Nga cam kết xây điện hạt nhân an toàn cho Việt Nam

Nga sẽ xây dựng ở Việt Nam nhà máy điện hạt nhân an toàn và tiên tiến, người đứng đầu Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) khẳng định trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam hôm 15/5.

Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng giám đốc Rosatom, ông Sergey Kiriyenko, diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm bắt đầu từ ngày 12/5, của người đứng đầu chính phủ Việt Nam tại Nga.

Theo Tiếng nói nước Nga, trong buổi làm việc, ông Kiriyenko cam kết Nga sẽ xây dựng ở Việt Nam “nhà máy điện hạt nhân an toàn nhất và tiên tiến nhất”. Rosatom là đơn vị trực tiếp tư vấn, xây dựng trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận.

Trước đó, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Chúng tôi đồng ý với nhau rằng sẽ tích cực hợp tác trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, để dự án phát triển theo đúng lịch trình đã định, với việc sử dụng công nghệ tiên tiến nhất bảo đảm an toàn mức cao nhất cho nhà máy”.

Thủ tướng Medvedev cũng bày tỏ hy vọng Việt Nam và Nga có thể hợp tác không chỉ trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, mà còn trong việc hình thành cơ sở hạ tầng tương ứng.

Tháng 11/2009, Quốc hội Việt Nam thông qua dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận. Dự án điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam sẽ đặt tại tỉnh Ninh Thuận, gồm hai nhà máy có tổng công suất 4.000 MW. Theo kế hoạch, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I sẽ được khởi công vào năm 2014, và bắt đầu phát điện năm 2020.

Nhà máy Ninh Thuận I sẽ do Nga xây dựng. Để đảm bảo nhà máy đi vào vận hành đúng tiến độ, Việt Nam và Nga đã nhiều buổi gặp gỡ bàn bạc về vấn đề trên. Phía Việt Nam khẳng định quyết tâm sẽ làm điện hạt nhân, còn đại diện Nga đưa ra lời cam kết sẽ đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.

“Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm về tiêu chuẩn an toàn hạt nhân của Nga. Lò phản ứng của Việt Nam khó có khả năng xảy ra sự cố như ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản”, ông Petr G. Shchedrovitsky, cố vấn Tổng giám đốc tập đoàn Roatom khẳng định vào tháng 2/2012.

Một đại diện khác của công ty Rosatom là Sergey A. Boyarkin, Phó tổng giám đốc Rosatom, từng khẳng định, điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được đảm bảo an toàn nếu sử dụng công nghệ của Nga.

Về những lo lắng khi xảy ra động đất sóng thần, vị đại diện trên cho biết, theo khảo sát ban đầu, tại Ninh Thuận có thể xảy ra động đất lên đến 7,5 độ Richter, trong khi bản thiết kế, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có thể chịu được động đất cấp 9.

Hồi tháng 3 vừa qua, 50 chuyên gia Việt Nam đầu tiên đã đến Nga thực tập tại các lò phản ứng hạt nhân thứ ba và thứ tư của nước này. Sau khi được đào tạo, họ sẽ trở về Việt Nam tham gia xây dựng nhà điện hạt nhân.

Cũng trong tháng 3, Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia, do bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân làm chủ tịch, đã dẫn đầu đoàn công tác khảo sát thực tế địa điểm dự kiến xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận II tại huyện Ninh Hải, Ninh Thuận.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)