Oman – Câu chuyện cổ tích không hồi kết
Cái kiểu đi thăng bằng giữa truyền thống (thật ra là  cực kỳ truyền thống) và hiện đại (cũng vô cùng hiện đại), mà vẫn chân chất hồn nhiên, cộng với cái túi rủng rỉnh tiền của nhà giàu khiến Oman như một câu chuyện cổ tích sau bao nhiêu thăng trầm chiến trận đã đến hồi kết thúc có hậu.
Sau gần một tháng ở Dubai mà chạm mặt với chỉ vài người bản xứ (95% dân số Dubai là người nước ngoài), đặt chân đến Oman, tôi sung sướng thở phào nhẹ nhõm khi thấy mình được trở lại địa vị làm du khách, nghĩa là lại được nhìn ngó, được chào Hê-lô, được mời ăn chà là và bị tra hỏi tại sao đến giờ vẫn chưa lấy chồng (!) Tôi bất chợt nhận ra điều cốt lõi làm nên một nền văn hóa không phải là những đền đài thành quách hay công trình kỳ vĩ hoặc thiên nhiên tạo hóa đặc sắc. Du khách cảm nhận một đất nước từ chính những người dân bản xứ. Đứng cạnh một Dubai vàng son nhưng xa lạ như một thành phố nhân tạo, Oman thân ái đón khách vào nhà, vỗ về an ủi những kẻ du hành đường xa với tấm lòng hiếu khách chân thành và cái chân chất nông dân của một vị chủ nhà giàu có.
Oman là một vương quốc cực kỳ đặc biệt so với các nước vùng Vịnh. Dưới quyền cai trị của Sultan Qaboos, Oman chuyển dịch từ một thời kỳ hà khắc đến nỗi muốn đeo kính cũng phải có giấy phép (!) để bước chân hòa mình vào dòng chảy của thế giới. Chính sách đối ngoại của Oman phải nói là có một không hai trong cộng đồng các quốc gia Hồi giáo. Trong khi các quốc gia Ả Rập động tý là cắt đứt quan hệ, Oman chủ trương đường lối ôn hòa, làm bạn, thậm chí với cả Iran là một nước theo dòng Hồi giáo Shia chứ không phải Sunni như phần lớn các nước ở Trung Đông. Táo bạo hơn, khi quốc gia Do Thái Israel bị coi là “kẻ thù của toàn khối Ả Rập” thì Oman lại nhiệt thành bắt tay hợp tác.
Tuy nhiên, điều khiến Oman khác hẳn các quốc gia lềnh bềnh trong biển dầu là chính sách có tên gọi Oman hóa nền kinh tế (Omanization). Trong khi láng giềng Dubai và Saudi dựa dẫm phần lớn vào chất xám ngoại nhập, Oman dù bơi trong vũng dầu vẫn đầu tư mạnh vào giáo dục, quyết tâm không làm hư con dân. Vào năm 2000, số người nước ngoài ở Oman chiếm tới gần 85% lực lượng lao động trong các ban ngành. Không chậm trễ như các đế chế dầu mỏ khác, Sultan Qaboos lập tức đề ra một loạt các tiêu chuẩn bắt buộc các công ty và ban bệ phải Oman hóa, dần dần từ 10%, nơi nào càng Oman hóa nhanh và tốt thì càng được hưởng nhiều lợi tức của chính phủ. Quá trình này đẩy mạnh bình đẳng giới ở tốc độ quỷ khốc thần sầu. Oman từ một quốc gia phụ nữ chỉ ngồi nhà, sau hơn chục năm, phụ nữ chiếm hơn 30% lực lượng kiếm tiền; trong ngành kế toán ngân hàng, thậm chí phụ nữ còn lấn át cả đàn ông.
Vào một ngày đẹp trời, trong bữa trưa thân mật với viện trưởng Viện Khoa học Trung Đông Abdullah Al Sabahy, ông giáo sư đáng kính vừa sửa lại cái khăn đội đầu, nhìn trước ngó sau, rồi thì thầm với tôi, giọng vừa hài hước, vừa rất tủi thân: “Đàn ông Oman toàn bị bắt nạt thôi, trước chỉ có ở nhà mới cần gọi dạ bảo vâng, bây giờ ra đường cũng phải rón rén.” Tôi bật cười, nhớ tới Laila, cô bạn mới quen hiện là sếp hạng trung ở một công ty dầu mỏ. Đưa tôi về nhà chơi, bước qua bậu cửa là cô cởi phắt khăn trùm đầu và áo chùng đen, một bộ ngực phì nhiêu đập vào mắt tôi, căng mọng sau làn áo thun mỏng dính với hàng chữ gào lên đanh thép: “No man! No cry”1
Hiếm có thành phố hiện đại nào ở Trung Đông khiến tôi mềm lòng như Muscat. Hàng chục địa danh trên thế giới được cả người bản xứ lẫn du khách đặt cho biệt hiệu “Thành phố trắng”. Kể sơ sơ thì có Belgrade (Serbia), Ostuni (Italy), Arequipa (Peru), Lisbon (Bồ Đào Nha), hay Popayan (Colombia). Muscat – thủ phủ của Oman chưa bao giờ tự nhận là thành phố trắng nhưng có lẽ đây lại là thành phố duy nhất trên thế giới xứng đáng với tên gọi này. Chính quyền Oman rất quan tâm đến việc phát triển đất nước trong thế hòa hợp với thiên nhiên, quan tâm đến mức gần như quân phiệt, ra cả đạo luật chỉ cho phép người dân sơn nhà màu (be) trắng. Cách đây không lâu, tất cả các cửa sổ còn bị buộc phải có một cái mái vòm theo kiểu Oman truyền thống. Các tòa nhà chỉ được phép cao dưới chín tầng. Những thành phố của Oman nép vào lòng núi, trắng phau phau, xinh xắn thơm tho giữa bạt ngàn hoa lá như những ngôi nhà trong chuyện cổ tích. Thành phố vùng Vịnh nóng như thiêu như đốt tới 55 độ C trong bóng râm nhưng hoa nở tràn tung vỉa hè. Bọn trẻ con từ lúc bé tý đã hằng tuần được tổ chức đi dọn rác bãi biển. Cơ sở vật chất hiện đại hơn hẳn châu Âu nhưng người dân chất phác như nông dân, hầu như ai cũng mặc đồ truyền thống, khen cái gì đẹp là … cho luôn không tiếc. Đường xá của Oman mượt mà như dải lụa xuyên núi cắt sông.
Đọc Wikipedia thấy bảo tỷ lệ chết do tai nạn giao thông ở Oman đứng thứ nhì thế giới, tôi hết hồn tưởng các bác tài ở đây lạng lách giống Việt Nam. Tìm hiểu kỹ mới biết phần lớn tai nạn gây ra do tài xế… ngủ quên trên tay lái vì đường thênh thang quá (!) Đi vào quán ăn thấy dân Hồi Giáo áo dài quấn khăn gọi bia rượu cụng ly uống vô tư. Đi vào quán bar thấy các anh Hồi giáo cũng dài áo quấn khăn vừa cầm chai cồn vừa nhún nhảy theo Bon Jovi một cách nhiệt tình. Cái kiểu đi thăng bằng giữa truyền thống (thật ra là cực kỳ truyền thống) và hiện đại (cũng vô cùng hiện đại), mà vẫn chân chất hồn nhiên, cộng với cái túi rủng rỉnh tiền của nhà giàu khiến Oman như một câu chuyện cổ tích sau bao nhiêu thăng trầm chiến trận đã đến hồi kết thúc có hậu. Mụ phụ thủy gian ác đã phải đền tội còn các công chúa hoàng tử thì đang sống bên nhau đời đời hạnh phúc.
Nhà vua đức độ muôn năm
Ngày đầu tiên nghỉ lại thủ phủ Muscat, anh bạn mới quen Hilal quyết định cho tôi làm quen ngay với thần tượng số 1 của người dân Oman. Ảnh của ông có ở khắp mọi nơi. Ông cười rạng rỡ trên tường nhà, cửa sổ và kính chắn gió. Đi vào bất kỳ một văn phòng, khách sạn hoặc nhà hàng nào, nhìn quanh bạn cũng sẽ thấy hình ảnh ông hoặc là hoành tráng long lanh ở chính giữa đại sảnh, hoặc đôi khi chỉ là một bức ảnh nhỏ bằng bàn tay dán vội lên tường nhà bằng một miếng băng dính. Ông là vị Sultan quyền lực tối thượng của vương quốc: Sultan Qaboos. Sự yêu kính vô bờ bến của con dân đối với ông có lẽ còn hơn cả người Thái yêu vua Bhumibol Adulyadej, đơn giản vì vua Thái chỉ lãnh đạo về tinh thần còn Sultan Qaboos thì dám cả gan truất ngôi vua cha, cải cách đất nước. Vào năm 1970, Oman chỉ có ba trường học, 1.000 học sinh, hai bệnh viện và 10km đường quốc lộ. 40 năm sau, Oman có hơn 1.000 trường học, xếp thứ tám trên thế giới về chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Sự trân trọng đối với Sultan lây lan nhiệt tình sang cả cộng đồng người nước ngoài. Tôi chưa thấy bất kỳ một ai nói gì xấu về Sultan, thậm chí những quán ăn ngoại quốc cũng tự nguyện treo hình ông. Bữa tối của tôi và anh bạn Hilal diễn ra tại một nhà hàng mà ông chủ đã thành kính biến toàn bộ sảnh ăn chính thành viện bảo tàng với gần 500 bức ảnh của Sultan Qaboos. Trong lúc chúng tôi hí húi ăn uống, một đoàn các bô lão ở quê ra thăm thành phố lọm khọm chống gậy ghé sát vào từng tấm ảnh, mắt rưng rưng sùng kính. Khi tôi hỏi tại sao không phải dân Oman mà cũng sùng bái Qaboos vậy, vị chủ nhà hàng không nói gì, chỉ đặt tay lên ngực. Đúng là sến, nhưng mà cũng thật ơi là thật!
Năm 2012 khi mùa xuân Ả Rập cao trào, một nhóm biểu tình đã khuấy động Oman nhưng không mảy may động chạm đến vị Sultan cha già dân tộc. Thậm chí ít lâu sau đó, một bức thư dài được đăng trên Thời báo New York giãi bày cho cả thế giới biết rằng: Chúng tôi ở Oman hối hận lắm, rằng đã phụ lòng thương mến của Sultan mà mấy đứa láo lếu kia cả gan xúc phạm Người, rằng ở đâu mùa xuân Ả Rập muốn đánh đổ độc tài chứ ở Oman chúng tôi chỉ muốn nhà độc tài của mình sống lâu đời đời. Nếu mà không tận mắt nhìn thấy cuộc sống ở Oman và tình cảm người dân dành cho ông thì hẳn tôi đã phì cười. Nhưng mà đó là sự thật, một người bạn tôi thậm chí hưng phấn về điều này đến mức đang lái xe đưa tôi đi chơi mà anh bỏ cả vô-lăng, hai tay chém không khí phần phật: “Chúng tôi không cần dân chủ! Chúng tôi chỉ cần một nhà độc tài tốt bụng.”
Sự thực là những cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Oman luôn đi kèm các khẩu hiệu đại loại: “Sultan! Chúng tôi nguyện hy sinh máu, thể xác và linh hồn để phục vụ Người”. Trong cả một dải Trung Đông bị làm cho be bét bởi các nhà độc tài, chỉ có hai quốc gia người dân tuyệt đối trung thành với nhà vua nhưng vẫn yêu cầu một thể chế dân chủ hơn, đó là Oman và Jordan. Ở thủ phủ Amman của Jordan, tôi đã chứng kiến cuộc tuần hành dân chủ đòi cải cách nhà nước với cả ngàn người được dẫn đầu bởi một một lá cờ mỗi chiều hơn 10m in hình ảnh nhà vua. Những cuộc nói chuyện với bạn bè khắp Trung Đông luôn xuất hiện số ít vài nhân vật với quan điểm cho rằng người dân ở đây sống theo thói quen bộ lạc nên luôn cần người dẫn dắt. Vả lại, họ đã quá quen với chế độ độc tài và hoàn toàn chưa có khả năng thực hiện quyền và nghĩa vụ dân chủ. Một người bạn ở Libya khi được hỏi “Gaddafi chết rồi chắc đất nước sẽ có hy vọng hơn” đã trả lời thẳng thắn: “Thật ra tôi đang chờ một nhà độc tài mới có tâm với đất nước hơn.”
Trở lại chuyện của Sultan, tôi đã kể với các bạn chi tiết ông hoàng Qaboos bị đồn là đồng tính chưa nhỉ?
Vào những năm đầu tiên tại vị, chàng trai trẻ tuổi Qaboos chia sẻ quyền điều hành một đất nước vẫn còn khá hỗn loạn sau những năm tháng chiến tranh với ông bác ruột tên là Tariq Ibn Taymur. Tuy nhiên, sự cộng tác không được dài lâu vì Taymur ngày càng nắm nhiều quyền lực. Không lâu sau, hai người dàn hòa, và theo đúng truyền thống bộ lạc của thế giới Ả Rập, sự dàn hòa này được xác lập bằng một đám cưới, cụ thể là vị Sultan 36 tuổi chính thức lấy con gái của Taymur, em họ của mình, khi đó vẫn còn là cô bé Kamila 14 tuổi về làm hoàng hậu. Cuộc hôn nhân kéo dài được vài năm thì hai người chia tay. Và vị Suntal giàu có, đẹp trai, tài năng của chúng ta đã sống hơn 30 năm qua đơn độc một mình.
Đấy là phiên bản chính thức, còn phiên bản lê la của quán sá thì Qaboos có một đội ngũ cảnh vệ gồm 700 thanh niên đẹp trai lung linh. Trong harem của ông có cả phụ nữ, nhưng dân tình đồn rằng những cô gái này chỉ được thuê để che mắt thiên hạ. Bản thân vị Sultan lúc nào trông cũng nhân từ và đẹp trai ngời ngời dù đã gần 70 cái xuân xanh. Hàm râu quai nón trắng như tuyết, nhưng tôi “bắt quả tang” lông mày của ông trăm bức ảnh như một đều được nhuộm xanh rì. Bạn bè người nước ngoài ở Oman thì bán tín bán nghi, nhưng lũ bạn người bản xứ khi được hỏi thì một mực cho rằng Qaboos không thể nào là gay được, ông ấy tốt thế cơ mà, giỏi thế cơ mà, đáng phục thế cơ mà (!) Kết luận: Sultan rất có thể đang chọc ngoáy đám trai đẹp tý chút, nhưng điều đó được coi như một thú vui cá nhân hơn là sự “lệch lạc” về giới tính.
Hilal tất nhiên là không mặn mà lắm với câu hỏi tế nhị của tôi về cái việc ai ở Oman cũng băn khoăn lo lắng nhưng không ai dám nói ra, cứ như thể có một con voi trong phòng khách2, to lớn khổng lồ nhưng ai cũng giả vờ như không nhìn thấy. Sultan thì già rồi, hoàng hậu thì ly dị lâu rồi, con cái thì không có, ai sẽ là người kế nghiệp đây? Cái sự thành công nhanh chóng, rực rỡ mà vẫn rất bình hòa của Oman đều do một tay Sultan sắp đặt. Nhiều người lo Oman sẽ loạn to khi Sultan về chầu giời, Hilal thì đặt tay lên ngực nói đơn giản: “Chúng tôi yêu và tin Sultan. Chúng tôi tin rằng ông sẽ sắp đặt mọi việc đâu vào đấy. Việc Sultan là gay hay không thì nói thực là tôi chẳng quan tâm”.
Hậu duệ của “những kẻ bỏ ra đi”
Tôi cười xòa khi Hilal nói là anh ấy “không quan tâm”. Vấn đề là bản thân tôi thì lại rất quan tâm. Tại sao? Bởi câu hỏi ai kế vị luôn là đầu mối của phần lớn các cuộc binh đao, và một trong những cuộc binh đao lớn nhất, tàn khốc nhất, lâu đời nhất thế giới, cho đến tận bây giờ vẫn tiếp tục đổ cả biển máu bắt nguồn từ chính câu hỏi không có lời giải đáp này.
Trở lại gần 1.400 năm trước, từ sau khi người vợ yêu Khadija hơn ông tới 15 tuổi qua đời, Muhammad đã cưới thêm hơn một chục bà vợ khác, hầu như tất cả đều là quả phụ hoặc li dị chồng, ngoại trừ một người vợ còn rất trẻ, được gia đình đính hôn từ khi mới lên 6 tuổi tên là Aisha, được Muhammad đặc biệt yêu quý. Thời xa xưa, những cuộc hôn nhân diễn ra không chỉ vì những tiếng gọi ngắn dài từ trái tim, mà phần lớn còn bởi các lý do chính trị, đoàn kết bộ lạc. Muhammad với sứ mạng thống nhất các bộ lạc Ả Rập dưới ngôi tôn giáo mới thậm chí tự cho mình quyền được phá luật, không giới hạn số vợ được cưới. Tuy nhiên, không một ai trong số hơn chục bà vợ này, kể cả Aisha từ lúc chính thức dậy thì và về ở cùng với Muhammad, đẻ cho ông thêm một đứa con nào. Fatimah trở thành cô con gái duy nhất mang dòng máu của vị thiên sứ với người vợ đầu tiên đã khuất Khadija3.
Năm 62 tuổi, Muhammad nhắm mắt xuôi tay, để lại một di sản khổng lồ gồm cả vùng bán đảo Ả Rập thống nhất dưới một tôn giáo có tên là Islam. Truyền thuyết kể rằng trong phút cuối đời, ông yêu cầu đem giấy bút đến bên giường bệnh để viết di chúc, nhưng các bà vợ và kẻ thân cận bị cuốn theo những ý đồ quyền lực ngấm ngầm đã không làm như lời yêu cầu. Muhammad trút hơi thở cuối cùng mà không hoàn toàn nói rõ ai sẽ là người kế vị.
Nếu Muhammad có một cậu con trai, hẳn là bộ mặt thế giới của chúng ta bây giờ đã khác.
Người đàn ông có quan hệ dòng tộc gần gũi nhất với Muhammad là một cậu bé tên Ali, cháu bên đằng họ nội và cũng là con nuôi của Muhammad. Ali là một chiến binh nổi tiếng oai dũng và là một nhà thơ tài năng. Anh đại diện cho mẫu đàn ông Ả Rập toàn tài với trí óc sáng trong, trái tim nhân văn và bàn tay sắt thép. Khi anh kết hôn với Fatimah, trở thành con rể của Muhammad và đem lại cho ông năm đứa cháu ngoại thì ai cũng cho rằng chính anh sẽ là người kế vị. Tuy nhiên, khi thiên sứ qua đời, trong khi Ali còn đang than khóc và chuẩn bị lễ mai táng thì những cận thần thân tín của Muhammad họp nhau lại và chỉ định người kế vị là Abu Bakr, chính là bố đẻ của cô vợ trẻ Aisha. Vị caliph này trước khi băng hà lại tự chỉ định Umar – cũng là một trong rất nhiều bố vợ của Muhammad – kế ngôi. Khi Umar bị ám sát, vị caliph thứ ba được chọn vẫn không phải là Ali mà là Uthman. Bị liên tục đẩy ra ngoài, không những một lần mà đến tận ba lần liên tiếp, trong suốt 24 năm sau ngày Muhammad qua đời, Ali ngậm đắng nuốt cay, kiên quyết không bạo loạn vì sự bình yên và thống nhất của đế chế. Chỉ đến khi Uthman bị quân nổi dậy xông vào tận hoàng cung giết chết vì sự xa hoa và nhu nhược thì Ali mới được tôn vinh lên làm người lãnh đạo của Islam.
Tuy nhiên, Ali lên cầm quyền thừa hưởng một thế giới Hồi giáo chia cắt với những kẻ lãnh đạo đầy mưu mô và phản phúc. Một trong số đó là thống đốc vùng Syria tên là Muawiyah, kẻ nhất định không công nhận ngôi caliph của Ali nhưng cũng là kẻ hèn nhát khi không dám nhận lời thách đấu trực tiếp của Ali nhằm tránh tổn thương cho quân lính. Tại trận Siffin, khi đã ở bên bờ vực của đại bại, quân lính Muawiyah được lệnh không đầu hàng mà giắt lên đầu ngọn giáo những cuốn kinh Quran và kêu gọi hãy để cho Thượng Đế nói lời phán quyết. Lần đầu tiên trong lịch sử, cuốn thánh kinh tôn giáo đóng vai trò quyền năng chính trị.
Dù đã nhìn thấu mưu chước của Muawiyah nhưng dưới sức ép của chính quân đội mình, Ali buộc phải chấp nhận cử đại diện vào hội đồng phân xử, và sau đó bị phe của chính mình phản bội. Với nhận định cho rằng tôn giáo đã trở nên vấy bẩn bởi ý chí của con người, khoảng hơn 10.000 quân lính tách khỏi cộng đồng, lập nên tổ chức Hồi giáo Khawarij, trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “Những kẻ bỏ ra đi”.
Sự tàn khốc và khát máu của Khawarij khiến cả vùng bán đảo Ả Rập phải ghê sợ. Bất kỳ ai trên sa mạc cũng đều có thể bị chặn đường và buộc phải trả lời một câu hỏi bất kỳ về Islam và lòng trung thành. Chỉ cần một câu ủng hộ Ali, hay một lời đáp sai giáo án là kẻ du hành xấu số bị tuyên bố là kafir4 và bị giết không thương tiếc. Chẳng bao lâu sau, đến chính cả caliph Ali cũng bị Khawarij ám sát. Sau cái chết của Ali, không phải là những kẻ cực đoan Khawarij mà lại là những người cầm quyền chính thống của Hồi giáo đẩy gia đình ông phải chịu nhiều cảnh vô cùng thảm thương. Chỉ chưa đầy 50 năm sau khi Muhammad băng hà, cháu ngoại của vị thiên sứ người thì bị đồn là đầu độc mà chết, người thì bị chặt đầu cắm vào ngọn giáo bêu riếu trong kinh thành, những cháu gái của ông chân đeo gông xiềng lê lết trên cát bỏng sa mạc bước theo sau ngọn giáo xuyên qua đầu cha còn rỏ máu, chịu nhục hình trước mặt những caliph mới. Trên danh nghĩa Hồi giáo thiêng liêng, trớ trêu thay, gia đình máu mủ của chính người khai sinh ra Hồi giáo lại bị tàn sát vô cùng man rợ.
Nếu không có những giọt máu và sự tàn khốc này, hẳn Hồi giáo đã không bị chia cắt đến gần như đứt lìa suốt gần 1.400 năm qua. Nhóm người Hồi ủng hộ Ali và cho rằng lãnh đạo tôn giáo phải là những người thuộc dòng tộc của thiên sứ Muhammad dần dần hình thành nên nhánh Shia, tiếng Ả Rập có nghĩa là những người đi theo Ali. Nhóm còn lại cho rằng dòng tộc máu mủ không quan trọng mà cách sống và phẩm chất đạo đức mới quyết định ai là người lãnh đạo. Họ hình thành nên nhánh Hồi giáo Sunni, tiếng Ả Rập có nghĩa là những người tuân theo lời dạy (sunnah) của thiên sứ Muhammad.
Thế còn những kẻ đã ám hại Ali, những tín đồ Hồi giáo nhân danh thánh kinh Quran sẵn sàng hạ sát bất kỳ ai không cùng chính kiến?
Họ dạt xuống Oman.
Hồi sinh
Khó có thể tin rằng những hậu duệ cuối cùng của Khawarij lại chính là vị Sultan nhìn hiền như ông Bụt, là một vương quốc Hồi giáo đầy khoan dung với những ông chồng lúc nào cũng tay bồng tay bế trẻ con để cho vợ đi tay không, là những quán bar rượu bia xả phanh và các cậu choai choai miệng cười bẽn lẽn. Ngày cuối cùng trước khi rời Oman, tôi gặp Khalid, người đầu tiên cắm cờ Oman trên đỉnh Everest, hiện là cố vấn cao cấp của Bộ Giáo dục Oman. Khi tôi ngỏ ý ca ngợi sự khác nhau một trời một vực giữa Hồi giáo của tổ tiên Khawarij và Hồi giáo dòng Ibadi hiện tại ở Oman, Khalid liếc xéo tôi một cái rồi nhướng mày hỏi: “Thật ư?”
Khi ấy, chúng tôi đang lái xe xuyên qua khuôn viên thênh thang như một thành phố của Sultan Qaboos University – trường đại học đầu tiên của Oman mới hơn 20 năm tuổi. Khalid dừng xe, bảo tôi nhìn về ngã tư phía trước nơi hàng trăm nữ sinh đang túa ra khỏi giảng đường, xôn xao đen kịt cả một vùng. Anh chùng giọng hỏi tôi: “Mai đã đến Nizwa, Shalalah và rất nhiều nơi khác của Oman, Mai có chú ý đến những trang phục của phụ nữ nơi đó không?”
Tôi chợt hiểu ý của Khalid. Quả thật những phụ nữ Oman miền quê có cách ăn bận vô cùng độc đáo. Và không chỉ có phụ nữ Oman, mỗi bộ lạc của Trung Đông đều có một kho báu về vô số chủng loại phục trang, quần áo đầy màu sắc và cá tính. Tuy nhiên, chỉ cần vươn ra đến gần thành phố là mắt người đi đường tối sầm lại vì những bộ áo chùng đen abaya mà ở đâu cũng hệt như nhau: Dubai, Oman, Ai Cập, Jordan, Yemen… Khắp cả Trung Đông, phụ nữ trút bỏ dần xiêm y lộng lẫy của thời ông bà cha mẹ và khoác lên vai “tấm vải liệm” (từ của Khalid) đen xì vô danh tính. Không hẹn mà cùng nhịp, cả tôi và Khalid thốt nhiên lẩm bẩm trong miệng: “Wahhabi”.
Sự thật đã quá rõ ràng. Mặc dù hậu duệ sinh học của Khawarij tồn tại ở Oman, nhưng kẻ nối ngôi “xứng đáng” nhất của tinh thần Khawarij lại chính là dòng Hồi giáo Wahhabi ở Saudi. Sự cực đoan của Wahhabism được phát tán ra khắp Trung Đông và thế giới phương Tây, viền bằng hào quang và uy lực thần bí của một thứ Hồi giáo nhân danh sự chân chính của tín ngưỡng và tính chính thống của vùng đất khai sáng. Khi những người phụ nữ Saudi dưới ảnh hưởng của Wahhabism từ bỏ quần áo truyền thống và quấn quanh mình chiếc áo chùng đen che kín mặt, hình ảnh đen thui rũ bỏ sạch sành sanh mọi dấu vết văn hóa truyền thống ấy được tôn sùng lên thành sự tinh khiết đến tận cùng của tôn giáo. Vượt qua biên giới, chiếc áo đen với sức mạnh của đồng đô-la dầu mỏ từng bước Wahhabi-hóa những thánh đường Hồi giáo cổ truyền, xóa bỏ dần dần từng lớp văn hóa quốc gia, biến mỗi phụ nữ thành một câu khẩu hiệu tôn giáo chói tai khi cô ấy cùng hàng triệu, chục triệu phụ nữ khác tự nguyện khoác lên mình bộ đồng phục đen như một dấu hiệu thần phục sức mạnh tôn giáo của nhà Saud.
“Mặc áo đen thì suy nghĩ cũng sẽ có màu u ám tiêu cực” – Khalid thở dài thườn thượt. Anh kể cho tôi nghe về cô vợ yêu của mình, năn nỉ cách nào cũng vẫn chui vào cái “khăn liệm” màu tang tóc. Cứ như một cơn dịch tràn lan không thuốc chữa. Những dải áo kim sa lộng lẫy chỉ còn là ký ức trong các lễ hội xa xôi.
Rồi dường như muốn để tôi chạm sàn thực tế thêm một chút nữa, Khalid nhắc tôi nhớ cho rằng Oman từng là một quốc gia giàu có bậc nhất thế giới tiên phong trong nghề hàng hải. Có một thời điểm trong quá khứ, Oman đã vượt biển đô hộ và thống trị hơn 10% diện tích châu Phi. Cách Muscat không xa là Sohar, quê hương của chàng thủy thủ Sinbad lừng danh trong Nghìn lẻ một đêm với những cuộc phiên lưu mạo hiểm khắp chân trời góc bể. Vậy mà bây giờ với đống tiền dầu lửa, đám trẻ ai cũng chỉ mong kiếm được việc làm trong cơ quan nhà nước.
“Chán!” – Khalid buông một câu.
“Chán!” – tôi cũng thầm nghĩ trong đầu, liên tưởng đến một vài người quen biết ở nhà.
Tôi từng tủi thân nghĩ đất nước dài rộng quấn quanh biển Đông mà sao lịch sử Việt Nam không thấy có trang sử hàng hải huy hoàng. Mỗi lần về nhà bảo bạn bè tao tiêu hết tiền vào đi du lịch thì bị chê là khùng. Tục ngữ có câu Đi một ngày đàng học một sàng khôn nhưng mấy nghìn năm chẳng đi qua nổi mấy lũy tre làng. Hay là tại chiến trận liên miên? Hay là tại tâm tính dân tộc không khát khao thách thức, ưa việc làm nông quanh con trâu cái cày hơn là đóng thuyền vượt trùng khơi, bất chấp thế đất thế nước thiên thời địa lợi, bất chấp thiên nhiên mời gọi giục giã?
“Thôi mà!”- Khalid phì cười an ủi – “Đến một đất nước tiên phong về hàng hải với huyền thoại Sinbad còn như thế này nữa là… Cái gì cũng phải từ từ. Mình cứ phải làm tốt những gì mình được dạy thôi. Cô là người cầm bút thì sao không viết lấy một bài. Biết đâu mấy bạn trẻ ở Việt Nam sẽ rút kinh nghiệm được điều gì đó từ đất nước chúng tôi?”
Tôi vẫn nghĩ về Oman như một Trung Đông thần tiên, nhưng là kiểu thần tiên cổ tích của Andersen: đẹp, khắc khoải, và hình như không bao giờ kết thúc. Tôi cũng không còn thích cái kết đời đời hạnh phúc nữa. Phải có một tý phù thủy bạn ạ. Phải có một tý phù thủy để chân tay còn biết động đậy, trí óc còn biết đấu tranh, trái tim còn biết phân biệt tốt xấu.
Và chương này viết theo yêu cầu của Khalid, người đang mải miết chinh phục những đỉnh núi mới.
—-
Năm 2012, tác giả Nguyễn Phương Mai đã thực hiện một hành trình dọc Trung Đông để nghiên cứu về Hồi giáo. Loạt bài bắt đầu khởi đăng từ số tháng 11. Độc giả có thể trao đổi với tác giả tại www.facebook.com/dr.nguyenphuongmai
Kỳ sau: Li-băng
–—
1 Không có đàn ông thì cũng chẳng có nước mắt.
2 Elephant in the room – Ngạn ngữ Anh
3 Xem thêm chú thích số 1 kỳ 1: Trung Đông cấm cung
4 Kẻ vô đạo, phản đạo