Món quá nhân ngày nhà giáo và những cuộc phiêu lưu mới của ngành giáo dục

(Suy nghĩ tản mạn nhân vài sự kiện gần đây của ngành giáo dục)


Ngày nhà giáo năm nay, những ai quan tâm tới vấn đề giáo dục ở Việt Nam không khỏi sửng sốt trước một tuyên bố của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trên tờ nhật báo Tiền phong của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản. Xin được dẫn nguyên văn: “Biếu thầy cô một ít tiền thì không có gì phải ngại nếu như thật sự xuất phát từ tấm lòng. Tuy nhiên, cả phụ huynh cũng như thầy cô phải nhận thức được, nên thể hiện ở mức độ nào”1. Rằng hay thì thật là hay… Nhưng. Tôi đã từng nghe những câu hỏi sau phát ngôn của ông Bộ trưởng: Vậy, thế nào là “một ít”? Và như thế nào là “xuất phát từ tấm lòng”? Và liệu sau phát ngôn này sẽ có thêm bao nhiêu vị giáo viên bắt đầu năng kiểm tra “tấm lòng” của học sinh và phụ huynh? Và liệu tất cả chỉ dừng lại ở ngày Hiến chương nhà giáo? Hay là còn bao nhiêu dịp để thể hiện tấm lòng nữa? Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, ngày 8.3, ngày 20.10? Vốn là người lạc quan, tôi không nghi ngờ gì về “tấm lòng” của ông Bộ trưởng. Cũng như khi ông đầy xúc động trình bày trước Quốc hội về đời sống của những người giáo viên ở miền núi trong những cái được chính ông gọi là “lều công vụ”. Tôi tin điều đó. Nhưng liệu ông có lường đến việc biết bao nhiêu những “con sâu” (không thiếu) trong ngành giáo dục sẽ lợi dụng những phát ngôn của ông để che chở cho những hành vi tột cùng phi giáo dục?
Và biết bao nhiêu những phát ngôn đã được sử dụng làm vỏ bọc cho những thực tế đáng buồn? Trong một lễ chấm khóa luận tốt nghiệp của sinh viên hệ chính quy, tôi đã được nghe một vị giáo sư thuyết giáo về cái gọi là sự thay đổi định hướng của nền giáo dục đại học hiện đại từ cái gọi là giáo dục tinh hoa sang cái gọi là giáo dục đại chúng, về cái gọi là sứ mạng phổ biến kiến thức của giáo dục hiện đại. Nhưng kết cục là gì? Là hãy nhắm mắt cho qua những khóa luận tốt nghiệp đầy rẫy những lỗi ngữ pháp và được viết theo trường phái “copy and paste”.
Trước Quốc hội, đáp lại sự bức xúc của nhiều vị đại biểu nhân dân về sự xuống cấp của nhiều loại hình đào tạo đại học mà điển hình là hệ đại học tại chức, ông Bộ trưởng trầm ngâm rằng: đó là “nồi cơm” của các trường đại học. Ông rất dè dặt vì sợ “ảnh hưởng đến nồi cơm của các trường”2. Nhưng có bao giờ ông biết rằng cái hiểm họa thực sự xói mòn chất lượng của hệ thống đại học chính là những cái gọi là “tại chức”, “từ xa”… đủ kiểu đó. Đã đến lúc cần phải sòng phẳng với nhau trước một thực tế rằng hệ “tại chức” chính là một minh chứng cho cái gọi là “xã hội hóa giáo dục”, “thị trường hóa giáo dục” theo kiểu “rừng rú” nhất. Ông Bộ trưởng hãy thử làm một “thí điểm” là ngừng cấp bằng (diplôme) tại chức và thay vào đó bằng chứng chỉ (certificat) bồi dưỡng kiến thức. Liệu sẽ còn có bao nhiêu học viên còn lại? Loại hình đào tạo tại chức không gì khác hơn, chính là cách các trường “kiếm cơm” bằng cách thỏa mãn nhu cầu đáng phải phê phán nhất của xã hội: sự thèm khát bằng cấp. Không hiểu ông Bộ trưởng có biết hầu như đại bộ phận sinh viên những lớp tại chức đi học với vốn từ gần như chỉ gồm một từ duy nhất: “xin thông cảm”. Và còn gì nữa?
Trong một cuộc gặp mặt các Giáo sư, Nhà giáo nhân dân vừa được phong tặng nhân 20.11 ông Bộ Trưởng đã nhấn mạnh về chiến lược hai vạn tiến sĩ trong mười năm tới3. Người ta có cảm giác như một chương trình phổ cập hóa văn bằng đang chuẩn bị được khởi động. Và hình như chương trình đó đã bắt đầu được khởi động. Tất nhiên, nếu nó có được khởi động đi chăng nữa thì cũng không phải là vấn đề. Vấn đề chỉ là trước khi cái chương trình “hai vạn tiến sĩ” ấy được bắt đầu, chưa thấy Bộ giáo dục có một điều tra cơ bản nào về năng lực đào tạo Tiến sĩ và rộng ra, sau Đại học của các cơ sở đào tạo đại học trong toàn quốc trên tất cả các bình diện: năng lực đào tạo của đội ngũ Giáo sư, Phó giáo sư; điều kiện vật chất phục vụ học tập và nghiên cứu của các học viên cao học và nghiên cứu sinh (phòng thí nghiệm, thư viện, các nguồn tài liệu, khả năng tiếp cận với thông tin khoa học của nước ngoài…); kinh phí dành cho đào tạo… Và cũng chưa có một nghiên cứu chiến lược nào về chuẩn mực trình độ thạc sĩ và nghiên cứu sinh cho những năm tới ngoài những hô hào nâng cao chất lượng chung chung. Thiếu những điều đó, chương trình “hai vạn tiến sĩ” kia có nguy cơ trở thành một thứ “bệnh thành tích” kiểu mới. Cái mà chính ông Bộ trưởng đang hô hào chống lại.
Rộng hơn một chút, nếu ông Bộ trưởng chịu khó làm một cuộc “vi hành” đến một số trường đại học ở trong chính khu vực Hà Nội, không cách xa Bộ bao nhiêu, ông có thể chứng kiến một khuynh hướng “tại chức hóa” các lớp cao học và nghiên cứu sinh. Để đạt được mục tiêu là thu hút một số lượng tối đa học viên cao học và nghiên cứu sinh, các trường sẵn sàng núp dưới lý do thiếu phòng học để tổ chức các lớp sau đại học vào buổi tối, sau giờ hành chính, từ 17h30 chiều. Người ta đến lớp học cao học sau một ngày làm việc ở các văn phòng. Người ta học trong một sự uể oải của cả thầy lẫn trò, trong một sự co ngắn tối đa thời gian học và một sự kéo dài tối đa thời gian nghỉ. Và người ta đi về, và người ta sẽ tìm mọi cách để có được những tấm bằng với một từ vựng gồm một công thức duy nhất: “xin thông cảm”. Xin được nhấn mạnh rằng trong những trường nằm trong trào lưu nói trên có cả những trường thuộc khối những trường đầu ngành, trọng điểm của cả khối đại học. Và tất cả không chỉ dừng lại ở đó.
Thực ra thì sau đại học cũng chỉ là một kịch bản kéo dài của một chiến lược có được bằng cấp bằng mọi giá. Chúng tôi không phủ nhận rằng trong số những học viên cao học có những người thực sự xuất phát từ nhu cầu học tập và nâng cao kiến thức chuyên môn. Thế nhưng cũng khó phủ nhận là một số không ít những học viên của những lớp sau đại học đó đi học với một mục đích duy nhất và chính yếu: đánh bóng bằng cấp. Có thể đó là những sinh viên mới ra trường chưa có công ăn việc làm và các lớp sau đại hoc với họ chính là một điểm dừng chân hợp lý “chờ thời”. Có thể đó là các cán bộ có bằng cấp chưa đạt chuẩn hy vọng có thêm một tấm bằng cao học để có thể ổn định công việc. Nhà trường sẽ “tạo điều kiện” cho họ bằng các lớp “chuẩn hóa”, “bổ túc kiến thức” và rồi họ sẽ thi cao học. Hoặc có thể đó là các sinh viên tại chức và cao học chính là một con đường để “chính quy hóa”. Bằng một cách nào đó người ta thi và sẽ đỗ. Và thực ra thì tỉ lệ thi đậu cao học cũng cao hơn rất nhiều tỉ lệ thi tuyển sinh đại học, điều mà họ đã không thể vượt qua trước đó nhiều năm.
Truớc tình hình giáo dục của Việt Nam hiện nay người ta có cảm tưởng như đang trong một sự mất phương hướng trầm trọng. Và sự mất phương hướng dường như đến cả từ chính những người “phản biện giáo dục”. Cách đây không lâu, một giáo sư hết sức khả kính và có nhiều đóng góp cho khoa học đồng thời cũng là một người rất tâm huyết với sự nghiệp đổi mới giáo dục đã công khai lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng người nhà nước cần bãi bỏ việc quy định tuổi hưu trí với các giáo sư. Bởi lẽ họ là nguồn chất xám vô giá đối với đất nước đồng thời cũng là những nhân cách lớn, “đã là GS hay các nhà khoa học lớn thì họ đều là những người tự trọng. Một khi người ta thấy mình không còn làm việc được nữa thì họ xin nghỉ ngay, chưa đến tuổi hưu trí cũng xin nghỉ…”4. Tất nhiên, chính bản thân vị Giáo sư này cũng phải tự nhận thấy những đề xuất của mình là “ảo tưởng”5 thế nhưng chừng nào chính những những người phản biện giáo dục còn bị lùng nhùng trong những hy vọng duy ý chí như vậy thì liệu có thể có được những giải pháp tỉnh táo và khả thi cho giáo dục?
Một ví dụ khác. Trong thời gian gần đây báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng nói rất nhiều đến việc độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục trong việc ấn hành sách giáo khoa. Người ta nói rất nhiều đến việc xóa bỏ độc quyền của NXB này trong một lĩnh vực xuất bản đặc biệt nhạy cảm và có vẻ như một thứ “siêu lợi nhuận”. Những tiếng nói này dường như được sự đồng tình và ủng hộ của nhiều cơ quan báo chí. Không biết đằng sau những tiếng nói đó bao nhiêu là xuất phát từ trách nhiệm xã hội và bao nhiêu xuất phát từ sự thèm khát một “miếng bánh” khổng lồ? Chỉ có một điều, với một trí tuệ tỉnh táo, hãy thử suy nghĩ xem xóa bỏ độc quyền của NXB Giáo dục liệu có phải là một giải pháp khả thi và tối ưu. Chỉ riêng trong lĩnh vực sách tham khảo, với sự tham gia của một số lượng lớn các nhà xuất bản với một mục đích duy nhất là lợi nhuận, người ta đã chứng kiến một sự bát nháo mà chính các đại biểu Quốc hội, những người đại biểu nhân dân cũng phải than phiền. Vậy lấy gì đảm bảo rằng sự bát nháo đó sẽ không diễn ra khi người ta xóa bỏ độc quyền in sách giáo khoa của NXB Giáo dục ?
Bài viết này xin được kết thúc bằng một hiện tượng cuối cùng. Trong phiên trả lời chất vấn các đại biểu quốc hội ngày 25.11.2006, ông Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo đã lạc quan đề cập đến phương án xóa bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học trong năm 2009 và thay vào đó là một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học duy nhất. Thậm chí, ông còn khẳng định, nếu hội đủ điều kiện sẽ tiến hành ngay từ năm 20086. Sự lạc quan của ông Bộ trưởng không khỏi làm người ta “hoảng hồn”. Trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, ở một tỉnh không xa Thủ đô, người ta đã được chứng kiến sự hoành hành trắng trợn của nạn gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Vậy, không hiểu “cây đũa thần” nào sẽ giúp ông Bộ trưởng vãn hồi được tình hình chỉ trong một khoảng thời gian hai năm. Ngành giáo dục đã chứng kiến sự phá sản của các “sáng kiến” như tuyển thẳng vào đại học và cộng điểm thi đại học. Nguyên nhân của sự phá sản ấy không gì khác, chính là những tiêu cực trong hệ thống giáo dục. Vậy lấy gì đảm bảo rằng một lần nữa kế hoạch của ông Bộ trưởng lãng mạn sẽ thành công khi mà bất cứ một người tỉnh táo nào cũng phải công nhận rằng căn bệnh tiêu cực trong giáo dục đã trở thành một thứ ung thư. Thay vì thu lại quản lý tuyển sinh đại học trong chưa đầy sáu đầu mối trong cả nước, Bộ Giáo dục lại muốn “thả” việc tuyển sinh ra trên gần sáu chục đầu mối và đuổi theo quản lý. Phải dùng từ gì khác hơn là một sự lãng mạn tột cùng? Ai cũng biết trong thời gian gần đây, dư luận đã hết sức bức xúc về chất luợng của kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Thế nhưng, thay vì nâng cấp, kế thừa những điểm tích cực và cải tiến cách thức thi cử thì giống như Hoàng đế Alexandre7, họ chặt phắt kỳ thi này. Vậy là cách tốt nhất để lẩn tránh một vấn đề là xóa ván cờ chơi lại.
Chúng ta có cảm tưởng rằng cả những nhà phản biện giáo dục lẫn những người thực thi giáo dục đều rất nhạy cảm với những vấn đề và hiện tượng của đời sống giáo dục. Nhưng có lẽ, cái mà nền giáo dục của chúng ta đang cần là dũng khí đi thẳng vào cái thực chất yếu kém, mất phương hướng có tính tổng thể của nền giáo dục, vào những vấn đề có tính bản chất chứ không phải chỉ là những hiện tượng bề mặt. Và thế là đổi mới giáo dục ở Việt Nam trở thành một cuộc phiêu lưu bất tận.
Và ai phải trả giá cho cuộc phiêu lưu này?
—————————   

  Toàn văn bài phỏng vấn có thể tham khảo tại : http://tienphongonline.com/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=67223&ChannelID=71
2 Toàn văn tường thuật phiên trả lời chất vấn có thể xem tại: http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=67858&ChannelID=71
3 Xin xem chi tiết tường thuật tại: http://www3.vietnamnet.vn/giaoduc/2006/11/635007/
4 Xin xem toàn văn tại: http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/nhanvat/2006/11/51568.cand
5 Xin xem bài đã dẫn.
6 Xin xem: http://vietnamnet.vn/chinhtri/2006/11/637630/
7 Một điển tích của văn hóa phương Tây. Có một lời nguyền về một nút thắt mà ai gỡ được hai sợi dây khỏi nhau sẽ trở thành hoàng đế. Alexandre là người đã giải lời nguyền bằng cách dùng gươm chặt đứt hai sợi dây thay vì gỡ nút thắt. Sau này, Alexandre (356-323 Tr.CN) trở thành Hoàng đế của Maxêđônia, người chinh phục vĩ đại của thời Cổ đại.

Lương Xuân Hà

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)