Phân công, phân nhiệm

Bảo vệ và giải trình chính sách lập pháp trước Quốc hội về cơ bản là một hành vi hành pháp. Hành vi này thông thường do các thành viên của Chính phủ đảm nhiệm. Tuy nhiên, ở nước ta, hành vi này chủ yếu lại do Ủy ban thường vụ Quốc hội - cơ quan thường trực của Quốc hội, đảm nhiệm. 

Chuyện đổi vai này đã xảy ra sau khi quy trình lập pháp được sửa đổi và được thể chế hóa trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002.

Do ở ta không có sự phân quyền, mà cùng lắm chỉ có sự phân công,  phân nhiệm, nên một công việc của hành pháp được phân công cho lập pháp là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Và điều này không thể bị đánh giá là sai lý thuyết (Ít nhất là lý thuyết của chúng ta). Tuy nhiên, một sự lệch vai như vậy không phải là không để lại những hệ lụy to lớn.

Trước hết, động lực của quá trình lập pháp bị suy giảm nghiêm trọng. Nếu các thành viên của Chính phủ không có quyền bảo vệ các chính sách của mình trước Quốc hội, thì họ cũng ít có động lực để soạn thảo các văn bản pháp luật. Đây là lý do giải thích tại sao chất lượng của các dự thảo văn bản pháp luật ngày một sa sút. Các cơ quan giúp việc của Quốc hội phàn nàn là họ thường phải viết lại từ 70-75% nội dung và thể thức của các dự thảo luật. Đây có thể là thành tích cho một tình thế, nhưng không khéo vẫn chỉ là thất bại cho một quy trình. Bởi vì rằng, nếu một dự luật trước sau gì cũng sẽ bị sửa chữa đến 70-75%, thì việc gì các cơ quan của Chính phủ phải lao tâm khổ tứ trong quá trình soạn thảo?! Đằng nào thì Quốc hội cũng sẽ sửa gần hết, soạn thế nào mà chẳng xong. Tuy nhiên, rủi ro là các cơ quan giúp việc của Quốc hội có thể chưa chắc đã có đủ kiến thức chuyên môn cần thiết. Đó là chưa nói tới việc họ cũng lại bị lệch vai: đáng ra phải phát triển kỹ năng hỗ trợ công việc thẩm định, họ lại phải làm công việc hoạch định và soạn thảo.

Hai là, nếu chính sách lập pháp được đưa vào dự luật không phải là chính sách do Chính phủ trình xin phê chuẩn (mà là chính sách do các cơ quan của Quốc hội đưa vào), thì Chính phủ cũng ít có động lực để triển khai. Đó là chưa nói tới khả năng có những chính sách được bổ sung vào luật mà Chính phủ không biết phải hướng dẫn thi hành như thế nào. Phải chăng đây là một trong những lý do giải thích việc ban hành nghị định để triển khai thi hành luật nhiều khi bị chậm trễ.

Chúng ta đang tiến hành nghiên cứu để sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Xác định lại vai trò của Chính phủ và Quốc hội trong quy trình lập pháp là một nội dung cần được quan tâm xem xét. Vì phân công, phân nhiệm thì cũng nên có triết lý và nên góp phần tạo ra động lực.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)