Ông nói gà, bà nói vịt. Vì sao?

Mấy năm qua đã có rất nhiều ý kiến khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự cần thiết phải xây dựng đại học có chất lượng cao (thường được gọi là “có đẳng cấp quốc tế”) và cùng với chuyện này là yêu cầu nghiên cứu khoa học đối với các giảng viên đại học. Những ý kiến này, phản ánh tâm tư của những nhóm người trong xã hội có lợi ích khác nhau. Mỗi nhóm ý kiến đều chứa đựng “sự thật” nào đó, nhưng vì lợi ích riêng mà không muốn nhìn nhận những khía cạnh khác của “sự thật”. Đối thoại như thế thật khó đi đến đồng thuận cho một giải pháp nào đó.

Các lập luận nêu ra đều dựa trên sự so sánh với các đại học của nước ngoài, nhưng chỉ là những so sánh hiện tượng. Đại loại như là các giáo sư nước ngoài được trả lương thế nào, được cung cấp các thiết bị thí nghiệm ra sao, các chuẩn mực khách quan đánh giá nghiên cứu khoa học là dựa trên số lượng các công trình được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín… Việc so sánh như thế là rất cần thiết vì tạo nên bức tranh tương phản đập ngay vào mắt mọi người và do đó có tính thuyết phục cao. Tuy nhiên, những thảo luận như vậy vẫn để ra ngoài một vấn đề cực kỳ quan trọng: đại học của mỗi nước đã được hình thành trong những điều kiện lịch sử cụ thể của nước đó để đáp ứng một nhu cầu phát triển văn hóa nhất định nào đó của họ; bản thân đại học ấy cũng biến đổi cùng với các biến đổi xã hội của họ. Lẽ dĩ nhiên các nước có chung một nền văn minh (như Bắc Mỹ và Tây Âu) có rất nhiều đặc điểm chung và không nhất thiết phải để ý đến các nét độc đáo riêng của từng đại học khi so sánh họ với ta. Nhưng ta lại là một nước có văn hóa khác phương Tây và chưa có sự hiểu biết sâu về văn hóa phương Tây (sự hiểu biết thông qua công việc nghiên cứu nghiêm túc của các chuyên gia chứ không phải những ấn tượng thu thập được qua những chuyến tham quan du lịch).
Tôi chắc rằng những người tham gia thảo luận đều có những minh định ngầm ẩn nào đấy, nhưng tôi e rằng chính những minh định ngầm ẩn ấy lại rất khác biệt nhau ở những nhóm người khác nhau. Vì vậy mà cuộc thảo luận về cùng một chủ đề lại có thể biến thành chuyện “ông nói gà bà nói vịt”. Để minh họa cho ý đó tôi xin tạm chia các ý kiến tham gia thảo luận thành các nhóm như sau:
1) Nhóm I – Đại học của ta thời gian qua đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt được những thành tựu đáng kể; tuy nhiên đứng trước nhiệm vụ hiện đại hóa của đất nước thì còn nhiều bất cập cần phải khắc phục. Những bất cập ấy là: phương pháp giảng dạy lạc hậu, trình độ cán bộ giảng dạy còn thấp, thiết bị thí nghiệm thiếu thốn; đời sống cán bộ khó khăn, thời gian đứng lớp nhiều nên thiếu thời gian dành cho nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ giảng dạy… Giải pháp là tăng cường đầu tư cho giáo dục kết hợp với xã hội hóa giáo dục, động viên cán bộ giảng dạy nâng cao trình độ chuyên môn và tham gia nghiên cứu khoa học. Một số phân vân mang tính kỹ thuật: trả lương cho giáo sư bao nhiêu thì đủ để có người tài, những tiêu chí nào cần đưa ra để xác định người tài…
2) Nhóm II – Nêu ra những bức xúc của xã hội trước thực trạng giáo dục: mua bán bằng cấp, gian lận trong thi cử, phương pháp giảng dạy nhồi nhét, chi phí cho việc học mỗi lúc mỗi tăng, ra trường không kiếm được việc làm, kiến thức thu nhận được ở trường không áp dụng được vào nghề nghiệp. Bày tỏ sự thất vọng với chất lượng của đại học và nghiên cứu khoa học một cách trực tiếp hay gián tiếp thông qua việc ca ngợi những thành tích khoa học của giới “phi hàn lâm”: các “Hai Lúa” làm máy bay, một người không qua đào tạo khoa học vật lý phá đổ lý thuyết của Einstein…

 Cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động tiên tiến, đội ngũ cán bộ khoa học mạnh cùng với chính sách ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất – kỹ thuật là những yếu tố then chốt đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo và NCKH của ĐHQGHN. (Phát biểu của GS. Đào Trọng Thi trong buổi làm việc với Chủ tịch nước Nguyễn Minh triết tại ĐH QG Hà Nội).

3) Nhóm III – Phê phán triệt để cung cách quản lý giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học như nguyên nhân chính của tình trạng kém chất lượng trong giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học: người có tài không được trọng dụng, giảng viên đại học có nghiên cứu khoa học hay không cũng được trả lương như nhau, nghiệm thu các đề tài khoa học một cách tù mù, không có tiêu chí khách quan, người kém hiểu biết ngồi phán xét người hiểu biết…
Để khắc phục tình trạng này tôi thấy cần lưu ý đến một đề nghị rất quan trọng của Giáo sư vật lý Pierre Darriulat trong bản góp ý của ông đối với giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học của Việt Nam (Tia Sáng số 13- 5.7.2007) như sau:
“Có một số câu hỏi cơ bản cần được trả lời nhằm định ra một cơ cấu cho đại học và nghiên cứu có thể phát triển. Những câu hỏi đó là: “Vì sao Việt Nam cần trường đại học?” và “Vì sao Việt Nam cần nghiên cứu khoa học?”. Đó không phải là những câu hỏi tầm thường; các nước khác nhau có những câu trả lời khác nhau, thậm chí một nước cũng có những câu trả lời khác nhau tùy theo các giai đoạn lịch sử. Chỉ khi nào trả lời được những câu hỏi đó mới có hy vọng trả lời được các hệ quả: “Việt Nam cần những trường đại học kiểu gì?” và “Việt Nam cần nghiên cứu khoa học kiểu gì?”. Những câu trả lời phản ánh hình thái xã hội mà người ta muốn đất nước sẽ có, chúng là những lựa chọn mà nhà nước cần làm cho nhân dân mình”.

 Thực trạng khoa học của đất nước không được sáng sủa lắm. Chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở các trường đại học là đáng báo động. (GS. Ngô Bảo Châu-Đại học Paris Sud).

Như vậy, để trả lời những câu hỏi trên cần phải nhìn lại quá trình lịch sử hình thành đại học Việt Nam và đại học của nước nào đó mà ta muốn học tập, để biết được những ý tưởng gì đã được đưa ra, các biện pháp gì đã được thi hành và những kết quả gì đã thu được.

 
Nguyễn Văn Trọng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)