Ngừng bắn sẽ kéo dài bao lâu?

Ngày 22-11, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Gaza đem lại một tiếng thở phào nhẹ nhõm cho toàn thế giới. Các tờ báo lớn chạy tin reo vui buổi sáng, nhưng chỉ đến cuối ngày, tâm điểm chú ý của thế giới đã kịp hướng sang vô số những vấn đề thời sự khác. Tuy nhiên, với những người dân ở Gaza và Israel, thỏa thuận này chỉ là để đánh dấu sự bắt đầu của một chuỗi ngày thấp thỏm mới.

Một điều vô cùng rõ ràng là cuộc xung đột kéo dài 64 năm không thể dễ dàng chấm dứt. Tiếng súng ngưng là để chuẩn bị cho một cuộc chiến mới. Những thỏa thuận có tính tạm thời không giải quyết được thấu đáo gốc rễ của vấn đề. Như một quả bom không được tháo kíp mà chỉ bị lùi ngày nổ tung đến một thời điểm bất thình lình không xa.

Để có thể hiểu về cuộc xung đột phức tạp này, không thể không nhìn nhận những yếu tố lịch sử quan trọng thậm chí từ ba đến bốn ngàn năm trước.

Miền đất hứa thuộc về ai?

Toàn bộ vùng đất rộng lớn có tên là Palestine đã có từ hàng ngàn năm bao gồm lãnh thổ Israel, Palestine, cùng phần lớn Jordan, Li-băng và Syria. Ngoài các bộ lạc Ả Rập lẻ tẻ thì cả người Do Thái Israel lẫn người Palestine đều không phải là cư dân gốc của vùng đất này. Hàng ngàn năm trước, người Do Thái di cư đến đây từ Iraq do tin vào lời hứa ban đất của Chúa Trời (Kinh Cựu ước). Ít lâu sau, người đảo Crete của Hy Lạp cũng vượt biển đến vùng này, gây chiến với người Do Thái trong quá trình tìm nơi sinh sống mới.
 

Gaza và Hamas

Gaza là một dẻo đất nhỏ với dân số 1,7 triệu người nằm lọt thỏm trong lãnh thổ Israel với một mặt giáp biển và một đường biên giới nhỏ thông qua Ai Cập. Gaza thuộc vùng đất LHQ phân chia cho dân Hồi giáo Palestine.
Hamas là một tổ chức chính trị của Gaza tách ra từ mạng lưới lớn Huynh Đệ Hồi Giáo của Ai Cập. Cái tên Hamas có nghĩa là “Phấn chấn”. Năm 2006, Hamas thắng cử trong cuộc bỏ phiếu dân chủ tại Palestine. Một động thái khá bất ngờ của Hamas là gửi thư cho Tổng thống Mỹ Bush khẳng định việc Hamas sẵn sàng công nhận quyền tồn tại của Israel. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin khác nhau cho rằng câu trả lời của Bush không rõ ràng hoặc Bush không trả lời.

Na Uy là nước phương Tây duy nhất chấp nhận chính quyền Hamas trong khi Mỹ và một số nước phương Tây coi Hamas là một tổ chức khủng bố.

Cái tên Palestine xuất phát từ tiếng Do Thái để chỉ người Crete có nghĩa là “kẻ di cư” hay “kẻ chiếm đóng”, sau đó được các đế quốc thực dân dùng để chỉ toàn bộ cùng lãnh thổ rộng lớn. Thuật ngữ “người Palestine” cuối cùng dùng để chỉ cả 3 nhóm người: dân Do Thái, dân đảo Crete, và cư dân gốc ở đây.

Bản chất cuộc chiến giữa Israel và Palestine là cuộc chiến về quyền chủ đất. Tuy nhiên, việc xác nhận xem ai thực sự là chủ đất sau ba bốn ngàn năm lịch sử là điều gần như không thể. Không ai có thể chắc chắn rằng những người Palestine đòi đất là con cháu người vùng Crete hay con cháu của người gốc Ả Rập ở đây.

Những chủ nhân của Miền đất hứa

Vùng Palestine liên tục nằm dưới quyền cai trị của nhiều chính quyền ngoại quốc. Sau khi đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh thua trận, Palestine bị hai cường quốc thực dân mới là Anh và Pháp chia cắt lãnh thổ. Một phần lớn Palestine bị cắt cho Li-băng, Syria, Jordan. Phần còn lại của Palestine nằm dưới quyền kiểm soát của Anh. Dân cư ở đây chủ yếu là người Do Thái và người Hồi.

Cả hai nhóm người đều đấu tranh với thực dân Anh để được thành lập quốc gia riêng, nhất là người Do Thái sau hàng ngàn năm lịch sử bị xua đuổi và diệt chủng của Đức Quốc xã. Bên cạnh đó, cả hai nhóm người cũng xung đột dữ dội với nhau do làn sóng người Do Thái liên tục tìm đường trở về miền đất hứa.

Ít người biết rằng chính dân Do Thái ở Palestine là người đẻ ra khái niệm “Khủng bố”. Năm 1946, tại khách sạn King David, một quả bom nổ khiến 91 người thiệt mạng, chủ yếu là người Anh. Vụ đánh bom do người Do Thái tổ chức với mục đích duy nhất là để thu hút sự chú ý của báo chí thế giới đến đòi hỏi được thành lập nhà nước độc lập. Chiến lược “khủng bố” này giúp họ đạt được kết quả. Năm 1948, đế quốc Anh lo sợ trước các cuộc đánh bom và cũng không điều khiển được xung đột giữa hai sắc dân nên tuyên bố rút lui, để lại số phận phần còn lại của Palestine rộng lớn khi xưa cho Liên Hợp Quốc giải quyết.

Cơ hội hòa bình để mất

Liên Hợp Quốc (LHQ) đề xuất việc chia mảnh đất này làm hai phần, một cho dân Do Thái lập nhà nước Israel, một cho dân Palestine, riêng Jerusalem linh thiêng với những địa điểm tôn giáo quan trọng nhất của cả ba tôn giáo Thiên Chúa, Hồi giáo và Do Thái giáo thì trở thành trung tâm quốc tế do LHQ kiểm soát.

Dân Do Thái đồng ý và lập tức thành lập Nhà nước Israel. Người Do Thái Palestine lập tức đổi tên là người Do Thái Israel. Các tờ báo lớn của người Do Thái, trong đó có tờ báo nổi tiếng Palestine Post cũng đổi tên thành Jerusalem Post.

Tuy nhiên, dân Ả Rập ở cả miền đất hứa và gần như toàn bộ Trung Đông kịch liệt phản đối. Lý do được đưa ra là người Do Thái chỉ chiếm có 35% dân số Palestine còn người Ả Rập Hồi giáo chiếm tới 65%. Theo nguyên tắc đa số, nhà nước mới thành lập chỉ có thể là một quốc gia duy nhất mang tên Palestine.
 

Mặc dù việc nước Palestine được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận ngày 29/11/2012 vừa qua là một chiến thắng lịch sử mang tính biểu tượng cho người Palestine, nhưng một nền độc lập thật sự còn đang mờ mịt phía trước, phụ thuộc vào tiến trình đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel. Israel đã cảnh báo rằng hành động vừa rồi của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ càng gây chậm trễ một giải pháp có tính lâu dài. 

Chỉ một ngày sau khi Nhà nước Israel non trẻ tuyên bố thành lập, liên minh 5 nước lớn xung quanh gồm Ai Cập, Jordan, Syria, Iraq và Li-băng đồng loạt nổ súng tấn công. Đất đai giành giật, chiếm đi cướp lại xóa nhòa đường biên vốn do LHQ đề xuất. Israel mới đầu chỉ là tự vệ, sau càng đánh càng hăng, mỗi lần thắng trận lại khẳng định chủ quyền trên phần đất xung đột. Jerusalem trở thành thủ đô Israel, và quân đội Israel kiểm soát cả một phần lớn vùng đất của dân Hồi giáo Palestine, vì thế nên đây còn là vùng bị chiếm đóng.

Phải đến gần đây, ngày 29/11/2012, Palestine mới được công nhận là một nhà nước tự chủ. Lý do sự chậm trễ này là vì sự phản đối của Mỹ và các nước Tây Âu trong LHQ, quan ngại về sự an toàn của Israel. Một khi Palestine được thành lập, họ lo rằng đây có thể trở thành nền móng của một tổ chức Hồi giáo cực đoan tấn công và tiêu diệt Israel vì người Palestine luôn coi việc thành lập Israel là không thể chấp nhận.

Bản đồ đồng minh thay đổi

Suốt trong vài thập kỷ, cuộc chiến ở vùng nóng Trung Đông này bản chất là cuộc chiến giữa Israel Do Thái giáo và Liên minh Ả Rập Hồi giáo “thay mặt” đòi chủ quyền cho dân Palestine thấp cổ bé họng trên vùng đất hứa. Chỉ cho đến gần đây tiếng nói Palestine mới thực sự chiếm diễn đàn do hầu hết các nước trong Liên minh Ả Rập đã bình thường hóa quan hệ với Israel hoặc ngừng cuộc chơi đổ máu. Vua Jordan thậm chí còn mạnh mồm tuyên bố với con dân: “Ai mà dám đụng vào người Israel thì ta sẽ tự tay bóp chết!”
Tuy một số quốc gia trên thế giới chuyển thái độ từ bài Israel sang trung lập, nhưng việc Israel liên tục xây các khu định cư trái phép trên đất Palestine và dựng nên bức tường ngăn cách lại khiến cho một số đồng minh phương Tây của Israel giảm sự ủng hộ, ví dụ như Pháp và Na Uy.

Trong khi đó, người Palestine cũng liên tục phản đối Israel bằng các đợt bắn rocket và đánh bom cảm tử. Hàng chục ngàn quả rocket đã được bắn vào Israel từ Gaza với tầm sát thương chiếm tới 45% diện tích Israel. Cả hai bên cùng tuyên bố ủng hộ tiến trình hòa bình, nhưng đồng thời Israel không dứt khoát trong việc ngừng các khu định cư trái phép và Palestine không tuyệt đối chấm dứt tấn công Israel bằng vũ lực. Cuộc xung đột hiện diễn ra trong những ngày gần đây chỉ là một trong những điểm sôi của một cuộc chiến âm ỉ. Hầu như không thể xác định ai là người khởi xướng. Cả hai phe coi việc sử dụng vũ lực là để “tự vệ”.

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn sau ngừng bắn

Trong khi tiếng súng gần đây đã ngưng sau thỏa thuận ngừng bắn mà hai bên mới đạt được, nhưng các công dân mạng ở Palestine vẫn tiếp tục cuộc chiến online với Israel. Bình thường mỗi ngày chỉ có khoảng vài trăm cuộc phá rối các trang mạng của chính quyền Israel, nhưng kể từ khi xung đột leo thang con số đã lên đến hơn 44 triệu tính từ hôm thứ 4 tuần trước. 650 trang mạng đã bị phá hủy.
 

Việt Nam và Israel

Trong một giai đoạn khá dài, hình ảnh của Israel trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam được mô tả khá tiêu cực. Nhưng từ năm 1993, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Israel và cử đại sứ đầu tiên. Từ đó đến nay, Việt Nam giữ thái độ trung lập trước cuộc chiến. Israel cấp cho Việt Nam hàng trăm học bổng đào tạo ngắn hạn, đóng góp khắc phục thiên tai, xếp thứ 56/81 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các công ty Israel tham gia đầu tư vào Việt Nam như tòa Landmark ở Hà Nội và Capital Fund tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nếu nhìn một cách tổng quát, thỏa thuận ngừng bắn đạt được do Ai Cập đứng ra dàn xếp chứng tỏ một điều, cuộc chiến ở Gaza ngày càng đi vào hồi bế tắc. Những người bạn mà tôi quen biết ở cả hai phía trong thời gian tôi ở Israel và Palestine hồi tháng 7 năm nay, vẫn giữ liên lạc được với tôi trong những ngày vừa qua. Đối với họ, cuộc chiến này dường như đang đi vào ngõ cụt.

Hôm 21-11, trước thỏa thuận ngừng bắn đúng một ngày, khi chiếc xe bus số 142 đi ngang qua Shaul Hamelech Street bị đánh bom nổ tung, một người bạn của tôi ở Tel Aviv thông báo cô và chồng đã thoát chết trong gang tấc khi nghỉ ở nhà không phải đi làm. Bác tài lái chiếc xe bus này, Nachum Hertzi, thậm chí là một người bạn của gia đình.
Trong hàng chục ngàn lính dự bị Israel được lệnh điều động trở lại hàng ngũ, phần đông trong số họ vẫn chưa kịp trở về gia đình, trong đó có 3 người bạn của tôi. Một trong số họ vừa có con chào đời. Bạn tôi, người cùng chồng thoát chết vì không đi chuyến xe buýt số 142, đang có bầu 5 tháng. Sự căng thẳng trong suốt quá trình mang thai và đỉnh điểm là sự cố đánh bom khiến cô đã phải nhập viện.

Cuộc chiến 64 năm giữa Israel và Palestine cho đến ngày hôm này đã cướp đi mạng sống của hơn 7000 người Palestine và 1500 người Israel, trong đó có 1800 trẻ em. Và như một câu chuyện đau thương không hồi kết, những thương vong nhỏ ở khu vực đường biên chắc chắn sẽ lại diễn ra hằng ngày. Câu chuyện này đã quá quen thuộc, đến mức đa số truyền thông quốc tế xem là quá đỗi bình thường và không còn coi là tin tức. Vì vậy, chúng ta sẽ chỉ được nghe tới xung đột Israel-Palestine khi bất thình lình có một quả rocket rơi thẳng vào trung tâm phồn hoa của Tel Aviv.

Bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Phương Mai, giảng viên ngành Đàm phán Đa văn hóa tại ĐH khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, hiện đang thực hiện một chuyến hành trình dọc Trung Đông để nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của Hồi giáo. Bạn đọc có thể cập nhật thông tin tại www.CultureMove.com hoặc www.facebook.com/dr.nguyenphuongmai

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)