Năm 2020 ấn nút mấy lò phản ứng?

Trả lời báo chí do cúp điện thường xuyên gần đây, ông Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết sau 2020 điện hạt nhân (ĐHN) sẽ chiếm 20% tổng sản lượng điện và Việt Nam sẽ bắt đầu chương trình ĐHN bằng hai nhà máy với bốn lò phản ứng, công suất mỗi lò 1000 MW. "Xây được một lò, hà cớ gì mà không xây bốn lò một thể", một số người hăng hái giải thích như thế. Song là một người đã từng lăn lộn trong nhiều năm xây dựng và vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, quen biết không sót ai trong giới hạt nhân nước nhà, tôi nghe qua thấy "choáng".

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu và Trái Đất đang ấm lên do con người đốt quá nhiều nhiên liệu hoá thạch gây ra, ĐHN đang được xem như một giải pháp thích hợp cho bài toán năng lượng trước yêu cầu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Dẫm chân tại chỗ từ nhiều năm nay ở mức 16% tổng điện năng toàn thế giới, ĐHN rất có thể sẽ cất cánh trở lại như những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Trong bối cảnh đó, ĐHN xuất hiện ở Việt Nam sau 2020 là hợp lý, và cần ra sức thực hiện. Thậm chí mục tiêu này còn khả thi hơn tham vọng đưa một trường đại học của ta lọt vào tốp 200 cũng ở cọc mốc 2020.

Nhưng đưa bao nhiêu ĐHN vào thì vừa?

Trong lịch sử phát triển ĐHN trên thế giới, chưa có nước nào vào cuộc một lúc với 4000 MW và 20% tổng sản lượng điện như kịch bản của ta. Hùng hậu, lại rất khát điện như Trung quốc cũng không dám. Trung Quốc bắt đầu có nhà máy ĐHN đầu tiên năm 1991 tại vùng đông bắc với công suất khiêm tốn 300 MW. Sau ba năm nhà máy này mới đi vào vận hành thương mại và một năm sau mới được cấp chứng chỉ. Sau 17 năm, tại cụm ĐHN này chỉ có thêm 2800 MW.

Trung Quốc cũng đồng thời xây dựng cụm ĐHN thứ hai tại vùng đông nam, cách Hồng Kông và Thẩm Quyến chưa đầy 50 dặm. Tại đây, nhà máy đầu tiên theo công nghệ của Pháp với công suất 950 MW bắt đầu vận hành năm 1993. Ngay năm đầu tiên đã xảy ra 13 lần dừng lò không theo kế hoạch. Năm 1994 Tập Đoàn ĐHN Quảng Đông mới khởi động lò thứ hai, và tám năm sau mới khởi động lò thứ ba. Sau 17 năm, hiện nay ĐHN chỉ chiếm khoảng 2%, và dự kiến năm 2020 cũng chỉ tăng lên 5% tổng sản lượng điện toàn Trung Quốc.

Ấn Độ còn có ĐHN sớm hơn Trung Quốc, từ đầu thập kỷ bảy mươi. Sang thập kỷ tám mươi họ đã nội địa hoá thành công lò nước nặng PHWR 220 MW, từ đó đặt ra một chương trình hoành tráng ấn định mục tiêu tròn 10.000 MW trước năm 2000. Nhưng trước thềm thế kỷ XXI, họ mới chỉ đi được chưa đầy 15% đoạn đường. Chậm tiến độ và vượt dự toán xảy ra thường xuyên trên mọi công trình. Mắc mớ lớn nhất vẫn là các khâu xét duyệt, bảo đảm an toàn, và năng lực công nghiệp nội địa không đáp ứng được yêu cầu chế tạo thiết bị. Nước nặng không sản xuất kịp tiến độ xây nhà máy.

Nhận ra tình trạng ỳ ạch với công nghệ bản địa theo công thức “nước nặng + urani thiên nhiên” sẽ không đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng kinh tế, từ cuối thế kỷ trước Ấn Độ đã vượt qua bao nhiêu trở ngại ngoại giao (do không chịu ký tên vào hiệp ước cấm lan truyền vũ khí hạt nhân NPT) để mở quan hệ với các cường quốc hạt nhân nhằm nhập công nghệ rất phổ dụng trên thế giới theo công thức “nước thường + urani giàu”. Lò phản ứng đầu tiên với công nghệ VVER 1000 MW của Nga, trải qua bao nhiêu trở ngại từ bên trong và ngoài nước, dự kiến sẽ được ấn nút trong năm nay. Sau hơn 30 năm phát triển, hiện nay ĐHN chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng sản lượng điện năng toàn Ấn Độ.

Hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đất rộng người đông, đều khát điện do kinh tế tăng trưởng mạnh, tốc độ tăng GDP của Trung Quốc đạt hai chữ số trong nhiều năm liền. Nhưng điều đáng nói hơn, cả hai đều có lực lượng hạt nhân rất hùng hậu, họ nắm được bí quyết nguyên tử rất sớm. Ấn Độ đã cho nổ cơ cấu hạt nhân từ 1974, chính thức có vũ khí hạt nhân năm 1998. Trung Quốc còn có vũ khí hạt nhân sớm hơn nhiều, từ năm 1964, chỉ đứng sau Mỹ và Nga về kỹ thuật tên lửa và du hành vũ trụ. Cả hai đều có đầy đủ các cơ sở sản xuất nguyên nhiên vật liệu hạt nhân, tự chế tạo được lò phản ứng nghiên cứu công suất lớn, máy gia tốc và nhiều thiết bị hạt nhân khác. Hiện cả hai đều vừa nhập công nghệ từ bên ngoài để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa theo đuổi công nghệ ĐHN đặc thù của mình. Đặc biệt, cả hai đều có lực lượng chuyên gia cao cấp rất đông đảo, có bề dày nghiên cứu công nghệ hạt nhân ngang ngửa với các cường quốc khác.

So với họ, tiềm lực hạt nhân của Việt Nam hiện chưa có gì đáng nói. Số người am hiểu lãnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay, năng lực nghiên cứu chuyên ngành về ĐHN chưa hề có. Giới chuyên môn trong và ngoài nước đều biết rõ việc này. Muốn phát điện năm 2020 phải động thổ công trình không chậm hơn năm 2015, nghĩa là ngay từ bây giờ dàn chuyên gia cao cấp của ta phải bắt tay vào cuộc. Nhìn quanh quất không thấy mấy ai.

“Phát triển ĐHN mà không tính đến thách thức này có nghĩa là phó thác cho người nước ngoài quyết định mọi chuyện”, một chuyên gia hạt nhân nước ngoài tầm cỡ hàng đầu thế giới, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, đã nhận xét chua chát như vậy. Đương nhiên, chúng ta cần nhập công nghệ ĐHN từ bên ngoài, thậm chí theo công thức chìa khoá trao tay, nhưng không người Việt nào muốn trao lại chiếc chìa khoá đó cho người đã rèn ra nó.

Kịch bản khởi động ĐHN ở hai cường quốc châu Á Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như ở hầu hết các nước khác trên thế giới, chứng tỏ rằng du nhập ĐHN, dù chỉ với mục tiêu đơn thuần là vận hành nhà máy (chưa nghĩ đến khâu nội địa hoá công nghệ), không dễ dàng đến mức có thể bỏ qua giai đoạn thử nghiệm, học hỏi, xây dựng đội ngũ và cơ sở hạ tầng, để từng bước tiến lên vận hành nhà máy ổn định và an toàn. Bởi không giống nhiều công nghệ khác, ĐHN vẫn chưa an toàn, và đây là chuyện đau đầu của khoa học công nghệ hiện đại, vấn đề lại hết sức nhạy cảm đối với công luận. Công tác giám định, kiểm tra và xét duyệt an toàn hạt nhân trong mọi khâu tiền dự án, xây lắp và vận hành luôn phát sinh ra những mắc mớ đòi hỏi có đủ tri thức để ra quyết định. Quyết định sai, hoặc sẽ rất tốn kém, hoặc sẽ xảy ra sự cố. Người nước ngoài không thể quyết định thay ta.

Ngay như Phần Lan, một nước giữ kỷ lục thế giới về vận hành an toàn nhà máy ĐHN với hiệu suất trên 90%, vẫn không tránh khỏi khó khăn này. Phần Lan là nước EU độc nhất đang xây nhà máy ĐHN. Tuy có trình độ công nghệ hàng đầu thé giới, họ vẫn phải chấp nhận đầu tư rất tốn kém để nhập lò phản ứng thế hệ thứ ba của Pháp, được xem là có tính năng an toàn cao nhất hiện nay. Theo thiết kế, nhà máy sẽ không hề hấn gì khi máy bay rơi thẳng xuống lò phản ứng. Song kết quả kiểm tra trong quá trình thi công cho thấy chất lượng công trình không đáp ứng được yêu cầu trên, họ phải bỏ công của ra khắc phục, và đây là một trong những lý do khiến tiến độ xây dựng đang chậm mất hai năm (nghe nói phải dời công trình sang một địa điểm mới).

Nguy hại hơn, lấy cớ này các nhóm Hòa bình Xanh trong và ngoài nước đã dấy lên làn sóng phản đối ĐHN. Họ leo lên cần trục cao 100 m biểu tình ngồi qua đêm giá rét để phản đối. Họ yêu cầu chủ đầu tư công khai ra báo chí hơn 1000 lỗi kỹ thuật phạm phải trong quá trình thi công và đình chỉ toàn bộ dự án. Dự toán ban đầu 2,5 tỷ Euro nay đã lên 4 tỷ (tương đương 6 tỷ đô la Mỹ). Cho nên, chẳng những luôn nhạy cảm với công luận, ĐHN còn không rẻ chút nào khi người ta phải bỏ ra những khoản chi phí khổng lồ để đánh đổi lấy sự an toàn và an dân.

Tôi hy vọng những bằng chứng trên đây không làm phật lòng những người đang hăng hái muốn có ngay 4000 MW ĐHN vào năm 2020. Hội nhập với thế giới này, chúng ta phải biết người biết ta để định ra dường đi nước bước. Đây là những sự thật mà người trong cuộc, cấp cao và cả công luận cần biết. Có nhận dạng đúng bản chất của ĐHN, mới có giải pháp khả thi để cho một chủ trương đúng đắn đi vào cuộc sống. Hơn là phí phạm hàng chục năm nay để lo hô hào, làm chiến lược và vẽ nên các chương trình hành động hoành tráng trên giấy mà chưa hề có bước đi cụ thể nào nhằm tạo ra những điều kiện tối cần thiết để thực hiện mục tiêu.

Vâng, người Việt có thể giỏi giang, nhưng không luyện võ suốt đêm ngày, sao có thể trở thành chuyên gia được! Làm ĐHN mà không tạo nên một môi trường học thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ hăng say, để cho tình trạng uể oải, ê a kéo dài hết năm này sang tháng khác, thì thật đáng lo! Không đầy mươi người có ít nhiều kinh nghiệm về lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cứ “đến hẹn lại lên” bàn điều khiển, mỗi tháng một lần. Thế hệ đàn anh của họ đang lần lượt bước ra ngoài cuộc.

Nghĩ đến đây, tôi thấy không an tâm chút nào.

Không chỉ thiếu chuyên gia để làm chủ công nghệ, cái thiếu đáng sợ hơn là tính kỹ luật, tôn trọng quy chế, luật pháp của hàng nghìn con người và hệ thống quản lý. Mới bước ra khỏi nền sản xuất tiểu nông, người Việt chúng ta chưa quen với kiểu quản lý nghiêm túc này của nền sản xuất đại công nghiệp và đặc biệt là công nghiệp hạt nhân. Thảm hoạ sập cầu Cần Thơ vẫn còn đó. Cần phải có ít nhiều thời gian để học được cách tổ chức quản lý, cách thực thi luật pháp thích ứng với một công nghệ có nhiều tiềm năng mất an toàn.

Cho nên, theo tôi, trước tiên chỉ nên khởi động một lò, và cố tận dụng trường học thực tiễn này để xây dựng đội ngũ, nhất là đội ngũ chuyên gia, xây dựng cơ sở hạ tầng, học cách thực thi pháp luật hạt nhân, rồi trong quá trình đó sẽ tính tiếp. Thành công của dự án không chỉ là đưa một lò phản ứng vào hoạt động, mà chính là có được nền tảng bước đầu đủ sức nhân lên cho các bước tiếp theo. Tạo ra mãnh đất để hấp thu và đồng hoá công nghệ ĐHN qua lò phản ứng đầu tiên, tuy trong tầm tay, song cần tính toán hết sức chu đáo và hành động quyết liệt mới mong thành công. Bởi chúng ta nên nhớ rằng ĐHN là công nghệ rất nhạy cảm, nước cung cấp thiết bị chỉ đào tạo người vận hành, họ không có trách nhiệm, và không muốn, đào tạo chuyên gia, những người chủ thực sự của nhà máy.

Năm năm sau, khởi động lò thứ hai cũng không muộn.

Vả lại, toàn bộ nội lực của nền công nghiệp chúng ta chỉ có hạn. Chính vì chậm tiến độ và trục trặc kỹ thuật ở nhiều nhà máy nhiệt điện và thuỷ điện mà hiện nay EVN không cung cấp đủ điện, người dân cứ phải chịu cảnh cúp điện thường xuyên. Mà đây chỉ là những công nghệ cổ điển, đã có hàng trăm năm nay, yêu cầu an toàn và an dân không gắt gao như ĐHN. Cho nên, xây một lúc bốn lò phản ứng 4000 MW là quá sức và không khả thi. Thậm chí, không khéo sẽ tác hại đến toàn bộ quá trình đưa ĐHN vào Việt Nam.

Nhưng sẽ có người lo lắng lấy gì thay vào ba tổ máy 3000 MW kia? Tôi tin rằng với xu thế sử dụng điện năng ngày càng hiệu quả hiện nay trên thé giới, năm 2020 ta không cần đến 200-250 tỷ kWh như EVN đề xuất trong Tổng sơ đồ 6.

Có gì đáng hãnh diện khi chúng ta phát triển điện năng với tốc độ 17%, thậm chí 20-22%/năm, chẳng giống ai trên thế giới này? Cần sớm nhận ra cái lỗ thủng khổng lồ trong nền kinh tế đang hút hết điện năng một cách phí phạm. Tiêu thụ nhiều điện đâu phải là thoát khỏi tình trạng chậm phát triển. Dùng ít điện nhưng vẫn giàu có mới thể hiện sự văn minh. Mà GDP của ta đâu có tăng trưởng liên tục trên 9%/năm từ nay đến 2020 để cứ nhân đôi con số này lên sẽ thành tốc độ tăng trưởng điện năng? Cứ xem năm nay thì rõ!
Không thể còn lý do nào khác minh chứng cho chủ trương xây một lúc bốn lò phản ứng.
Mong sao trong chuyện hệ trọng này của đất nước những người trong cuộc có quả tim nóng và cái đầu lạnh.

Phạm Duy Hiển

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)