Qui chế tuyển chọn đề tài đã phát huy hiệu quả
Câu chuyện dưới đây của Tia Sáng với Giáo sư Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, xoay quanh các vấn đề nóng của khoa học Việt Nam hiện giờ: công tác quản lý khoa học, tuyển chọn đề tài, dùng người tài và cải cách trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN)...
PV: Giáo sư đánh giá thế nào về công tác quản lý khoa học trong vòng vài năm gần đây? Cái gì được, cái gì chưa được?
Giáo sư Đặng Vũ Minh: Cái làm được thời gian vừa qua, theo tôi trước hết là qui chế tuyển chọn đề tài. Qui chế này tương đối chặt chẽ với 3 bước: nhà khoa học đề xuất đề tài nghiên cứu; thành lập Hội đồng tuyển chọn với các chuyên gia am hiểu lĩnh vực nghiên cứu đó; Hội đồng tuyển chọn người có thể thực hiện tốt nhất. Qui chế này khi thực hiện ở Viện chúng tôi thì hầu như không ai “kêu”. Tất nhiên bên cạnh việc tuyển chọn đề tài theo qui chế đó, cũng có một số đề tài trọng điểm được giao trực tiếp, xuất phát từ nhu cầu cấp bách của thực tế. Thí dụ như đề tài chế tạo Tamiflu, khi Bộ KH&CN giao thì chúng tôi thực hiện (Viện Hóa học làm), lúc đầu anh em nói là phải tới 9 tháng mới xong nhưng thực tế 3 tháng đã xong, đề tài nghiên cứu vacxin cho gà, cũng được Bộ KH&CN giao, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan khác nghiên cứu thành công trong một thời gian ngắn.
Việc nới lỏng cơ chế sử dụng kinh phí, cho phép sử dụng một phần kinh phí của đề tài nghiên cứu để trả công đi thực địa, xử lý số liệu, tiến hành thí nghiệm, viết báo cáo…, chủ trương này theo tôi hoàn toàn là đúng, giúp cán bộ khoa học có thêm thu nhập để yên tâm tập trung sức lực cho việc thực hiện đề tài. Tuy vậy, cơ chế thanh toán tài chính đối với các đề tài khoa học vẫn còn là vấn đề vướng mắc nhất hiện nay. Khi nhận đầu đề tài thì không ai có thể biết chi tiết được cái này bao nhiêu tiền, cái kia là bao nhiêu. Nhưng khi quyết toán người ta lại phải hợp thức hóa những cái không biết rõ ràng từ lúc đầu nhưng nảy sinh trong quá trình nghiên cứu. Cơ chế này vô hình trung buộc chúng ta phải “nói dối” bởi nếu không làm như vậy thì không thể có tiền để nghiên cứu, không “tiêu” được số tiền được giao. Bản thân tôi đã đề nghị xem xét lại cơ chế này nhiều lần nhưng vẫn chưa có sự điều chỉnh.
Những chủ trương, chính sách trong dự thảo đề án thành lập Doanh nghiệp KHCN của Bộ KH&CN theo tôi rất hay, đáp ứng đúng nhu cầu các nhà khoa học mong muốn thương mại hóa được sản phẩm nghiên cứu của mình. Thí dụ trong trường hợp nghiên cứu Tamiflu, hiện ta mới chiết xuất được vài gam hoạt chất chính trong phòng thí nghiệm, còn muốn làm ra sản phẩm thương mại hóa thì không gì tốt hơn là chuyển bí quyết công nghệ cho một doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Trong dự thảo Đề án sử dụng và trọng dụng người tài đang được Bộ KH&CN soạn thảo, có hai luồng ý kiến chưa đồng tình: một là việc lấy một phần tiền trong nghiên cứu chi lương cho cán bộ khoa học, hai là việc cơ quan quản lý hoạch định các đề tài nghiên cứu chứ không do các nhà khoa học đề xuất. Trường hợp cụ thể ở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là như thế nào?
Trong số các đề tài mà Viện chúng tôi đề xuất với Bộ KH&CN và đang thực hiện, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thực tế. Đặc biệt là các đề tài trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng. Thí dụ như chuyện nghiên cứu vacxin cúm gà, nghiên cứu sóng thần để có thể dự báo được trước giúp nhân dân và nhà nước bớt được thiệt hại, nghiên cứu sơn chống bẩn để sơn các cửa cống, giám định ADN để tìm hài cốt liệt sĩ…. Tôi không thể biết hết tất cả các đề tài của Bộ hoạch định nhưng những đề tài mà tôi được biết thì đa số đều rất sát với thực tế. Khi đánh giá về vấn đề này cần có những khách quan nhất định. Tuy nhiên, đối với các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản thì nên để các nhà khoa học có một tự do nhất định trong việc đề xuất, lựa chọn đề tài.
Gần đây rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải cải tổ một cách mạnh mẽ cơ chế quản lý khoa học công nghệ thì khoa học công nghệ nước nhà mới có thể “cất cánh” được. Theo ông thì có những vấn đề gì cần tiếp tục cải tổ?
Trước hết là con người và nguyên nhân của mọi vấn đề là vấn đề cán bộ. Làm sao chọn được cán bộ tốt, giỏi về chuyên môn, có đạo đức tốt, gắn bó với đất nước. Đấy là vấn đề số 1, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay có nhiều tiêu cực. Ví dụ với số tiền đầu tư chưa đến 100 triệu, nhưng với tài năng, lương tâm, trách nhiệm với nhân dân và đất nước, chỉ trong vòng 3 tháng, nhóm nghiên cứu Tamiflu của Viện đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó cũng cần nhấn mạnh tới yếu tố trang thiết bị, máy móc. Có thiết bị, máy móc tốt thì anh em có điều kiện làm việc tốt hơn, dễ dàng hơn. Cuối cùng, trong điều kiện còn thiếu thốn nhiều mặt như hiện nay cần phải có những động viên tinh thần, vật chất của lãnh đạo đối với cán bộ khoa học công nghệ.
Thực tế hiện giờ ở Việt Nam là đội ngũ người làm khoa học rất đông nhưng số làm khoa học đích thực lại không nhiều…?
Đây là một thực tế xuất hiện trong một thời gian dài vừa qua. Nhưng ở mỗi cơ quan, người lãnh đạo nào cũng biết ai thực sự làm được việc, ai không. Vậy, nên tập trung giúp những người làm được việc thực sự, làm khoa học nghiêm túc…
Vậy đối với số người không thực sự làm việc thì nên xử lý thế nào?
Tôi cho rằng chính cơ chế tuyển chọn đề tài mà Bộ KH&CN đưa ra sẽ dẫn tới việc lựa chọn được những người làm việc thực sự. Vì thế ở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng có không ít câu hỏi kiểu: “Sao Viện của chúng tôi chẳng được đề tài nào cả?”.
Với việc Hội đồng tuyển chọn được thành lập và bỏ phiếu kín thì phần lớn các đề tài theo tôi đều đã được tuyển chọn một cách chính xác. Khi bỏ phiếu kín dù anh có là Viện trưởng, Viện phó nhưng đề tài của anh không có tính khả thi, cách làm khoa học của anh không nghiêm túc thì khi ra Hội đồng người ta cũng chẳng bỏ phiếu cho anh. Tất nhiên là có thể có trường hợp chưa khách quan, chưa chính xác nhưng cứ lấy đúng 7-8 phần trên 10 thì đã tốt lắm rồi.
Xin cám ơn Giáo sư.