Quốc tế hóa quá trình quản lý khoa học

Hiện nay nhiều nhà khoa học trẻ (trên dưới 40) trong và ngoài nước, hiện đang nghiên cứu khoa học rất tích cực ủng hộ đòi hỏi phải có yếu tố “công bố quốc tế” trong việc đánh giá các đề tài khoa học.

Theo ý kiến riêng của tôi vấn đề này cần phải đặt ra không chỉ trong nghiên cứu mà cả trong quản lý khoa học.
Việc giải quyết độc lập một trong bốn vấn đề trên chẳng hạn như đòi hỏi các nhà khoa học phải có công bố quốc tế sẽ không thể tháo gỡ được vòng luẩn quẩn này. Không có công bố quốc tế chỉ là phần ngọn của thực trạng nghiên cứu kém chất lượng. Nếu Nhà nước có tăng kinh phí nghiên cứu khoa học lên gấp hai gấp ba nhưng không có cải tiến trong quá trình phân bổ kinh phí khoa học thì cũng không thể tăng chất lượng nghiên cứu khoa học được. Vì một trong những lý do khiến chất lượng nghiên cứu kém là do không có động lực nghiên cứu (chỉ cần chạy chọt để có đề tài, rồi chạy chọt để nghiệm thu được). Vân vân và vân vân…
Để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học nước nhà chúng ta phải giải quyết đồng thời cả bốn vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, theo tôi, trong tình hình hiện nay việc đổi mới tư duy quản lý khoa học là quan trọng nhất. Có thể so sánh tư duy quản lý khoa học với cách ra đề thi tốt nghiệp cho học sinh phổ thông. Bộ ra đề thế nào học sinh sẽ học thế ấy, đề cơ bản – học cơ bản, đề tủ – học tủ, đề trắc nghiệm – học trắc nghiệm. (Câu cửa miệng về của mọi nhà khoa học về chuyện học là “phải học cơ bản”, vậy mà không hiểu sao chủ trương thi cơ bản của bộ mới được vài năm nay lại thay bằng thi trắc nghiệm). Theo tôi bao gồm những việc sau:
1. Quốc tế hóa quá trình quản lý khoa học. Cụ thể là trong việc phân bổ kinh phí, nghiệm thu đề tài. Thực trạng khoa học của chúng ta hiện nay là thấp và rải rác. Nếu ví khoa học thế giới như một cái cây thì khoa học của chúng ta không có cành, chỉ có một số những cái lá. Chúng ta không có những chuyên gia có hiểu biết rộng, tầm nhìn bao quát. Mỗi cán bộ nghiên cứu, hoặc một nhóm nhỏ các cán bộ nghiên cứu, thường nghiên cứu một chuyên ngành khá hẹp, độc lập với các nhà khoa học khác. Hệ quả là trong các hội thảo khoa học thường anh nói anh nghe, tôi nói tôi nghe.

Khoa học Việt Nam đang nằm trong vòng xoay luẩn quẩn quanh bốn vấn đề sau:
nghiên cứu khoa học -> công bố khoa học -> đánh giá khoa học -> kinh phí khoa học. Cụ thể hơn thực trạng hiện nay ở ta là: nghiên cứu kém chất lượng do không có động lực và kinh phí, dẫn đến công bố khoa học kém, do đó đánh giá khoa học phải giả tạo, dẫn đến phân bổ kinh phí khoa học không công bằng, hệ quả là không có động lực và kinh phí để nghiên cứu.
BOX: Để nâng cao chất lượng của các “hội đồng xét duyệt” không có cách nào khác là quốc tế hóa chúng, bước đầu là mời các phản biện nước ngoài và tiến tới là mời cả các chuyên gia nước ngoài tham gia hội đồng.

Chính vì thực trạng yếu kém và tản mạn của khoa học như vậy nên việc đánh giá chất lượng các đề tài nghiên cứu là hết sức khó khăn, thường chỉ dựa vào số lượng công trình, nếu có nâng lên một “tầm cao mới” thì cũng chỉ có thể là thêm vào yếu tố “công bố quốc tế”. Thông lệ trong nghiên cứu khoa học ngày nay, khi đánh giá một công trình hay tính khả thi một đề án người ta phải mời những chuyên gia với chuyên môn rất ngần với hướng của công trình, đề tài đó đánh giá. Thông thường những đánh giá của những chuyên gia đó mang tính chất quyết định, các hội đồng được lập ra phần nhiều mang tính hành chính. Đóng góp quan trọng của hội đồng chính là tìm được các chuyên gia thích hợp cho công trình hay đề án mà mình đang xét. Ngược với các hội đồng thường mang tính “địa phương”, khái niệm chuyên gia là “toàn cục”, trong đó không có yếu tố địa lý. Một chuyên gia giỏitrong một ngành nào đó có thể từ Mĩ hay từ Iran.
2. Quốc tế hóa nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu khoa học, trừ những hoạt động mang tình quân sự, quốc phòng, là những hoạt động không biên giới. Khoa học thế giới phát triển như vũ bão trong thế kỷ qua chính là nhờ tính mở của khoa học. Ngay cả trong thời kỳ chiến tranh lạnh, ấn phẩm khoa học của Liên Xô vẫn được dịch ở Mĩ và ngược lại. Tôi không đồng tình với một số ý kiến thiên về tính nội lực của khoa học Việt Nam, phân biệt công trình nào là 100% nội lực, công trình nào có cả “ngoại lực”. Tại sao lại có thể khẳng định là đóng góp của tôi trong một bài báo cùng một tác giả khá là ít hơn chỉ vì tôi đến từ một nước lạc hậu hơn. Tôi cho rằng để có thể nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, không có cách nào khác là phải khuyến khích hợp tác quốc tế, thậm chí phải thưởng cho các công trình mang tính quốc tế.
“Yếu tố quốc tế”  trong nghiên cứu khoa học bao hàm một nội dung rộng hơn “hợp tác quốc tế”.  Một nghiên cứu khoa học sẽ không có ý nghĩa nếu nó không được cộng đồng khoa học quan tâm. Nói một cách đơn giản, nếu công trình của anh đăng lên không được ai quan tâm thì đó là một công trình không có ý nghĩa (cho khoa học). Giá trị thật sự một bài báo cuối cùng nằm ở sự quan tâm của cộng đồng khoa học tới nó chứ không phải nó được đăng ở tạp chí nào. Nói cách khác, chính các bài báo xác định chất lượng tạp chí. Yếu tố quốc tế trong một nghiên cứu khoa học nằm ở chỗ nghiên cứu đó có được quốc tế quan tâm không, quốc tế ở đây bao hàm cả trong nước và ngoài nước. Như vậy phải khuyến khích những đề tài khoa học thuộc những lĩnh vực được nhiều người trên thế giới  quan tâm. Cái giá phải trả đối với các nhà khoa học ở đây tất nhiên là tính cạnh tranh sẽ cao, số lượng bài báo, công trình sẽ ít. Như vậy để có thể tăng yếu tố quốc tế trong nghiên cứu khoa học, vai trò của quản lý khoa học là rất quan trọng. Hội đồng nghiệm thu, xét duyệt phải có khả năng thực sự trong viện nghiệm thu các đề tài dựa trên chất lượng chứ không phải chỉ dựa trên số lượng công trình được công bố xuất bản.
Một khi các “hội đồng xét duyệt” có đủ khả năng kiểm định chất lượng công trình chứ không phải chỉ làm công tác “thống kê” thì yếu tố quốc tế trong việc đăng công trình không phải là hết sức quan trọng nữa.
3. Quốc tế hóa các tạp chí trong nước. Một tiêu chí cho một nền khoa học mạnh chính là những tạp chí khoa học tốt. Liên Xô trong thời kỳ mới thành lập đẵ từng cấm các nhà khoa học gửi công trình ra nước ngoài. Ngày nay với xu hướng hội nhập, việc cấm như vậy đã lỗi thời. Tuy nhiên nếu chúng ta khuyến khích các nhà khoa học gửi công trình của mình ra nước ngoài vô hình trung chúng ta đã làm yếu đi chất lượng các tạp chí trong nước.
Một nhà khoa học đăng công trình của mình trên một tạp chí quốc tế có uy tín không phải chỉ để dùng nó đăng ký đề tài. Quan trọng hơn cả đối với một nhà khoa học là muốn khẳng định mình. Thứ nữa là nhu cầu “công bố quốc tế” để thông báo với các đồng nghiệp khác. Một tạp chí tốt là một tạp chí có nhiều người đọc, và vì thế có thể dễ dàng tìm đọc được (vì được nhiều nơi đặt mua). Tình trạng tạp chí của Việt Nam hiện nay không chỉ là không có ai đọc mà còn là nếu muốn đọc cũng không tìm ra được. Vì thế việc quốc tế hóa các tạp chí của Việt nam bao gồm những việc sau:
a) quốc tế hóa ban biên tập cũng như cách làm việc của ban biên tập để nâng cao chất lượng tạp chí.
b) quốc tế hóa tạp chí theo nghĩa đưa lên mạng, trao đổi với các cơ sở khoa học khác.
c) khuyến khích các nhà khoa học trong nước đăng bài ở các tạp chí trong nước (với ban biên tập quốc tế).
Hiện nay có nhiều nhà khoa học Việt kiều có tâm huyết, có thể đảm nhận vai trò biên tập viên quốc tế cho các tạp chí trong nước.
4. Chiến lược đầu tư hợp lý. Cùng với giải pháp quốc tế hóa trong các quá trình quản lý, nghiên cứu và công bố khoa học, vấn đề còn lại là kinh phí khoa học.
Các cụ nhà ta có câu “có thực mới vực được đạo”. Điều đó hoàn toàn đúng trong đối với nghiên cứu khoa học ngày nay. Không có kinh phí khoa học sẽ không hoạt động được, ngay cả trong những ngành cần ít kinh phí nhất như Toán học. Để có được một nền khoa học ngang tầm khu vực không có cách nào khác, chúng ta phải bỏ ra khoản kinh phí như các nước trong khu vực. Chúng ta thường hay nói với nhau rằng người Việt nam thông mình, cần cù…Tuy nhiên chưa có một nghiên cứu nào trên thế giới chứng minh được rằng người Việt nam thông minh hơn các dân tộc khác trong khu vực. Thực tế khoa học Việt nam thì rõ ràng đang chứng minh điều ngược lại. Ngay cả trong “lĩnh vực” và chúng ta thường tự hào là “thi học sinh giỏi Toán quốc tế” thì Thái lan cũng đang bám sát chúng ta. (Nếu theo dõi trong mấy năm gần đây thì có thể thấy ngay cả trong “lĩnh vực” này chúng ta cũng đang đi xuống (không kể kết quả sân nhà năm 2007) còn Thái lan thì đang đi lên).
Tóm lại chúng ta không thể duy ý chí trong nghiên cứu khoa học được. Muốn có những công trình ở tầm quốc tế, bất kể là Toán hay Sinh vật, thì kinh phí cho nó cũng phải ở tầm quốc tế. Khi mà một GS ở một trường đại học hay một viện nghiên cứu nói chung chưa có phòng làm việc riêng, chưa kể tất cả các đòi hỏi khác cho công tác nghiên cứu, thì không thể đòi hỏi họ cho ra công trình chất lượng quốc tế được. Cái khó của chúng ta là nguồn kinh phí có hạn. Nhưng chúng ta cũng tự làm khó mình với cách đầu tư dàn trải và không hiệu quả, với tình trạng chạy chọt trong việc phân chia kinh phí. Như vậy song song với việc cải tổ quá trình xét duyệt và phân chia kinh phí, chọn ra được những đề tài được sự quan tâm cao của cộng đồng khoa học, được thực hiện bởi những nhà khoa học thực sự có khả năng, thì Nhà nước phải có chiến lược đầu tư hợp lý.
—————-
*Viện Toán học và ĐHTH Duisburg-Essen.

PGS.Phùng Hồ Hải*

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)