Quan điểm của Lênin về trí thức

Lênin, nhà lý luận thiên tài, người lãnh đạo vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới đã có những đóng góp to lớn vào kho tàng tư tưởng của nhân loại. Một trong những nội dung của tư tưởng ấy là quan điểm về trí thức.


Như nhiều nhà cách mạng chân chính, Lênin hiểu rõ tầm quan trọng của trí tuệ. Người cho rằng trí thức chính là “niềm tự hào vĩ đại của nhân loại”. Nhưng những kiến thức khoa học nếu bị những kẻ có đặc quyền, những lực lượng thống trị phản động kiềm chế và sử dụng, thì sẽ trở thành vũ khí để nô dịch quần chúng, Cách mạng vô sản phải có nhiệm vụ giành lại vũ khí đó vì sự nghiệp giải phóng con người: “Những người lao động khao khát có tri thức, vì tri thức cần cho họ để chiến thắng, tri thức góp phần lớn lao vào việc phát triển lực lượng sản xuất lên một chất lượng mới. Do vậy “Không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm, thì không thể nào chuyển lên chủ nghĩa xã hội được, vì chủ nghĩa xã hội đòi hỏi một bước tiến có ý thức và có tính chất quần chúng để đi đến một năng suất lao động lớn hơn năng suất chủ nghĩa tư bản dựa trên cơ sở những kết quả mà chủ nghĩa tư bản đã đạt được”.
Thực tiễn cách mạng thế giới và ở Việt Nam đã chứng minh tính đúng đắn của Lênin về vai trò của trí thức, Bác Hồ thấm nhuần tư tưởng này. Người nói những câu nổi tiếng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”.
***
Cùng với việc nhận thức đúng đắn vai trò của trí thức, Lênin chỉ ra rằng: “Cũng như bất cứ giai cấp nào khác của xã hội hiện đại, giai cấp vô sản không những chỉ tạo ra tầng lớp trí thức riêng của mình, mà còn thu nạp cả những người ủng hộ mình trong tất cả mọi người có học thức”. Dó chính là con đường của quá trình hình thành đội ngũ tri thức mới, nhất là trong giai đoạn đầu khi giai cấp công nhân mới giành được chính quyền: một mặt, khôn khéo sử dụng và cải tạo trí thức cũ; mặt khác, tích cực đào tạo trí thức mới từ công-nông. Với điều kiện cụ thể của nước Nga Xô Viết sau cách mạng tháng Mười, Lênin rất chú trọng đến việc sử dụng chuyên gia tư sản vì xã hội mới của nhân dân lao động.
Từ góc độ cơ cấu xã hội- giai cấp, Lênin lưu ý: trí thức không phải là giai cấp, mà “là một tầng lớp đặc biệt” trong xã hội. Từ vị trí của mình trong phân công lao động xã hội, trí thức không có quan hệ riêng và trực tiếp với sở hữu tư liệu sản xuất- cái dấu hiệu quan trọng nhất để xác định giai cấp, do đó không có khả năng đại biểu cho phương thức sản xuất nào cả, cũng không có hệ tư tưởng độc lập… Cho nên, trí thức luôn phải gắn với những giai cấp nhất định. Với tư cách là một tầng lớp, và ở trong một thể chế chính trị cụ thể, trí thức nói chung là của giai cấp thống trị do chính hệ thống giáo dục và đường lối đào tạo của nhà nước của giai cấp thống trị ấy tạo ra. Tầng lớp này, tự giác hoặc không tự giác phục vụ cho chế độ và giai cấp thống trị. Quá trình đấu tranh giai cấp và tác động nhiều mặt về lợi ích đã làm cho tầng lớp trí thức phân hóa thành những bộ phận khác nhau. Những bộ phân khác nhau đó sẽ ngả theo lực lượng này hay lực lượng khác, giai cấp này hay giai cấp khác. Lênin luôn phê phán những ai coi trí thức là “siêu giai cấp” hoặc đứng trên giai cấp. Người nói: “Nếu không nhập cuộc với một giai cấp thì giới trí thức chỉ là một con số không mà thôi”.
Ngày nay, đứng trước những thành tựu to lớn của khoa học-kỹ thuật, những tư tưởng của chủ nghĩa kỹ trị đang tồn tại và phát triển dưới nhiều màu sắc khác nhau. Nhưng tựu chung và đỉnh cao về mặt chính trị- xã hội của họ là đi đến thổi phồng vai trò của trí thức, mà dẫn đến coi nhẹ hoặc phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện đại. Vì vậy, những quan điểm của Lênin về trí thức trong cơ cấu xã hội- giai cấp vẫn là cơ sở để chúng ta nhận rõ bản chất phi khoa học, mơ hồ hoặc phản chính trị của những tư tưởng này.
***

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chiến hạm
Rạng Đông lịch sử trong chuyến thăm
chính thức LB Nga tháng 9/2007

Lênin không chỉ chú ý đến tính xã hội-giai cấp của trí thức mà còn quan tâm đến cả đặc điểm lao động của họ. Lao động nói chung đã là sáng tạo. Nhưng từ sự phân công lao động xã hội mà tính sáng tạo trội lên thuộc về lao động trí óc của người trí thức. Kiểu lao động ấy, theo Lênin, nó đòi hỏi cao tính độc lập của người trí thức trong vận động khả năng tư duy và năng lực kinh nghiệm để tìm ra biện pháp tối ưu giải quyết công việc. Người nhắc chúng ta rằng đối với trí thức “… chỉ nhờ vào những phẩm chất cá nhân của họ nên mới có thể đóng được một vai trò nào đó. Vì vậy đối với họ, quyền được hoàn toàn tự do biểu hiện bản chất cá nhân của mình là điều kiện đầu tiên để công tác được kết quả”. Điều này lại càng rõ đối với trí thức khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt ở lĩnh vực sáng tạo văn học- nghệ thuật của giới văn nghệ sĩ: “Đương nhiên, trong sự nghiệp đó tuyệt đối phải bảo đảm phạm vi hết sức rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho khuynh hướng cá nhân, cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung. Tất cả những điều đó là hiển nhiên và chỉ chứng tỏ rằng: bộ phận văn học trong sự nghiệp Đảng của giai cấp vô sản không thể cùng với những bộ phận khác trong sự nghiệp Đảng của giai cấp vô sản rập khuôn như nhau”.
Như vậy, Lênin đã gợi ý cho chúng ta rằng lao động sáng tạo khoa học của trí thức có những khác biệt nhiều so với lao động chân tay, hoặc lao động trí óc đơn giản.
Nghiên cứu đặc điểm lao động của trí thức không phải vì mục đích tự thân mà chính để làm cơ sở cho công tác lãnh đạo và quản lý trí thức. Đảng bộ, chính quyền các cấp, và các cơ quan chủ quản phải lưu ý đến đặc điểm lao động của trí thức riêng từng ngành, từng đơn vị để có tác động phù hợp phát huy được những mặt mạnh, hạn chế những mặt còn thiếu sót của người trí thức.
***
Khi bàn về trí thức, Lênin đã gợi cho chúng ta suy nghĩ về tầm trí tuệ của người cán bộ lãnh đạo.
Lênin nhắc nhở những người cộng sản khi đã có chính quyền và thực hiện xây dựng xã hội mới thì thật sai lầm nếu cho rằng muốn thoát khỏi dốt nát thì chỉ cần có giáo dục chủ nghĩa Mác mà không chú ý giáo dục các tri thức khác nữa. Lênin khuyên những người cộng sản phải biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những tri thức mà nhân loại đã tạo ra. Hơn nữa khi trở thành cán bộ lãnh đạo thì càng cần phải có một tầm trí tuệ. Người nói: “Người lãnh đạo cơ quan nhà nước cần phải có ở mức độ cao khả năng lôi cuốn mọi người và có đủ trình độ kiến thức khoa học kỹ thuật vững vàng kiểm tra công tác của họ. Đó là điều cơ bản. Không như thế thì công tác không thể tiến hành đúng đắn được. Mặc khác, một điều rất quan trọng là người lãnh đạo ấy phải biết quản lý về mặt hành chính và có được người giúp việc hoặc những người giúp việc xứng đáng trong công việc đó. Sự kết hợp hai phẩm chất ấy trong một con người vị tất sẽ có được và vị tất là cần thiết”.
Ý của Lênin thật rõ ràng. Không phải tất cả những người có bằng cấp cao, những trí thức đều có thể trở thành người lãnh đạo. Nhưng người lãnh đạo, nhất là ở những cương vị cao, phải có tầm tri thức cao và rộng (điều này người trí thức nói chung, những người chỉ hoạt động chuyên môn khoa học không hẳn đã có và cần có). Người cán bộ lãnh đạo thực thụ về mặt trí tuệ phải có được những kiến thức về nhân sinh quan và thế giới quan mác xít, về khoa học quản lý- dùng người, về khoa học kỹ thuật chuyên môn thuộc phạm vi ngành, đơn vị mình lãnh đạo… Nếu không như vậy sẽ không xứng đáng với danh hiệu người lãnh đạo.
Từ những quan điểm của Lênin về tri thức chúng ta có thể rút ra được những bài học cho việc xây dựng và sử dụng đội ngũ trí thức nước nhà, một yếu tố quan trọng để nâng cao tầm trí tuệ hoạt động của Đảng, Nhà nước cũng như của toàn xã hội.

 

Giống như mặt trời chói lọi, cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm Châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế.
                        Hồ Chí Minh

Phan Thanh Khôi

Tác giả

(Visited 159 times, 2 visits today)