Một vấn đề khẩn cấp của Việt Nam: Ngăn chặn nạn chảy máu chất xám

Gần đây, Hiệp hội Các nhà khoa học Thế giới (World Federation of Scientists) được dẫn dắt bởi hai nhà khoa học uy tín là GS Antonino Zichichi và GS Tsung Dao Lee (Lý Chính Đạo) vừa tổ chức một cuộc hội thảo về những vấn đề khẩn cấp toàn cầu tại Erice (Sicily, Ý). Hội thảo này đã được tổ chức liên tục 25 năm qua, thu hút nhiều nhà khoa học quan tâm đến sự cân bằng mỏng manh của hành tinh mà sự sống trên Trái đất dường như phụ thuộc vào sự cân bằng đó; đồng thời hội thảo cũng thu hút các cá nhân đã và/hoặc đang chịu trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến nội dung của hội thảo.

Erice nổi tiếng là nơi đặt Quỹ Ettore Majorana (Ettore Majorana Foundation) và Trung tâm Văn hóa Khoa học (Centre for Scientific Culture), do A. Zichichi làm giám đốc. Từ khi thành lập năm 1963 đến nay, hàng trăm nghìn các nhà khoa học từ một trăm bốn mươi quốc gia đã nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của một khoa học không biên giới và không bí mật. Điển hình là Bản tuyên bố Erice năm 1982, được viết bởi P.A.M. Dirac, P. Kapitza và A. Zichichi. Trong vòng 3 năm sau đó, tuyên bố này được ký bởi mười ngàn nhà khoa học trên toàn thế giới với mục đích bảo vệ sự sống và văn hóa của loài người khỏi sự tàn phá của chiến tranh hạt nhân trong tương lai.

Chương trình hội thảo bao trùm những vấn đề chính mà chúng ta đang phải đối mặt: các vấn đề về khí hậu (sự nóng lên của trái đất, sự phá hủy tầng ozone, hiệu ứng nhà kính, băng tan ở các cực, v.v) và năng lượng (nhiên liệu hóa thạch, năng lượng và chất thải hạt nhân, các loại năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, v.v). Hai vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và những hệ quả do chúng gây ra tác động lên môi trường sinh thái và tầng sinh quyển cũng được đem ra thảo luận (dịch tễ học, phá rừng, khủng hoảng lương thực, ô nhiễm môi trường, v.v). Ngoài ra, hội thảo cũng thảo luận về các mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh mạng Internet và nhìn lại những thành tựu đạt được trong việc ngăn chặn phổ biến, hạn chế kho tàng vũ khí hạt nhân, tăng cường hiểu biết về các hiệp định cấm thử nghiệm và làm giàu hạt nhân.

Hầu hết các vấn đề trên đều đang được xem xét giải quyết bởi nhiều tổ chức khác nhau trên thế giới như: hội khoa học, viện hàn lâm khoa học, các tổ chức chính phủ và quốc tế khác, v.v. Trong hầu hết các trường hợp, thông điệp các tổ chức đó truyền tải thường mang nặng tính chính trị và sự “kêu gọi”. Còn việc tập hợp nhiều cá nhân từ khắp nơi trên thế giới, với tư cách là những nhà khoa học chứ không phải là thành viên của một quốc gia, một tập đoàn, một đảng phái, một hệ tư tưởng nào cả là cơ hội thu thập các quan điểm, phân tích những cản trở tiến tới đồng thuận trong những vấn đề khác.

Trên đường trở về từ hội nghị, tôi băn khoăn không biết sẽ mang về cho những người bạn Việt Nam của mình thông điệp gì qua đó có thể giúp ích cho họ. Càng nghĩ, càng xuất hiện rõ ràng trong tôi rằng việc khẩn cấp hiện nay của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng như nhiều lĩnh vực khác là chặn đứng hiện tượng chảy máu chất xám nghiêm trọng mà Việt Nam đang phải hứng chịu. Đây là một việc khẩn cấp của Việt Nam, nên được xem như là điều kiện cần để có thể tiến tới giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề khẩn cấp của thế giới.

Tôi biết rằng lặp đi lặp lại điều này nhiều lần, mọi người có thể cho tôi là lẩn thẩn, như Cato Trưởng lão của Viện nguyên lão ở Rome luôn kết thúc các bài nói của mình, bất kể chủ đề của bài nói là gì, bằng câu Censeo Carthaginem delendam esse (Đế chế Carthage phải bị hủy diệt). Cuối cùng Carthage cũng bị hủy diệt; thật không may Cato không được trực tiếp chứng kiến sự kiện này, ông đã chết trước đó ba năm.

Chúng ta sống trong một thế giới mà 20% dân số giàu nhất tiêu thụ 80% tổng năng lượng tạo ra. Nếu so sánh 16 nước giàu nhất với 26 nước nghèo nhất trên thế giới, nhóm các nước giàu tiêu thụ năng lượng lớn hơn 120 lần trên đầu người so với người dân ở các nước nghèo và GNP trên đầu người cũng lớn hơn 120 lần. Trong nhóm các nước nghèo, tỉ lệ tử vong ở trẻ cao hơn 17 lần so với tỉ lệ ở các nước giàu, tuổi thọ trung bình ở nam ít hơn 24 năm và ở nữ 28 năm. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà quốc gia thải ra lượng khí gây hiệu ứng nhà kính cao nhất trên thế giới đã từ chối phê chuẩn Nghị định thư Kyoto, Nghị định thư thế giới chống lại sự nóng lên toàn cầu. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà xung đột vũ trang vẫn đang tiếp tục bùng phát đây đó và dường như không bao giờ chấm dứt.

Sự bất bình đẳng, bất công càng làm trầm trọng thêm những hậu quả do những vấn đề cấp thiết chúng ta đang phải đối mặt gây ra. Trong khi, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, việc sản xuất nhiên liệu sinh học đang được mở rộng nhanh chóng và sẽ còn tiếp tục tăng lên với sự phát triển của nhiên liệu sinh học cellulo. Việc mở rộng sản xuất này ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ lên diện tích rừng bao phủ, nhu cầu lương thực và dinh dưỡng ở các nước đang phát triển. Trong khi sự tan chảy băng ở các cực cho phép mở đường biển lên phía Bắc, tức là ta sẽ có nhiên liệu hóa thạch rẻ hơn, nhưng nó cũng gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến phần dân số đông đúc ở các vùng ven biển ở một vài nước nghèo nhất trên hành tinh… Những hậu quả do chúng gây ra có ảnh hưởng khác nhau đối với các quốc gia trên thế giới phụ thuộc vào sự thịnh vượng, vị trí địa lý, tình trạng phát triển của quốc gia đó v.v.

Nếu thế giới mà chúng ta đang sống là công bằng và mẫn tiệp thì chúng ta đã có thể mơ rằng tất cả các quốc gia trên thế giới có thể cùng nhau nỗ lực đối mặt với những thách thức, đề cập ở trên, của hành tinh. Nhưng thế giới mà chúng ta đang sống vừa không công bằng lại vừa không mẫn tiệp do đó mỗi quốc gia vừa hợp sức với cộng đồng thế giới vừa phải tự mình đối mặt với những thách thức đó, từ đó có những quyết định đúng đắn để mang lại lợi ích cao nhất cho nhân dân.

Hiện nay chúng ta đã dần nhận thức được sự tồn tại của sự sống phụ thuộc vào sự cân bằng hóa học, vật lý và sinh học mỏng manh của Trái Đất, tuy nhiên trong nhiều lĩnh vực chúng ta vẫn không thể dự đoán xa và đáng tin cậy trước được về sự tiến triển của chúng. Do vậy các chính phủ cần có đội ngũ các chuyên gia có năng lực, có hiểu biết và có tài năng để có thể dẫn dắt đất nước qua khỏi “cánh rừng rậm rạp” này. Đối với Việt Nam, để xây dựng được một tập thể các chuyên gia như vậy, có phải rõ ràng rằng nạn chảy máu chất xám hiện nay cần phải được chặn đứng khẩn cấp không?

Một ví dụ đơn giản sẽ giúp minh họa luận điểm của tôi: năng lượng hạt nhân. Việt Nam tuyên bố dự định đến trước năm 2020 sẽ khai thác năng lượng hạt nhân với công suất một GW và sẽ mở rộng công suất tới 5 GW trước năm 2025. Theo quan điểm của tôi, đây là một quyết định đúng đắn. Nhưng, xây dựng nhà máy điện hạt nhân không phải như mua một cái xe máy, ta chỉ việc bật khóa và chạy. Nhà máy điện là một hệ thống thiết bị công nghệ cao đòi hỏi đội ngũ có kĩ năng cao để có thể vận hành và bảo trì nhà máy. Người ta nói rằng ngày nay năng lượng hạt nhân là cực kỳ an toàn, nhưng điều đó chỉ đúng khi nhà máy được đặt trong tay những người có năng lực. Một đất nước nếu mong muốn khai thác điện hạt nhân phải sớm đào tạo được một đội ngũ chuyên gia trình độ cao. Không chỉ gồm các kỹ thuật viên (tương đối dễ) mà còn phải đào tạo được một đội ngũ các nhà vật lý, kỹ sư trình độ cao có kiến thức, khả năng làm chủ về các vấn đề an toàn, xử lý chất thải, hiểu sâu vật lý và kỹ thuật lò phản ứng hạt nhân; phải có một đội ngũ có thể ra những lựa chọn, quyết định tốt và chính xác; phải có những người có đủ năng lực điều khiển, phụ trách liên lạc với công chúng, cung cấp các thông tin phù hợp. Để đào tạo được những đội ngũ như thế phải mất hàng năm, nếu không muốn nói là hàng chục năm; Điều đó yêu cầu phải tích lũy kinh nghiệm về lò phản ứng ở nước ngoài và phải tạo ra trong nước một trung tâm mạnh để có thể mời các chuyên gia nước ngoài đến, giảng dạy và truyền đạt cho nhau kinh nghiệm của mỗi người (Việt Nam may mắn có một lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt, nhỏ nhưng vẫn đang hoạt động và có thể dùng làm hạt nhân để xây dựng một trung tâm như vậy). Nếu không thực hiện được điều này có nghĩa Việt Nam sẽ để cho các quốc gia khác quản lý vận hành nhà máy, sẽ không tránh khỏi việc mất tự chủ. Ngược lại, nếu làm được điều đó có nghĩa là phải thu hút những sinh viên, các nhà khoa học giỏi nhất trong nước, đem lại cho họ những vị trí, lương phù hợp và điều kiện làm việc đủ tốt để có thể giữ họ, hoặc mời họ trở về nước làm việc. Nói tóm lại, phải ngăn chặn chảy máu chất xám.

Cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cần phải đối mặt với nhiều thách thức, phải xử lý có hiệu quả những vấn đề khẩn cấp của hành tinh đang đặt ra để có thể giữ được độc lập và tự do và phát triển bền vững. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam chỉ có thể thực hiện được điều đó nếu không để những người con ưu tú ra đi và gọi trở về một số người mà ta đã mất.







Tôi thường đọc được rằng Việt Nam khuyến khích những Việt kiều giàu có dành một phần vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhưng sự thịnh vượng của một dân tộc không chỉ được tạo nên từ đô-la mà còn được tạo nên từ những khối óc đã tiếp nhận được những kỹ năng, kinh nghiệm từ nước ngoài, hữu dụng cho sự phát triển của đất nước.

Tại kỳ thi Olympic vật lý quốc tế mới diễn ra ở Hà Nội mùa hè này, tôi rất vui được góp một tay cho một hội đồng khoa học chịu trách nhiệm tổ chức sự kiện này. Tôi đã được chứng kiến công việc khó khăn mà hội đồng gặp phải cùng với sự nhiệt tình không mệt mỏi của họ để kỳ thi đạt được thành công lớn. Trong cuộc họp hội đồng để xem xét lại lần cuối các đề lựa chọn cho các thí sinh, có bốn nhà khoa học trẻ Việt Nam đang làm việc tại các trường đại học của Hoa Kỳ. Họ đã có những nhận xét rất phù hợp, mang tính xây dựng và hiệu quả giúp cải thiện chất lượng của đề thi cả về hình thức lẫn nội dung. Thật là quý giá biết bao cho đất nước nếu có thể lôi kéo được những người như thế trở về! Tôi thường đọc được rằng Việt Nam khuyến khích những Việt kiều giàu có dành một phần vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhưng sự thịnh vượng của một dân tộc không chỉ được tạo nên từ đô-la mà còn được tạo nên từ những khối óc đã tiếp nhận được những kỹ năng, kinh nghiệm từ nước ngoài, hữu dụng cho sự phát triển của đất nước.







Khi thanh niên Việt Nam nhìn xung quanh mình, họ dễ dàng nhận thấy rằng một kế toán viên trẻ của một công ty liên doanh có thể kiếm được nhiều tiền hơn một vị giáo sư đại học. Vì thế khi quyết định nghề nghiệp tương lai, họ sẽ có lựa chọn tương ứng.

Tôi thường nghe những phàn nàn rằng giới trẻ Việt Nam hiện nay không có lý tưởng, không có đam mê hoặc thậm chí không coi trọng những giá trị mà cha ông họ đã chiến đấu vì nó. Chắc chắn một điều rằng, cũng như các nước khác bị chi phối bởi nền kinh tế thị trường, bất kể là chủ nghĩa tư bản, tự do hay chủ nghĩa xã hội, giới trẻ Việt Nam bị lôi cuốn mạnh bởi đồng tiền. Ở một đất nước mà con người đã phải chịu đựng sự nghèo khó trong một thời gian dài, điều này không có gì là ngạc nhiên. Họ càng bị tiền bạc lôi cuốn hơn khi các phương tiện thông tin đại chúng đem đến cho họ những hình tượng thành công hoàn toàn dựa vào tiền. Người ta không do dự nêu lên báo chí danh sách một trăm người giàu nhất Việt Nam như những điển hình. Người ta thường viện dẫn những gương “thành công” nhờ những kỹ năng trong kinh doanh của họ. Khi thanh niên Việt Nam nhìn xung quanh mình, họ dễ dàng nhận thấy rằng một kế toán viên trẻ của một công ty liên doanh có thể kiếm được nhiều tiền hơn một vị giáo sư đại học. Vì thế khi quyết định nghề nghiệp tương lai, họ sẽ có lựa chọn tương ứng.

Tôi biết nhiều các bạn trẻ Việt Nam. Cũng giống như các bạn của họ trên toàn thế giới, họ yêu đất nước mình, họ hào phóng và đầy nhiệt huyết. Họ mong ước được đi du học vì từ khi còn nhỏ thầy cô và cha mẹ họ nói đi nói lại rằng nên làm vậy để có thể thành công. Khi đã đi du học, những người giỏi trong số họ không trở về, không chỉ bởi vì họ được đề nghị mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn, mà có lẽ quan trọng hơn, bởi vì họ không nhận được một tín hiệu cụ thể nào rằng đất nước này cần họ, rằng đất nước này tự hào về họ, rằng tương lai của đất nước phụ thuộc vào họ. Đó là hoàn cảnh mà thế hệ trẻ Việt Nam đang phải đối mặt. Đó là nguyên nhân của nạn chảy máu chất xám. Ngăn chặn nó lại đồng nghĩa với việc đem lại địa vị, sự tín nhiệm về các giá trị văn hóa và tri thức mà Việt Nam đã trân trọng gìn giữ trong suốt quá trình lịch sử lâu đời và vinh quang của mình. Không một quốc gia nào khác có thể giúp Việt Nam giải quyết việc này.













Sinh viên Đinh Q Huy tốt nghiệp loại giỏi khoa CNTT Đại học Công nghệ 2004, ở lại làm thực tập sinh và chuyển tiếp cao học và tham gia dạy các môn thực hành và cơ sở của khoa. Anh bảo vệ thạc sĩ năm 2007 và được học bổng làm nghiên cứu sinh ở University of Vienna.

Tia Sáng xin trích đăng một phần bức thư của anh gửi người Thầy – GS Hoàng Xuân Huấn để các nhà quản lý khoa học-giáo dục hiểu được tâm trạng của các nhà khoa học trẻ.

 

Kính gửi Thầy!

Xúc động thay khi trong một email gần đây Thầy có nhắc tới “nghề giáo chân chính”, vâng thưa Thầy cái nghề cao quý nhất trong xã hội ta từ ngàn xưa đến giờ, cái nghề mà đáng lẽ không cần cái tính từ “chân chính”, “cao quý”, … hay bất cứ một mỹ từ nào để miêu tả bởi tính mặc nhiên thiêng liêng của nó. Trong cơn bão táp của kinh tế thị trường,
không ít người thầy đã đánh mất mình, cuộc chiến của họ không phải trên giảng đường với những bài toán NP, những trăn trở của “người đưa đò” mong đưa học sinh mình đi càng xa càng tốt trên con đường học vấn, sung sướng gọi điện/email với học sinh, đồng nghiệp khi đăng một paper trên tạp chí lớn, hay đơn giản là đọc và sửa một luận văn còn dang dở. Vẫn biết bài toán “cơm-áo-gạo-tiền” thật khó giải, nhưng cũng thật khó tìm lý do cho những con người mang cái danh cao quý, những vị TS, GS đi làm bằng xe hơi, nhà cao cửa rộng nhưng không biết “impact factor”, và quy một bản dịch tài liệu (thậm chí là chép y nguyên) là một công trình nghiên cứu. Ấy thế mà những người ấy lại mang một trọng trách lớn lao, được phép xét duyệt thậm chí là quyết định sinh mạng khoa học của người khác, đáng buồn hơn họ còn được coi là những “hoa tiêu” đưa giáo dục và khoa học Việt Nam lên tầm quốc tế. Chẳng muốn viết cái này trong ngày cả xã hội hướng về những người thầy, thế nhưng nặng lòng lắm thưa Thầy …

Duyên số và may mắn cho em được trở thành học trò của Thầy, em rất biết ơn nhưng gì Thầy dạy cho em, đặc biệt là “Thế nào là nghiên cứu?”, những câu chuyện “Cái ốc vít ở tàu vũ trụ và cái xe bò”, “Đọc mỗi bài báo sẽ có bài báo mới”, … sẽ theo em suốt cuộc đời nghiên cứu và học tập. Tuổi trẻ gắn với hoài bão, đam mê nhưng cũng gắn với những cám dỗ và thử thách khốc liệt, đôi khi em thấy kiệt sức, mệt mỏi, và em đã chểnh mảng nhiều khi làm Thầy buồn. Mong Thầy tha lỗi và tin tưởng học sinh của Thầy sẽ cố gắng hết sức để không phụ công Thầy!

Chúc Thầy vững vàng tay lái để tiếp tục chèo đò đưa nhiều thế hệ sang sông.

Một ngày đẹp trời hiếm hoi trong mùa đông giá lạnh ở Vienna.

Em Huy

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)