Phát triển công nghệ cao ở Việt Nam: nên “mở” hơn là “đóng”
Chiến lược phát triển công nghệ cao (CNC) ở Việt Nam; Chuẩn bị gì để phát triển CNC; Thu hút đầu tư CNC vào Việt Nam... đó là những chủ đề chính của cuộc trò chuyện dưới đây giữa phóng viên Tia Sáng với Giáo sư Nguyễn Quang A, người từng là Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam và hiện là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng cổ phần ngoài quốc doanh-VP Bank.
PV: Việt Nam đang chuẩn bị một chiến lược phát triển công nghệ cao (CNC) và việc này cụ thể được giao cho Bộ KH&CN soạn thảo, ông có biết chuyện này và ý kiến của ông là như thế nào?
Ông Nguyễn Quang A: Chúng ta rất cần những chiến lược như vậy để hướng những ưu tiên của chính phủ trong quá trình phát triển khoa học và công nghệ nước nhà. Tôi không rõ lắm chiến lược phát triển công nghệ cao hiện đang được Bộ KH&CN chuẩn bị. Tuy nhiên, điều tôi biết rõ là từ trước tới nay, các chiến lược khoa học tổng thể nhiều khi mang tính chất phong trào, kiểu: Me too! (tức là các nước xung quanh làm thì mình cũng làm).
Có quá muộn hay không khi tới giờ chúng ta mới bắt tay soạn thảo các chiến lược phát triển CNC?
Trả lời muộn hay không quả là khó. Theo tôi, điều cần thiết với một chiến lược là không nên bất di, bất dịch mà nó phải bổ sung, sửa đổi, thậm chí định hướng lại hoàn toàn hoặc dẹp bỏ để thay bằng một chiến lược hoàn toàn khác. Đây là một câu chuyện bình thường và không nên làm cho nó quá to tát. Vấn đề là chiến lược này phải thực tiễn và hợp với sức của mình, nên “mở”, hơn là “đóng”. Xây dựng một chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực CNC thì cần phải lượng sức mình xem có thể làm được đến đâu. Không nên quá viển vông.
Thế nào thì được coi là không quá viển vông?
Một chiến lược được coi là sáng suốt khi huy động được sự tham gia của nhiều người, nhiều cơ quan, nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội để cũng xây dựng. Những ý kiến góp ý, phản biện một cách công khai của nhiều người sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực của nhà nước, của xã hội, tránh được các phí tổn không cần thiết khi thực hiện chiến lược. Càng nhiều ý kiến, câu hỏi, càng nhiều cách lật ngược vấn đề thì càng tốt. Vấn đề là những người có trách nhiệm xây dựng chiến lược đừng ngại người ta nói ngược.
Cho đến nay, định nghĩa như thế nào là CNC vẫn là câu chuyện còn bàn cãi ở Việt Nam. Hướng CNC nào theo ông là phù hợp với Việt Nam và điều gì chúng ta phải làm trước nhất?
Công nghệ sinh học, nano, vật liệu mới, điện tử, viễn thông, tự động hóa… tất cả những thứ đó ở Việt Nam đều cần phải phát triển. Mình không thể bỏ qua cái này mà đi vào cái kia. Tuy nhiên, cũng có thể đi bằng nhiều cách. Trước mắt phải tạo dựng được một đội ngũ những người trước hết hiểu được thế giới đang đi tới đâu và mình có thể áp dụng được gì. Theo tôi nghĩ, mình chưa thể sáng tạo nếu chưa hiểu để có thể nắm bắt. Không hiểu được thì làm sao có thể nói tới áp dụng hoặc xa hơn nữa là sáng tạo hay đón đầu? Tạo dựng được một đội ngũ con người làm việc trong CNC là công việc của các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, và rộng ra là toàn xã hội.
Như vậy Việt Nam vẫn thiếu nguồn lực để phát triển CNC?
Nói như vậy không hoàn toàn đúng. Thí dụ như giờ nói tới công nghệ cao trong sinh học, người ta có thể nghĩ ngay tới di truyền, cấy gien, nhân bản… Điều đó đúng nhưng tại sao không tư duy theo kiểu là áp dụng CNC trong sinh học để biến một quá trình lên men truyền thống của Việt Nam (như làm tương, làm mắm tôm, ủ phân chẳng hạn) thành phổ thông, rộng rãi hơn, nhân nó lên thành nhiều lần để phục vụ thị trường, giúp cải thiện kinh tế cho những người nông dân. Làm như vậy còn giải quyết được thêm nhiều vấn đề khác như bảo vệ môi trường, xử lí nước thải và chất thải. Cũng như vậy, có thể nghiên cứu cách làm sao để đất khỏi bạc màu, tăng độ phì và tăng khả năng kháng sâu bệnh chẳng hạn…
Tức là công nghệ cao ở nước ta không những cần phù hợp với sức mình mà trước hết phải phục vụ chính mình, làm lợi cho mình?
Đúng vậy, phải hướng tới mấy chục triệu người nông dân hiện nay. Nói công nghệ cao nhưng cũng phải hướng tới việc giúp nông dân, ngư dân cải thiện quá trình nuôi trồng, bảo vệ môi sinh thì sẽ tốt hơn.
Để tiến tới những vấn đề thực sự cao siêu như lập bản đồ gien (genomics) thì có lẽ trước hết mình phải bắt đầu từ những cái đơn giản nhất. Tôi cũng đã thấy có những ví dụ thực tế ở Việt Nam rất thú vị như trong lĩnh vực công nghệ nano, đã có nhà khoa học người Việt (Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, TP HCM-PV) có những phát minh đột phá liên quan tới mực in nano. Từ đó tạo ra các sản phẩm rất có lợi cho xã hội.
Có lẽ chính các cơ sở này sẽ đào tạo ra những con người làm việc cụ thể hay hơn nhiều so với các viện nghiên cứu của ta hiện hữu. Phải gắn kết đào tạo với khoa học và thị trường hay nói một cách khác tạo mối quan hệ hữu cơ giữa trường đại học, viện nghiên cứu và các công ty.
Đây cũng là điều đang được bàn luận rất nhiều ở Việt Nam nhưng dường như… vẫn chưa có giải pháp để thực hiện một cách hiệu quả?
Theo tôi việc này có thể được thực hiện rất đơn giản. Đầu tiên là phải cho các trường đại học, các viện nghiên cứu quyền được tự trị. Đừng cột các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu vào chức năng đơn thuần của một viên chức nhà nước. Cần cởi mở hơn với họ. Thí dụ một người dạy ở đại học thì có thể làm một lúc 2-3 chân ở những nơi khác: vừa dạy đại học, vừa làm ở một nơi khác và đồng thời có thể có một công ty spin-off (công ty nghiên cứu công nghệ theo hướng đưa sản phẩm ra thị trường, phục vụ đời sống-PV) của riêng mình. Họ cần phải có một mối quan hệ chằng chịt và cần nuôi dưỡng mối quan hệ đó.
Hiện nay theo tôi biết công chức bị “trói” vào qui chế công chức và điều này ngăn cản họ phát triển. Chỉ vài câu trong qui chế mà làm hại rất nhiều người. Chỉ cần sửa cái đó là sẽ cởi mở được ngay. Vả lại chuyện sửa đổi này đâu có khó khăn gì. Điều quan trọng là khi có người chỉ ra những chỗ cần sửa thì các cơ quan chức năng cần xem xét để giải quyết. Các cơ quan bộ chính là nơi phải làm việc này. Nhưng thực tế đáng tiếc là dường như họ lại đang cố tìm cách giữ cho mình càng nhiều quyền càng tốt, quản lý các trường và các viện càng chặt càng tốt, còn việc chính là rà soát chính sách, sửa chính sách, thì làm chẳng được mấy hoặc ra chính sách không khuyến khích phát triển.
Có lẽ chúng ta đi hơi xa chủ đề chính, quay lại chuyện công nghệ cao, mới đây công ty Intel của Mỹ đã đầu tư 300 triệu đô la để xây dựng một nhà máy thử chip điện tử tại Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về sự kiện này?
Intel mới quyết định đầu tư chứ chưa đầu tư mà sẽ đầu tư, nên nói đã đầu tư thì hơi quá. Việc Intel quyết định đầu tư vào Việt Nam là vô cùng quan trọng theo nhiều nghĩa khác nhau. Khâu test (kiểm tra, thử nghiệm) mà Intel chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư là một khâu tốn kém nhân lực, trí tuệ và công sức. Có thể mình đặt câu hỏi tại sao họ không đầu tư vào những lĩnh vực đòi hỏi các “công đoạn” cao cấp hơn như thiết kế (design) chẳng hạn? Chắc còn phải đợi thêm thời gian. Nhưng trước hết, một công ty đang thực sự bẻ cánh lái con tàu công nghệ thông tin của thế giới vào đầu tư ở Việt Nam đã là một thành công lớn đối với nước mình. Vấn đề còn lại của chúng ta là làm sao tạo các điều kiện, từ cơ sở hạ tầng, hậu cần tới thủ tục hải quan…, đừng nên gây bất cứ phiền hà gì để họ thực hiện thành công dự án và chuyển sang pha đầu tư tiếp theo. Nếu được như thế thì đầu tư của Intel sẽ là một cú hích, tạo một tác động dây chuyền đối với các hãng, công ty công nghệ cao lớn khác không chỉ của Mỹ mà cả của thế giới vào Việt Nam.
Ngược lại, phi vụ đầu tư này của Intel cũng tiềm ẩn một rủi ro lớn là nếu mình gây phiền hà khiến cuối cùng họ rút đầu tư thì chúng ta sẽ “xôi hỏng, bỏng không”, còn lâu mới có thể thu hút được các đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực CNC.
Nói tới vấn đề tạo điều kiện, ông có đánh giá như thế nào về tiến độ các khu CNC, nhất là khu CNC Hòa Lạc?…
Điều đầu tiên phải nói là chính sách phát triển CNC của chúng ta không rõ ràng. Nhiều chương trình, đề án đưa ra nhưng không được ráo riết thực hiện như qui hoạch khu CNC Hòa Lạc đã từ lâu mà quá trình triển khai lại kéo dài lê thê với cách làm hoàn toàn không bài bản, chuyên nghiệp, thậm chí tùy tiện từ khâu giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án cho tới quảng bá, khuyếch trương các khu công nghệ. Tôi nhớ tới một câu chuyện nhỏ. Cách đây đã lâu, Bộ Khoa học và Công nghệ có mời tôi tư vấn cho một dự án nhỏ, cỡ 5 tỉ đồng để mua server (máy chủ cho hệ thống máy tính) cho nhà điều hành khu CNC Hòa Lạc. Thế nhưng lúc đó ở đó điện chưa có, mặt bằng thì chưa san. Tôi có nói thẳng với một lãnh đạo của Bộ: “Các anh mua server về để cắm vào bụi chuối à?”. Ấy thế mà sau họ vẫn cứ mua. Như vậy, tôi biết chắc chắn là mua xong là đắp chiếu để đấy, sử dụng làm sao được? (Hình như họ đã dùng vào văn phòng ở Hà Nội!)
Vậy theo ông cách thực hiện nào sẽ hiệu quả?
Trước hết, phải giao chuyện này cho những người thực sự có quyền, có ảnh hưởng và có khả năng thực sự. Bên cạnh đó, cũng có thể làm theo một cách khác. Giả sử như Việt Nam bỏ ra khoảng vài triệu đô la, thuê hẳn một công ty nước ngoài chuyên hoạt động trong lĩnh vực này để họ làm chắc mọi việc sẽ nhanh hơn. Chúng ta thường hay tạo ra nhiều rào cản cho chính mình hay nói cách khác kiểu “mua dây buộc mình”.
Theo đánh giá của một nghiên cứu mới đây của một cơ quan thuộc Liên hiệp quốc, Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Phải làm gì để thực sự thu hút được các nguồn đầu tư quan trọng này?
Muốn thu hút được đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực R&D thì Việt Nam phải có cái quan trọng nhất: con người; hai thứ khác: trang bị cho nghiên cứu (cơ sở hạ tầng) và thị trường cho các sản phẩm nghiên cứu (đầu ra) thì các công ti họ sẽ lo, mình phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ làm. Chi phí cho loại hình đầu tư này khá đặc thù bởi phần lớn tiền đầu tư dùng để mua thiết bị và trả lương cho các nhà nghiên cứu (một đối tượng lao động đặc biệt). Để các doanh nghiệp Việt Nam tự đầu tư trong lĩnh vực R&D trong điều kiện hiện nay rất khó vì năng lực của họ còn hạn chế. Nhưng thu hút được đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này lại càng khó hơn. Nếu thực sự mình thu hút được loại hình đầu tư này thì tức là đồng nghĩa với mình đạt top đỉnh trong thu hút đầu tư nước ngoài. Quay trở lại vấn đề ban đầu là muốn làm được thì chúng ta phải có cơ sở hạ tầng, có người có trình độ, nói cách khác có nguồn nhân lực phù hợp cho việc nghiên cứu của họ. Mà muốn có người thì điều hết sức cấp thiết là phải nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Ông có lạc quan cho rằng Việt Nam trong tương lai liệu có trở thành một trung tâm công nghệ cao trong khu vực?
Có thể nhưng không dễ. Để làm được điều này cần rất nhiều công phu, tiền bạc, thời gian và cả sự hy sinh nữa. Đừng ảo tưởng là dân ta thông minh, tài giỏi khác người. Tôi biết người Việt có nhiều điểm hay nhưng nói là thông minh, rất giỏi thì chưa phải. Hãy giở một số tạp chí công nghệ cao của thế giới ra xem: số người Việt có tên công bố các công trình, sáng chế trong đó còn quá ít, đặc biệt là khi tính tỉ lệ với số dân của Việt Nam. Thêm nữa, Việt Nam vẫn chưa thực sự tạo ra một môi trường và điều kiện thuận lợi cho sáng tạo. Cải thiện được tình hình này thì chắc chắn tương lai sẽ sáng sủa. Theo tôi, chừng nào trong lĩnh vực nghiên cứu có nhiều người nước ngoài tới Việt Nam lập nghiệp, làm ăn, sinh sống thì chắc chắn nền công nghệ cao của chúng ta sẽ sớm phát triển. Một điều quan trọng cần nhấn mạnh là nhà nước và các nhà chính trị chính là những người có khả năng làm ra rất nhiều giá trị cho một đất nước. Trước hết bằng chính những chính sách, chiến lược đúng, khôn ngoan…
Xin cám ơn ông.