Phân biệt giữa lãnh đạo và quản lý trong khoa học

Lãnh đạo (leadership) và quản lý (management) là hai khái niệm khác nhau, tuy vậy ở Việt Nam nó hay được (bị) đổ đồng, lẫn lộn với nhau. Tức là các chức năng quản lý và lãnh đạo nhiều khi bị đảo lộn, và với một bộ máy như vậy, tất yếu sẽ không có hiệu quả cao.

Nếu ta ví một cấu trúc tổ chức (của một doanh nghiệp, một viện khoa học, một Bộ, v.v.) như là một sinh vật, thì phần lãnh đạo có thể ví như phần hồn (hay hệ thần kinh), còn phần quản lý như phần thân (hay các bộ phận còn lại) của sinh vật đó. Tất nhiên cả hai phần đều quan trọng: nếu chỉ có thân mà không có hồn thì là “cái xác không hồn”, còn nếu thân chết thì hồn cũng chết theo. Tuy nhiên, phần hồn, chứ không phải phần thân, là phần xác định “tư cách” của sinh vật: một người có thể thay gan, thay thận thì vẫn là người đó, nhưng nếu giả sử có cách thay não, lấy não người khác lắp vào, thì thành người khác.
Nói về chức năng công việc, thì lãnh đạo và quản lý là hai công việc khác nhau.
Những công việc chủ yếu của lãnh đạo là:
* Phân tích tình hình, định hướng, vạch chiến lược
* Đưa ra các quyết định quan trọng
* Làm điểm tựa về uy tín cho tổ chức, đối với cả người bên trong lẫn người bên ngoài.
* Những công việc chủ yếu của quản lý là:
* Thực hiện các quyết định của lãnh đạo
* Xử lý các công việc day-to-day
* Đảm bảo cho bộ máy hoạt động trơn tru
Ở các tổ chức nhỏ, các việc lãnh đạo và quản lý hay được qui làm một, do cùng một người (ví dụ như chủ một doanh nghiệp nhỏ) đảm nhiệm. Tuy nhiên, đối với các tổ chức lớn, thì sự phân biệt giữa lãnh đạo và quản lý là cần thiết. Có những người có khả năng làm cả hai công việc lãnh đạo và quản lý, và trong các tổ chức lớn cũng có những vị trí đòi hỏi phải làm cả hai việc. Tuy nhiên, hai công việc này đòi hỏi những loại kỹ năng khác nhau.
Những điều mà một người lãnh đạo cần có (ngoài việc là một con người có tư cách tốt nói chung) là: Uy tín cá nhân cao (nếu người bên trong không phục thì khó lãnh đạo, nếu mất uy tín với bên ngoài thì toàn bộ tổ chức mất uy tín theo); có trình độ cao, tầm nhìn xa trông rộng, để có thể đưa ra những định hướng và quyết định đúng đắn; biết phối hợp hài hòa với bộ phận quản lý.
Người quản lý thì không nhất thiết cần có trình độ cao, uy tín cao hay tầm nhìn xa trông rộng như người lãnh đạo, nhưng ngược lại cần những đức tính như: Hiểu được và tuân theo các quyết định của lãnh đạo; có tính kỷ luật, cẩn thận, tỉ mỉ, nắm sát các chi tiết (người lãnh đạo có thể không mạnh những điểm này). Và tùy lĩnh vực quản lý mà cần có trình độ chuyên môn tương ứng nhất định.

Những người mà trình độ thấp hoặc/và là làm khoa học kiểu vờ vịt không nghiêm chỉnh, thì không có cách gì lãnh đạo khoa học tốt được.  Nhưng không phải ai có trình độ và tầm nhìn trong khoa học đều tự động trở thành người lãnh đạo khoa học giỏi, mà còn cần có tư cách, có thời gian bỏ ra quan tâm đến việc chung và suy nghĩ làm sao để những người khác có thể phát huy khả năng khoa học của họ, v.v.

Ví dụ: Một người làm trưởng phòng nhân sự (một chức vụ quản lý) ở một chỗ này, thì dễ có thể chuyển sang làm trưởng phòng nhân sự ở chỗ khác, vì làm quản lý nhân sự ở đâu cũng gần giống nhau, đòi hỏi cùng một loại kỹ năng. Nhưng một người làm viện trưởng Viện Hóa (một chức vụ lãnh đạo) cần có uy tín trong ngành hóa học, và khó có thể chuyển thành làm viện trưởng Viện Cơ học.
Trong mô hình quản lý khoa học ở nước Pháp, ví dụ như các viện khoa học của CNRS, có phân biệt rõ ràng giữa lãnh đạo và quản lý. Một viện có có thể có Administrator (quản lý trưởng của viện). Người này có những trách nhiệm như đôn đốc và kiểm tra các công việc của các bộ phận như thư ký, kế toán, kỹ thuật và đảm bảo cho viện được hoạt động một cách trơn tru, hợp pháp. Nhưng người này không tham gia vào các quyết định trong việc tuyển các nhà khoa học, phân bổ ngân sách, hay định hướng khoa học của viện. Ban giám đốc của viện (bộ phận lãnh đạo của viện) gồm toàn những người có chuyên môn khoa học cao. Tôi viết điều này ở đây không phải là để khen hệ thống hành chính của Pháp (hệ thống của Pháp cũng có nhiều cái rất quan liêu và bất hợp lý). Tuy nhiên khoa học của Pháp phát triển tốt (theo một báo cáo mới đây, thì kết quả khoa học của Pháp đứng thứ 5 thế giới, tuy rằng tiền đầu tư cho khoa học thì thấp hơn cả chục nước khác), có lẽ một phần nhờ việc những người lãnh đạo khoa học chính là những nhà khoa học có uy tín cao.
Nói một cách hình thức, thì ở Việt Nam cũng có phân biệt giữa lãnh đạo và quản lý, theo mô hình “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý”. Nhưng không ít trường hợp các chức năng quản lý và lãnh đạo nhiều khi bị đảo lộn, những người đáng nhẽ phải là lãnh đạo (ví dụ viện trưởng một viện nghiên cứu) thì lại thành quản lý, còn người đáng nhẽ làm chức năng quản lý (ví dụ trưởng phòng tổ chức) thì có khi lại thành lãnh đạo.
Khi gần đây tôi lên tiếng về việc cẩn thận đừng để cho những người “học giả” lên làm hiệu trưởng các trường đại học lớn ở Việt Nam, thì bị không ít người chỉ trích, gièm pha. Để bênh vực các “học giả”, họ lý luận rằng, dù “không giỏi về chuyên môn”, nhưng có tài quản lý thì làm quản lý đại học cũng tốt chứ sao. Lý luận như vậy, nghe qua thì có vẻ hợp lý, nhưng sai ở hai điểm: điểm thứ nhất là chức hiệu trưởng về cơ bản là một chức lãnh đạo chứ không phải quản lý, và người lãnh đạo cần có trình độ cao, uy tín cao, hiểu biết rộng (mà những người chuyên môn đã quá kém thì khó có những thứ đó), và điểm thứ hai (quan trọng hơn) là những người vi phạm đạo đức nghề nghiệp, mua danh bán tước để “leo quan” thì họ có thể mua bán mọi thứ quyền lực, bản thân họ là mầm mống của tham nhũng, làm lãnh đạo hay quản lý công đều nguy hiểm cho xã hội. Trên thế giới, người ta đặc biệt coi trọng sự trung thực trong khoa học. Có nhiều ví dụ về những hiệu trưởng đại học, hay Bộ trưởng, dù có đang làm tốt đến đâu, nhưng bị thôi việc khi bị phát hiện có gian lận từ trước. Trong quá trình hội nhập thế giới của Việt Nam, chúng ta cũng cần học tập theo “chuẩn thế giới” về đạo đức nghề nghiệp trong khoa học.

Theo phản ánh của các đồng nghiệp đang làm tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), thì Ban Lãnh đạo của viện hiện tại (nơi thông qua các quyết định quan trọng nhất của Viện, khi mà bỏ phiếu thì mỗi người trong Ban được 1 phiếu) chỉ có khoảng 1/3 số người là những người lãnh đạo theo nghĩa tôi đưa ra trong bài này (tức là các viện trưởng của các phân viện, tạm công nhận là các nhà khoa học có uy tín), còn lại là những người quản lý (ví dụ trưởng phó phòng các ban bệ khác nhau, nhưng không phải là các chuyên gia về khoa học). Một Ban Lãnh đạo như vậy thì yếu về tầm nhìn và định hướng khoa học, và dễ đưa ra các quyết định nặng màu sắc chính trị hơn là các quyết định có lợi cho sự phát triển khoa học của Việt Nam. Cấu trúc lãnh đạo / quản lý bất hợp lý như vậy, theo tôi là một trong những trở ngại lớn cho sự phát triển khoa học ở Việt Nam.

Tất nhiên, trình độ khoa học cao không đồng nghĩa với lãnh đạo khoa học giỏi. Điều đó cũng tương tự như trình độ khoa học cao không đồng nghĩa với dạy học hay. Tôi biết có những người làm nghiên cứu rất giỏi, thậm chí được những giải thưởng cao nhất trong khoa học, nhưng khi giảng bài thì rất chán không ai hiểu. Nhưng đó là những ngoại lệ của một qui luật, là có một sự liên quan dương tính rất lớn giữa trình độ khoa học và khả năng giảng dạy. Một người trình độ khoa học cao, nếu chịu khó quan tâm đến việc dạy dỗ và quan tâm xem làm sao để người nghe mình giảng tiếp thu được nhiều nhất, thì có thể dạy hay dần lên. Nhưng một người mà nắm kiến thức đã không vững, thì khó mà dạy tốt được. Trong lãnh đạo khoa học cũng vậy. Không phải ai có trình độ và tầm nhìn trong khoa học đều tự động trở thành người lãnh đạo khoa học giỏi, mà còn cần có tư cách, có thời gian bỏ ra quan tâm đến việc chung và suy nghĩ làm sao để những người khác có thể phát huy khả năng khoa học của họ, v.v. (Ở Việt Nam có những trường hợp đáng tiếc, khi có nhà khoa học có trình độ và quyền lực cao nhưng lại “chia bè kéo cánh” cản bước tiến của nhiều nhà khoa học trẻ tâm huyết, hay có người cả về trình độ và tư cách đều tốt nhưng lại có lúc phát biểu những câu bất lợi cho khoa học như kiểu “làm toán không cần tiền”). Nhưng những người mà trình độ thấp hoặc/và là làm khoa học kiểu vờ vịt không nghiêm chỉnh, thì không có cách gì lãnh đạo khoa học tốt được. (Nơi đâu họ lãnh đạo, thì ở đó có xu hướng sản xuất ra những “nhà khoa học” giống họ).

Tác giả