Phần 1: Khái niệm người trí thức

Trí thức là một từ Hán Việt nhưng nguyên quán của nó là bối cảnh chính trị - văn hóa phương Tây vào cuối thế kỉ XIX.

Theo Trương Nhân Tuấn, danh từ intellectuel xuất hiện chưa lâu trong ngôn ngữ Pháp. Ban đầu, nó được dùng để chỉ những người kí tên trong bản kiến nghị “Manifeste Des Intellectuels” (bản Kiến nghị của những nhà Trí thức) đệ trình lên chính phủ Pháp do văn hào Emile Zola chấp bút, trong đó yêu cầu chính quyền xét lại một vụ oan sai nghiêm trọng trong quân đội nhằm trả lại công bằng cho một sĩ quan Pháp gốc Do Thái có tên là Dreyfus. Được sự ủng hộ của đông đảo giới trí thức Pháp danh vọng như: Léon Blum, Lucien Herr, Anatole France, Gustave Lanson, Marcel Proust …, bản Kiến nghị được đăng trên nhật báo Aurore ngày 14 tháng Giêng 1898 đã gây nên một dư luận rộng rãi trong đời sống nước Pháp hồi bấy giờ. Tầm mức văn hóa của Kiến nghị đã vượt ra khỏi ý nghĩa nhỏ hẹp ban đầu của nó, trở thành dấu hiệu xác định nên một trong những phẩm tính đặc thù nhất của người trí thức: dấn thân vào các biến diễn quan trọng của thời cuộc; “dám biết, dám sử dụng khả năng hiểu biết của chính mình” (Kant) để phê phán tất cả những trở lực ngăn cản quá trình khai sáng và tiến bộ của cộng đồng.

Từ khi được khai sinh để định danh một lớp người trong xã hội phương Tây, nhiều thảo luận học thuật đã diễn ra xoay quanh chủ đề trí thức. K. Marx xem trí thức là những người chuyên trách thứ công việc vừa nguy hiểm vừa sáng tạo là phê phán xã hội: Người trí thức là người có khả năng sáng tạo và dám phê phán thẳng thừng mọi thứ cần phê phán, không lùi bước trước mọi kết luận, mọi đụng chạm – dù là đụng chạm tới thứ quyền lực nào.

Theo Raymond Aron, một nhà tư tưởng lớn của Pháp, trí thức là những người có sáng kiến mới (sáng tạo tư tưởng) đồng thời cũng là những khán giả nhập cuộc.

Jean-Paul Sartre cho rằng trí thức là những người tham dự vào những việc không can dự đến mình. Ông cũng cho rằng trí thức là người thiên tả (trong ý nghĩa ham chuộng đạo đức của nền công lý chứ không hàm ý về chính trị hay phe phái).

Trong khi đó, F.A.Hayek quan niệm: Trí thức là những người buôn bán đồ cũ chuyên nghiệp về tư tưởng, tức là những kẻ truyền đạt tư tưởng của những người khác (như tư tưởng của Plato, Khổng tử, Đức Phật, Chúa Jesus, Adam Smith, Karl Marx, Einstein, v.v). Họ có quyền lực to lớn… họ nắm được quyền lực này bằng định hướng dư luận.

Dmitrii Likhachëv cũng đưa ra một nhận thức rất hệ thống về trí thức: Trí thức là bộ phận độc lập về trí tuệ của xã hội… Người trí thức sẽ mất sự tự do trí tuệ và thôi là trí thức khi buộc phải tuân thủ mù quáng các giáo điều của một học thuyết nào đó… Người không tôn trọng tự do trí tuệ của người khác, truy bức người khác về chính kiến, (cũng) không thể được coi là người trí thức, bởi vì tự do trí tuệ của riêng anh đòi hỏi sự tôn trọng đối với tự do này ở những người khác, bất luận nó được bộc lộ ra ở đâu và bằng cái gì… Yếu tố đạo đức đối với trí thức rất quan trọng, tự do trí tuệ trong chừng mực nhất định luôn là sự thể hiện của đạo đức. Mà đạo đức là quyền lực duy nhất có sức mạnh không chỉ tước đoạt của con người tự do, mà còn bảo đảm tự do cho con người… Sự bắt buộc của lương tâm là sự bảo đảm cho con người tự do đầy đủ, bởi vì lương tâm bắt buộc từ bên trong, còn tất cả những sự bắt buộc khác đều đến từ bên ngoài: đảng phái, giai cấp, và đủ loại khác… lương tâm là cái bảo đảm cho tự do của con người trí thức. Trí thức luôn là tấm bia công kích của nhà nước, và việc đầu tiên mà bất kỳ nhà nước nào cũng làm để củng cố quyền lực của mình là tìm cách hủy diệt giới trí thức và tất cả những gì thúc đẩy việc hình thành nên trí thức [1].

Tóm lại, có thể hiểu rằng, người trí thức là người: có kiến thức, có nhân cách và quan trọng nhất là có năng lực tư duy độc lập để phán xét các vấn đề xã hội dưới ánh sáng của tri thức, để từ đó chuẩn bị cho mình một thế đứng riêng và trong trường hợp cần thiết, sẵn sàng dấn thân nhằm bảo vệ các giá trị thuộc về chân lí và truyền thống nhân bản của cộng đồng.

Trong cộng đồng trí thức, bao giờ cũng có một nhóm trí thức tinh hoa, gồm những người tỏ ra đặc biệt xuất sắc hơn số còn lại. Trí thức tinh hoa có thể đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề, chủ yếu là những lĩnh vực ngoài chính trị. Bởi lẽ, chỉ khi có một thế đứng độc lập nhất định đối với bộ máy công quyền, họ mới có thể thực hiện đúng chức năng nguyên thủy của mình. Đành rằng nhiều chính trị gia đồng thời là những trí thức lớn, nhưng cũng có một thực tế phổ biến khác là: khi đã nắm trong tay quyền lực, không ít người đã bị tha hóa và trở nên đối nghịch với giới trí thức. Theo Dmitrii Likhachëv, trong trường hợp này, những trí – thức – chính trị – hóa ấy đã tự tách mình ra khỏi cộng đồng trí thức: Người không tôn trọng tự do trí tuệ của người khác, truy bức người khác về chính kiến, (cũng) không thể được coi là người trí thức, bởi vì tự do trí tuệ của riêng anh đòi hỏi sự tôn trọng đối với tự do này ở những người khác, bất luận nó được bộc lộ ra ở đâu và bằng cái gì[2].

Trở lại vấn đề, vậy chức năng của giới trí thức tinh hoa là gì? Theo Phạm Trọng Luật, với tư cách là kẻ làm giao diện giữa nhân loại với đất nước của anh ta, người trí thức đóng một chức năng kép: một mặt, là kẻ nhân danh con người, nhân danh lương tri, để du nhập, bảo vệ và truyền bá những giá trị phổ quát cao quý nhất của loài người (chân lý, công lý, nhân quyền, tự do, bình đẳng), ngay trên quê hương và ngay trong lòng truyền thống văn hoá của mình. Mặt khác, nhân danh con người, nhân danh lương tri, để phổ biến và bênh vực các giá trị đặc thù cùng với những quyền lợi chính đáng nhất của dân tộc và quốc gia mình (độc lập, tự do, bình đẳng, an ninh, đối với láng giềng), nếu cần trước toàn thể thế giới [3]. Do vậy, có thể xem giới trí thức tinh hoa cũng đồng thời là những nhà văn hóa, là nguyên khí của dân tộc – quốc gia.

 Đối với mọi xã hội, sự hình thành và phát triển của giới trí thức tinh hoa phụ thuộc trước hết vào chất lượng của thể chế đương tồn và nền tảng văn hóa của cộng đồng. Có những xã hội tuy nền tảng văn hóa chưa thực sự có “bề dày”, như trường hợp nước Mỹ giai đoạn nửa sau thế kỉ XIX, nhưng nhờ sự tác động qua lại giữa một thể chế dân chủ, tiến bộ với một cộng đồng văn hóa đa diện và năng động, đã cho phép xuất hiện một đội ngũ trí thức tinh hoa đích thực. Chính đội ngũ này đã góp phần tạo ra một sức bật mới cho nước Mỹ để vươn lên thành siêu cường thế giới [4]. Ngược lại, có những quốc gia tuy đứng trên một truyền thống văn hóa rực rỡ, lâu đời; nhưng không thể bứt phá vì những giới hạn nghiệt ngã của một thể chế khép kín, mà nước Trung Hoa phong kiến trước thế kỉ XX là một ví dụ điển hình. Dĩ nhiên, với những xã hội thiếu cả hai tiền đề trên thì khó lòng hình thành một tầng lớp trí thức tinh hoa, có chăng chỉ xuất hiện lác đác một vài cá nhân nào đó qua từng giai đoạn lịch sử mà thôi. Nhìn chung, khi một xã hội không đủ khả năng tạo ra một giới trí thức tinh hoa đích thực, thì nội tình xã hội đó cũng đồng thời tiềm ẩn các dấu hiệu trì trệ, khủng hoảng vì thiếu vắng những tiền đề và giải pháp cho phát triển dài hạn.

[*] Phạm Quang Tú – Đặng Hoàng Giang, Viện Tư vấn phát triển (CODE) – bài viết cho hội thảo Vai trò của nhân tài đối với thịnh suy của đất nước: Bài học lịch sử và khuyến nghị đối với Việt Nam (27/9/2011 – Hà Nội)

[1] Dẫn theo Trương Nhân Tuấn trong Thử bàn về trí thức và trí thức Việt Nam, http://primeproxy23.info/browse.php?u=Oi8vd3d3LnRhbGF3YXMub3JnLz9wPTIxMjYy&b=5

[2] Trương Nhân Tuấn, tlđd
 
[3] http://www.answers.com/topic/elitism

[4] http://amvc.free.fr/Damvc/Khoa/KHXH/HocThucTriThuc1.htm

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)