Một cách nhìn về giới tinh hoa

Trong thời đại ngày nay, để phát triển, hội nhập, giới tinh hoa đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào. Để phát huy tối đa vai trò của tầng lớp này, điều kiện tiên quyết là cần phải có một cách nhìn đúng đắn và tránh những ngộ nhận về họ.

Giới tinh hoa rõ ràng là “báu vật”. Song, cần nhìn về giới này trong trạng thái động và mở. Mở là vì tinh hoa có thể tìm thấy ở mọi tầng lớp, địa vị, tuổi tác, dân tộc. Một người thợ thủ công tài hoa, một vận động viên điền kinh đẳng cấp quốc tế, một doanh nhân thành đạt, một ca sỹ được số đông thừa nhận, một nhà văn có sức ảnh hưởng dư luận cao… đều là tinh hoa của đất nước. Những con người này có thể chẳng cần có bằng đại học hay nắm giữ bất cứ vị trí quản lý nào, tuổi đời thậm chí mới ngoài 20. Cách nhìn này trên thực tế đã được Đảng và Chính phủ thừa nhận thông qua chính sách ưu đãi nhân tài, phong nghệ danh, giải thưởng, bổ nhiệm cán bộ trẻ… Tuy nhiên, để điều này trở thành quan điểm của số đông thì vẫn cần thời gian, cần có các hoạt động truyền thông để thay đổi nhận thức, thái độ. Điều kiện tiên quyết để có được cách nhìn này là việc chấp nhận tôn trọng sự đa dạng văn hóa, coi đa dạng như một tất yếu, có tác động tích cực chứ không phải kìm hãm phát triển.

Một cá nhân có thể là tinh hoa ngày hôm nay nhưng có thể trở thành bình thường trong ngày mai nếu như cá nhân ấy không ngừng học tập, phấn đấu. Cần hiểu khái niệm học tập theo nghĩa rộng chứ không chỉ bó hẹp trong chuyện đèn sách. Tinh thần này thực ra đã được thể hiện khá rõ trong Chủ nghĩa Duy vật biện chứng. Sẽ chẳng có gì lạ nếu một giáo sư, nghiên cứu viên cao cấp không xứng đáng ngồi ở vị thế của mình nếu suốt nhiều năm trời người ta không biết ông ấy đang làm gì? Công trình khoa học có hay không? Đóng góp mới cho ngành mình là gì? Sẽ hoàn toàn công bằng và theo lẽ thường khi những quyền lợi tương xứng với chức phận ấy bị lấy đi. Sẽ là bất thường nếu một phó giáo sư cả đời không viết nổi cho riêng mình một cuốn sách trong khi suốt ngày phê phán năng lực nghiên cứu khoa học của đồng nghiệp.

Quyền lợi giới tinh hoa nhận được phải tương xứng với chức phận và đóng góp mà họ tạo ra. Dù là ai, nam hay nữ, già hay trẻ, tiến sĩ hay nông dân…, chừng nào có đóng góp cụ thể, thiết thực, hữu ích cho xã hội, chừng ấy người ta cần phải được công nhận, vinh danh, trao quyền lợi tương xứng. Cần nhấn mạnh là những đóng góp cần cụ thể, hữu hình, có thể lượng hóa được tùy theo chức phận, lĩnh vực liên quan. Một nhà khoa học không thể đòi hỏi nhà nước đãi ngộ khi không có thành tích, kết quả nghiên cứu nổi bật, công bố công khai mà chỉ dựa trên số đề tài, dự án hay sự nhiệt tình tham gia vài hoạt động thể thao hoặc phong trào đoàn thể… Một vận động viên thể thao cần xác lập được kỷ lục, trao tặng huy chương để có thể vinh danh thay vì liệt kê số cuộc thi đã tham dự (mà không đạt thành tích đáng kể). Sẽ là vô lý và bất công bằng khi cùng là nhà khoa học, người lại được tôn vinh xuất sắc nhờ hát hay, múa giỏi, trong khi có người vô tình bị “bỏ quên” dù anh ta có nhiều nghiên cứu đến bao nhiêu đi nữa.

Giới tinh hoa không đứng trên mà song hành với phần còn lại của xã hội. Một cá nhân có thể tinh hoa ở điểm này nhưng lại hết sức bình thường ở điểm khác. Chính vì thế, người ấy là một phần của cộng đồng, chứ không hề đứng trên cộng đồng. Cách nhìn này hết sức quan trọng bởi nó giúp xóa nhòa đi ranh giới không cần thiết giữa các nhóm xã hội; khuyến khích, thúc đẩy sự học hỏi lẫn nhau từ các thành viên. Một giáo sư vẫn còn có quá nhiều điều đáng học từ những người xung quanh vì phẩm hàm của ông chỉ có ý nghĩa đến một địa hạt vô cùng nhỏ bé trong biển tri thức rộng lớn. Một nhà quản lý luôn cần đặt hai chân trên mặt đất, lắng nghe, học hỏi kiến thức từ các chuyên gia của mình để có thể đưa ra những quyết sách hợp lý.

Đánh giá chính xác, khách quan, công bằng đối với giới tinh hoa là yêu cầu cực kỳ quan trọng. Việc đánh giá phải dựa trên những bằng chứng, phẩm chất cụ thể, xác thực, tương xứng với vị trí của người được đánh giá. Những “xì xào” trong việc phong hàm GS, PGS, phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND phần nào phản ánh vẫn còn nhiều quy định phải thay đổi cho phù hợp. Không ít nhà hoa học được đánh giá chiến sỹ thi đua khi chẳng có công trình nghiên cứu tiêu biểu, báo cáo đề tài dự án được đánh giá xuất sắc nhưng chỉ khiến giá đựng trong thư viện dày thêm… Tác hại của việc đánh giá “nhầm” vừa khiến ai đó “ngộ nhận” về năng lực bản thân, vừa khiến không ít người có năng lực, tự trọng giảm động lực phấn đấu.

Tinh hoa cũng cần cơ chế tốt để làm việc theo nhóm. Đã từng có nhiều câu chuyện bên lề với đại ý nếu tách riêng, hiệu suất làm việc của một người Việt không thua người nước ngoài nhưng khi phải làm việc theo nhóm thì năng suất thua xa. Nếu nhận định trên là đúng, điều này một phần phản ánh văn hóa làm việc tập thể chưa cao của người Việt, một phần phản ánh sự cần thiết phải có thêm cơ chế phù hợp, khuyến khích người tài làm việc theo nhóm, giúp bổ trợ điểm mạnh của nhau. Nhìn ở bình diện rộng hơn, rõ ràng sự thiếu vắng hay thiếu tính liên kết, hợp tác hiệu quả giữa các cá nhân tinh hoa đến từ các lĩnh vực khác nhau là một trong số nguyên nhân quan trọng khiến khả năng hội nhập, cạnh tranh của chúng ta còn tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực.
Giới tinh hoa không thể làm việc thay cho tất cả, quyết định cho tất cả. Họ cần điều kiện làm việc tốt, sự ủng hộ từ mọi người và ngược lại, kết quả làm việc của họ cũng phải phục vụ, chịu sự đánh giá của số đông. Không duy trì được mối quan hệ hai chiều đó, giới tinh hoa mãi sẽ chỉ là những bình hoa tồn tại trong trí tưởng tượng của một số người.

Tác giả

(Visited 40 times, 1 visits today)