Phiếu tín nhiệm của cộng đồng khoa học, chuyên gia chỉ nên coi là nguồn tham khảo

Giáo sư Phạm Hùng Việt cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm của cộng đồng khoa học, chuyên gia cũng là việc cần thiết nhưng chỉ nên là một nguồn tham khảo chứ không mang tính quyết định. Để tránh tái diễn trường hợp này, chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của Quỹ Nafosted trong việc lựa chọn hội đồng khoa học chuyên ngành.


GS.TS. Phạm Hùng Việt, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích và kiểm định môi trường, thực phẩm, ĐHQGHN.

Lựa chọn thành viên Hội đồng CDGSNN

Trong lựa chọn thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (CDGSNN), theo GS Ngô Việt Trung, cần căn cứ vào thành tựu mà nhà khoa học đã có trong cả cuộc đời nghiên cứu, không nhất thiết phải dựa vào công bố quốc tế trong năm năm gần nhất, tiêu chí này không sai nhưng có thể chỉ phù hợp với một số ngành nghiên cứu thiên về lý thuyết, khi sức sáng tạo của các nhà khoa học được phát huy từ rất trẻ, còn với các ngành nghiên cứu thực nghiệm, thực hiện đề tài thường đòi hỏi kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm. Trên thế giới cũng từng có nhiều nhà khoa học không có công bố ISI nhưng vẫn có công trình nghiên cứu có giá trị, nhưng đó là vào những năm 1950, khi yêu cầu về công bố ISI vẫn chưa được đặt ra. Ngày nay, việc một nhà khoa học không có thêm một sản phẩm nghiên cứu nào trong vòng năm năm sẽ dẫn đến dấu hỏi về năng lực nghiên cứu của nhà khoa học đó. Ở đây, chúng ta nên xét những tiêu chí mang tính phổ quát để có được một mẫu số chung có thể áp dụng với nhiều lĩnh vực ngành nghề nghiên cứu.

Lấy phiếu tín nhiệm của cộng đồng khoa học, chuyên gia cũng là việc cần thiết nhưng chỉ nên là một nguồn tham khảo chứ không mang tính quyết định, tránh trường hợp phiếu tín nhiệm thiếu khách quan – giới thiệu người mới chưa phải là tốt nhất mà có thể là quan hệ cá nhân thân thiết. Để tránh tái diễn trường hợp này, chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của Quỹ Nafosted trong việc lựa chọn hội đồng khoa học chuyên ngành: lấy ý kiến của những người từng chủ trì đề tài do Quỹ tài trợ và được mời tham gia phản biện hồ sơ tài trợ. Theo cách này, chúng ta không cần hỏi ý kiến của tất cả các nhà khoa học trong từng lĩnh vực nghiên cứu mà hỏi những người đã là giáo sư, phó giáo sư hoặc là chủ trì các đề tài Nafosted – ý kiến của cộng đồng này sẽ chuẩn xác hơn.

Tựu trung lại, mục tiêu của chúng ta là dựa vào nhiều tiêu chí “cứng” đã được cộng đồng khoa học thừa nhận để chọn ra những thành viên xứng đáng vào Hội đồng Chức danh hơn là chỉ dựa vào phiếu tín nhiệm. Khi làm tốt, quy cách lựa chọn thành viên hội đồng cũng sẽ là gợi ý để chúng ta tiếp tục chuẩn hóa cách phong học hàm giáo sư, phó giáo sư, nhất là việc giảm bớt được sự lệ thuộc vào việc bỏ phiếu tín nhiệm, trước là 3/4 thì nay chỉ cần 2/3 là đủ.

Tiêu chí “bổ nhiệm mở”

Để nâng cao giá trị của học hàm giáo sư, phó giáo sư, tôi cho rằng có thể áp dụng tiêu chí “bổ nhiệm mở”, tức là bổ nhiệm có thời hạn với thời gian xét là năm năm. Sau năm năm, các hội đồng chức danh có thể kiểm tra: sau khi được bổ nhiệm, các nhà khoa học này có tiến hành nghiên cứu không? Nếu có công bố, công trình hoặc patent sau năm năm thì dĩ nhiên là họ xứng đáng với danh hiệu được phong, còn ngược lại, nếu không còn động lực nghiên cứu thì họ không còn xứng đáng nữa. Việc bổ nhiệm có thời hạn sẽ đem lại động lực phấn đấu liên tục cho những người làm nghiên cứu. Đây cũng là cách nhiều trường ở Australia, Singapore, Mỹ… đã áp dụng hiệu quả.

Chúng ta cần công khai và minh bạch các thông tin về ứng viên học hàm giáo sư và phó giáo sư cũng như quá trình xét duyệt. Tôi xin đơn cử trường hợp hội đồng ngành Hóa – Công nghệ thực phẩm. Cách đây gần 15 năm, khi GS Ngô Thị Thuận là chủ tịch hội đồng đã có thông lệ: trong các buổi thuyết trình của ứng viên, hội đồng thường mở cửa cho tất cả những người trong và ngoài ngành cũng như những ai quan tâm đều có thể tham dự. Đây là một biện pháp để mọi người có thể đánh giá chất lượng ứng viên, tránh được chuyện có một vài thành viên hội đồng muốn “rộng tay” nâng đỡ hay “trù úm” ứng viên cũng không thể thực hiện được. Thông lệ “bất thành văn” này đã được hội đồng ngành Hóa – Công nghệ thực phẩm thực hiện rất hiệu quả.  

Giáo sư nghiên cứu và giáo sư giảng dạy

Tại nhiều quốc gia như Đức, Australia… thường có hai loại giáo sư: giáo sư giảng dạy (professor with chair) làm việc trong các trường đại học và giáo sư nghiên cứu (research professor) là các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu. Tùy theo yêu cầu phát triển mà có thể một trường đại học sẽ có thêm một số giáo sư nghiên cứu và ngược lại, viện nghiên cứu cũng có giáo sư giảng dạy. Những đề xuất về chỉ tiêu dạy học và viết sách đối với ứng viên giáo sư, phó giáo sư mà GS Ngô Việt Trung nêu là đúng đắn, tuy nhiên có phần phù hợp hơn với danh hiệu giáo sư làm việc ở viện nghiên cứu, nếu dùng tiêu chuẩn về giáo sư nghiên cứu áp dụng cho các nhà khoa học tham gia giảng dạy tại các trường đại học chưa hẳn đã đúng. Tuy nhiên để tránh làm “loãng chất lượng”, không nên phong ồ ạt học hàm giáo sư giảng dạy mà chỉ thực hiện khi các trường đại học khuyết người ở vị trí cần bổ nhiệm (cho đúng tinh thần professor with chair). Mỗi trường chỉ có một số “ghế” nhất định, tương đương với số lượng bài giảng, số lượng sinh viên. Bổ nhiệm hay không bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư ở trường này hay trường khác cũng là cách làm đa dạng môi trường học thuật.

Việc phong học hàm giáo sư, phó giáo sư cho hai đối tượng, giảng viên trong trường đại học và nhà khoa học trong viện nghiên cứu cần tuân theo những tiêu chuẩn chặt chẽ, tránh tình trạng đã từng xảy ra như trong giai đoạn trước là mở rộng xét và phong cho cả những người làm công tác quản lý như một thứ mốt, làm ảnh hưởng đến môi trường học thuật.

Theo tôi vì nhiều lựa chọn thành viên Hội đồng CDGSNN có thể tham khảo cách làm của Quỹ Nafosted trong việc lựa chọn thành viên các hội đồng nghiên cứu cơ bản. Trong đợt chọn Hội đồng nghiên cứu cơ bản ngành Cơ học gần đây nhất, Quỹ Nafosted có gửi một mẫu phiếu tín nhiệm/không tín nhiệm online với danh sách hơn 80 TS ngành Cơ học đạt tiêu chuẩn có công bố quốc tế ISI trong năm năm gần đây nhất. Với cách làm này, những người có trong danh sách được phép tiếp cận lý lịch khoa học của nhau trong thời gian bình chọn. Họ không chỉ có quyền đánh dấu tín nhiệm chọn chín thành viên hội đồng, mà còn có thể cả dấu không tín nhiệm nữa cho các cá nhân cụ thể có vấn đề. Kết quả là ở hai nhiệm kỳ đầu, nhiều TS trẻ có thành tích công bố ISI tốt đã được chọn vào hội đồng nghiên cứu cơ bản ngành Cơ học, và tới nhiệm kỳ hiện nay thì tất cả các thành viên hội đồng ngành Cơ học đều là các PGS, GS. Việc bỏ phiếu tín nhiệm/không tín nhiệm như vậy cũng giúp các thành viên hội đồng ngành nâng cao ý thức phục vụ cộng đồng và chịu trách nhiệm về các hoạt động đã qua của mình. Chúng tôi tin rằng các hội đồng CDGS ngành được lựa chọn như cách làm trong việc lựa chọn thành viên hội đồng ngành của Quỹ Nafosted sẽ thực sự có năng lực thẩm định chuyên môn, có uy tín với cộng đồng, và tư vấn sát thực cho các lãnh đạo trong điều chỉnh chính sách. PGS. TS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)