PHẢN BIỆN NHÀ PHẢN BIỆN GIÁO DỤC

Gần đây Giáo sư Nguyễn xuân Hãn - người vừa được một số nhà báo phong danh hiệu “người phản biện” ngành Giáo dục- đã có nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn trên báo chí và trên vô tuyến truyền hình về các vấn đề giáo dục. Và trong một bài báo về “người phản biện” nói trên, người thực hiện phỏng vấn đã viết: “kể cả những người lãnh đạo ngành giáo dục, có thể khó chịu nhưng họ phải thừa nhận những căn cứ khoa học thuyết phục mà ông đưa ra”. Là một thầy giáo bình thường của ngành giáo dục, tôi cảm thấy những căn cứ gọi là khoa học của GS Hãn đưa ra không hoàn toàn thuyết phục (thậm chí hoàn toàn không thuyết phục). Bởi vậy tôi viết bài này để mong góp thêm ý kiến, gọi là để phản biện “người phản biện” ngành giáo dục.


Trên chương trình truyền hình gần đây, ông Hãn nói rằng cuốn sách Hình học của Euclid giống như sách Kinh thánh rồi, chỉ việc mang ra mà dạy cho học sinh phổ thông. Chỉ cần một giáo sư và mấy người giúp việc là có thể chuyển tác phẩm của Euclid thành sách giáo khoa (SGK). Thế mà, ông nói tiếp, người ta phải tốn bao nhiêu tiền nhà nước và nhân dân để phân chia Hình học của Euclid thành 40 phần khác nhau(?), chia cho mỗi nhóm tác giả viết một phần…
Có lẽ là ông Hãn đang định nói về tập “Cơ bản” của Euclid  đã viết cách đây hơn 2000 năm, gồm 13 cuốn, chủ yếu nói về hình học. Tôi nói thế bởi vì ta không biết Euclid đã viết bao nhiêu cuốn sách, nhưng còn lưu lại đến nay chỉ có tập “Cơ bản” mà thôi, chứ không có cuốn Hình học nào của  Euclid như ông Hãn nói.
Thưa ông Hãn, một người lương tri bình thường nhất cũng phải biết rằng một cuốn sách viết cách đây 2000 năm, dầu có hay đến mấy, cũng không thể bê nguyên xi để làm thành SGK được, bởi vì “hay” cũng là “hay cho thời ấy” mà thôi. Tôi ngờ rằng GS Hãn chưa hề đọc tác phẩm ấy của Euclid, bởi vì nếu đã đọc qua loa ông sẽ thấy rằng nhiều chủ đề về hình học mà học sinh ngày nay cần học thì lại không được Euclid biết đến. Dĩ nhiên một tiến sĩ Vật lý như ông có thể không cần đọc cuốn “Cơ bản”, tuy vậy nếu chưa đọc nó thì không nên có những ý kiến vội vàng đến mức hàm hồ như vậy. Các sinh viên Khoa toán các trường ĐHSP tuy không được đọc trực tiếp cuốn Cơ bản, nhưng trong nhiều giáo trình khác (như lịch sử toán học chẳng hạn), họ được giới thiệu rất kỹ càng về nội dung của nó, và tôi cam đoan rằng không một giáo viên Toán nào ở nước ta và trên thế giới lại cho rằng nên dùng cuốn “Cơ bản” của Euclid làm SGK cho học sinh. Ý kiến của ông rõ ràng không mấy thuyết phục.
Ông cho rằng viết SGK mới để thay SGK cũ là một sự lãng phí, thậm chí nhằm mục đích kiếm tiền cho ngành giáo dục từ túi của cha mẹ học sinh. Ông nói rằng những cuốn SGK của ta viết cách đây 35 hay 40 năm vẫn còn dùng được tốt. Căn cứ rất “thuyết phục” là chính ông đã học những cuốn sách ấy và ông đã thành tài. Để thêm phần thuyết phục ông đưa ra mấy cuốn SGK của ta (nước Việt Nam) về Hóa học và Vật lý viết cách đây 35 năm và các cuốn SGK của Mỹ, Nga đang hiện hành (năm 2006) và tuyên bố rằng về cơ bản là giống nhau. Nếu đúng như ông nói thì SGK chúng ta đã đi trước Mỹ, Nga đến 35 năm, và chưa biết chừng mấy ông tác giả người Mỹ người Nga ấy đã “đạo” SGK của ta 35 năm trước để làm sách bây giờ cho học sinh họ cũng nên! Tôi thật sự hoài nghi cái thông tin mà GS Hãn vừa tung ra nên có đi hỏi một số thầy giáo môn Hóa và Lý vẫn thường xuyên tiếp xúc với SGK nước ngoài. Họ cười và nói: làm gì có chuyện như thế! Về môn Toán thì không thấy ông đưa ra cuốn sách nào của nước ngoài để so sánh mà chỉ nói rằng bộ SGK toán của ta cách đây 50 năm vẫn dùng được. Gần đây tôi có đọc bài của GS Hoàng Tụy (tác giả bộ SGK Toán 50 năm trước) thì thấy ông nói về bộ sách của mình: “Tất nhiên bộ sách giáo khoa ấy bây giờ không dùng được nữa vì tình hình đã khác” (An ninh thế giới- tháng 10-2006).
Ông Hãn tỏ ra rất bức xúc vì một số thay đổi trong chương trình. Ông đặt vấn đề tại sao phải đưa “vectơ” vào Hình học 10 và cả Vật lý 10 nữa. Ông bảo lên ĐH mới cần vectơ, nhưng cũng hạn chế vì không cần vectơ đôi khi lại giải thích các hiện tượng Vật lý một cách dễ hiểu hơn. Ông còn nói ở đơn vị nghiên cứu của ông, người ta cũng ít khi dùng vectơ.
Tôi thực sự ngạc nhiên khi ông nói như thế trên chương trình truyền hình, vì nếu các nhà Vật lý mà nghe được thì họ sẽ đánh giá trình độ chuyên môn của ông ra sao? Xin mạn phép hỏi giáo sư: Ông sẽ biểu thị các lực tác động vào một vật như thế nào, nếu không dùng vectơ? Chẳng lẽ ông nói đại loại như: ta kéo vật đó theo phương nằm ngang với một lực có cường độ 5N và đồng thời kéo nó lên phía trên bởi một lực có cường độ 7N! Ừ thì cứ cho rằng nói như thế là dễ hiểu, nhưng ông sẽ trả lời như thế nào với câu hỏi: Khi đó tổng hợp của hai lực nói trên sẽ có hướng như thế nào và có cường độ bao nhiêu? Học sinh lớp 10 dễ dàng trả lời câu hỏi trên vì họ biết rằng hợp của hai lực chính là tổng hai vectơ biểu thị cho hai lực đó, và tổng của hai vectơ được xác lập theo quy tắc hình bình hành. Lại xin hỏi thêm: Ông biểu thị các đại lượng có hướng như vận tốc, gia tốc… bằng cách gì nếu không phải bằng vectơ?
Tôi xin nói đôi lời về việc biên soạn SGK, mà tôi không may lại là người  trong cuộc. Thực ra tôi không xin để được viết SGK, cũng không tự ứng cử để được làm tác giả. Vì lí do nào đó người ta mời tôi viết, và thậm chí còn mời làm chủ biên (của bộ sách Hình học nâng cao các lớp 10, 11, 12). Cố nhiên tôi có quyền từ chối, nhưng tôi lại không từ chối vì tôi nghĩ rằng mình vẫn còn có hai khả năng cần thiết: một là biết nghe phản biện, hai là
biết không nghe phản biện.
Tôi rất khó hiểu khi GS Hãn nói rằng các tác giả SGK của ta không được cung cấp và không hề đọc chương trình và SGK của nước ngoài, vì thế họ không cập nhật được trình độ của thế giới. Tôi khó hiểu vì ông Hãn lấy được ở đâu cái thông tin sai sự thật như thế, hay là chính ông bịa đặt ra? Như vậy là không khoa học và không trung thực. Sự thật là chúng tôi dễ dàng tham khảo chương trình và SGK của nhiều nước, hoặc là do chúng tôi có, hoặc là mượn của Viện Chiến lược Giáo dục.   
Cần nói rằng biên soạn SGK là một nghề, nhưng ở nước ta không hề có trường lớp nào đào tạo ra những người làm nghề đó. Ở nhiều nước, trường Giáo dục (Colege of Education) không chỉ đào tạo giáo viên mà còn đào tạo các loại cán bộ làm công tác giáo dục như người soạn chương trình, người viết SGK, người ra đề thi, người quản lý giáo dục… Bởi vậy hầu như tất cả các tác giả SGK của ta đều phải vừa tự làm vừa tự nghiên cứu, và cố nhiên việc tham khảo và học tập nước ngoài cũng là điều quan trọng.
Người viết phải viết đúng chương trình quy định, phải lựa chọn sẽ trình bày những kiến thức gì, sâu nông ra sao, sắp xếp chúng như thế nào… và đó là những chuyện không dễ dàng. Phải tra cứu sách vở, phải tham khảo ý kiến đồng nghiệp, nếu cần lại phải dạy thử xem học sinh tiếp thụ như thế nào. Phải nhìn đằng sau (năm ngoái học sinh đã biết gì), nhìn đằng trước (sang năm học sinh còn được học gì), nhìn sang bên phải, bên trái (các môn học khác đã dạy cái gì)…, chứ không phải cứ đóng cửa lại mà viết.
Bản thảo xong rồi lại phải qua bao nhiêu người đọc góp ý, nhà khoa học có, nhà sư phạm có, các thầy giáo đứng lớp có. Rồi phải qua Hội đồng thẩm định lần 1, rồi sửa chữa theo ý kiến của Hội đồng, rồi thẩm định lần 2, rồi sửa chữa…
Cuối cùng, sau khi đã được một Hội đồng thẩm định xét duyệt và thông qua, bản thảo mới được đưa vào in ấn. Giai đoạn từ đây đến khi cuốn sách được sản xuất, các tác giả còn phải vật lộn vất vả với các biên tập viên của Nhà Xuất bản, với “bông” một , “bông” hai…, với bản “can”, bản sửa… Nhưng đó chưa phải là sách dùng cho đại trà, mà chỉ mới là sách thí điểm. Sau khi thí điểm, lại phải rất nhiều công việc mới có cuốn sách đại trà dùng cho toàn quốc…
Tôi hơi dài dòng một chút để nói rằng việc làm SGK không thể nhanh được, có thể vì các tác giả yếu kém, hoặc vì quy trình biên soạn quá lôi thôi. Gần đây GS Hãn đã phê phán kế hoạch thay sách theo kiểu cuốn chiếu (ông gọi là cách làm kiểu nông dân), tức là mỗi năm chỉ thay sách một lớp. Ông cho rằng cần thay sách một lúc từ lớp 1 đến lớp 12. Trả lời phỏng vấn, ông đã khẳng định rằng dứt khoát rằng: “Việc chuẩn bị và biên soạn lại Chương trình, SGK từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ được hoàn tất và có thể triển khai ngay trong năm học tới”. (Ý muốn nói rằng nếu ông làm thì sẽ như thế!). Cách đây không lâu ông nói với một nhà lãnh đạo cấp cao rằng cho ông ba tháng, ông có thể viết xong các cuốn SGK về các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa… của cấp PTTH. Ông bảo rằng không có gì khó khăn rắc rối vì Toán học thì chỉ có định lý mà thôi, Vật lý thì chỉ có định luật mà thôi… Tôi có cảm giác rằng hoặc là ông đã nói đùa không đúng chỗ, hoặc là ông không biết gì về việc biên soạn SGK. Thưa GS Hãn, tôi xin nói một cách thẳng thắn:
nếu tôi làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì tôi không mời ông viết SGK, còn nếu ông làm Bộ trưởng thì ngay lập tức tôi không viết SGK nữa.   
Cuối cùng xin bàn đôi câu về tiền nong, lỗ, lãi… của nhà Xuất bản Giáo dục (NXBGD), bởi vì ngay cả các phép tính sơ cấp, ông cũng nhầm lẫn, do đó không có sức thuyết phục. Đối với vấn đề này tôi là người ngoài cuộc, nhưng thấy ông tính nhầm thì phản biện cho vui. Tôi không bênh gì NXBGD, vì họ độc quyền và trả nhuận bút cho tôi quá ít!
Ông viết: theo số liệu thống kê, có thể khẳng định rằng mỗi đầu sách khi thay mới, NXBGD có thể lãi cả triệu USD. Ông nêu ví dụ về việc in một cuốn sách lớp 1. Ông lấy số luợng học sinh lớp 1 (1,7 triệu) nhân với giá bìa cuốn sách là 9.000đ thì NXBGD thu được 15,3 tỉ đồng. Ông cho là tiền chi phí mất khoảng 1,3 tỉ đồng, vậy tiền lời là 14 tỉ đồng và thời giá lúc ấy là 1 triệu USD. Nếu quả như ông tính toán thì làm nghề xuất bản SGK lời to thật: không phải một vốn bốn lời, mà là một vốn mười một lời. Riêng cái tỉ lệ lời lỗ ấy đã khó tin, khó thuyết phục. Khi tổng hợp và thống kê ông quên mất một thứ chi phí là tiền phát hành sách: Các đơn vị nhận phát hành được hưởng từ 20 đến 25% giá in trên bìa sách, vậy thì NXB đã phải trả gần 4 tỉ cho việc phát hành, lấy đâu mà còn 14 tỉ.
Ông đưa tiếp các số liệu: năm 2001 NXBGD đã phát hành 200 triệu bản, kể từ đó đến nay mỗi năm tăng lên 10%. Dựa trên các số liệu ấy ta có thể tính toán tiếp mà không mấy khó khăn. Lượng phát hành năm 2006 sẽ là   triệu bản. Theo trên cứ 1,7 triệu bản thì lời được 1 triệu USD. Như vậy ta có thể tính được số tiền lãi của năm 2006 là: 322,1:1,7=189,5 triệu USD (với giả thiết một cuốn sách lớp 12 cũng có giá bán chỉ bằng cuốn sách lớp1).
Trước đó ông viết rằng theo thống kê của Cục xuất bản thì doanh số của NXBGD mỗi năm là 100 triệu USD.    
Như vậy là: doanh thu mỗi năm là 100 triệu USD, mà tiền lời mỗi năm là 190 triệu USD. Thưa tiến sĩ Vật lý, ông có thấy đó có phải là một nghịch lý không? Và nếu đó đúng là nghịch lý thật thì ông sẽ giải thích như thế nào về các thống kê và tính toán của ông?  
Tôi đang viết dở bài này thì được đọc một bài của GS Nguyễn khắc Phi trên báo Giáo dục và thời đại, cũng nói về những nghịch lý hết sức buồn cười trong lập luận của Tiến sĩ Hãn. Do đó tôi phải duyệt lại bài viết của mình để lược bỏ những phần mà GS Phi đã đề cập đến… Vậy xin được phép dừng tại đây.   


Văn như Cương

Tác giả