Nhà nước vì dân như thế nào?

Thời đại ngày nay, bất cứ chính quyền nào do dân dựng lên đều vì dân cả, nhưng đó chỉ mới điều kiện cần, tức tiền đề, muốn biến thành hiện thực nhà nước đó phải có khả năng thực hiện, tức điều kiện đủ, vốn hoàn toàn tùy thuộc ý chí người dân cùng thiết chế bộ máy nhà nước đó.


Lúc 1 giờ sáng, ngày 17.6.2012, tại thành phố Leipzig, Đức, hàng xóm trong một chung cư phát hiện có mùi lạ nồng nặc từ căn hộ 2 phòng tầng trệt tràn ra cầu thang, liền gọi điện khẩn cho cảnh sát và cứu hoả tới. Phá cửa vào, đập vào mắt họ một thảm cảnh thương tâm, xác đứa con trai Kieron-Marcel 2 tuổi gục mặt vào xác người mẹ
Christin F, 26 tuổi, nằm còng queo trên lối vào phòng khách, lâu ngày đang thối rữa. Cảnh sát lập tức phong toả hiện trường điều tra án mạng. Khám nghiệm pháp y sau đó cho thấy, Christin F chết vào khoảng từ ngày 7-10.6, do sốc ma túy Intoxikation, hỗn hợp pha trộn giữa Heroin và Kokain. Mẹ mất, bé trai đói khát, gào khóc bên cạnh xác mẹ suốt 1 tuần rồi lả dần đến chết. Kết quả giải phẫu tử thi còn phát hiện được người mẹ đang mang thai nhi tháng thứ 3. Ba mạng người bị chết bỏ mặc, chấn động nước Đức, đánh vào ý thức, lương tri con người, gây sốc dân chúng, hầu như không ngày nào không được truyền thông đưa tin, với hàng loạt câu hỏi, xoáy quanh vấn đề cốt lõi, trách nhiệm nhà nước trước thảm kịch. Tại sao không hàng xóm nào đoái hoài tới vận mệnh đồng loại mình, mặc đưá bé 2 tuổi gào khóc khản cổ đến chết bên xác người mẹ, và căn hộ 3 mẹ con có dấu hiệu bất thường suốt cả tuần, trong khi luật pháp chế tài mọi hành vi bỏ mặc nạn nhân? Ba nhân mạng cũng là 3 đồng chủ nhân, nhân dân, sinh ra nhà nước không nhằm mục đích nào khác ngoài phục vụ cho chính họ. Bộ máy của nó ăn lương từ tiền thuế họ đóng, không được phép để chủ nhân của mình bị chết thảm bỏ mặc. Vậy ai là người đại diện pháp lý cho nhà nước, chịu trách nhiệm đó ? Tương lai của một đất nước bình đẳng bác ái sẽ ra sao, khi đưá bé sinh ra từ thân phận xã hội thấp kém bị chết thảm bỏ mặc?

Một khi nhà nước thực sự vì dân, thì nhân sự bộ máy của nó không thể không lên tiếng trước bất kỳ câu hỏi bức bách nào của người dân, bất kể họ là ai, nếu không sẽ bị chính thiết chế nhà nước đó tự động đào thải thay thế. Cơ quan liên đới đầu tiên, Viện Kiểm sát Leipzig lập tức ra tuyên bố cho điều tra mọi hướng, xem nhà chức trách có hành vi sao nhãng trách nhiệm, bỏ mặc nạn nhân hay không? Cơ quan hành pháp từ Thủ hiến tới Bộ trưởng Xã hội tiểu bang, yêu cầu Sở Thanh thiếu niên trình báo cáo chi tiết, để hội đồng chuyên môn của bộ giám định, nếu do lỗ hổng pháp lý thì phải bổ khuyết, nếu lỗi từ trách nhiệm cá nhân thì phải xử lý. Cấp thành phố, Hội đồng nhân dân phải cho họp phiên điều trần; Thị trưởng thành phố, đứng đầu cơ quan hành chính, gửi lời chia buồn tới thân nhân người bị nạn, khẳng định “không ai có thể làm ngơ trước vụ chết thảm này“.

Sở Thanh thiếu niên, Sở Y tế, Đặc trách giúp đỡ người nghiện, và Tổ chức dịch vụ xã hội ASD là những cơ quan hành chính chịu trách nhiệm hành xử, buộc phải tập hợp hồ sơ tường trình vụ việc. Theo tường trình, Christin F nghiện chích từ năm 16 tuổi,  đủ các loại ma túy; thành phố hỗ trợ tới 6 khoá cai nghiện, cả 6 lần tái phát. Tới ngày 16.4.2010, bé trai Kieron-Marcel chào đời, trở thành niềm hy vọng, an ủi, chỗ dựa tinh thần cho Christin F bắt đầu cuộc đời mới; Christin F luôn thích thú mang theo con khoe khắp bạn bè, nối lại quan hệ với mẹ mình vốn đã cắt đứt từ ngày bỏ nhà đi “bụi“. Ai cũng nghĩ may cho Christin F, nhưng đâu biết tình trạng nghiện chích vẫn chưa buông tha nạn nhân, một khi tái phát càng nghiệm trọng hơn. Chưa đầy 2 tháng sau, cả mẹ của Christin F , lẫn chủ cho thuê nhà ở, người trông trẻ giúp, phải báo động nhà chức trách về mệnh hệ đưá con bị đe doạ, khi Christin F, cao 1,65 m, nặng chỉ còn 40 kg, tỏ ra bị quá sức, không thể tự mang con tới người trông trẻ, bỏ nó ở nhà vất vưởng. Là cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em, Sở Thanh thiếu niên cùng Đặc trách giúp đỡ người nghiện lập tức đưa 2 mẹ con vào trại chăm sóc giúp đỡ thanh thiếu niên kể từ ngày 8.6.2010, tiếp đó cho học thực hành chương trình chăm nuôi con kéo dài không thời hạn, do ASD chịu trách nhiệm. Nhưng rồi từ cuối năm 2011, Christin F tự động bỏ ngang, hủy mọi lịch hẹn thực hành, mặc cho các cơ quan chức năng liên tục tới gặp gỡ yêu cầu; bác sỹ xét nghiệm nước tiểu cho biết, Christin F vẫn tiếp tục nghiện ma túy. Dùng dằng đến ngày 10.4.2012, Christin F mang theo bạn trai mới, tới ASD trình bày không tham gia khoá học nữa, và thông báo cả nhà sẽ chuyển chỗ ở tới thành phố khác. Sau 1 tiếng rưỡi phỏng vấn, nhân viên ASD ghi vào biên bản nhận xét sức khỏe 2 mẹ con tốt, và xoá tên khỏi danh sách chăm sóc, đồng nghĩa Sở Thanh thiếu niên hết trách nhiệm.

Giũ bỏ trách nhiệm không có nghĩa nó tự động mất.Người dân không thể chấp nhận một thảm kịch đã xảy ra ai cũng trông thấy, mà không nhà chức trách nào gánh chịu trách nhiệm. Một khi cấp hành xử khẳng định mình đúng luật, thì chỉ có thể văn bản lập quy hoặc lập pháp sai, tức người đứng đầu hành chính, hành pháp và lập pháp phải đối mặt.

Giám đốc Sở Thanh thiếu niên cho họp báo tường trình vụ việc đã tổng hợp, rồi kết luận, Sở ông không hề vi phạm chuẩn mực chuyên môn và các văn bản luật, nghĩa là không chịu trách nhiệm. Lập tức bị công luận bất bình lên tiếng phản bác dữ dội, cáo buộc Sở Thanh thiếu niên giũ bỏ trách nhiệm, đặt ra hàng loạt câu hỏi xoáy vào ngày 10.4.2012. Tại sao mới nghe nạn nhân nghiện chích trình bày, đã kết luận đứa trẻ không còn bị đe doạ mệnh hệ, không cần giám hộ tiếp? Tại sao không kiểm tra nạn nhân chuyển chỗ ở thực hay không? Tại sao 8 tuần liền không một nhà chức trách nào liên hệ với nạn nhân vốn được bác sỹ giám định đang nghiện?

Giũ bỏ trách nhiệm không có nghĩa nó tự động mất. Người dân không thể chấp nhận một thảm kịch đã xảy ra ai cũng trông thấy, mà không nhà chức trách nào gánh chịu trách nhiệm. Một khi cấp hành xử khẳng định mình đúng luật, thì chỉ có thể văn bản lập quy hoặc lập pháp sai, tức người đứng đầu hành chính, hành pháp và lập pháp phải đối mặt. Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố lập tức công bố quyết định thành lập một hội đồng giám định độc lập bao gồm các nhà khoa học, các bác sỹ, các nhà tâm lý học. Còn Bộ trưởng Nội vụ Tiểu bang bị điều trần trước Quốc hội về trách nhiệm phía cảnh sát. Các biên bản công vụ cảnh sát cho thấy, mấy tháng liền trước vụ chết thảm, tổng cộng 6 lần nạn nhân bị cơn nghiện hành hạ đập phá nhà cửa ầm ĩ hàng xóm, kèm theo mệnh hệ đứa trẻ bị đe doạ, được cảnh sát và bác sỹ cấp cứu tới can thiệp, và luôn báo kịp thời cho ASD. Chiếc thòng lọng trách nhiệm pháp lý trước thảm kịch đối với Chủ tịch thành phố, Sở Thanh thiếu niên đang siết dần, hiện chỉ chờ kết luận của hội đồng giám định.

Truy cứu trách nhiệm nhà chức trách không thể trông chờ vào mỗi bộ máy nhà nước vốn không thể nói trước không bao giờ trục trặc. Trong thể chế pháp quyền, đó còn là quyền cơ bản, tự bảo vệ của công dân trước sai phạm của nhà nước, pháp luật phải bảo hộ, trong xét xử được coi là đồng nguyên cáo với công tố. Của đau con xót, mẹ của Christin F lập tức đệ đơn kiện Chủ tịch thành phố, Giám đốc Sở Thanh thiếu niên và ASD, với cáo buộc tội hình sự bỏ mặc, gây hậu qủa chết người. Bằng chứng được đưa ra là cả người mẹ, lẫn chủ nhà cho thuê, người trông trẻ đã trình báo tình trạng nghiện chích của người mẹ đe doạ vận mệnh đứa con, với nhà chức trách, nhưng đã bỏ mặc dẫn tới thảm kịch. Các bị đơn lập tức bị Viện Kiểm sát cho điều tra phục vụ  khởi tố, thu thập chứng cứ, triệu tập thẩm vấn, thu giữ tài liệu…

Tuy nhiên, truy cứu trách nhiệm nhà chức trách dù nghiêm khắc tới đâu cũng chỉ là biện pháp chế tài để bảo đảm nhà nước luôn tự động vì dân, nhưng một khi thiệt hại đã xảy ra, cái người dân cần ở nguyên lý nhà nước vì dân chính là được bồi thường thiệt hại. Nước Đức sôi sục suốt từ đầu năm tới nay bởi hậu quả của nhóm cực hữu, NSU, sát hại tới 9 doanh nhân nhập cư Đức, xảy ra từ tháng  9.2000 – 6.2006, nhưng  mãi tới tháng 11.2011 nhà chức trách mới phát hiện được thủ phạm. Họ bị buộc gánh chịu trách nhiệm, phải thôi chức gồm: Chủ tịch Mật vụ Liên bang, mật vụ 2 tiểu bang, cùng Chủ tịch Cảnh sát Liên bang. Trước trách nhiệm không bảo vệ nổi quyền được sống cho 9 người dân, Chính phủ Đức phải công khai xin lỗi và chi ngân sách tới 486.440 Euro bồi thường cho gia đình họ, 10.000 Euro/ người cho vợ chồng con cái, 5.000 Euro/người cho anh chị em ruột, để chia sẻ giảm thiểu phần nào nỗi đau mất mát của họ.

Thời đại ngày nay, bất cứ chính quyền nào do dân dựng lên đều vì dân cả, nhưng đó chỉ mới điều kiện cần, tức tiền đề, muốn biến thành hiện thực nhà nước đó phải có khả năng thực hiện, tức điều kiện đủ, vốn hoàn toàn tùy thuộc ý chí người dân cùng thiết chế bộ máy nhà nước đó. Cũng như họ, ở ta  nhà nước được hiến định của dân do dân vì dân; vậy thực tế thiết chế bộ máy nhà nước họ đặt trách nhiệm hiến định đó lên “ đầu“ nhà chức trách liệu có thể  tham khảo để khắc phục tình trạng nhân sự bộ máy công quyền ta hiện nay như Nghị quyết Trung ương 4,  đã nêu, “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc“. “Không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm“. “Tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân“.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)