“NGÔI SAO VÀ BẦU TRỜI”
Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO, đó là “trái ngọt của 20 năm miệt mài chuẩn bị, 20 năm Hà Nội nỗ lực cải cách và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, 20 năm Đổi mới" như bình luận của tờ Le Figaro. Kết quả là, như tờ “Le Monde” vốn được xem là tờ báo quy chiếu của giới trí thức phương Tây, đánh giá: Việt Nam gia nhập WTO có thể làm thay đổi cân bằng kinh tế ở Châu Á cũng như trên thế giới.
Hãng Reuters nhận định rằng việc Việt Nam gia nhập WTO ngay trước thềm Hội nghị APEC thực sự là làn gió mát khiến vị thế của nước chủ nhà được nâng cao, đồng thời tạo ra động lực kép thúc đẩy Việt Nam bước những bước xa hơn về ngoại giao và thương mại. Và không chỉ có thế, tờ L’Expansion dẫn ra nhận định của một chuyên gia Thụy Sĩ: Ngoài những cơ hội về kinh tế, cần phải thấy được cả những tác động mạnh mẽ về mặt chính trị của sự kiện này.
Như vậy là, con thuyền dân tộc đã dong buồm thời đại, lướt sóng đại dương. Để có cái bản lĩnh “sóng cả không ngã tay chèo”, phải dám nhìn lại mình để chủ động bước vào thách thức mới, biến thách thức thành vận hội, đưa đất nước chớp lấy thời cơ, bứt lên.
Sóng đại dương, đương nhiên không như sóng vỗ mạn thuyền thơ mộng, dịu êm với “cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm” trong thơ Nguyễn Bính! Lại càng không hề là “sóng biếc theo làn hơi gợn tí” ru người trong “chiếc thuyền câu bé tẻo teo” đang ngủ quên trên ao làng của cụ Yên Đổ! Đừng quên rằng, từ cái ao làng này, con người Việt Nam đã bước ra sát mép nước Biển Đông. Đứng trước bao la của Thái Bình Dương mênh mông sóng vỗ, không hiểu có phải bị choáng ngợp và sợ say sóng không, mà các cụ ta lại quay về với sự an ủi pha chút dư vị ngậm ngùi AQ: “ta về ta tắm áo ta, dù trong, dù đục ao nhà đã quen”.
Chao ôi, chính cái sự “quen” này đã dìm chết bao khát vọng muốn bung ra khỏi cái hạn hẹp, bảo thủ trì trệ của ao tù nước đọng với một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, triền miên trong suốt chiều dài lịch sử không có mấy đổi thay về kỹ thuật và công nghệ sản xuất. Cái cày chìa vôi từ thời nhà Lý thế kỷ XI vẫn còn phổ biến trên các cánh đồng thế kỷ XX. Lam lũ, đổ mồ hôi sôi nước mắt, cả đời “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất” mà năng suất quá thấp, chỉ đủ “vắt mũi bỏ miệng”, “tay làm hàm nhai”. Không có thặng dư, không có tích lũy, đành phải tự bằng lòng với lối sống đạm bạc “thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản”, chỉ cần “cơm ba bát, áo ba manh, đói không xanh, rét không chết” là đã có thể ung dung nhìn ngắm sự đời. “Giấc mộng tiểu nông” ru người trong sự tù đọng của ao làng, lại được thăng hoa trong ảnh hưởng của triết lý “an bần lạc đạo”, chỉ cần “ăn cơm rau, uống nước lã, co tay làm gối mà nằm, cái vui đã có ở trong đó”. Lớp con cháu thì được khuyến cáo chỉ cần “nối tiếp, làm theo, không bao giờ thay đổi” (kế, thuật, vô cải) thế là giữ được cái nề nếp của cha ông. Cứ đi theo lối mòn ấy, người đi sau dẫm lên dấu chân của người đi trước, con đường mòn ấy kéo dài cho đến thế kỷ XIX, khi mà “Trời kia khiến vậy sông nên bãi, Ai khéo xoay ra phố cả làng”(Tú Xương). Manh nha xuất hiện nền kinh tế hàng hóa, nhưng khi thực dân Pháp xâm lược, xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội đặc quánh “nông vi bản”. Một xã hội tuyệt đối đóng cửa, khước từ hội nhập, khước từ canh tân. Thế thì mất nước là chuyện khó tránh. Trong “Thời vụ sách”, Nguyễn Lộ Trạch viết: “Hiện nay thời thế như cục ung thư lớn. Trị thì không có phương thuật. Không trị chăng? Thì không thể cam ngồi mà ngó.Điều lo trong thiên hạ không phải ở chỗ nước yếu và nghèo, mà ở chỗ không gắng sức làm việc tự cường”. Không “làm việc tự cường được” là do lối suy nghĩ trì trệ: “Nước ta thì từ trước cấm dân đi ra hải ngoại, dân không đi buôn xa, trong nước không có bọn buôn, mà muốn dắt người buôn nước ngoài đến, thế chưa có thể vội được”* như lời các trọng thần tâu lên vua Tự Đức. “Chưa có thể vội” khi mà những chiến thuyền thực dân đã áp sát cửa sông, súng xâm lược đang chực nhả đạn!
Những khúc đoạn trường đầy máu và nước mắt mà dân tộc đã phải trải qua từ khi mất nước cho đến khi giành lại được độc lập và thống nhất kể sao cho hết. Bài học mất nước có nhiều, trong đó, mất thời cơ là cái mất oan uổng nhất, mà hệ lụy của nó thì thật khó lường hết. Khi mà nước Nhật của vua Minh Trị biết mở cửa đón nhận nền văn minh công nghiệp thì những đầu óc canh tân của Việt Nam lại bị khước từ do sự bảo thủ, trì trệ của nhà cầm quyền, đánh mất cả một giai đoạn của sự phát triển, để lại một hậu quả lâu dài và nghiệt ngã.
Ấy vậy, nay nghĩ lại vẫn còn phải giật mình: Cái lập luận “chưa có thể vội được” đâu chỉ là lập luận của các trọng thần tâu với vua Tự Đức về chuyện giao thương với nước ngoài ở thế kỷ XIX. Sang đến cuối thế kỷ XX, tiến trình Đổi Mới đôi lúc vẫn còn có những bước ngập ngừng, mà nhìn cho thật kỹ, thì xem ra cũng là vướng vất cái quán tính “chưa thể vội” kia, nhưng được biến thái dưới những mệnh đề sang trọng, lanh lảnh tiếng cảnh báo về sự “đổi màu”, khéo khéo không bị “hòa tan” mất! Thế đấy, nhưng cuộc sống thì không thể đợi được, cuộc sống phải vội mở đường mà đi tới.
Đại hội X phê phán: “Tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực chậm đổi mới; một số vấn đề ở tầm quan điểm chủ trương lớn chưa được làm rõ nên chưa đạt được sự thống nhất cao về nhận thức và thiếu dứt khoát trong hoạch định chính sách, chỉ đạo điều hành” (Văn kiện, tr.16). Thế rồi, tháng 11 đáng ghi nhớ này đang diễn ra những sự kiện mang tầm vóc của “tầm quan điểm chủ trương lớn” nói trên, chứng minh tính kịp thời của sự phê phán đúng đắn ấy. Đất nước đang dồn dập những bước có ý nghĩa cần được ghi nhận như những cột mốc của Đổi mới : mở cửa, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Và thế là cái gì đến đã đến: Việt Nam được nhìn nhận là “ngôi sao mới nổi trên bầu trời thương mại thế giới” như đánh giá của Tổng giám đốc WTO. Cuộc thương thảo phải kéo dài đến 11 năm. Mà để bước vào hành trình thương thảo nhằm trở thành “ngôi sao mới nổi” ấy, trước hết phải vượt qua chính mình. Tức là vượt qua cái cửa ải trì trệ bảo thủ của thói quen lèo lái con thuyền trên sông rạch, không muốn và không dám giương buồm ra khơi. Đấy là vì, mỗi bước tiến mới luôn luôn vấp phải “trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng lại được tập quán thần thánh hóa” như Ph Ăngghen đã từng chỉ ra. Cái tập quán “ta về ta tắm ao ta”.
Bầu trời đã mở rộng, nhưng để không bị chìm đi trong bầu trời đầy sao, kể cả những ngôi sao đã tắt mà ánh sáng của nó bây giờ mới đến được trái đất, cả dân tộc phải dám nhìn lại mình, thấy được mặt mạnh, đặc biệt là phải dám thấy cho thật rõ mặt yếu của mình để biết mình phải làm gì.
Lênin đòi phải hành động. Gớt thì nói cần biết ước mơ. Tục ngữ Việt Nam thiết thực dạy rằng “Có cứng mới đứng được đầu gió”. Có ước mơ mới đủ bản lĩnh hành động.
Lúc này càng cần phải có bản lĩnh. Bản lĩnh đứng đầu gió!
_______________________________
*.Trần Văn Giàu “Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam…” Tập I. NXBKHXH” 1975, tr..407