này dĩ nhiên thuộc về người quản lý đội xe và cấp trên của y. Thành tích tiết kiệm của người lái xe kia vì vậy chỉ còn là một sự hợp lý nhỏ trong một hệ thống bất hợp lý lớn. Sau đây là vài thông tin rút từ bài Càng tinh giản, bộ máy hành chính càng phình to trên VnExpress:
Chiều 23. 7. 2008, thảo luận về Dự luật cán bộ công chức, nhiều Ủy viên Thường vụ Quốc hội bày tỏ bức xúc trước thực tế hàng chục năm thực hiện tinh giản biên chế, nhưng số cán bộ công chức không giảm, thậm chí còn phình to. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên dẫn chứng “Khi xem xét khoán biên chế cho các ngành thuế, hải quan, kho bạc, nói thật là không biết bao nhiêu mới là vừa. Tiếp xúc cử tri, đâu đâu cũng thấy đề nghị tăng biên chế xã, thậm chí cả ở thôn”. Ông Kiên lo ngại với việc mở rộng biên chế cấp xã như Dự luật thì ngân sách nhà nước không chịu nổi. Khẳng định bộ máy hành chính còn cồng kềnh, mục tiêu tinh giản biên chế không đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói “Từng ở địa phương, tôi thấy từ năm 2001 đến nay, cấp huyện thay đổi liên tục và bộ máy ngày càng lớn…”.
Qua giám sát về việc thực hiện Pháp lệnh cán bộ công chức, Ủy ban Pháp luật cho rằng đang có xu hướng phình biên chế công chức cấp xã. Hiện nay bên cạnh chức danh chuyên trách cấp xã như Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Hội đồng nhân dân, trưởng các đoàn thể, còn có cán bộ công tác chuyên môn như Trưởng công an xã, Chỉ huy trưởng quân sự, tư pháp, địa chính được xếp vào ngạch công chức. Tính trung bình mỗi xã có 17-25 công chức. Ngoài ra cấp xã còn nhiều chức danh không chuyên trách được hưởng phụ cấp hoặc khoán phụ cấp như cấp phó các tổ chức đoàn thể, Tổ trưởng, Tổ phó dân phố, Trưởng thôn, Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ, Công an viên, Tổ hòa giải… Đội ngũ này rất đông, bình quân mỗi xã tới 200 người.
“Ngân sách chi hằng năm cho cán bộ chuyên trách xã đã 3.000 tỷ đồng, cho cán bộ không chuyên trách là 2.500 tỷ đồng. Con số này quá lớn, lớn hơn cả ngân sách chi cho cán bộ từ trung ương đến huyện (số này 2.140 tỷ đồng)”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nói.
(http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/07/3BA04C56/).
Rõ ràng nguyên nhân chủ yếu của nhiều hiện tượng lãng phí tài sản công ở Việt Nam hiện nay nằm ở chỗ bộ máy tiêu dùng tài sản công chưa hợp lý về cơ cấu cũng như nguyên tắc vận hành… Nhưng điều quan trọng là dường như tình trạng chưa hơp lý này lại mặc nhiên được coi là hợp lý, nên không lạ gì mà gần đây có nhiều điều phi lý tức lãng phí trong việc quản lý và sử dụng tài sản công như hiện cả nước có 141 sân gold ở 39 tỉnh sử dụng 49.268 ha đất trong đó có 2.625 ha trồng lúa, hay vụ lấy đất nhân giống để kinh doanh nghĩa trang ở Long An…
Nhưng trong xã hội nông nghiệp mà kết quả sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, thì tiết kiệm thường thiên về nội dung cắt giảm chi phí, hạn chế nhu cầu. Cách hiểu ấy qua thời hiện đại đã được điều chỉnh, chẳng hạn những người từng học tiểu học ở Sài Gòn khoảng 1960 – 1963 hẳn đều nhớ một bài tập đọc – học thuộc lòng về việc tiết kiệm trong đó có câu “Người tiết kiệm là người khi cần thì bao nhiêu cũng tiêu, còn khi không cần thì một xu cũng không tiêu phí”. Câu ấy chưa đủ gọi là danh ngôn nhưng cũng đã nói tới sự cần thiết như tiêu chuẩn khách quan để nhìn nhận thế nào là tiết kiệm và thế nào là không tiết kiệm. Bởi vì một người một nhà có sự cần thiết của một người một nhà, một thời một nước có sự cần thiết của một thời một nước, lúc kinh tế khó khăn cha mẹ có thể bắt con cái nhịn ăn sáng chứ nhà nước thì không thể giảm tiền lương của cán bộ viên chức trong biên chế được. Vả lại nhu cầu của con người cũng có sự phát triển về cả nội dung lẫn cơ cấu. Ví dụ một nhà tâm lý học người Mỹ đã nêu ra sự phát triển tinh thần của con người với hệ thống nhu cầu năm bậc từ thấp tới cao là nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu giao tiếp xã hội, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu thể hiện (tự khẳng định) mình, thì theo lẽ được ăn no mặc ấm là đã đáp ứng được nhu cầu sinh lý. Nhưng thực tế lại không phải thế, xưa nay con người đều phấn đấu để không những ăn no mà còn ăn ngon ăn sang, không những mặc ấm mà còn mặc đẹp mặc sang, tóm lại đã gán cho cái ăn thức mặc những chức năng ngoài việc đáp ứng nhu cầu sinh lý, dùng chúng làm phương tiện để thực hiện ba nhu cầu bậc trên. Sự chuyển dịch hệ giá trị như vậy cũng trình hiện rầm rộ ở Việt Nam qua hơn hai mươi năm đổi mới, là một chỉ báo đáng mừng về sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhưng cũng hàm chứa nhiều tiêu cực trong đó có sự lãng phí tới mức kinh người. Có điều nếu một cá nhân thích và có tiền thì chẳng pháp luật nào cấm được y mua chẳng hạn 365 đôi giày để đi trong một năm, mỗi ngày một đôi, năm nào nhuận mua thêm đôi nữa, vì đó là lãng phí tiền túi của y, mà biết đâu y còn được các hãng giày bầu làm Khách hàng sành điệu gì đó cũng chưa biết chừng. Nhưng với tài sản công như ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước, lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên thiên nhiên… thì vấn đề có khác, không những không ai được trộm cắp bỏ túi riêng đã đành, mà còn không được phép chi tiêu quá mức cần thiết. Tóm lại chi tiêu đúng mức cho những việc cần thiết là tiết kiệm, còn chi tiêu cho những việc không cần thiết hay chi tiêu quá mức cho những việc cần thiết là không tiết kiệm, tức chi tiêu một cách hợp lý là tiết kiệm.
Vậy thế nào là hợp lý? Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 48/2005/QH11 ngày 29. 11. 2005, Điều 3 mục 1 giải thích “Tiết kiệm là việc giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định. Đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên thiên nhiên ở những lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì tiết kiệm là việc sử dụng ở mức thấp hơn định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định hoặc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng đạt cao hơn mục tiêu đã định”. Nghĩa là trên phương diện pháp lý, sự cần thiết trong phạm vi việc tiết kiệm tài sản công ở Việt Nam đã được chuẩn hóa bằng các định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Cho nên ngoài việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người quản lý, sử dụng và có hệ thống cũng như biện pháp giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng, thì việc tiết kiệm tài sản công ở Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào mức độ hợp lý của các định mức, tiêu chuẩn, chế độ ấy. Nếu chúng thực sự hợp lý, thì việc tiết kiệm tài sản công chỉ còn là vấn đề ở khâu thực hiện, nhưng nếu chúng chưa hợp lý, thì việc tiết kiệm tài sản công chỉ còn là khẩu hiệu suông để nói cho vui miệng hay sướng tai.
Nhưng cái gọi là việc chi tiêu – tiêu dùng vốn có nhiều cấp độ, nên đó cũng chỉ là một khía cạnh của sự hợp lý. Ví dụ một chiếc xe công 4 chỗ ngồi chạy 100 km hết 50 lít xăng, nhờ người lái xe có tay nghề cao nên thường xuyên giảm mức tiêu hao được năm ba lít, thì phải thừa nhận rằng y đã sử dụng nhiên liệu một cách hợp lý. Nhưng trong cả đội xe chỉ có chiếc ấy có mức tiêu hao nhiên liệu như thế, chứ những chiếc 4 chỗ ngồi khác chỉ cần 30 lít cho 100 km, thì rõ ràng đội xe ấy có vấn đề bất hợp lý, và trách nhiệm về việc không tiết kiệm này dĩ nhiên thuộc về người quản lý đội xe và cấp trên của y. Thành tích tiết kiệm của người lái xe kia vì vậy chỉ còn là một sự hợp lý nhỏ trong một hệ thống bất hợp lý lớn. Sau đây là vài thông tin rút từ bài Càng tinh giản, bộ máy hành chính càng phình to trên VnExpress:
Chiều 23. 7. 2008, thảo luận về Dự luật cán bộ công chức, nhiều Ủy viên Thường vụ Quốc hội bày tỏ bức xúc trước thực tế hàng chục năm thực hiện tinh giản biên chế, nhưng số cán bộ công chức không giảm, thậm chí còn phình to. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên dẫn chứng “Khi xem xét khoán biên chế cho các ngành thuế, hải quan, kho bạc, nói thật là không biết bao nhiêu mới là vừa. Tiếp xúc cử tri, đâu đâu cũng thấy đề nghị tăng biên chế xã, thậm chí cả ở thôn”. Ông Kiên lo ngại với việc mở rộng biên chế cấp xã như Dự luật thì ngân sách nhà nước không chịu nổi. Khẳng định bộ máy hành chính còn cồng kềnh, mục tiêu tinh giản biên chế không đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói “Từng ở địa phương, tôi thấy từ năm 2001 đến nay, cấp huyện thay đổi liên tục và bộ máy ngày càng lớn…”.
Qua giám sát về việc thực hiện Pháp lệnh cán bộ công chức, Ủy ban Pháp luật cho rằng đang có xu hướng phình biên chế công chức cấp xã. Hiện nay bên cạnh chức danh chuyên trách cấp xã như Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Hội đồng nhân dân, trưởng các đoàn thể, còn có cán bộ công tác chuyên môn như Trưởng công an xã, Chỉ huy trưởng quân sự, tư pháp, địa chính được xếp vào ngạch công chức. Tính trung bình mỗi xã có 17-25 công chức. Ngoài ra cấp xã còn nhiều chức danh không chuyên trách được hưởng phụ cấp hoặc khoán phụ cấp như cấp phó các tổ chức đoàn thể, Tổ trưởng, Tổ phó dân phố, Trưởng thôn, Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ, Công an viên, Tổ hòa giải… Đội ngũ này rất đông, bình quân mỗi xã tới 200 người.
“Ngân sách chi hằng năm cho cán bộ chuyên trách xã đã 3.000 tỷ đồng, cho cán bộ không chuyên trách là 2.500 tỷ đồng. Con số này quá lớn, lớn hơn cả ngân sách chi cho cán bộ từ trung ương đến huyện (số này 2.140 tỷ đồng)”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nói.
(http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/07/3BA04C56/).
Rõ ràng nguyên nhân chủ yếu của nhiều hiện tượng lãng phí tài sản công ở Việt Nam hiện nay nằm ở chỗ bộ máy tiêu dùng tài sản công chưa hợp lý về cơ cấu cũng như nguyên tắc vận hành… Nhưng điều quan trọng là dường như tình trạng chưa hơp lý này lại mặc nhiên được coi là hợp lý, nên không lạ gì mà gần đây có nhiều điều phi lý tức lãng phí trong việc quản lý và sử dụng tài sản công như hiện cả nước có 141 sân gold ở 39 tỉnh sử dụng 49.268 ha đất trong đó có 2.625 ha trồng lúa, hay vụ lấy đất nhân giống để kinh doanh nghĩa trang ở Long An…
Cao Tự Thanh
(Visited 1 times, 1 visits today)