Nhà khoa học đối thoại với công chúng: Nói gì vì một thế giới tốt đẹp hơn ?

Tôi được Ban biên tập Tia Sáng đề nghị viết về “nâng cao nhận thức về truyền thông khoa học và tiếp cận công chúng”, chủ đề được lựa chọn cho số báo kỷ niệm ba mươi năm thành lập Tia Sáng. Tất nhiên tôi hào hứng nhận lời. Những thập kỷ qua, tôi vẫn thường viết về vai trò của nhà khoa học trong chia sẻ tri thức với cộng đồng, với ý thức rằng khoa học cơ bản chủ yếu lấy nguồn kinh phí từ ngân sách công và giới khoa học có nghĩa vụ giải trình với nhân dân về cách chúng ta sử dụng tiền thuế của họ như thế nào. Tôi cũng thường nói về ý nghĩa quan trọng của khoa học đối với sự tiến bộ của nhân loại; khi còn là một nhà vật lý hạt nhân, dù rất khó để lý giải với những người bình dân về tầm quan trọng của các hạt Higgs, tôi vẫn mạnh dạn đưa ra những ví dụ về các sáng chế phát sinh giúp ích cho con người, từ điện năng cho tới mạng Internet. Tôi làm những điều ấy một cách thành tâm bởi tin tưởng sâu sắc rằng khoa học là ngôi đền của trí tuệ và liêm chính, cùng những giá trị khác làm nên nhân phẩm con người.


Nếu thấu hiểu nhau hơn, chúng ta sẽ nhận ra mình thật giống nhau, cùng mong muốn được sống trong bình yên và hòa thuận, cùng có lòng trắc ẩn và sẵn lòng chia sẻ những khổ đau

Đến nay tôi vẫn tin như vậy.

Nhưng lúc này điều đã thay đổi trong nhận thức của tôi là việc nhận ra đám đông ít chịu lắng nghe, chưa nói tới thấu hiểu nhau, như thế nào. Càng có tuổi, tôi càng cảm thấy thế giới đang suy thoái một cách không thể đảo ngược. Chỉ sau một thế kỷ, không gian và thời gian sống của nhân loại bùng nổ; về không gian, con người đã chiếm lĩnh toàn bộ hành tinh, cho thấy sự giới hạn của tăng trưởng cùng những bất công trong cách chia sẻ tài nguyên; về thời gian, người ta chỉ mất một phần triệu giây để chuyển hàng tỷ USD từ một ngân hàng ở New York tới một ngân hàng ở Bermuda. Những đột phá chẳng hề giúp con người chung sống tốt hơn; chúng ta xây tường ở biên giới để ngăn người nhập cư từ các nước láng giềng; bốn năm nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của Trump cho thấy sự mong manh của các nền dân chủ, khi thật dễ dàng thao túng một bộ phận công chúng vào những niềm tin sai lệch, khi tôn giáo vốn dựa trên tình thương đối với những người kém thế và sự coi thường chủ nghĩa vật chất nhưng giờ đây bị lợi dụng để lên giọng với những người kém thế và tụng ca đồng tiền. Chúng ta không thể kiểm soát những vấn đề cấp bách toàn cầu như bùng nổ dân số mà hệ quả là đô thị hóa, nạn ô nhiễm và khan hiếm năng lượng, vấn đề tử vong trẻ em, vấn đề phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, các đại dịch. Và khoa học, như cách công chúng nhìn nhận, thay vì giúp giải quyết những vấn nạn này lại bị phân tán vào những sáng kiến vô bổ, như làm rùm beng về trí tuệ nhân tạo và “công nghiệp 4.0”, sản xuất xe không người lái, những robot thuần túy chỉ có kỹ năng trả lời “các câu hỏi thường gặp”, những chiếc điện thoại thông minh gây nghiện cho phần lớn dân số toàn cầu, và những mạng xã hội nơi người ta chia sẻ và cộng hưởng những quan điểm chung ấu trĩ và đả kích những ai mang quan điểm khác biệt.

Tôi cảm thấy xấu hổ viết những điều vừa rồi. Từ xưa đến giờ, tôi vẫn nghĩ và nói rằng cho dù điều gì xảy đến, chúng ta hãy cứ mỉm cười và chịu đựng, tạo ra điều tốt nhất từ những cái xấu, giữ vững niềm tin vào tương lai và tiếp tục đấu tranh. Sau tất cả, vẫn còn đó tình yêu và khao khát trong đôi mắt và nụ cười trẻ thơ giống như hàng nghìn năm trước, hoàng hôn vẫn như vậy, những khuấy động trong tim những thanh niên đang độ yêu đương, vẫn còn những xúc cảm trong nhịp điệu các bài thơ và nốt nhạc. Hãy đổ lỗi bi quan cho tuổi già của người viết và quên đi chuyện này. Nhưng bạn đọc hẳn cũng hiểu thật khó khăn cho tôi khi giãi bày những dòng này, cần cả cuốn sách để nói hết những cảm nhận chất chứa trong lòng.

Những người phê phán khoa học đã chỉ ra sự vô ích của nó. Và chúng ta không còn có thể kiêu ngạo bỏ ngoài tai những gì họ nói. Cần đối diện một cách có trách nhiệm với câu hỏi về sự hữu ích của khoa học trong thế giới hôm nay. Với những người bình dân, thật vô nghĩa nếu nhà khoa học thuần túy chỉ chia sẻ về công việc mình đang làm. Bản thân chúng ta mất nhiều năm học tập và nghiên cứu để thấu hiểu các lý thuyết tương đối và lượng tử bởi chúng thật trái ngược với trực giác thông thường; hay thậm chí thuyết tiến hóa cũng thật trái tai, làm sao để thuyết phục ai đó không có nền tảng về sinh học phân tử và tế bào tin rằng những kỳ quan của tạo hóa như một con mắt hay cái tai được hình thành bởi sự tình cờ và nhu cầu thích nghi để sinh tồn? Điều đó thật bất khả thi.

Những thập kỷ gần đây, chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng không thể thảo luận duy lý về hai chủ đề quan trọng: năng lượng hạt nhân và biến đổi khí hậu. Người ta chia phe, đả kích lẫn nhau; cảm xúc thay thế lý trí. Sau nhiều năm chứng kiến quá trình nhận thức của công chúng đối với những câu hỏi này, tôi mất đi hi vọng vào sự tiến bộ; chúng ta sẽ không bao giờ hiểu nhau và buộc phải chấp nhận điều ấy.

Không thấu hiểu là nguồn gốc thất bại của chúng ta trước những thách thức đang đối diện. Nếu thấu hiểu nhau hơn, chúng ta sẽ nhận ra mình thật giống nhau, cùng mong muốn được sống trong bình yên và hòa thuận, cùng có lòng trắc ẩn và sẵn lòng chia sẻ những khổ đau; ít nhất thì đa số con người là vậy. Chúng ta sẽ biết rằng có những người ích kỷ và tham lam quyền lực, địa vị nhiều hơn công lý, nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ, và điều ấy tồn tại ở mọi quốc gia và chủng tộc. Và ta sẽ học cách lựa chọn những người lãnh đạo: người dành cuộc đời phụng sự đất nước thay vì quyền lợi riêng; người thống nhất thay vì chia rẽ đất nước; người sống giữa nhân dân, cùng chia sẻ buồn vui, thay vì những tỉ phú xa rời hiện thực của thế giới xung quanh; người thấu hiểu, như Hồ Chí Minh, rằng “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, và “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”, thay vì đốt sách vở trái với đường lối tư tưởng chính thống như Goebbels từng hô hào các sinh viên Đức năm 1933.

Trong một bài viết ngắn đăng trên Tia Sáng cách đây ít lâu, tôi nhận xét rằng làn sóng dân túy đang làm rung động phương Tây, từ nước Mỹ của Donald Trump tới nước Anh của Nigel Farage, thúc đẩy sự ấu trĩ trong đám đông ủng hộ họ: ấu trĩ về hiện thực thế giới toàn cầu hóa, ấu trĩ về lịch sử và những cuộc chiến tranh nhân loại phải gánh chịu, những bài học từ các chế độ chính trị. Đối lập với sự ấu trĩ, những tri thức về lịch sử và những ý thức hệ mà con người theo đuổi nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, chính là một bài học về sự khiêm nhường và trí tuệ: khiến chúng ta nhận ra thật khó để con người chung sống hòa bình, trong sự hài hòa và tôn trọng những giá trị nhân bản mà tất cả cùng tin tưởng: công lý, nhân ái, đoàn kết, chính trực và phẩm giá con người. Marx từng kêu gọi vô sản toàn thế giới đoàn kết lại. Chưa đầy một thế kỷ sau nhân loại rơi vào hai cuộc đại chiến, gây ra cái chết cho bảy mươi triệu người.

Những người lãnh đạo không tôn trọng nhân dân cũng giống như cha mẹ không tôn trọng con cái, muốn con mình tin tưởng tuyệt đối vào những lời thuyết giảng giáo điều. Những bậc cha mẹ tôn trọng con cái thay vào đó sẽ đào tạo con mình trở thành những người trưởng thành và công dân với tâm trí cởi mở, biết tự đánh giá và phản biện một cách khách quan để đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho cộng đồng, đất nước, và thế giới.


Một cuộc tuần hành vì môi trường của các em học sinh tại Mỹ. Ảnh: Steven Paul Whitsitt.

Khoa học có ích cho việc đào tạo như vậy, không nhờ vào những chất liệu chuyên môn cụ thể của ngành học, mà nhờ vào phương pháp luận: nó từ chối sự áp đặt của kẻ quyền thế, không chấp nhận che đậy đi những luận điểm trái ngược với lý thuyết chính thống. Lý thuyết của hiện tại là cái tốt nhất từ trước đến nay, và ngày mai có thể bị thay thế bởi lý thuyết tốt hơn, đúng đắn và phổ quát hơn: khoa học không hề tham vọng nắm giữ chân lý tuyệt đối. Điều quan trọng với khoa học không phải là tin hay không tin, mà là cuộc chiến giữa tri thức với ấu trĩ.

Dạy trẻ em sớm tự suy nghĩ độc lập có lẽ là cống hiến quan trọng nhất của khoa học cho sự tiến bộ của nhân loại. Đây không phải là đặc quyền của riêng các nhà khoa học, mà là giá trị phổ quát của mọi học giả, những ai từ chối các giáo điều và cổ vũ cho sự chính trực trong tư duy. Chúng ta phải cảm thấy có trách nhiệm thúc đẩy một thái độ phản biện như vậy trong suy nghĩ. Cần dạy thế hệ trẻ nhìn nhận thế giới xung quanh một cách cởi mở, suy nghĩ về những gì mình thấy một cách cởi mở, học hỏi từ cách nhìn của những người khác để làm giàu cho tri thức bản thân khi họ sẵn lòng chia sẻ, và đấu tranh một cách hiệu quả khi họ không sẵn lòng đối thoại.

Các nhà trí thức nói chung, các nhà khoa học nói riêng, có vai trò thúc đẩy những giá trị đó trong xã hội. Việt Nam cần nhớ về phiên tòa Russell-Sartre và đóng góp quan trọng của nó giúp thế giới nhận thức về những tội ác của nước Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Vai trò của nhà khoa học trong truyền thông xã hội không chỉ giới hạn trong Ngày Khoa học và Công nghệ mỗi năm một lần. Là một nhà khoa học, mỗi ngày trong năm ta đều cần cảm thấy có trách nhiệm thúc đẩy tư duy lý trí, nhất là ở những quốc gia nơi các giá trị trí thức bị suy thoái. Chúng ta phải đấu tranh chống sự mê tín còn phổ biến ở mọi nơi. Chúng ta tôn trọng các tín ngưỡng như một cách biểu đạt khả năng giới hạn của con người trong việc làm sáng tỏ nguồn gốc của hiện hữu: khoa học chỉ có thể lý giải cách thức thế giới vận hành, nhưng không thể cho biết vì sao thế giới hiện hữu thay vì hư vô; nhưng chúng ta phải phản bác những câu chuyện méo mó, như tưởng tượng rằng thế giới được Thượng đế tạo ra khoảng chục nghìn năm về trước, hay những thuyết giảng cổ vũ cho lòng hận thù với những ai không tin tưởng vào các vị Thượng đế của mình.

Chỉ như vậy chúng ta mới có cơ hội đối diện với những thách thức của thế giới hôm nay. Và cho dù sự thoái trào của con người là không thể tránh được, rằng đây chỉ là lời nói dông dài của một ông già, thì ít nhất chúng ta hãy thoái trào với những con mắt mở rộng.□    

 

Thanh Xuân dịch

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)