Niềm vui trọ ở nơi đâu

Cô bạn hôm trước viết thư nhắn tôi rằng “bây giờ chuyện ảm đạm thì sẵn quá, anh có câu chuyện gì thắp niềm vui lên chút ít được không?” Cô ấy có lý thật. “Đời là bể khổ”, đi tìm khổ thì dễ quá à. Rất nên cố đi tìm được niềm vui. Niềm vui trọ ở nơi đâu?

Trong một dịp gặp gỡ bạn bè, tôi làm quen với Cécile, đọc ra tiếng mình thì là “Xê-xil”. Cô đang làm chuyến du lịch xuyên Việt.

Con người cô Cécile thật là dịu dàng, nhưng cái dịu dàng này lại làm cho người bắt chuyện phải bị dịu dàng theo. Rõ ràng đây là thứ dịu dàng có ma lực… Cuối buổi chuyện trò tôi mới biết ra rằng Cécile là cô giáo dạy nhạc lý, thú vị thế đấy. Cô rất thích tìm được những bài nhạc dân ca Việt xưa cho bộ sưu tầm của mình để dạy cho học viên, mở rộng miền thẩm mỹ. Tôi thì rất tò mò việc cô dạy các lớp nhạc lý như thế nào. Trước khi chia tay Cécile bảo “nếu anh có điều kiện qua Paris ít ngày, em mời anh vào dự lớp nhạc lý của em. Đây, em gửi lại email, chúng mình viết cho nhau nhé.”

Cuộc sống bận rộn đủ đường, những mẩu chuyện nhân khi gặp nhau thoáng qua như thế thông thường thì rồi cũng thành những chuyện đâu đâu.

Cuộc sống lại còn rất ngắn nữa.

Ấy thế mà tôi đã gặp lại Cécile! Ở đâu? Trong lớp học của cô!



Đúng dịp lưu lại ở Paris ít ngày, tôi báo cho Cécile, gọi là báo “vậy thôi”. Cécile nối lại ngay, và không quên lời mời dự lớp ngày nào. Cécile dặn “anh vào dự lớp, dù chỉ một lần, hay nhiều lần, anh không phải là khách, mà là học sinh của em. Như thế là thật chân nhất, là tự nhiên nhất, là vui nhã nhất.” “Tuyệt vời ý tưởng của Cécile! Tôi sẽ đến, và làm học trò trọn vẹn của Cécile!”

Đúng hẹn tôi đến cổng nhạc viện nọ, trước nửa giờ. Cécile ôm hôn chào đón tôi, hỏi thăm ríu rít đủ chuyện. Vào đến sảnh phòng thường trực, Cécile chỉ cho tôi hộp đàn guitar điện cùng một ampli “em mượn của nhạc viện, anh dùng trong giờ giảng của em.” Tôi trố mắt ngạc nhiên. “Lần trước gặp nhau anh chả chơi vui mấy bài với guitar là gì? Đến giờ rồi, chúng mình vào lớp nhé. Tôi được chứng nghiệm trở lại sự dịu dàng đầy quyền năng của Cécile.

Sau thủ tục giới thiệu, cả lớp sắp xếp nhạc cụ, sách vở. Nom lớp học thật vui! Quá nửa các bạn đều còn là học sinh phổ thông, lớn bé lệch nhau. Một bạn gái bé bỏng đánh vật với cái contrebasse ngật ngưỡng, một bạn trai cũng bỏng bé bê bê xếp xếp bộ trống cồng kềnh, cả hai đều rất tự lập. Còn lại thì sáo, kèn, violon, piano, accordéon, guitar… đủ cả. Một số bạn là sinh viên đại học. Vài bạn nữa thì là người đã đi làm, đứng tuổi, tham gia lớp như hoạt động ngoại khóa của mình.

Phần đầu buổi học dành cho ôn tập kiểm tra lại nhạc lý. Sự thể hiện tùy học viên chọn, bằng giọng hát, hoặc bằng nhạc cụ tự chọn, thể hiện cá nhân, và thể hiện cùng với một nhóm nhỏ, hoặc có khi có sự tham gia của tất cả mọi người. Các thể hiện này được mỗi học viên đề xuất cách thức. Cô Cécile phê duyệt nhanh nhẹn và chính xác các quyết định.
Có vẻ vì sự có mặt của tôi, phần thứ hai của lớp học chuyển sang chơi một bài nhạc mới dài mươi trang nhạc được cô đã chụp sẵn cho cả lớp. Mỗi người nhận bài đều nhận mươi cái tem bản quyền để dán lên các trang nhạc vừa được chụp. Nhà trường phát tem này cho các giảng viên, và về sau thì tôi được Cécile cho biết rằng trong học phí của các học viên có mục tiền đóng cho tem bản quyền.

Cécile phân tích một lượt toàn bộ bản nhạc, diễn giải qua giọng, rồi qua piano, lưu ý những đoạn khó và dễ nhầm. Tất cả chúng tôi xướng âm theo. Rồi Cécile cắt chia phần các đoạn bản nhạc cho từng nhóm chơi. Tôi được cắt cho nửa trang nhạc, đoạn không khó lắm với các motif lặp đi lặp lại. Hú vía! Lần lượt các khó khăn được thảo luận gọn gàng, được giải đáp, được thể hiện thử. Và chúng tôi nhích lên, nhích lên. Chúng tôi đã đi được một vòng đầy bất trắc. Rồi vòng hai. Vòng ba đã suôn sẻ hơn… Giờ học kết thúc thật là sáng tạo và vui vẻ bằng lượt chơi tự do lại bản nhạc đó tùy theo hứng thú diễn tả của các cá nhân, miễn là cấu trúc căn bản được tôn trọng.



Tan lớp Cécile mời tôi ra hàng càfé ở phố chếch bên cạnh.

– “Lớp học của Cécile thật là vui, thật là thiết thực. Tôi không nghĩ là giờ học nhạc lý lại dùng đủ các nhạc cụ như vậy.”

– “Nhạc lý là để chơi tốt được nhạc, chơi được một cách chính xác, nhanh nhất, hiệu quả nhất, vui thích nhất, và rồi chơi sáng tạo, chứ không phải là môn học chỉ để xóa mù chữ nốt nhạc và lấy cái tấm bằng. Song song với nhạc lý là các môn dạy nhạc cụ, thanh nhạc.

– “Chương trình cơ sở của nhạc lý gồm bao nhiêu năm?”

– “Tám năm ạ.”

– “Tức là nếu trẻ em cắp sách đến trường học chính quy, rồi cũng cắp sách đến trường nhạc, thì cuối cấp ba mới xong phần cơ sở nhạc lý à?”

– “Vâng, nếu không bị trượt năm nào ạ.”

– “Trường mình có bao nhiêu học sinh?”

– “Khoảng năm trăm, cho cụm năm mươi ngàn dân.”

– “Khắp vùng Paris này đều có các trường nhạc cho các cụm dân cư à?”

– “Vâng, rộng khắp, như một hệ thống trường song song với hệ thống trường phổ thông. Em cũng giảng dạy ở vài trường nhạc nữa ở gần đây. Số giờ dạy nhạc trong các trường phổ thông thì hạn chế, nên nếu các học sinh muốn phát triển xa hơn về âm nhạc thì chúng phải đến học ở những trường nhạc này. Thế mà luôn luôn thiếu chỗ anh à.”

– “Chơi nhạc ở đây thì sao?”

– “Các học viên bắt buộc phải tham gia một nhóm nào đó trong trường, như dàn cổ điển, hoặc các nhóm nhạc cụ, hoặc dàn jazz, hoặc các nhóm đồng ca, hoặc nhóm sáng tác rock, nhóm chơi ngẫu hứng, v.v. Các trường của các cụm dân cư gần nhau thường nối nhau thành một nhóm trường, học viên có thể lấy các môn phù hợp ở mỗi trường khác nhau mà chỉ cần trả một lần lệ phí hồ sơ chung. Chơi nhạc thì là khái niệm rộng hơn, có rất nhiều ‘nhà văn hóa’ ở các cụm dân cư, ở đó có các chương trình để chơi nhạc, ca hát, sáng tác, dựng sân khấu… có các giảng viên âm nhạc hướng dẫn, nhưng phần đào tạo thì bị hạn chế. Các ‘nhà văn hóa’ có đủ mọi loại hình hoạt động nghệ thuật khác nữa, như các nhóm viết văn, dựng kịch, hội họa, chụp ảnh, làm phim, diễn thuyết, nhảy, múa,… Đăng kí chỗ thì tự do, và có sẵn chỗ hơn.

– “Thế còn thể thao?”

– “Dạ, đó lại là một thế giới mênh mông khác nữa, có lẽ còn được đầu tư và phát triển hơn cả văn hóa nghệ thuật.”

– “Vậy thì trẻ em ở đây, đi học phổ thông, rồi đi học nghệ thuật, rồi lại đi học thể thao, thời giờ đâu mà thực hành tất cả những cái đó?”

– “Không chỉ trẻ em ạ, người lớn cũng vậy thôi, anh vừa thấy trong lớp đó, mà chính anh cũng vừa là một người như thế mà! Đi học phổ thông, đi làm, ấy là hoạt động ‘nghề nghiệp’. Sau giờ nghề nghiệp đó thì văn hóa nghệ thuật, thể thao là hoạt động ngoại khóa, hầu như ai cũng phải có, để gây dựng niềm vui, để hài hòa đời sống, để an lành xã hội, để mở mang tâm hồn. Các trường học phổ thông, trường đại học, hay các doanh nghiệp đều phải có lịch hoạt động sao cho hài hòa được với hệ thống hoạt động và đào tạo ngoại khóa. Lịch của nhà trường phổ thông là lịch chính, toàn bộ lịch của hoạt động xã hội căn cứ trên đó mà được xây dựng tiếp. Chương trình ở các trường phổ thông thì phải nhẹ nhàng, vì trẻ em đang ở tuổi có nhiều năng lực phải được mở mang một cách phong phú nhất, hiệu quả nhất.”

– “Ôi, đời sống được tổ chức vui quá nhỉ!”

– “Tháng năm tháng sáu ở đây bọn em siêu bận rộn, vì là mùa gặt của các hoạt động ngoại khóa. Đó là lúc thi cử ngoại khóa, hội diễn ngoại khóa, triển lãm ngoại khóa. Lịch này đã đồng bộ hóa được trên toàn châu Âu, dịp đó các hội diễn, triển lãm được tổ chức mời chéo nhau giữa các nước.

Em nghĩ đời sống cần được tổ chức để tạo nên được các năng lực nhằm ươm trồng niềm vui, và gặt hái được các niềm vui. Đến ngày nào đó chắc cần thiết phải đồng bộ hóa được ở khắp muôn nơi các nhịp điệu hoạt động của con người, để rồi mọi người trao đổi được các hoạt động rộng khắp với nhau.

– “Thế Cécile làm nghề nghệ thuật rồi, khỏi phải hoạt động ngoại khóa à?”

– “Anh coi thường em thế, em là võ sĩ judo đấy!”

Tôi ngắm nhìn lại mãi Cécile.

Tôi cứ bị ám ảnh mãi về cái dịu dàng quyền năng của Cécile! Bây giờ thì tôi thấy rõ hơn rồi. Đúng hơn, nó là cái quyền năng dịu dàng ở Cécile à!”

Cécile khẽ lắc đầu, nụ cười tươi tắn nở trên môi.



Chia tay Cécile ra về, tôi lơ mơ thấy ra niềm vui trọ ở nơi đâu.

Ở ươm trồng niềm vui, ở gặt hái niềm vui.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)