Phản biện xã hội

Không có “phản biện” sẽ không có phát triển. Trong khoa học thì điều đó quá rõ. Bởi lẽ, khoa học là một chuỗi sai lầm được sửa chữa. Mà sửa chữa được, là nhờ có phản biện. Tức là có sự tranh luận nhằm phê phán cái sai và chấp nhận cái đúng, cái sai bị loại bỏ để cho cái đúng được tiếp tục đúng. Nhưng, cũng không chỉ với khoa học. Những “sai lầm được sửa chữa” ấy không kiêng dè, loại trừ bất cứ một lĩnh vực nào trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của một đất nước. Quá trình dẫn đến “Đổi mới” là một sự “phản biện xã hội” lớn đối với mô hình kế hoạch hóa tập trung bao cấp quan liêu đã từng đưa đất nước đến bên bờ vực.


Sự sống không bao giờ đứng yên một chỗ, trái lại, luôn luôn vận động và phát triển. Mà “trong quá trình phát triển, tất cả những gì trước kia là hiện thực thì hiện nay trở thành không hiện thực, mất tính tất yếu, mất quyền tồn tại, mất tính hợp lý của chúng; và hiện thực mới, đầy sinh lực, thay thế cho hiện thực đang tiêu vong”1. Những ai đã có dịp được tiếp cận một cách nghiêm túc với triết học biện chứng thì có thể hiểu được rằng, “đối với triết học biện chứng thì không có gì là tối hậu, là tuyệt đối, là thiêng liêng cả”2. Vì thế, sẽ là phản biện chứng với những ai tự dành cho mình cái quyền luôn luôn đúng, tuyệt đối dúng, thậm chí chỉ “đúng trở lên”! Họ chỉ quen độc thoại chứ không chấp nhận đối thoại. Cũng có nghĩa là không chấp nhận có sự phản biện  để tranh luận đúng sai.
Thói quen độc thoại, suy cho kỹ, là thói quen của người có quyền lực và là biểu hiện sự tha hóa của quyền lực. Chuyện ấy cũng không có gì khó hiểu. Khi đã yên vị trên cái ghế quyền lực rồi, nếu không thật sự có bản lĩnh, rất dễ ngại sự đổi thay, vì đổi thay có thể làm lung lay cái ghế quyền lực của mình. Bởi lẽ, “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hóa”3. Chính cái tập quán này là một sức trì kéo ghê gớm mà con mắt trực quan đôi khi không nhận ra. Cần phải có cái nhìn biện chứng để thấy được rằng, khi đã thực hiện được một cuộc lật đổ giành chính quyền về tay mình, thì thông thường, như C.Mác đã phân tích, “từ lúc đó trở đi, giai cấp trước kia là cách mạng nay lại trở thành bảo thủ”4.
Vì thật ra, ngẫm cho kỹ thì trong lịch trình phát triển, mỗi sự vật chỉ hiếm hoi một lần không bảo thủ, đó là lúc đang hình thành! Nền tảng bảo thủ ấy chính là cái mà ta hay gọi là truyền thống, “cái sự thật cứng đầu cứng cổ nhất” theo cách diễn đạt của Ph. Ăngghen, đó là“ một lực lượng bảo thủ rất lớn” mà xu hướng chung là muốn níu kéo lịch sử lại! Thế mà, sự biến đổi chính là một hằng số trong thế giới mà chúng ta đang sống. Vì thế, mọi chủ trương, chính sách, mọi chương trình kế hoạch không thể luôn luôn đúng. Ngược lại, nếu không thường xuyên bám sát cuộc sống, nương theo sự vận động, biến đổi và phát triển của cuộc sống để kịp thời điều chỉnh, sửa sai thì không thể tránh khỏi những thất bại, thậm chí những thảm họa. Những thông tin phản hồi từ nhiều nguồn, chủ yếu là từ dưới lên, sẽ là tiền đề không thay thế được của sự điều chỉnh, sửa sai ấy.
Cho nên, dân chủ, mở rộng dân chủ, lắng nghe một cách chân thành và nghiêm túc tiếng nói từ bên dưới, tạo điều kiện cho “dân mở miệng ra” mới có thể nhận được những thông tin phản hồi chính xác để điều chỉnh và sửa sai nhằm hoàn thiện chủ trương, đường lối, chương trình, kế hoạch. Quá trình dân chủ hóa xã hội đã có những khởi sắc, nhưng lực cản vẫn còn đầy rẫy. Dễ thấy là thói quen chỉ muốn độc thoại chứ không thích đối thoại. Tự cho mình cái quyền độc thoại để chỉ ban phát ý kiến dẫn dắt, soi đường chỉ lối mà không quen lắng nghe và tiếp nhận thông tin từ cuộc sống, từ triệu triệu con người là một thói quen của quyền lực, xa lạ với bản chất của Đảng tiền phong gắn bó máu thịt với dân, lắng nghe cho được tiếng nói thật từ cuộc sống để thực hiện sứ mệnh đi trước dẫn đường. Thói quen độc thoại tự cho mình đã biết tất cả, chân lýđã có sẵn, chỉ cần rao giảng và thuyết phục công chúng tiếp thu, là một biểu hiện sự tha hóa của quyền lực. Ngược lại, tác phong đối thoại được xác lập từ nhận thức rằng chân lý đến từ quá trình tìm tòi, suy ngẫm, phân tích và tiếp nhận trong dòng chảy miệt mài liên tục của cuộc sống..
Tác phong đối thoại còn là thành tựu của tư duy hiện đại về quá trình tiến hóa. Tiến hóa không chỉ là một quá trình chắt lọc cái này và loại bỏ cái kia để vì thế mà làm nghèo đi sự phong phú, đa dạng của cái toàn thể, mà tiến hóa thực chất là đồng tiến hóa. Tư duy hiện đại đã vượt qua sự cố chấp của “nguyên lý loại trừ” mà bước vào “nguyên lý bổ sung. Độc thoại gắn liền với nguyên lý “loại trừ “ai không nghe ta tức là chống lại ta“. Còn nguyên lý bổ sung thì khuyến khích thái độ lắng nghe để tiếp nhận thông tin, nhằm làm cho tri thức của mình luôn luôn mới, theo kịp được với nhịp phát triển liên tục của cuộc sống. Phản biện xã hội gắn liền với nguyên lý bổ sung đó, nhằm tạo ra sự đồng thuận xã hội, tiền đề của phát triển.
Điều đó đòi hỏi một cách ứng xử phù hợp với bối cảnh mới. Xin gợi một hình ảnh: “Thế giới đã biến từ tròn thành phẳng. Ở mọi nơi bạn hướng về, các hệ thống thứ bậc bị thách thức từ bên dưới, hay tự biến đổi từ các cấu trúc trên xuống [top-down] sang các cấu trúc ngang và cộng tác hơn”5. Và “chúng ta đã đi từ chuỗi chỉ huy dọc để tạo giá trị sang một chuỗi chỉ huy ngang hơn nhiều để tạo giá trị”6.
Phản biện xã hội  đến từ các tổ chức thực hiện các liên kết ngang  là các tổ chức tạo nên cấu trúc của xã hội dân sự  đang hình thành gắn liền với việc xây dựng nhà nước pháp quyền..
 
Chú thích :
 
1, 2,3. C.Mác và PH.Ang-ghen Toàn tập. Tập 21.HàNôi 1995, tr. 393, tr.395, tr.421
4.   C.Mác và Ph .Ang-ghen Toàn tập. Tập 4.Tr.202
5,6. Thomas L. Friedman. “The World Is  Flat . A brief history of the Twenty-First Century (Nguyễn Quang A dịch. Tr.45 và tr. 179)
 
 
Chú thích ảnh: Những quyết sách lớn trong phát triển KT-XH cần được phản biện


Tương Lai

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)