Nhân vật tiêu biểu của năm

Trong danh sách các ứng viên cho nhân vật tiêu biểu trong năm 2011 của Time, có các gương mặt như hoạ sĩ Ngải Vị Vị, công nương Anh Kate Middleton, dân biểu Mỹ Paul Ryan... nhưng tạp chí này lựa chọn những người biểu tình làm nhân vật tiêu biểu vì “họ thay đổi thế giới”.

Một năm nhìn lại, từ “biểu tình” đã xuất hiện trên báo chí theo cấp số nhân, nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào trong quá khứ. Người biểu tình đã chọn thể hiện sự dân chủ không phải ở các thùng phiếu mà ở đường phố. Hồi đầu năm, không ai có thể nghĩ là ngọn lửa tự thiêu của một anh bán hàng rong người Tunisia lại tạo nên làn sóng khởi nghĩa lan rộng, lật đổ các nhà độc tài và tạo nên phong trào biểu tình để bày tỏ sự bất đồng. Từ khu vực Arập, biểu tình lan sang châu Âu, châu Mỹ và ở Nga.

Nếu như người biểu tình ở Arập do chán ngán trước tình trạng chính trị độc đoán và kinh tế trì trệ trong nhiều thập niên, thì phong trào Chiếm phố Wall ở Mỹ thu hút nhiều người thuộc ngành nghề khác nhau, độ tuổi khác nhau và có chung cảm giác bị gạt ra bên lề từ sự thất bại kinh tế, hay bị đối đãi bất bình đẳng trong quá trình tái phân phối. Tại châu Âu, người Hy Lạp nổi loạn chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng, trong khi các công chức ở Anh thì đổ ra đường đình công vì quyết định cắt giảm ngân sách khổng lồ. Trên khắp lục địa cũ, nhiều chính phủ đã sụp đổ khi kinh tế sa sút, trao lại cho những thành viên đối lập một cơ hội để làm điều tốt hơn.

Tại Ấn Độ, lo ngại viễn cảnh kinh tế giữa người dân tầng lớp trung lưu kết hợp với sự phổ biến của mạng internet đã châm ngòi cho một phong trào quần chúng chống tham nhũng. Ở Nam Phi diễn ra sự phân cực trong nội bộ quốc hội vì tỷ lệ thất nghiệp của thanh thiếu niên quá cao, kết quả là một lãnh đạo thanh niên chủ chốt bị lật đổ.

Trung Quốc, được kỳ vọng là đầu tàu kinh tế của khu vực châu Á trong tương lai, đã buộc phải quan tâm đến sự bất ổn trong nước, đặc biệt về tình hình biểu tình lan rộng của công nhân và nông dân địa phương. Đầu tháng này, quan chức an ninh cao cấp nhất Trung Quốc, ông Chu Vĩnh Khang, đã cảnh báo đảng cầm quyền phải quan tâm đặc biệt đến “quản trị xã hội”.

Tạp chí Time ước tính, nếu gom chung lại tất cả những người biểu tình trên toàn thế giới sẽ đạt con số 3 tỉ, gần bằng một nửa tổng số dân hiện tại trên toàn thế giới.

“Liệu có phải đó là bước ngoặt của thế giới sau khi đã quá chán chường?”, thư ký toà soạn tạp chí Time, ông Rick Stengel nói. “Người dân ở khắp nơi đều nói rằng họ đã chịu đựng quá đủ. Họ phản đối, họ đòi hỏi. Họ không tỏ ra lùi bước ngay cả khi câu trả lời là những viên đạn hoặc hơi cay. Họ mang đến ý tưởng rằng một hành động cá nhân có thể dẫn tới sự thay đổi tập thể khổng lồ. Mặc dù cách hiểu tư tưởng này ở mỗi nơi sẽ khác nhau, nhưng ý tưởng về nền dân chủ đều hiện hữu ở bất kỳ cuộc tụ tập nào hiện nay”.

Từ “Mùa xuân Arập” đến “Chiếm phố Wall”, những người tham gia biểu tình trong năm 2011 chia sẻ một niềm tin rằng thể chế chính trị và nền kinh tế tại đất nước họ đã phát triển bất thường, tạo kẽ hở cho tham nhũng và lạm quyền nảy nở.

Tại những quốc gia đã xảy ra các cuộc biểu tình lớn trong năm qua, có điểm chung là sự bất mãn đã tích tụ âm ỉ trong nhiều năm, chỉ cần một ngọn lửa để thổi bùng lên. Cuộc khủng hoảng tài chính và tình trạng trì trệ kinh tế giống như “giọt nước tràn ly”, khiến người dân không thể tiếp tục bàng quan trước thế sự.

Các cuộc biểu tình năm 2011 đã chứng tỏ, hiệu ứng domino của làn sóng biểu tình có thể đem lại sự thay đổi ngoạn mục tại những quốc gia mà chế độ cầm quyền đã có hơn 30 – 40 năm cai trị và chủ quan rằng chiếc ghế của họ “vững như bàn thạch”, mọi cuộc nổi dậy đều có thể bị dập tắt từ trong trứng nước.

Bá Nha – Cảnh Toàn (Theo Time, SFGate, CSM)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)