Phổ cập Luật An ninh mạng ở bậc phổ thông: Dạy gì, tránh gì?

Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ 11/1/2021, quy định rằng, từ lớp 10, học sinh phổ thông tại Việt Nam được học về Luật An ninh mạng. Đây là một động thái hết sức đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, câu hỏi cần được đặt ra là việc giáo dục phổ cập Luật An ninh mạng cho học sinh phổ thông nên được thiết kế thế nào cho hiệu quả không chỉ về mặt tuyên truyền, mà còn cả về mặt tư duy biện luận pháp lý.


 96.6% thiếu niên độ tuổi từ 11 đến 16 ở Việt Nam đã sử dụng internet, bao gồm cả thành thị và nông thôn.

Phổ cập Luật An ninh mạng trong chương trình giáo dục quốc phòng: nhiều bất cập

Theo nội dung Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT thì hiểu biết về an ninh mạng được xếp vào một trong mười lăm hiểu biết chung về quốc phòng và an ninh được thiết kế song song với việc giáo dục hiểu biết về “quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”, “bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau năm 1975”, “một số hiểu biết về chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam”. Tuy nhiên, khi nhìn vào cụ thể nội dung của việc phổ cập Luật An ninh mạng được đề ra trong thông tư, yêu cầu hiểu biết của học sinh sau khi tham gia chương trình về an ninh mạng chủ yếu mang tính thiết thực thường ngày. Cụ thể, hai yêu cầu về kĩ năng chính cho học sinh sau khi được phổ cập Luật An ninh mạng là:

1. Nêu được một số khái niệm cơ bản về mạng, an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng; nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng;

2. Bảo mật được thông tin cá nhân, cảnh giác trước những thủ đoạn xâm nhập, phát tán mã độc, thông tin giả trên mạng…

Các khái niệm cơ bản về mạng và an ninh mạng hay bảo mật thông tin cá nhân trên mạng hoàn toàn có thể được tích hợp vào chương trình Tin học phổ thông. Theo chương trình phổ thông hiện hành, từ lớp 10, học sinh phổ thông đã được làm quen với những khái niệm cơ bản về mạng internet. Đến lớp 11, học sinh được tiếp cận với ngôn ngữ lập trình và đến lớp 12 thì được học về cơ sở dữ liệu và bảo mật cơ sở dữ liệu. Đây là cấu trúc có sẵn phù hợp cho việc lồng ghép và phát triển các khái niệm về mạng, an ninh mạng, và bảo mật thông tin cá nhân trên mạng ở cấp độ phổ thông. Đối với nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng, yêu cầu giáo dục học sinh phổ thông về quyền và nghĩa vụ công dân thông qua giáo dục pháp luật vốn từ lâu đã được thực hiện thông qua chương trình bộ môn Giáo dục công dân. Đây cũng chính là bộ môn phù hợp cho việc rèn giũa và phát triển ý thức cũng như hành vi công dân của học sinh – từ yêu cầu giáo dục đề cao cảnh giác đến việc truyền tải ý thức bảo vệ thông tin cá nhân. Những bàn luận về tính xã hội của mạng internet cũng có thể thường xuyên được đan xen vào chương trình môn Ngữ văn trong các chủ đề văn nghị luận. 

Cho dù những yêu cầu kĩ năng liên quan đến phổ cập Luật An ninh mạng theo thông tư có thể được tích hợp theo dọc chiều dài chương trình giáo dục phổ thông như đã đề cập ở trên, điều bất cập lớn nhất của việc phổ cập Luật An ninh mạng trong khuôn khổ giáo dục an ninh quốc phòng là cách định hình tư duy về an ninh mạng mang tính phiến diện cho học sinh. Trên thực tế, thiếu niên Việt Nam sử dụng mạng internet từ rất sớm và dành rất nhiều thời gian trong một ngày để tham gia các hoạt động trên mạng. Theo khảo sát năm của Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children) tại Việt Nam vào năm 2020, đến 96.6% thiếu niên độ tuổi từ 11 đến 16 đã sử dụng internet, bao gồm cả thành thị và nông thôn. Trong đó, 43.4% sử dụng internet từ 1 đến 3 giờ đồng hồ mỗi ngày, hầu hết mục đích dành cho việc học (83.1%), giải trí (70.9%), mạng xã hội (71.2%) và chơi game online (58.7%). Mạng internet là một phần quan trọng trong cách thanh thiếu niên Việt Nam sinh hoạt học tập, giải trí, tìm kiếm thông tin, kết bạn, giữ liên lạc với gia đình và người thân. Việc đặt để công tác giáo dục rèn luyện kĩ năng mạng cho học sinh trong khuôn khổ giáo dục an ninh quốc phòng – một phạm trù giáo dục mang tính địa-chính trị quân đội – vô hình trung tạo nên khái niệm sai lệch rằng thông tin cá nhân hay việc giữ gìn an toàn cá nhân mỗi khi sử dụng mạng internet chỉ được hiểu trong bối cảnh an ninh tổ quốc. Điều này vừa đi ngược lại với chính mục đích phổ cập đề ra trong thông tư, vừa tạo nên sự méo mó trong cách khái niệm an ninh mạng được hiểu và cắt nghĩa trong dư luận xã hội. 

Vị trí của việc phổ cập Luật An ninh mạng trong giáo dục phổ thông tại Việt Nam

Vậy, chúng ta cần mong mỏi gì ở việc phổ cập Luật An ninh mạng cho công dân ở cấp độ phổ thông? Khái niệm an ninh cần được cắt nghĩa rõ ràng hơn và hoàn chỉnh hơn. An ninh, hiểu rộng là trạng thái chung sống bình ổn của con người và môi trường của họ (bao gồm cả thiên nhiên, công nghệ, và các yếu tố phi nhân loại khác), là khái niệm bao trùm các khía cạnh xã hội, chính trị, và thể chế. Tuy an ninh xã hội không thể tách rời khỏi an ninh chính trị hay thể chế, các khía cạnh an ninh này không phải là một khối chung nhất. Khía cạnh xã hội của an ninh mạng là sự an toàn, cởi mở, và hợp pháp của các hoạt động diễn ra có liên quan đến mạng internet. Tính xã hội của an ninh mạng là việc bảo vệ người dùng internet, kể cả người lớn và trẻ em, khỏi những tác hại về tinh thần, sức khỏe, tiền bạc – và khỏi những hệ lụy vô hình hơn về những tổn thương đến sự tin cậy và tính đoàn kết xã hội. Tính quốc phòng của an ninh mạng là việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật an ninh vững chắc cho hệ thống mạng quốc gia tránh khỏi những vụ tấn công có tổ chức của các quốc gia và thế lực ngoại bang, cũng như nâng cao kiến thức địa-chính trị và kĩ năng cảnh giác trước những nguồn thông tin không rõ xuất xứ trên internet. Sự giao nhau giữa hai phạm trù này là một phạm vi nhỏ không mang tính bổ trợ cho nhau; việc hoán đổi phạm trù trong công tác lên phương án phổ cập Luật An ninh mạng sẽ dẫn đến sự hiểu sai về sự cần thiết của các kỹ năng và sự hiểu biết và bảo vệ an ninh xã hội trên mạng. 


Dạy về an ninh mạng là rèn luyện ý thức và tư duy để học sinh có thể ứng phó với nhiều tình huống xã hội – công nghệ phức tạp trên internet.

Cần nói thêm rằng, sự mập mờ trong việc phân định các phạm trù khác nhau trong an ninh mạng không phải là vấn đề chỉ diễn ra ở Việt Nam. Truyền thông các quốc gia nói tiếng Anh cũng đã và đang trải qua nhiều thập niên đưa tin thiếu phân định rạch ròi và thiếu biện luận chặt chẽ về việc truyền tải đến dư luận cách hiểu vị trí và tầm ảnh hưởng của môi trường mạng – một môi trường không nằm tách biệt ra khỏi cuộc sống vật lý của chúng ta – mà bao trùm và thẩm thấu vào từng ngóc ngách của tổ chức xã hội hiện đại. Chính nhờ vào quá trình trao đổi mở giữa chuyên gia, truyền thông, và công chúng mà những hiểu biết của chúng ta về sự chung sống với công nghệ được hoàn thiện hơn. Khi đưa tin về việc phổ cập Luật An ninh mạng ở cấp phổ thông, trang ‘Thông tin Chính phủ’ trên Facebook có dẫn ảnh minh họa hoạt động ngoại khóa của học sinh ở Hà Nội học về an ninh mạng với các Luật sư của Đoàn Luật sư Hà Nội, kèm lời dẫn rằng mục đích của giáo dục Luật An ninh mạng nhằm giúp học sinh “ý thức khi sử dụng internet và mạng xã hội, tỉnh táo, không tham gia vào bất cứ nhóm nào mang tính kích động; không tự tiện đăng ảnh của người khác lên mạng kèm những thông tin không đúng sự thật và ảnh hưởng tới nhân phẩm, danh dự của người khác”. Tuy ảnh minh họa  như trên là góp phần giúp bài viết thêm tính sinh động, cách trình bày việc giáo dục pháp luật theo định hướng “luật sư tư vấn” là thiếu chính xác cho tinh thần phổ cập pháp luật. Việc tư vấn pháp luật cho công dân bởi các luật sư chuyên nghiệp diễn ra ở một phương diện hoàn toàn độc lập với việc giáo dục luật pháp. Phổ cập kiến thức pháp luật cần hướng đến việc chỉ ra tinh thần, mục đích, và phương thức của luật bên cạnh việc giáo dục những điều luật sẵn có, hoặc đơn thuần chỉ ra các hành vi bị cấm hoặc được cho phép bởi luật pháp. Cách tiếp cận này đặc biệt hữu ích cho một văn bản luật mới mẻ như Luật An ninh mạng – vốn có hiệu lực từ năm 2019 – và đặc biệt cần thiết khi tại Việt Nam, những hiểu biết mang tính có hệ thống về ảnh hưởng xã hội của công nghệ số vẫn còn hết sức hạn hẹp.

Cởi mở hơn trong tư duy phổ cập và triển vọng hoàn thiện Luật An ninh mạng

Để đạt được mục tiêu giáo dục này, việc phổ cập kiến thức công nghệ cơ bản và những khái niệm xã hội liên quan đến ảnh hưởng của công nghệ cần được tích hợp chặt chẽ vào chương trình giáo dục với phương hướng mở. Đặc tính và thực tiễn phát triển không ngừng của công nghệ và xã hội đòi hỏi giáo dục phổ thông cần nghiêm túc xem xét cách tiếp cận của mình để không chỉ ‘rao giảng’ các điều luật một cách máy móc, mà còn tận dụng cấu trúc pháp luật để rèn giũa tư duy cho học sinh. Cần tránh việc tiếp cận giáo dục pháp luật theo hướng học thuộc quy định và hướng tới truyền tải những thành quả xã hội tích cực mà tinh thần luật được tạo ra để bảo tồn và phát triển. Điều này khiến luật pháp có thể đến gần hơn với đại bộ phận học sinh, và thúc đẩy sự rèn luyện ý thức và tư duy để học sinh có thể ứng phó với nhiều tình huống xã hội – công nghệ phức tạp thường nhật mà phạm trù an ninh quốc phòng là lĩnh vực không phù hợp để làm “mảnh đất” truyền tải. Mạng internet có lẽ là một trong những hiện tượng công nghệ – xã hội hiếm hoi mà hầu hết đại bộ phận học sinh Việt Nam đều sở hữu một lượng kiến thức sẵn có đáng kể, dù đúng hay sai, dù bổ ích hay vô ích. Các em mang theo lượng kiến thức này vào ghế nhà trường; nếu các nhà giáo dục có thể tìm cách kết hợp lượng kiến thức sẵn có này vào các cuộc thảo luận tại lớp học, việc đẩy mạnh phổ cập và tư duy pháp luật đến nhà trường phổ thông sẽ được tối ưu hóa nhanh chóng. 

Nhưng quan trọng hơn hết, việc giáo dục pháp luật cần hướng đến việc phổ cập chính tinh thần mở của luật pháp đến với học sinh và truyền đạt tinh thần xây dựng xã hội đến với thế hệ sau. Dù tinh thần và nguyên tắc của luật pháp là bất di bất dịch, các điều luật luôn được cập nhật, thay đổi để phù hợp với phát triển xã hội dựa trên chính những tinh thần và nguyên tắc này. Sự hoàn thiện liên tục của các văn bản luật phụ thuộc không nhỏ vào tư duy và hiểu biết của các công dân trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Cởi mở hơn trong việc tiếp cận giáo dục pháp luật là một phương án mang lại lợi ích cũng như tính bền vững và an ninh cho toàn xã hội. □

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)