Người tài

Ít thời gian gần đây, người ta nói nhiều đến việc trải thảm đỏ đón người tài. Đó là một việc tốt rất nên làm, nhưng không hiểu tại sao công việc tiến hành xem chừng không thu được những kết quả mong muốn.


Theo nhận định thông thường, đất nước không hiếm người tài.
Tôi không phủ nhận tính đúng của nhận định này.
Bây giờ chỉ còn có việc trải thảm đỏ mời họ về với tất cả những ưu đãi có thể.
Công việc tưởng như không còn gì dễ dàng hơn.
Nhưng chính những khó khăn thường khi hay nảy nở từ những dễ dàng đó.
Chúng ta có một thói quen không tốt là ưa vận động xã hội theo “chiến dịch”.
Cách tiến hành này có cái hay là tập trung được phương tiện, sức lực nhưng lại có cái dở là dễ rơi vào tình trạng vội vàng, a dua và nhiều khi hình thức.
Muốn mời nhân tài trước hết phải xác định rõ nhân tài là ai? (nhất là khi thị trường hàng dỏm tràn lan như bây giờ).
Theo tôi nhân tài là một định danh quá bao quát đến mức mơ hồ.
Các trí thức, các chuyên gia có bằng cấp (lẽ dĩ nhiên bằng thật) có đúng là người tài không?
Các sinh viên đỗ thủ khoa có đúng là người tài không?
Đúng. Nhưng không phải chỉ có thế!
Vậy nhân tài anh (chị) là ai?
Chúng ta nên chấm dứt quan niệm về những nhân tài chung chung như những thứ hàng mẫu.
Theo tôi nhân tài là những người xuất sắc có khả năng bứt phá những đòi hỏi cụ thể và đa dạng của xã hội.
Do đó có nhiều “tuýp” người tài (không hiếm trường hợp vượt ngoài chủ kiến của lãnh đạo).
Không nên quên chính trị là nghệ thuật về cái có thể, và cái có thể là ở phía trước mặt chứ không phải ở phía sau lưng.
Một người tài không phải là một cây kiểng mà là một tác nhân tích cực và hành động ở những vị trí cụ thể được xác định.
Một người tài đặt sai vị trí có thể sẽ trở thành một kẻ bất tài.
Một nhà khoa học tự nhiên giỏi có thể là một ông bộ trưởng tồi.
Muốn tìm cũng như sử dụng người tài, nhà quản lý phải nắm bắt được mình thật sự cần gì khi biết mình cần gì thì đồng thời hiểu được ai là người tài và người tài cần gì.
Tôn vinh người tài không phải chỉ là tặng hoa, tiền thưởng hay huân huy chương. Nó lớn hơn một cuộc mừng công kết thúc, mà là sự khởi đầu một cam kết sử dụng, một hợp đồng làm việc cùng phấn đấu cho dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ và văn minh.
Đó là một chính sách xuất phát từ nhu cầu thật của cả hai phía chứ không phải từ sự chiếu cố đơn phương của người quản lý “tốt bụng”.
Xác định như thế mới tránh được tình trạng một số địa phương mời nhân tài về để “ngắm” và để nhân tài cùn đi trong những phân công trái khoáy hay ngồi chơi xơi nước.
Các nhà quản lý hứa hẹn ưu đãi lương cao nhà ở. Tóm lại những tiện nghi vật chất cho người tài. Rất tốt. Vì như một nhà thơ lớn đã viết: Một thiên tài kiệt xuất cũng cần ăn.
Nhưng không nên quên rằng đó chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ.
Một việc làm hết sức quan trọng không nên quên đó là những ưu đãi về tinh thần, tạo một môi trường thân thiện để các tài năng có thể phát triển sở trường phục vụ đất nước, để người tài đỡ ân hận rằng mình cần đất nước nhưng đất nước không cần mình.
Người tài thật sự muốn được làm việc, và muốn cộng đồng tạo cho mình có điều kiện  làm việc. Tài năng là để cống hiến hơn là để nhận danh hiệu. Người tài luôn coi trọng trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.
Cộng đồng cũng nên có trách nhiệm phải “xót” người tài và tạo điều kiện cho họ cống hiến.
Tài năng chỉ là của quý của đất nước khi nó được sử dụng một cách công tâm, thông minh và hữu hiệu.
Một chế độ không có khả năng “đẻ” ra người tài, nhưng có khả năng tạo ra những điều kiện để người tài có thể hình thành và phát triển (cũng như tàn lụi).
Câu hỏi cấp bách đối với cộng đồng không phải là ta có ít hay nhiều người tài mà là cộng đồng đã làm gì để tài năng nảy nở.
Đó là một trách nhiệm khó khăn về ứng xử và nghiêm ngặt về đạo đức mà không phải cộng đồng lúc nào cũng đảm đương một cách đầy đủ.
Đất nước không thiếu nguyên khí, nhưng khai thác được nhiều hay ít tùy thuộc vào bản lĩnh, tâm huyết và cơ may của những người quản lý.
Lãng phí bao giờ cũng đáng trách, nhưng có lẽ đáng trách nhất là lãng phí người tài.
L.Đ

Ảnh trong bài: Phạm Bá Thịnh
 

Lê Đạt

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)