Mô hình phát triển nông nghiệp bền vững của Malaysia

Ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc đời khoa học của tôi có lẽ là buổi gặp gỡ với Thủ tướng Tunku Abdul Rahman của Malaysia vào tháng 6-1968 khi ngài tiếp đoàn thanh niên châu Á đang viếng đất nước cựu thuộc địa Anh sản xuất nhiều cao su và kẽm nhất thế giới này. Ông Tunku say sưa giảng cho bọn thanh niên chúng tôi rằng trong vòng 20 năm nữa Malaysia sẽ là nước chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu dầu cọ.

Nhóm thanh niên chúng tôi rất ngạc nhiên với sự quả quyết đó, nhất là khi chúng tôi không hiểu rõ cây cọ dầu là thứ gì mà được chú ý hơn cây lúa như vậy. Ông Tunku giải thích: chọn cây cọ dầu làm cây chiến lược, vì đó là nguyên liệu cần thiết cho bữa ăn hằng ngày của người nào muốn giữ cho chất cholesterol trong máu không tăng, chắc chắn mọi người – nhất là những người giàu- sẽ là khách hàng thường xuyên.

Thị trường là mắt xích được xác định đầu tiên trong kế hoạch phát triển nông thôn tổng hợp. Các khâu kế tiếp được tổ chức một cách đồng bộ nhắm vào đích chiếm lĩnh thị trường bằng một loạt biện pháp chính sách. Chiến lược của Thủ tướng Tunku nhằm vào hai đối tượng: các doanh nghiệp có vốn sản xuất và hàng vạn người dân nghèo ở thành phố và nông thôn không đất đai canh tác.

Đối với doanh nghiệp đang sản xuất, Ông Tunku đặt ra chính sách khuyến khích họ hưởng ứng kế hoạch trồng cọ dầu, cụ thể là Chính phủ đầu tư nghiên cứu giống cọ dầu tốt nhất, phương pháp canh tác thích hợp nhất cho các vùng đất cọ dầu khác nhau của Malaysia. Những kỹ thuật này được đưa cho ngành khuyến nông để sẵn sàng hướng dẫn nông dân. Đồng thời Chính phủ công bố chính sách miễn thuế 10 năm đầu cho những ai đầu tư trồng cọ dầu trên đất mới khai phá, và miễn thuế năm năm đầu cho những trang trại cao su già cỗi chuyển sang trồng cọ dầu. Đối với những người dân khai khẩn đất mới để trồng cọ dầu, Nhà nước cho vay ưu đãi để họ hăng hái bỏ công sức lập trang trại cọ dầu. 

Đối với dân nghèo, không đất canh tác, Ông Tunku giao cho Bộ Nông nghiệp và Bộ Kế hoạch qui hoạch vùng sản xuất trên đất rừng đang khai thác, giao cho FELDA (Cơ quan phát triển đất đai Liên bang Malaysia, thành lập năm 1956) là một tổ chức phát triển nông nghiệp bền vững rất thành công của Malaysia, lập dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới để xây dựng những nông trường cọ dầu (dân Malaysia quen gọi là nông trường FELDA) trên các vùng qui hoạch ấy. Vốn Ngân hàng Thế giới được dùng vào việc kiến thiết mặt bằng, phân lô đất, xây nhà ở cho nông trường viên, xây đường giao thông trong nông trường, xây chợ, trạm xá, nhà trẻ, trường học, bưu điện và nhà máy sơ chế dầu cọ. Người dân được chọn vào FELDA ký nhận nợ để lãnh một nhà ở, một lô đất, giống cây và phân bón. Nợ này phải trả trong vòng 20 năm theo qui định của Ngân hàng Thế giới. Chủ hộ được ngành nông nghiệp hướng dẫn trồng cây cọ dầu, nhận phân bón và các vật liệu khác. Khi cây cọ có trái, chủ hộ thu hoạch trái cọ dầu, giao cho nhà máy sơ chế trong nông trường, và bắt đầu được trừ nợ. Phần lớn họ trả xong nợ trong vòng 15 năm, cái nhà và lô đất hoàn toàn thuộc quyền sở hửu của chủ hộ. Song song với hoạt động nghiên cứu nông nghiệp, Nhà nước lập Viện Nghiên cứu chế biến các loại thực phẩm từ dầu cọ, và khuyến khích xây dựng các nhà máy tinh chế dầu cọ xuất khẩu. Chính phủ đồng thời cũng lập thêm Cục Xúc tiến tiêu thụ dầu cọ đi khắp nơi trên thế giới để giới thiệu các mặt hàng từ dầu cọ. Tố chất “đồng bộ” trong thực hiện kế hoạch phát triển nông công nghiệp và thương mại dầu cọ trên đây đã bảo đảm ngôi vị quốc gia xuất khẩu dầu cọ số 1 thế giới từ năm 1988, đúng như đường hướng vạch ra 20 năm trước của vị lãnh tụ chiến lược tài giỏi của Malaysia. Con đường dẫn đến thành công của mô hình này rất đáng để những nhà lãnh đạo Việt Nam áp dụng sớm hầu có thể chấm dứt nạn nông dân mất đất không nơi làm ăn sinh sống như hiện nay.

Từ cơ sở này, trong bối cảnh đất chật, người đông, chúng tôi đề xuất: chúng ta nên mạnh dạn dẹp bỏ tâm lý “lấn rừng” để tổ chức trồng mới một số cây đặc sản của từng vùng sinh thái trên đất nước ta, thí dụ như vùng sinh thái Phú Quốc có cây tiêu, cây sim; vùng sinh thái đồng bằng bắc bộ có cây vải thiều, khoai tây, v.v. Những người dân bị thu hồi đất và dân không đất đai nhà cửa sẽ được nhận vào thực hiện các dự án phát triển công nông nghiệp và du lịch sinh thái. Quỹ tiền thay vì dung để đền bù cho dân bị thu hồi đất sẽ dùng cho xây dựng khu trang trại, còn thiếu sẽ vay Ngân hàng Đầu tư Phát triển. Người dân được di dời về đây, không chỉ thu hoạch và bán nông sản chất lượng cao và thuần nhất, và nhiều nông sản khác cho doanh nghiệp xuất khẩu mà còn kinh doanh thông qua hình thức “du lịch nhà vườn, thưởng thức đặc sản” vừa tăng thêm mô hình hấp dẫn du khách, vừa góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Khi đó, người dân sẽ dồn sức chăm sóc vườn cây của mình làm tốt chức năng che phủ hơn cả nền rừng nghèo trước đó. Còn Nhà nước cũng không phải nơm nớp canh người dân nghèo khai thác tài nguyên rừng kiếm sống với những hệ lụy khó lường.

Tác giả