Quốc gia chung một niềm tin

Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ gồm nhiều dân tộc (nghe nói từ hơn 100 nước khắp 5 châu đến) khác màu da, tiếng nói, truyền thống văn hóa và nhiều thứ nữa, nhưng tất cả mọi người đều có chung một niềm tin, một khát vọng: đó là mong muốn xây dựng thành công một xã hội tự do, bình đẳng, công bằng.

Một ngày hạ tuần tháng 11 năm 1620, chiếc thuyền buồm Hoa Tháng Năm (Mayflower) chở 102 người hành hương sau 66 ngày vượt Đại Tây Dương đã cặp bến Cape Cod tại Bắc Mỹ. Đây là những người Anh theo đạo Tin Lành vì không chịu nổi sự hãm hại của Anh Giáo mà liều mình bỏ Tổ quốc trốn sang Tân lục địa để xây dựng một cuộc sống mới.

Trước khi lên bờ, khi tin rằng mình đã nằm ngoài phạm vi phán xử của bất kỳ chính phủ nào, 41 đàn ông lớn tuổi trong số 102 người đó đã nhất trí ký một thỏa thuận gọi là Công ước Hoa Tháng Năm (Mayflower Compact), được soạn thảo bởi các nhà lãnh đạo họ lựa chọn, cam kết sẽ thiết lập một cộng đồng tự quản trên nguyên tắc tự do, bình đẳng, công bằng của đạo Tin Lành. 1

Như vậy là ngay từ ngày mở nước, người Mỹ đã xác định được những nguyên tắc cơ bản phát triển quốc gia mình. Các nguyên tắc ấy mang đậm dấu ấn tín điều tôn giáo, vì thế nó tồn tại vững bền trong lòng người.

Xem xét lịch sử nước Mỹ, có thể thấy quốc gia này được hình thành theo cách khác hẳn phần còn lại của thế giới. Trong khi tất cả các quốc gia đều được thiết lập trên cơ sở những người cùng dân tộc, cùng tiếng nói, cùng truyền thống văn hóa, – gọi chung là quốc gia-dân tộc – thì nước Mỹ được thiết lập trên một nền tảng hoàn toàn khác. Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ gồm nhiều dân tộc (nghe nói từ hơn 100 nước khắp 5 châu đến) khác màu da, tiếng nói, truyền thống văn hóa và nhiều thứ nữa, nhưng tất cả mọi người đều có chung một niềm tin, một khát vọng: đó là mong muốn xây dựng thành công một xã hội tự do, bình đẳng, công bằng.

Niềm tin ấy tạo ra sự gắn kết xã hội, mối liên kết ràng buộc tất cả mọi người lại cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung. Mối liên kết ấy ngày nay được gọi là vốn xã hội (social capital). Nguồn vốn này có đặc điểm là càng khai thác thì vốn càng tăng lên, nhờ thế người Mỹ đã làm nên vô số điều kỳ diệu.

Trước hết, họ xây dựng nên một nhà nước hiện đại theo chính thể tiên tiến chưa từng có trong lịch sử nhân loại: chính thể cộng hòa dân chủ. Năm 1846 Karl Marx từng khen ngợi “Thí dụ hoàn hảo nhất về nhà nước hiện đại là nước Mỹ. Những nước như Bắc Mỹ là những nước bắt đầu ngay bằng một thời đại lịch sử đã phát triển thì sự phát triển diễn ra rất nhanh…” 2.

Đây là lý do giải thích tại sao nước Mỹ lập quốc mới được hơn 200 năm mà đã có thể vượt qua các nước tiên tiến khác, trở thành cường quốc số một và giữ vai trò dẫn đầu thế giới cho tới nay.

Ý tưởng-niềm tin ấy được xác định bởi cộng đồng những người định cư (settlers) đầu tiên; theo sử gia Samuel Huntington, đó là những nhóm người Anh theo đạo Tin Lành đến Bắc Mỹ để xây dựng một xã hội mới. Từ đó tới nay tất cả những người di cư (immigrants) đến Mỹ đều phục tùng ý tưởng cao cả này. Vì thế có người nói nước Mỹ là một quốc gia-ý tưởng hoặc quốc gia-niềm tin.

Niềm tin đó thể hiện “các nguyên tắc tự do, bình đẳng, chủ nghĩa cá nhân, chính quyền thay mặt cho nhân dân, và sở hữu tư nhân.”, “là sự sáng tạo độc đáo của văn hóa Tin Lành”, như Hungtington viết trong cuốn Who Are We? The Challenges to America’s National Identity.

Niềm tin đó trở thành ý thức hệ độc đáo của nước Mỹ; không thể gọi nó là ý thức hệ chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa tư bản. 150 năm sau, nó được nhắc tới trong Lời nói đầu (Preamble) Hiến pháp Mỹ. Năm 1917 nó lại được Thư ký Quốc hội Mỹ William Tyler Page viết thành một văn bản chẵn 100 từ, gọi là Niềm tin của người Mỹ (The American’s Creed), và được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 3/4/1918 3.

Các ý tưởng tự do, bình đẳng, công bằng và nhân đạo nêu trong văn bản ấy rất cao cả, là giá trị phổ quát của loài người, không bao giờ lỗi thời, mãi mãi là ánh đuốc soi đường và vẫy gọi người Mỹ phấn đấu tiến lên, biến các ý tưởng ấy thành hiện thực trên đất Mỹ cũng như trên toàn thế giới.

Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 cho thấy người Mỹ tin rằng: – Mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc; – Để đảm bảo thực hiện các quyền lợi ấy, chính phủ được lập ra bởi nhân dân và có những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân; – Khi chính quyền phá vỡ những mục tiêu đó thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền và lập chính quyền mới, trên nền tảng có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của dân….

Niềm tin ấy thật độc đáo, thậm chí từng bị chê là ngây thơ, vì khi đó cả thế giới còn đang chìm đắm dưới chế độ phong kiến chuyên chế. Nên nhớ là trong kho tàng Hán ngữ cực kỳ phong phú không hề có các từ tự do, dân chủ, bình đẳng… vì họ làm gì có các khái niệm ấy. Mãi đến nửa cuối thế kỷ XIX khi nước Nhật (dùng Hán tự) phiên dịch toàn bộ các trước tác của các nhà Khai sáng Âu Mỹ, các nhà trí thức Nhật mới đặt ra những từ Hán ngữ tương đương, và người Việt Nam ta cũng được thừa hưởng các khái niệm này đúng từ đúng nghĩa.

Người Mỹ tin rằng một chính quyền được lập theo các nguyên tắc nêu trên là chính quyền của dân, do dân, vì dân. Chủ ngân hàng và nhà từ thiện David Rockefeller từng nói Tôi tin rằng Chính phủ Mỹ là đầy tớ của nhân dân chứ không phải ông chủ của họ 4. Hiếm thấy người dân nước nào lại nói tốt như vậy về chính phủ mình.

Với niềm tin ấy, hầu hết dân di cư đến nước Mỹ đều ôm ấp Giấc mơ Mỹ, và trong thực tế không ít người đã tay trắng làm nên, như Michael Bloomberg, Steve Jobs hoặc chú bé da đen Farrah Gray 5. Trẻ em Mỹ được dạy: Nước này là nơi đầy những cơ hội và sự khoan dung, ai cũng có thể thành đạt và giàu có. Hai con gái của Barack Obama mới 7 và 10 tuổi đã được mẹ dạy phải phấn đấu trước 40 tuổi trở thành nghị sĩ Quốc hội! Sau khi Obama đắc cử Tổng thống, hầu hết người Mỹ gốc Phi đều nghĩ rằng nếu họ chịu khó phấn đấu thì đều có thể làm được như Obama.

Người Mỹ tin rằng nước họ không có phân biệt giai cấp; trong xã hội chỉ có một loại người là công dân, hoàn toàn bình đẳng về cơ hội nhưng không bình đẳng về kết quả, và ai cũng có quyền sở hữu tài sản (trên thực tế 70% dân Mỹ có nhà riêng). Giàu nghèo chủ yếu là kết quả phấn đấu của mỗi người. Phân biệt theo thu nhập thì xã hội Mỹ có hai thiểu số người giàu, người nghèo và một đa số trung lưu chiếm khoảng 80% số dân. Nông dân, công nhân hoặc nhà tư bản đều là công dân. Vì không có giai cấp vô sản (“người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”) nên nước Mỹ chưa từng nảy sinh phong trào cách mạng XHCN như châu Âu cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Nước Mỹ có mức độ phân hóa giàu nghèo rất rõ rệt, hiện nay tầng lớp trên cùng (upper class) chiếm 1% số dân nhưng lại sở hữu 34,6% tổng tài sản tư trong cả nước; 80% số dân sở hữu có 15%. Thế nhưng người nghèo lại không ghen tị hoặc chống lại người giàu; cả đến hành khất và thất nghiệp cũng tin rằng nếu chịu khó và biết cách phấn đấu thì sẽ giàu có. Tín đồ đạo Tin Lành cho rằng nghèo do lười là tội lỗi.

Niềm tin của nước Mỹ là chất keo gắn kết nhiều triệu người của hàng chục dân tộc khác nhau liên tục di cư đến nước Mỹ trong hơn 4 thế kỷ qua, giúp họ vượt qua mọi khác biệt vốn có, dũng cảm phấn đấu hướng tới mục tiêu định sẵn từ ngày mở nước. Nhờ toàn dân cùng có một niềm tin cao cả và bất biến nên quốc gia này giữ được nền chính trị nhất quán và thành công suốt từ ngày lập quốc tới nay, chưa bao giờ phải thay đổi Hiến pháp hoặc lật đổ chính phủ, dù đã có 44 đời Tổng thống được bầu lên.

Niềm tin đó làm cho nước Mỹ có một dạng sức mạnh mềm quý giá hiếm thấy, khiến nước này luôn đứng đầu danh sách quốc gia thu hút nhiều dân di cư từ các nước khác đến. Một học giả Trung Quốc nhận xét: Nước Mỹ có một sức mạnh vĩ đại về tinh thần và đạo đức, là quốc gia do nhiều triệu con người không yêu Tổ quốc mình họp thành nhưng họ đều rất yêu nước Mỹ 6.
—————————-
Ghi chú
1 http://score.rims.k12.ca.us/score_lessons/symbols_freedom/pages/mayflower.html
2 Tuyển tập Mác-Ăng-ghen tiếng Việt, tập I, tr. 364
3 http://www.usflag.org/american.creed.html
4 http://www.brainyquote.com/quotes/authors/d/david_ rockefeller.html#ixzz1dMafNJNW
5 http://dantri.com.vn/c25/s135-319588/chu-be-tro-thanh-trieu-phu-bat-dau-tu-tinh-thuong-me.htm
6 http://tuanvietnam.net/2010-08-15-niem-tin-va-dao-duc.

Tác giả