Nói chuyện “tham”, và “nhũng”
Ông Pháp Đàn qua chơi với Cụ Hinh, nhâm nhi tuần trà. Chợt lại có tiếng chuông. Ông Pháp Đàn xung phong ra mở cổng hộ, liền tóm được cô nhà báo Ti Tiêu đang mải miết bấm riết chuông. Rước cô Ti Tiêu vào nhà trò chuyện huyện loanh quanh một hồi, rồi đến vụ "đổi mới" của xứ sở.
“Chuyện này, dễ hiểu. Thời đó, các bác quan chức nghèo gần như người thường. Cho nên cuộc đổi mới ấy, đổi mới lần một có được cái động lực đồng thuận rất tự nhiên của toàn xã hội lúc đó”.
Ông Pháp Đàn ướm hỏi
Họ không có tiền thật à?”
“Vâng, thực quả là như thế, nhà thị trưởng thành phố Hà Nội cũng nuôi lợn chui ạ, thậm chí còn nuôi lợn trước cả dân thường trong phố. Quan chức họ cũng sạch tiền.”
Cụ Hinh gật gù.
“‘Túng’, thì đến ‘tính’. Một liều, ba bảy cũng liều”.
Ti Tiêu phân trần.
“Điểm sáng, là quan chức hồi đó khá trong sạch, ít tham nhũng.”
Ông Pháp Đàn đề nghị cụng ly.
“Ti Tiêu dùng chữ ‘tham nhũng’ như thế nào?”
“Dạ, tức là lấy trộm tiền, hoặc làm tiền ạ.”
Ông Pháp Đàn lắc đầu.
“Chữ tham nhũng là nói tắt, gộp hai khái niệm lại. Thực chất thì phức tạp hơn như thế”.
“Là thế nào ạ” – Ti Tiêu ngạc nhiên.
“Tham nhũng là tham ô, ở một bên, và nhũng nhiễu, ở bên kia. Tham ô là ăn tiền, ăn cắp. Nhũng nhiễu là làm ruỗng mọt một cấu trúc để thủ lợi. Tham ô đã nguy hại. Nhưng cái nhũng nhiễu mới là cái thứ làm đổ nát, ruỗng nát trật tự, về lâu dài”
“Chết, bác Pháp Đàn cũng biết cả chữ Hoa à?”
“Cũng có chút ít. Quan trọng hơn, đây là vấn đề khái niệm”.
“Vâng… “
“Cái tham ô, hay ăn cắp, là cái dễ làm, dễ lộ, dễ thấy. Cái đó nhẹ hay nặng, ít hay phổ biến, tuỳ từng mức độ mà ở đâu cũng có.
Cái nhũng nhiễu khó thấy, nó mờ mịt, nó tinh vi, nhưng mới là cái gây di căn ung nát. Nó có cả căn rễ tập tục, văn hoá rất xa xôi”.
“Ý bác Pháp Đàn là như thế nào, trong chuyện liên quan đến cuộc đổi mới lần một?”
“Thời đó tham ô, ăn cắp có thể còn rất hạn chế. Nhưng nếu người trong cuộc không nhìn thấy ra cái nền tảng của sự nhũng nhiễu đã thắng thế ngấm ngầm, thì đó là sự thất bại không phải của mỗi người, mà của toàn thể nền văn hóa toàn xã hội”
Cụ Hinh mời thêm tuần rượu “bác Pháp Đàn cứ tự nhiên nhé, mở tỏ câu chuyện cho chúng tôi”
“Các rường cột của một thiết chế xã hội là những nguyên lí không thể bị mặc cả. Từ những nguyên tắc độc lập tương tác của lập pháp, hành pháp, toà án, thông tin, cho đến việc tổ chức, hoạt động của bộ máy công quyền, rồi thi tuyển công chức, giáo dục, đào tạo… vân vân và vân vân, những thứ đó không thể bị nhũng nhiễu, nếu không thì trước sau toàn bộ thiết chế rường cột ấy sẽ bị rối loạn, bị sụp gãy. Một khi các tiêu chuẩn nước đôi, nước ba, nước gì cũng xong, được đưa thành ‘quy chế’, sự nhũng nhiễu đã lên ngôi. Điều này ứng cho mọi tổ chức xã hội.
Điều đó giải thích tại sao có những nơi trên thế giới có những xã hội khá là trong sạch về mặt tiền nong, nhưng rồi vẫn suy sụp, hỗn loạn, rồi đổ vỡ. Là vì sự nhũng nhiễu đã xói mòn sâu nặng vào cơ thể công quyền. Sự nhũng nhiễu có muôn dạng, nhưng chung quy là toàn bộ trật tự xã hội bị can thiệp vô nguyên tắc bởi những nhóm có thế lực riêng, dù là trong những xã hội sạch sẽ nhất về tiền nong nhất đi chăng nữa. Sạch sẽ về tiền nong không có nghĩa là sạch sẽ về tổ chức, vận hành”.
Cô Ti Tiêu cảm khái nâng cốc với ông Pháp Đàn, quên béng cả Cụ Hinh ngồi bên cạnh.
“Ôi, thú vị quá. Em chỉ quen nhìn thấy mỗi mặt tiền nong của chữ tham nhũng. Đúng thế nhỉ, tham thì ai mà chả có tí ti hay nhiều.
Ừ nhỉ, cái nền nếp qui củ của đời sống cộng đồng có duy dưỡng bảo trì được, hay là không, thì là ở chỗ cộng đồng con người ta có ý thức được, và bảo dưỡng được hay không các hệ thống thiết chế của đời sống, để chặn được chúng khỏi bị ăn ruỗng, bị sụp tàn, bị vô dụng hoá, bị vờ vịt hoá vì tập thói thờ sự nhũng nhiễu…
A, giờ thì em mới cảm hiểu thật rõ thêm, cái thói tập tục ngàn xưa ăn ruỗng vào văn hoá, cái ‘một người làm quan cả họ được nhờ’ ấy. Ồ, nó mới thật khủng khiếp ra làm sao”.